Là dân mê 'chủ nghĩa xê dịch', hẳn sẽ có nhiều điều thú vị trên từng cung đường, trên từng nơi bạn đến làm cho bạn say đắm và đam mê chúng.
Điều đó cũng giống như có người chỉ cần đi để dự những phiên chợ của vùng cao, có người đi chỉ để chụp những thửa ruộng bậc thang đang chín vàng hay xanh non mùa nước đổ, cũng có người đi chỉ vì cái núi non trùng điệp, cái hoang sơ của núi rừng, cũng có ai đó đã nói, đi chỉ vì được đi mà thôi. Và có một phần nhỏ trong cái hồn của núi rừng làm say đắm bao kẻ lãng du luôn là những cung đường, những con đèo.
Những cung đường, thôi thì đủ loại, đường quốc lộ được rải nhựa phẳng lì có, đường đất bằng phẳng có, đường đá cấp phối có, đường bùn lầy có, đường mà cảm tưởng như không phải là đường cũng có, đường như là chỉ dành cho ngựa đi vậy mà dân xê dịch vẫn vác được cả con xe máy to oạch vào đó và chạy được, những cung đường offroad luôn hấp dẫn và làm thỏa chí những kẻ tang bồng.
Những con đường của vùng sơn cước như những sợi chỉ vắt ngang lưng chừng trời, nơi có những áng mây bay sà lên vai người lữ khách, nơi những khúc cua tròn xe, nơi gió núi heo hút mang hương của rừng, nơi những mái nhà bé nhỏ tỏa khói lam chiều khi hoàng hôn xuống, nơi những vạt hoa rừng nở thắm lối chân đi, nơi chín vàng của những mùa lúa, nơi những dòng thác thả mình đổ xuống, nơi lịch sử dân tộc đã ghi danh…
Mê mải lắm, yêu lắm…những cung đường như thế.
Có những cung đường đã trở thành huyền thoại của dân tộc, những cung đường mà mới nghe tên người ta đã hơi rợn người lên rồi…
Đó, chỉ vậy thôi, chỉ là những con đường ngoằn ngoèo cheo leo nơi vách núi mà khiến cho những kẻ lãng du phải ngẩn ngơ vì chúng, càng đi càng máu đi… Yêu lắm những cung đường tổ quốc mình…
“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ. Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Con đèo Phađin đã trở thành huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Pháp. Được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt.
Phađin dài khoảng 32km nối liền 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Hiện nay người ta đã làm thêm một con đèo nữa thấp hơn đèo Phađin cũ, xe cộ chủ yếu lưu thông theo con đường này. Còn đèo Phađin cũ giờ ít người qua lại, là địa điểm lý tưởng cho dân “phượt” thử sức mình.
Đèo Lũng Lô: Nằm trên QL 37 nối liền 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La, đèo Lũng lô được biết đến nhiều trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là con đường huyết mạch tiếp tế vũ khí và đạn dược cho chiến trường. Cùng với Phađin, đèo Lũng Lô đã làm nên huyền thoại những con đường đến Điện Biên Phủ.
Đèo Khau Phạ, tứ đại đỉnh đèo thứ 2 của miền Bắc Việt. Là con đèo nối liền giữa 2 huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ được dân tộc Thái gọi với cái tên khác là Sừng trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời).
Trên đỉnh đèo gần như quanh năm mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng với những địa danh có ruộng bậc thang nổi tiếng như Cao Phạ, Tú Lệ, La Pán Tẩn…
Dốc Bắc Sum – người Hà Giang có câu: “Dốc Bắc Sum, hùm Cán tỷ, phỉ Đồng Văn”. Dốc Bắc Sum nằm giữa hai huyện Quản Bạ và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, nơi cửa ngõ đi lên Cao nguyên đá Đồng Văn, con dốc cheo leo và hiểm trở, thực sự hút hồn những “phượt tử”.
< Có một con đường đi lên cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang.
Ô Quy Hồ: Huyền thoại một cung đường. Một trong tứ đại đỉnh đèo, Ô Quy Hồ nằm trên QL 4D giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, vắt mình qua dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Ô Quy Hồ gần như là con đèo dài nhất miền Bắc Việt, với nhiều câu chuyện kể ly kỳ quanh đây, trên đỉnh đèo là Cổng trời, tách biệt khí hậu phía hai bên, những năm trời lạnh có thể có băng tuyết.
Đứng trên Ô Quy Hồ bạn có thề ngắm được dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh Fanxipan cao nhất Đông Dương (3143m).
< Con đèo nối liền giữa Xín Mần (Hà Giang) và Bắc Hà (Lào Cai).
< Con đường lên cột cờ Lũng Cú (nơi được xem là Cực Bắc của Tổ quốc).
< Đèo hình chữ B trên đường từ Lũng Cú về Đồng Văn (Hà Giang).
Đường lên Đồn Cao – Đồng Văn. Đồn Cao ngày xưa là một lô cốt của thực dân Pháp dựng lên, chiếm lĩnh trên đỉnh của một ngọn núi đá cao ngay trung tâm huyện lỵ đồng văn, nơi có con đường huyết mạch nối liền vùng cao nguyên đá với miền xuôi. Hiện nay vẫn còn lại những bức tường, những ụ súng, những lỗ châu mai…
Tà Si Láng, một xã xa xôi và hẻo lánh nhất của miền tây Yên Bái, ngày xưa con đường lên Tà Si Láng được xem là con đường cực khủng mà không phải ai cũng có thể dám bước chân đi, nơi có con đường vận chuyển gỗ Pơmu, và nơi đây những mái nhà của bà con dân tộc vẫn được lợp bằng gỗ Pơmu. Là một cung đường offroad rất thú vị cho những kẻ ưa khám phá.
< Đường vào Bạch Đích – Hà Giang.
< Một con đèo ngay trước khi vào Phố Cáo – Hà Giang.
< Một thắng cảnh đẹp đến say lòng của vùng cao nguyên đá.
Mã Pí Lèng – Tứ đại đỉnh đèo cuối cùng của miền Bắc. Mã Pí Lèng nghĩa là sống mũi con ngựa. Nằm trên con đường hạnh phúc, với độ cao hơn 2000m, một bên là vách núi đá cao dựng đứng, một bên nhìn xuống là dòng Nho Quế trong xanh.
Con đèo được bắt đầu khởi công ngày 10 tháng 9 năm 1959 và được xem là thi công thủ công gian khổ nhất, trên vùng cao nguyên cao nhất, nguy hiểm nhất, thời gian lâu nhất (mất hơn 6 năm), và cũng là bi tráng nhất. Hãy đến đây một lần, bạn sẽ thực sự bị chinh phục bởi Mã Pí Lèng huyền thoại.
Du lịch, GO! - Trần Giáp, Vietnamnet
Tìm chữ "Đèo" trong Du lịch, GO! để có rất nhiều bài viết liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét