Đảo Ngọc Vừng (thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cách cảng tàu du lịch Hạ Long gần 50 km. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì tương truyền, khu vực này xưa kia có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời.
Nơi đây phong cảnh hữu tình, rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xã đảo Ngọc Vừng có gần 14km chiều dài bờ biển, trong đó khoảng 3km là bãi cát trắng, nông, thoải, đẹp và mịn, hiện đã được quy hoạch làm khu du lịch trên đảo. Ven bờ là rừng phi lao đã vài năm tuổi, xanh ngăn ngắt.
Nếu đạp xe thong dong trên con đường trải bê tông uốn lượn theo đường cong duyên dáng của đảo Ngọc Vừng, du khách sẽ thấy một bên là rừng phi lao vi vút, còn một bên là biển trời xanh mát mắt điểm xuyết vài bóng thuyền chài dong cánh buồm nâu.
Ở những khúc quanh, xóm chài san sát những mái ngói đỏ xen lẫn ngói xi măng xám hiện ra. Hòn đảo xa xôi giữa biển, người nông dân vẫn có thể trồng lúa nước.
Những thửa ruộng lúa mơn mởn đang thì con gái khiến bạn có cảm giác thân quen như đang giữa đồng quê mình.
Với dân số chỉ hơn 1.000 người, cư dân trên đảo là một đại gia đình. Nhà ở không cần khóa cửa, ở đây không có khái niệm bị mất cắp. Không gian ấm cúng tràn ngập tiếng cười con trẻ, lao xao tiếng các bà các chị giục nhau phơi lạc, phơi đỗ dọc đường.
Người dân ban đầu khá dè dặt với khách du lịch, nhưng chỉ sau vài câu chuyện qua lại, bạn sẽ dễ dàng được mời về nhà dùng cơm hay dẫn đi thăm các nơi có cảnh đẹp.
Ngọc Vừng có 2 hòn đảo nằm cách trung tâm xã khoảng 10km; đó là đảo Hòn Nứt (diện tích 157 ha) và đảo Phượng Hoàng (diện tích 582 ha). Hai hòn đảo này đều còn khá hoang sơ vì chưa có người dân đến định cư, ngoại trừ một số hộ đến tạm trú làm nghề khai thác cá và sứa.
Ngoài lĩnh vực du lịch, bờ biển Ngọc Vừng còn đem lại cho xã đảo những nguồn lợi kinh tế rất phong phú như nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nghề cá v.v...
Nghề nuôi trai lấy ngọc ở đây đang phát triển mạnh. Trên đảo có di chỉ bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng Vân Ðồn từ thế kỷ XI, di tích thành nhà Mạc, nhà Nguyễn. Không chỉ những di tích người cổ xưa còn sót lại mà cả cuộc sống hiện tại trên đảo cũng đều mang nét thú vị. Trong tương lai, Ngọc Vừng sẽ được Bảo tàng Sinh thái Hạ Long chọn làm khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ngoài trời.
Bãi tắm Ngọc Vừng điệu đà uốn mình như một vành trăng khuyết trải dài gần 3km. Biển và trời xanh ngăn ngắt, những con sóng trắng xóa đuổi nhau xô bờ cát trắng mịn lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ. Bãi tắm sạch đẹp, hoang sơ đến nao lòng. Khách sẽ độc quyền tận hưởng sự bao la của đất, trời, rừng, biển.
Quãng đường 5km trở nên thật ngắn, bởi con đường quá hoàn hảo, thiên nhiên quá tươi đẹp và con người vô cùng thân thiện. Chỉ có mình bạn giữa bao la đất trời và đơn giản là thong dong theo những vòng xe.
Tổng hợp từ Lao động, Labatluong, Vietnamculture
Cũng nằm trong tuyến du lịch mới của thành phố Hạ Long là 2 hòn đảo Quan Lạn, Minh Châu. Nằm ở vành ngoài của biên giới vịnh Hạ Long, cách đất liền tới gần 50 km, Quan Lạn là một làng cổ, từ xa xưa đã có thiết chế đầy đủ giống như một làng điển hình ở đồng bằng Bắc bộ. Đến đây vào dịp hội làng, bạn được chứng kiến hội bơi chải diễn ra ngày 18/6 âm lịch với cách thức chơi có từ xa xưa và hoàn toàn khác trong đất liền. Hội diễn tả lại cuộc thuỷ chiến chống quân xâm lược do Thành hoàng làng Trần Khánh Dư, võ tướng đời Trần chỉ huy, khiến du khách ngỡ ngàng và thích thú.
Cũng ở khu vực đảo này, các nhà khảo cổ học đã tìm ra được những bến thuyền cổ thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn, có từ thời Lý, cách nay ngót một ngàn năm. Đây đó vẫn sót lại những những đồng tiên cổ, các mảnh bát, đĩa, gạch ngói.
Quan Lạn có bãi biển ẩn mình sau một rừng phi lao xanh, bãi Đầu Núi, đang được Công ty công nghệ Việt Mỹ khai thác, rất thích hợp cho tắm biển và nghỉ ngơi cuối tuần. Giữa Quan Lạn và Minh Châu là một vùng cát trắng lớn, duy nhất ở Việt Nam. Mỗi khách du lịch qua đây đều gói chút cát về làm kỷ niệm.
Tuyến du lịch Hạ Long - đảo Ngọc Vừng - đảo Quan Lạn, Minh Châu đi dọc qua vô số những cảnh đẹp của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Tuyến này lại có thể đi dài ngày nên du khách có thể nghỉ đêm trên đảo, ở cùng với dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét