Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Những "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm (2)

Tôi hỏi: "Đã có khi nào xảy ra chuyện gì chưa bác?". Ông Sáu Ánh, đáp: "Vợ chồng tui thường xuyên dặn dò những đứa con, là nếu có kẻ xấu vào đảo, thì tụi nó biết phải chạy theo đường nào hoặc chèo ghe đi đâu. Cũng may là không xảy ra chuyện gì"...

1. Cuộc sống cứ thế trôi qua cùng sóng gió. Hòn Nồm lúc ấy đã có màu xanh của  hơn 200 gốc dừa, rồi mít, xoài, khoai mì, đậu phụng, bắp. Ông Sáu Ánh kể: "Ba tôi còn trồng lúa. Đó là giống lúa "nàng Cum", trồng tháng 4, tháng 10 thu hoạch, mỗi sào được chừng 10 giạ, đủ ăn". Cá, tôm, mực lúc ấy nhiều lắm. Cứ mỗi đêm đi biển, dù chỉ bằng những ngư cụ đơn sơ nhưng cũng kiếm được cả trăm ký. Nhất là loại cá "xanh xương" (còn có tên khác là "cá nhái"), loại cá theo gia đình ông đến mãi bây giờ. Nó dài như cá hố, nhưng mập tròn và khi xẻ thịt ra, xương cá có màu xanh lấp lánh.

Theo lời cô Dương Ngọc Hồng, người con gái thứ tư của vợ chồng ông Sáu Ánh, trước kia cá xanh xương thường nặng từ 4 đến 5kg nhưng sau này, do đánh bắt tràn lan, cá lớn không kịp nên chỉ còn khoảng 1 hoặc 2kg. Vẫn theo cô Hồng, cá xanh xương sống cạnh những ghềnh đá, rạn san hô. Khi đánh bắt, ngư dân dùng lưới bao quanh rồi lấy mái chèo đập liên tục trên mặt nước để cá sợ, lao vào lưới. Cá có quanh năm, nhưng nhiều nhất là từ  tháng 2 đến tháng 6. Bà Sáu Ánh cho biết: "Nhà tôi có đầu mối tiêu thụ ở Tri Tôn, An Giang. Cứ 2 hoặc 2,2kg cá tươi xẻ ra, phơi được 1kg cá khô, mỗi kg cá khô họ mua  37 nghìn đồng".

Rồi đứa con gái đầu tiên chào đời, được vợ chồng ông Sáu Ánh đặt tên là Dương Ngọc Thắm. Lúc vợ chuyển bụng, ông Sáu Ánh chạy ghe sang Hòn Lớn, rước bà mụ về đỡ. Lên 7 tuổi, Thắm đã theo cha đi thẻ mực, bắt cá xanh xương. Được cha truyền cho kinh nghiệm, mới 15 tuổi Thắm đã như một "lão ngư tri hải". Chỉ cần nhìn trời, nhìn mây, nghe tiếng "đá nổ", cô có thể biết ngay khi nào trời nổi gió, khi nào biển động. Cô nói: "Bình thường, lúc lặn xuống để bắt sò điệp, bào ngư, và nếu đáy biển có đá mà thấy êm ru thì thời tiết vẫn tốt, ít nhất là cả tuần. Nhưng nếu áp tai xuống đá, và nghe đá phát ra những âm thanh răng rắc - gọi là đá nổ - thì chỉ vài ba ngày sau, sóng to gió lớn sẽ xuất hiện".

Cũng giỏi như cô chị, cô em thứ tư là Dương Ngọc Hồng, nói: "Ban ngày nhìn trời, thấy mây đen đóng cục là sắp mưa, gió thổi xé mây là biết gió từ cấp 5 trở lên. Mây nằm nhưng gió thổi mạnh là sắp có giông. Ban đêm, nhìn sao Bắc Đẩu ở phía bắc, sao Chữ Thập ở phía nam, nếu sao nhấp nháy thì chỉ 1, 2 bữa sau là có gió. Còn sao sáng êm thì trời biển yên lành". Vì có kinh nghiệm nên nhiều chuyến các cô cho ghe đi xa, xuống tận đảo Thổ Chu, Hòn Chuối... Mỗi chuyến đi kéo dài 10 ngày, kiếm vài trăm ký cá xanh xương là chuyện thường.

Cuộc sống của gia đình "Rôbinsơn" trên đảo Hòn Nồm sôi động hẳn lên khi có thêm đứa con gái thứ hai, và lần này cũng do bà mụ vườn từ Hòn Lớn sang đỡ. Một hôm, có đoàn khách ghé thăm đảo. Trời xui đất khiến thế nào mà trong đoàn lại có Giáo sư bác sĩ Phạm Biểu Tâm, trước ngày giải phóng là Khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn rồi sau đó là Phó trưởng khoa Y, Đại học Y Dược Tp HCM. Nhìn thấy hai đứa con gái nước da đen dòn nhưng xinh đẹp, khỏe mạnh, Giáo sư Tâm hỏi ông Sáu Ánh rằng chuyện sinh đẻ đã xảy ra như thế nào.

Chừng nghe ông Sáu Ánh kể, Giáo sư Phạm Biểu Tâm bỏ ra gần hai tiếng, giảng giải cặn kẽ cho ông về cách... đỡ đẻ, cách cắt rốn, cách nhận biết bánh nhau đã bong ra hết chưa, lúc nào thì có thể đỡ tại nhà và lúc nào thì cần phải chuyển đi bệnh viện. Tôi hỏi ông Sáu Ánh: "Trong số tất cả những người con của bác, có người nào bác đỡ ở nhà không?". Ông cười: "Có chứ. Có 2 đứa. Cả 2 đứa đều do vợ tôi chuyển dạ đột ngột quá. Nhớ lại lời chỉ dẫn của thầy Tâm, tôi xắn tay làm luôn. Nhờ trời, mẹ tròn con vuông, cả hai đều mạnh khỏe".

Đến năm 1982, vợ chồng ông Sáu Ánh đã cho ra đời 5 cô con gái, cô nào cô nấy đều  ngoan ngoãn và chịu khó làm việc. Người này nối tiếp người kia, cứ lên 7 hoặc 8 tuổi, các cô lại theo cha đi biển, làm rẫy. Nghề dạy nghề, dần dà cô nào cũng rành biển cả, biết chỗ sâu, chỗ cạn, biết bãi đá ngầm, biết rạn san hô, biết đoán luồng cá, luồng mực. Trên bờ, các cô cuốc đất, lên luống trồng rau, trồng bắp, xạ lúa, còn máy móc ghe thuyền thì khỏi nói. Hễ trục trặc, hư hỏng, các cô xúm vô sửa liền. Giữa đảo hoang, chỗ có người ở gần nhất cũng phải mất nửa giờ đi ghe máy, còn chèo tay thì cả tiếng đồng hồ, nên vợ chồng ông Sáu Ánh rất lo lắng cho sự an toàn của 5 đứa con. Ông nói: "Dân Hòn Lớn, Hòn Ngang đều là chỗ quen biết nên không sợ. Chỉ sợ ghe ở những nơi khác, nửa đêm họ lén lút vào đảo, làm chuyện không hay".

Tôi hỏi: "Đã có khi nào xảy ra chuyện gì chưa bác?". Ông Sáu Ánh, đáp: "Vợ chồng tui thường xuyên dặn dò những đứa con, là nếu có kẻ xấu vào đảo, thì tụi nó biết phải chạy theo đường nào hoặc chèo ghe đi đâu. Cũng may là không xảy ra chuyện gì". Trước giải phóng, tàu chiến của hải quân, quân đội Sài Gòn thỉnh thoảng tạt ngang, dòm ngó một chút rồi đi luôn. Sau giải phóng, chính quyền, công an, biên phòng xã Nam Du vẫn thường xuyên ghé thăm gia đình ông Sáu Ánh.

Anh Lê Quốc Lịnh, Trưởng Công an xã, nói: "Cũng như gia đình bác Sáu Ánh, đại đa số người dân ở xã Nam Du đều chấp hành tốt pháp luật, thỉnh thoảng mới xảy ra vài vụ trộm cắp, uống rượu say quậy phá, gây rối, nhưng phần lớn đều do người từ nơi khác đến, còn nghiện hút thì tuyệt nhiên không". Nghe kể rằng mấy năm trước, vào mùa gió Nam, khi thuyền ghe từ các nơi đổ về thì một số "chị em ta" cũng tìm đến "hành nghề". Tuy nhiên, Hòn Ngang nhỏ như lòng bàn tay, ai cũng biết mặt nhau nên chỉ được vài bữa, số chị em này tự động khăn gói biến mất, khỏi đuổi, khỏi bắt! Anh Lịnh nói tiếp: "Xã có 3 ấp, mà lực lượng Công an xã chỉ có 6 người nên chia ra, cứ 2 người phụ trách một ấp. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của Bộ đội Biên phòng nên tình hình an ninh trật tự trong xã luôn được bảo đảm". Đảo

Nghĩ cũng lạ, cả 5 cô con gái nhà ông Sáu Ánh, chưa bao giờ biết làm đẹp bằng phấn son, bằng quần áo thời trang nhưng nhìn ai cũng duyên dáng, dẫu rằng dân biển đã có câu "nám má với cá xanh xương". Có lẽ các cô thừa hưởng được cái gien của mẹ. Tôi hỏi ông Sáu Ánh: "Chắc ngày xưa bác gái đẹp lắm?". Ông cười, không trả lời nhưng nhìn bà Sáu, dù tuổi đã trên 60, mà nét mặt vẫn còn đẹp (người ta ví von là đẹp lão). Quê bà ở Nha Mân, Đồng Tháp, nơi có câu vè nổi tiếng: "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân".

Nghe dân Hòn Ngang, Hòn Lớn kể, rằng đã từng có những anh chàng con nhà giàu, học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định, đến xin cưới nhưng các cô đều từ chối mà lý do duy nhất, là các cô sợ phải xa Hòn Nồm. Vì thế sau này, chồng của 4 cô - từ cô Thắm đến cô Hồng, đều ở rể. Bà Sáu Ánh, nhớ lại: "Ngày con Thắm tổ chức hôn lễ, ở đảo không xe hoa, không thiệp mời, không áo cưới, chồng nó cũng là dân "nước mặn hà ăn".

Khi mang thai đứa con đầu lòng và khi chuyển dạ thì cũng là lúc ba cô không có nhà. Từ Hòn Nồm qua trạm y tế ở Hòn Lớn gần 10km. Đường thì xa mà cơn đau càng lúc càng tăng. Chồng cô chèo đến đuối sức nhưng vẫn không kịp. Cuối cùng, đứa trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời giữa đại dương mênh mông. Nước biển mặn mòi đã tắm rửa cho nó: "Rôbinsơn" thế hệ thứ ba trên đảo Hòn Nồm.

2. Cũng trong năm 1982, ông Dương Văn Kiều già yếu, rồi qua đời. Trước lúc lâm chung, ông gọi con, cháu lại. Ông muốn tất cả phải hứa với ông rằng không được bỏ bê mảnh đất mà ông đã cực nhọc khai phá với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Ông muốn con cháu phải cùng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Ông Sáu Ánh nói: "Sau đó, đến lượt mẹ tôi mất. Cả hai ông bà đều được chôn cất ở Hòn Nồm".

Năm 1987, tai họa ập xuống với ông Sáu Ánh. Nguyên ông có một đứa con nuôi tên Thi, là y sĩ ở Trạm Y tế xã An Sơn, rất mê lặn biển. Bữa đó, ông và Thi chạy ghe ra Phú Quốc để lặn mò sò điệp.  Dụng cụ lặn gồm 1 bình hơi nén - loại bình thường thấy ở những điểm vá vỏ ruột xe cùng mấy đường ống thở bằng nhựa, nối trực tiếp vào bình. Ông Sáu Ánh kể: "Tôi và thằng Thi lặn sâu xuống gần 60 mét. Vì ống thở không đủ dài nên tôi dùng ống đồng, nối ba đoạn lại với nhau". Đang lặn, anh Thi thấy thiếu không khí - mà nguyên nhân là một đoạn nối bị xoắn, tắc, nên anh  trồi lên trước, bỏ lại dưới đáy biển cây vợt lưới đựng sò điệp. Ông Sáu Ánh, kể tiếp: "Lên ghe, thằng Thi giựt ống thở, ra hiệu cho tôi lên. Tuy nhiên, vì tiếc cái vợt lưới của nó, nên tôi ráng bò tới lấy".

Lên được trên ghe, ông Sáu Ánh thấy người vẫn bình thường. Nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng, nhìn trời vẫn còn sớm, ông Sáu Ánh lại lặn tiếp. Tuy nhiên lần này, khi mới vừa xuống đến độ sâu 30 mét thì ngực ông đau rát. Chịu không nổi, ông ngoi lên. Biết cha nuôi bị tai biến do áp lực độ sâu, anh Thi vội vã cho ghe chạy thẳng vào xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc trong lúc cơn đau dữ dội từ ngực ông lan dần xuống các khớp đầu gối, khớp bàn chân rồi nó tê dần lên. Sau đó từ đùi trở xuống, mất cảm giác hoàn toàn. Mọi biện pháp cứu chữa cho ông - cả Tây y lẫn Đông y, thậm chí cả những bài thuốc dân gian như rang muối chườm vào, cũng vô hiệu. Bây giờ, mặc dù đã phục hồi được 70%, nhưng ông đi đứng vẫn rất khó khăn, và từ đùi trở xuống vẫn mất cảm giác.

Ông bà đã có tất cả 9 người con, 6 gái, 3 trai. Ông nói: "Điều ân hận nhất của tôi là 5 đứa con gái đầu, tôi chỉ dạy cho tụi nó biết đọc biết viết nên vì vậy, các cháu ngoại tôi sau này, tôi đều bắt phải đi học". Riêng cô thứ 6 tên Dương Ngọc Nhuận, học hết lớp 12, lấy chồng là bác sĩ, làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, còn người con trai thứ 7 tên Dương Ngọc Trung, sau khi tốt nghiệp đại học ngành tin học thì gia nhập Lực lượng Công an và hiện công tác tại Công an huyện Kiên Hải.

Ngồi nhẩm đếm ngón tay, ông nói: "Ở chung với vợ chồng tôi tại Hòn Nồm có 4 đứa. Ở Rạch Giá 2 đứa, ở Hòn Ngang 2 đứa còn 1 đứa ở Hòn Mấu. Nếu tính tổng cộng cả con lẫn cháu là 26 người". Sau khi ông bị tai biến trong lần lặn mò sò điệp, cô Dương Ngọc Thắm cùng chồng và cô thứ ba là Dương Ngọc Mỹ, thay ông trông coi đất đai, nhà cửa. Việc biển cả thì do vợ chồng cô Dương Ngọc Hồng cùng cô thứ 5 là Dương Ngọc Loan, đảm trách. Cô Hồng nói: "Tụi cháu vẫn đánh cá xanh xương, mỗi ngày bình quân được khoảng 30kg".

3. Đảo hoang bây giờ đã có 4 căn nhà, là nhà riêng của từng người và đã có máy phát điện. Hai chiếc ghe chuyên đi đánh cá xanh xương cũng đã được trang bị máy nổ chứ không còn phải chèo tay hay giăng buồm. Bên bình trà, là trà thật chứ không phải lá bàng nướng lên cho thơm như ngày xưa, tôi nghe cô Dương Hồng Thắm kể về cơn bão số 5. Đó là ngày 3/11/1997, chồng cô là anh Tô Văn Vũ, cùng cậu con trai tên Trúc 9 tuổi ra khơi thả lưới.

Cô kể: "Mấy bữa trước, nhìn trời cháu đã biết là sắp có bão, nhưng không ngờ nó ập đến nhanh quá". Cả đêm hôm ấy, cô thức trắng chờ đợi mà chồng con thì vẫn biệt tăm. Trời vừa hửng sáng, cô lên ghe, lao ra biển, đối mặt với những con sóng cao gần chục mét. Cuối cùng, cô tìm thấy cả chồng lẫn con, gần như lả đi vì trận bão kinh hồn. Tôi hỏi: "Nếu bây giờ cho cháu trẻ lại, thì cháu sẽ chọn ở đảo hay vào bờ?". Cô cười: "Ở đảo quen rồi, vào bờ không quen, chắc sống không nổi".

Trời đã sẩm tối, vầng thái dương đã khuất và nước biển cũng đã chuyển sang màu tím thẫm. Gọi bà Sáu đem ra chai rượu nhỏ, ông Sáu Ánh giục cô Hồng nướng mấy con cá xanh xương đãi tôi. Thịt cá trắng và dai như thịt gà, chấm với nước mắm me ăn kèm lá đinh lăng, ngon tuyệt. Thấy tôi thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ, ông nói: "Lâu lâu có lần ra hòn, chú ở lại chơi với tôi đêm nay. Mai sáng tôi nói mấy đứa nhỏ lấy ghe đưa chú về".

Tôi cười, cảm ơn ông Sáu vì tôi đã có hẹn làm việc với anh Lịnh, Trưởng Công an xã. Tiễn tôi ra sát mép nước, ông đứng đó nhìn theo. Một lát, từ trên ghe, tôi thấy "Rôbinsơn" chỉ còn là một chấm nhỏ giữa sóng nước mịt mù...

Phần 1

Du lịch, GO! - Theo Anninh Thegioi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét