Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Người Chăm với lễ hội Pô Nai

Thờ cúng nữ thần Pô Nai trên núi Chà Bang, hằng năm nhân dân Chăm vùng phía Nam huyện Ninh Phước hành hương lên tận đỉnh núi để làm lễ cúng, hát múa và cầu nguyện nữ thần phò hộ và ban những điều tốt lành cho cuộc sống. Địa điểm hành lễ tận đỉnh núi cao hoang vu là đặc điểm không giống với một lễ cúng nào khác của người Chăm.

Núi Chà Bang thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, (cách Phan Rang 25 km về phía Nam Đông Nam). Từ xa nhìn núi chia thành hai nhánh nên người Chăm gọi là Chơk Chabbang, nghĩa là núi hai nhánh. Độ cao của núi 439m. Đứng trên đỉnh núi có thể thấy rõ biển theo vệt dài từ bãi Cà Ná đến vịnh Phan Rang, thấy dãy núi và đèo Ngoạn Mục đi Đà Lạt.

Theo truyền thuyết của người Chăm, Pô Nai là con gái đầu trong ba chị em gái con của Thượng đế Anưk Dêbita, được phái xuống trần gian để cứu nhân độ thế. Ba vị này được người Chăm thờ như vị thần Hộ mệnh.

Pô Nai tên là Nai Tang Ya Bia Atapah. Vì tình yêu dang dở với chàng dũng sĩ người Raglai tên là Kay Kamao, Pô Nai đến núi Chà Bang tu hành và đắc đạo ở núi này. Truyền thuyết còn kể rằng: khi Pô Nai lên núi Chà Bang tu hành, dũng sĩ Kay Kamao dùng nỏ thần bắn tên làm núi đá nứt làm đôi thành hai nhánh nên núi có tên gọi là Chà Bang.

Tại nơi thờ Pô Nai trên đỉnh núi Chà Bang có tượng Linga-Yoni bằng đá. Hằng năm lễ hội Pô Nai diễn ra một ngày, nhằm ngày thứ 6 (Hồi giáo) thứ 2 (Bàlamôn giáo) trong các tháng 1,2,3 lịch Chăm (tương ứng 4,5,6 Dương lịch). Phong tục - Văn hóa VN

Từ sáng sớm hàng trăm người Chăm Hồi giáo làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước hành hương 5 km đến chân núi Chà Bang. Bắt đầu từ đây khoảng 8 giờ sáng, đoàn người leo đến đỉnh núi khoảng 11 giờ trưa.

Lễ cúng diễn ra hai phần riêng biệt:

1. Phần lễ nghi Hồi giáo: do các chức sắc Hồi giáo chủ lễ. Cuộc lễ diễn ra từ đúng 12 giờ trưa và kéo dài khoảng 1 giờ. Tín đồ chỉ dâng trầu, cau cho các chức sắc làm lễ đọc kinh cầu thánh Allah ban phước lành, cầu quốc thái dân an.

2. Phần lễ cúng Pô Nai và lễ hội dân gian: do các vị chủ lễ Mưduôn, (thầy vỗ trống Baranưng), Ka-ing (thầy múa lễ) trong dân gian thực hành và các nghệ nhân sử dụng trống Baranưng, Ginăng, kèn Saranai, Chiêng.

Lễ hội Pô Nai ở núi Chà Bang là một lễ hội đặc sắc, thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp với nghi thức Hồi giáo, thờ Linga-Yoni Bàlamôn giáo. Trong lễ hội, còn thể hiện ca múa nhạc dân gian Chăm nguyên sơ tại điểm non cao hùng vĩ của một vùng quê.

Cũng cần nói thêm rằng: ngay dưới chân núi, ngày xưa người Việt lập chùa thờ Phật với tên gọi là chùa Trà Cang, ngày nay chùa thu hút nhiều khách thập phương đến hành hương lễ Phật.

Theo Ninhthuantourist, ảnh Du lịch, GO! sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét