Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Sóng sánh Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam), cách bờ biển Cửa Đại 15km, được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Tại đây còn nhiều di tích nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, có niên đại vài trăm năm.

Rời Cửa Đại lúc 8 giờ sáng, nếu đi cano thì chỉ mất vài mươi phút là đến được với thiên đường du lịch ở miền Trung này. Nhưng cái thú đi tàu chợ để được nhìn thấy sóng nước mênh mang vẫn cám dỗ chúng tôi hơn. Nói là tàu chợ nhưng thật ra đó là những tàu đánh cá của ngư dân đã được sửa sang lại để phục vụ du lịch cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách. Đi cùng chúng tôi trong chuyến đi này còn có hai anh lính Biên phòng thuộc Đồn biên phòng Cửa Đại, cùng rất nhiều người dân xã đảo Cù Lao Chàm mang hàng hóa ra đảo sau những phiên chợ sáng tất bật.


< Những bãi biển tuyệt đẹp, yên bình và thơ mộng.

Tàu rẽ sóng ra khơi, mùa này biển chưa đông thuyền bè đánh cá nên chiếc tàu chở chúng tôi cứ lừng lững tiến một đường thẳng ra đảo, bỏ lại phía sau những chiếc thuyền thúng cặm cụi thả lưới.
Hai bên sóng nước rẽ ra sủi bọt trắng xóa, từng đàn cá bơi theo phía sau khoang thuyền.
Hơn một tiếng đồng hồ giữa trời mây sông nước bao la, tàu cập bến Cù Lao Chàm. Đảo xanh đón chúng tôi trong ánh nắng ban mai dịu mát và những âm thanh của cuộc sống đời thường. Cầu tàu khá rộng để có thể đón nhiều chuyến tàu cặp bến cùng lúc.

Cả một không gian rộng lớn ập vào mắt chúng tôi nhưng ấn tượng nhất là sự đón tiếp vô cùng niềm nở của cư dân trên đảo.
Đặt chân lên đảo, điều cảm nhận được đầu tiên là những nụ cười và không biết bao nhiêu lời hỏi thăm dành cho những vị khách đến từ đất liền.
Cuộc sống của cư dân nơi đây không khác nhiều so với trong đất liền. Chợ đảo bán đủ loại mặt hàng mà nhiều nhất vẫn là hải sản, trong đó có ốc vú nàng - đặc sản của đảo.

Đời sống dân đảo khá sung túc và đủ đầy. Những ngôi nhà hai - ba tầng mọc san sát, truyền hình cáp được khá nhiều hộ dân sử dụng, có trường học dành cho trẻ em trên đảo và rất nhiều khối cơ sở vật chất được xây dựng phục vụ đời sống người dân.

< Giếng cổ của người Chăm.

Chúng tôi đến thăm chiếc giếng cổ của người Chăm được xây dựng cách đây gần chục thế kỷ. Nước vẫn trong và mát ngọt như thuở đầu.
Chùa Hải Tạng là ngôi chùa cổ được xây dựng cách nay hơn 400 năm. Người dân nói chùa rất linh thiêng bởi đó là nơi hội tụ của rất nhiều những linh hồn phiêu bạt vì gió bão biển khơi, được đưa về đây để cầu siêu thoát.
< Ngôi chùa linh thiêng là nơi nương náu của những linh hồn xấu số giữa biển khơi.

Bước vào cổng chùa, một thế giới tịnh thiền khiến lòng người vơi đi những âu lo, dịu lại những nỗi niềm bon chen vất vả. Thắp một nén hương cho đức Thánh, kính dâng lên những con người đã nằm lại trên đảo trong tiếng mõ, tiếng chuông và giọng đọc kinh kệ đều đều của vị trụ trì, lòng người thanh tịnh hơn.

Rời khỏi chùa Hải Tạng, chúng tôi đi trên con đường đã được bê tông hóa dạo một vòng quanh đảo, thăm Đồn biên phòng Cù Lao Chàm nằm thấp thoáng trong bóng rừng cây.

Bãi biển trong xanh như bãi Ông, bãi Hương thật sự là một nơi nghỉ ngơi lý tưởng. Biển cù lao đẹp lung linh và đậm chất nguyên sơ. Biển không hề có rác, cư dân trên đảo cũng không dùng những loại túi đựng bằng ni-lon, rác được người dân thu gom tập trung một cách rất ý thức để sau đó chuyển về đất liền xử lý. Những hàng quán trên các bãi tắm cũng không có tình trạng chèo kéo khách hay “chặt chém” như nhiều bãi biển khác. Tình trạng ăn xin tuyệt nhiên không có.

Đêm cù lao yên bình, chỉ có những tiếng sóng vỗ dạt dào vào các ghềnh đá. Các đảo thu mình lại trong giấc ngủ sau một ngày chào đón khách. Xa xa, ánh sáng của những chiếc thuyền câu mực đêm lóng lánh như những đàn đom đóm lập lòe giữa đêm biển đen đặc...

Theo DanTri

Du lịch, GO!: Một lần đến với cù lao Chàm
Du lịch, GO!: Phượt ở Cù Lao Chàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét