Khoảng hơn chục năm trở lại đây, địa danh Bãi biển Cam Bình (thị xã La Gi) trở thành điểm du lịch có sức hấp dẫn vì cảnh quan sinh thái của một rừng dương xanh phủ tràn ngập bóng mát và một bãi cát trắng lóng lánh đầy nắng vàng.
Từ lâu, bãi biển Cam Bình đã nổi tiếng hoang sơ với rừng dương bát ngát, cát trắng lấp lánh dưới nắng, sóng biển vỗ nhẹ, lý tưởng cho việc tắm biển, chơi trò chơi hay cắm trại. Không những vậy, việc đánh bắt gần bờ bằng mủng của ngư dân xã Cam Bình cũng cung cấp cho khách du lịch đến nơi này nhiều loại hải sản tươi ngon, đặc biệt là loại cá đục có vẩy màu vàng, non ngón tay, nướng chấm mắm me cũng ngon mà làm gỏi cũng ngọt.
Khách du lịch khá quen thuộc với những thức ăn hải sản được chế biến một cách dân dã, tươi rói hương vị miền biển. Nồi cháo cá hanh hành ngò béo ngậy, lò than hồng thơm lừng những con cá đục, mực,ghẹ…
Bởi ngay trên bãi ngang này tự dưng định hình một làng nghề biển hiếm thấy bởi chỉ toàn những thuyền thúng chài lưới ven bờ, có đến bốn trăm thuyền thúng ở đây. Ngày trước, nghề này là loại thúng chai bằng tre nang, trét dầu rái, mũ cây chai rừng và bột xảm …
Hàng loạt chiếc thúng đường kính 2- 2,5 mét, tròn vành nằm phơi trên bờ cát trắng và ngoài biển sóng nhấp nhô những chiếc thúng tựa như nốt nhạc trên dòng âm thanh rì rào của biển cả. Có thúng không phải dùng dầm bơi như trước nữa mà gắn một máy kô-le khoảng 0,65 sức ngựa, đủ sức cưỡi sóng thong dong.
Theo chỉ dẫn của những ngư dân nghề thúng, tôi tìm đến nhà của một người đã góp phần làm cuộc “cách mạng” từ chiếc thuyền thúng chai đan tre thô sơ xưa cũ để sản xuất hàng trăm sản phẩm thuyền thúng với chất liệu công nghệ “hiện đại” hơn. Đó là anh Lê Văn Nam, chủ cơ sở sản xuất và cũng là nhà ở của anh trên mảnh vườn gần một mẫu, thuộc thôn Mũi Đá, xã Tân Phước (La Gi), không xa mấy với bãi biển Cam Bình.
Nhà xưởng làm thúng đang có trên trăm chiếc, có chiếc đang công đoạn hoàn thiện có chiếc chờ khách mua đến nhận hàng. Khách hàng của anh không những ở La Gi để theo thuyền tàu lớn ra khơi câu mực, mà còn bán ra Phan Thiết, Bình Châu. Mùi hợp chất composite, vải bạc sợi nhựa… làm nên cái không khí miệt mài khá bài bản. Anh Nam đã trả giá bằng công của cả năm trời mày mò mới được như ngày hôm nay. Nhìn thấy những chiếc thúng thành phẩm chưa xuất xưởng cũng như hàng trăm chiếc đang hành nghề đều một màu xanh dương nước biển, anh Nam nói để hoà với không gian đại dương và dịu dàng hơn, nên trở thành thương hiệu thuyền thúng Văn Nam. Cho nên bây giờ tên gọi thúng chai bằng nguyên liệu tre nang không còn nữa. Hỏi ra với số tiền 3 hoặc cao nhất 5 triệu đồng, với những gia đình làm nông kết hợp nghề biển ven bờ thì có khả năng sắm được.
Những ngư dân thuyền thúng ở đây đều sống bằng nghề nông, mà thuyền thúng là loại nghề “nông nhàn”, nhưng dần dần có người sống được và lấy làm nghề chính sống theo khu du lịch này. Hôm tôi đến, đó là buổi sáng cuối năm, biển êm vừa đang giờ thuyền vào bờ. Những tay lưới giũ ra đầy những con cá hố, cá hanh lẫn cùng ghẹ, tôm, mực…Một ngư dân với giọng quê Quảng Trị, nói có hôm may mắn cũng kiếm được 5-6 triệu đồng và khi gặp sóng to, khi biển động chỉ vài ba trăm ngàn….nhưng bù được cho khoảnh lúa èo uột trên đất ruộng vùng cát bạc màu. Đây đó những chiếc xe bò một, hoà nhập với cảnh rộn ràng bờ biển để tải những chiếc thuyền thúng lên bờ, thay vì trước đây phải 5- 6 người hì hục gồng vai khiêng đẩy.
Phần đông dân cư địa phương là người quê Quảng Trị. Họ kể lại từ năm 1972, mùa hè đỏ lửa, chế độ cũ đưa cả làng Cam Lộ, Gio Linh…vào định cư vành đai tỉnh lỵ Bình Tuy sống đến nay, rồi coi đây là quê hương của mình. Do vậy mà có tên Cam Bình là từ chữ Cam Lộ ghép với Bình Tuy. Gia đình anh Lê Văn Nam, chủ cơ sở sản xuất thuyền thúng là một hình ảnh thu nhỏ cái gian khổ, sự cật lực và ý chí vươn lên của người dân bỏ làng quê, đi lập nghiệp.
Năm nay anh Nam 47 tuổi nhưng vợ chồng anh đã có 6 người con, anh kể theo cha mẹ vào đây, cũng như nhiều gia đình cùng cảnh ngộ di dân, có thể nói là hai bàn tay trắng. Vậy mà anh nuôi được 5 đứa con đang học cao đẳng, đại học còn lại 1 đứa đang học lớp 12 THPT. Trong bà con xóm Mũi Đá – Cam Bình, cũng có nhiều người như anh Châu, anh Từ, anh Ngà …đã từ cái khổ rồi nay có được một cơ ngơi cuộc sống ổn định và con cái trưởng thành, khác với cái thời vất vả của các anh ngày nào.
Dọc dài bãi biển êm ả này hiện có gần 20 dự án du lịch với loại hình nghỉ dưỡng, resort và một khu du lịch Cộng đồng, cặp theo con đường nhựa rộng chạy xuống trung tâm thị tứ La Gi không đầy 4 cây số, nhưng nay các dự án này vẫn chưa có gì để gọi là chuyển động kể cả khu qui hoạch du lịch Cộng đồng lẽ ra là đòn bẩy tác động, vì vướng mắc chuyện đền bù, giải toả bị kéo rê từ nhiều năm nay.
Dự án đợi chính quyền, dân chờ dự án, đất vàng hoá đất hoang…may mà còn một xóm bãi ngang thuyền thúng với những chiếc quán mái hờ nép dưới bóng dương xanh, để có một địa danh Cam Bình thi vị và triển vọng. Nhưng có điều nhiều người băn khoăn không biết nay mai hàng trăm chiếc thuyền thúng này sẽ đi về đâu. Không những đó là một nghề sống của dân địa phương mà còn là cái chợ hải sản tự phát nho nhỏ tạo nguồn ẩm thực dân dã ngon tươi và một hình ảnh làng nghề trong ký ức của khách du lịch đến đây.
Du lịch, GO! - Theo Lagitoday
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét