Được chế biến từ loài thảo mộc dưới biển, trên núi đồi. Món quà quê dân dã, từ trẻ em đến người già, rất yêu thích vì nó ngon, mát và bổ dưỡng. Tết đến xuân về, trong mỗi gia đình đều có món “3 sương” đãi khách…
Lời vọng thiên nhiên…
Khách đến Tuy Phong không chỉ thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và sự thanh tịnh, trang nghiêm Cổ Thạch tự, mà còn được thưởng thức một đặc sản dân dã truyền thống có từ hàng trăm năm tuổi. Đó là món sương sa, sương sáo, sương sâm.
Sương sa ít vốn nhiều lời
Anh về anh nhớ, em người bán …sương sa
Vùng đất Tuy Phong hội tụ linh thiêng của núi đồi, đồng bằng và biển cả. Từ bao đời nay, những sản vật qúy hiếm trên dãi đất “nắng, gió” này mang đậm tố chất đặc trưng, hiếm có. Sương sa ví như là cội nguồn biển cả, sương sâm mang hơi thở của núi đồi, còn sương sáo là hiện hữu tâm linh của vườn rẫy. Sương sâm, sương sáo, sương sa là sự tổng hòa của đất, trời hội tụ, tạo thành một món giải khát tuyệt vời.
“Món ăn dân dã mà chứa đựng cội nguồn, thể hiện nét văn hóa rất riêng, đơn sơ mộc mạc của người dân Tuy Phong”- cụ Trần Văn Đông ở thị trấn Liên Hương bộc bạch. Với tôi, cho đến bây giờ đã hơn nữa đời người, tôi vẫn nhớ như in món quà quê dân dã từ ngày nhỏ vẫn thường đòi bà, đòi mẹ mua cho ăn.
Chế biến sương sa là công việc hoàn toàn thủ công, rất tốn thời gian và đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ. Rong biển được vớt từ biển đem về giặt-vo-xả qua rất nhiều lần cho sạch, ngâm nở ra. Đun nước sôi, cho rong biển vào nồi. Khi nấu không để lửa to quá, tay quấy liên tục cho đến khi rong biển chín rục ra. Để sương sa mềm và mau đông thì bắt buộc phải có thêm ít trái me, nếu không có me thì dùng chanh La Gàn (đây là một bí quyết nhà nghề).
Để lửa sôi liu riu, vớt hết bọt rồi lọc bỏ bã bằng cách đổ vào những bao lưới, treo lên cao cho nước chảy xuống khuôn hứng ở phía dưới. Sau khoảng vài tiếng đồng hồ, khuôn nước sẽ nguội đi, kết lại thành những khối màu sữa, thành món sương sa.
Sương sâm chế biến đơn giản hơn, sau khi hái những chiếc lá sương sâm tươi roi rói, mỏng tan mọc cheo leo trên núi đem về rửa sạch, bỏ lá tươi vào cối xây, giã nát với một lượng nước lọc nhất định, lọc lược sạch xác lá để lấy được nước cốt màu xanh thẩm đổ vào khuôn, rồi rắc lên mặt một lớp mỏng nan khô mực biển, để vài giờ sẽ đông cứng lại thành Sương sâm.
Khác với sương sâm, thân và lá sương sáo chỉ chế biến được sau khi phơi khô, cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, nắm vắt bỏ bã, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước, rồi thêm ít bột gạo vào quấy đều trên bếp lửa. Khi nào dung dịch đặc quánh lại thì ra đổ vào khuôn, tô để nguội sẽ thành Sương sáo. Khi chế biến thêm ít bột gạo lúa thơm hoà vào thì thạch sẽ đen và ngon hơn.
Mát lòng lữ khách…
Tại khu du lịch Cổ Thạch tự có 10 hàng quán bán “3 sương”. Chị Nguyễn Thị Nhiều, 51 tuổi, người có trên 10 năm làm nghề cho biết khách du lịch rất thích món ăn này, bởi nó hoàn toàn làm bằng thảo mọc tự nhiên. Có ngày chị bán hơn 200 ly “3 sương” cho du khách. Rất nhiều du khách sau khi thăm viếng danh lam thắng cảnh, đã trở lại thưởng thức món “3 sương” mát rợi.
Ông Lê Ngọc Tuấn, du khách thành phố Hồ Chí Minh tâm đắc nói “Tôi đã đến rất nhiều điểm du lịch trong cả nước, nhưng không tìm đâu ra món ăn dân dã mà lại cực kỳ hấp dẫn này”. Không chỉ có ở Khu du lịch Chùa Cổ Thạch, mà đến Tuy Phong, vào bất cứ một cái chợ lớn nhỏ nào cũng dễ dàng bắt gặp những hàng bán sương sa, sương sâm, sương sáo với những khối kết đông ba màu đen, xanh, trắng đục... độc đáo, có giá rất bình dân.
Mỗi loại đều cho thành phẩm có mùi thơm riêng, đậm đà nhưng không nhuộm màu được, vị lạt hoàn toàn và chỉ sử dụng đơn thuần ở dạng cắt thành miếng lớn nhỏ, ăn kèm với các phụ gia khác như nước đường, nước dừa, hột lựu, bánh lọt, hạt é, đậu xanh hấp chín…làm thành một chủng loại món ngọt truyền thống rất độc đáo từ bao đời.
Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, bên cạnh “thịt mỡ dưa hành…” trong gia đình chuẩn bị món “3 sương” đãi khách. Giữa ngày nóng oi ả, được thưởng thức ly “3 sương” ngon và mát rợi với đường, nước cốt dừa, kèm đá lạnh thật là thú vị (không phải đường cát trắng, mà phải là nước đường thắng lên cùng với gừng, hoặc lá dứa xanh).
Màu vàng óng của nước đường, mùi thơm nồng của gừng, của dứa, màu trắng tinh khiết béo ngậy của nước cốt dừa hòa cùng những hạt lựu đỏ trắng dòn dòn, sương sáo ngọt ngọt, sương sa xanh xanh, thoang thoảng mùi hương quyến rũ của rong biển... làm cho những ai đã từng biết đến món “3 sương” đều cảm thấy ngây ngất.
Sương sáo (thạch đen): Đây là loại cây thảo, phân nhánh nhiều, tỏa ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Lá màu xanh nhạt, hình trứng, mép có răng. Hoa mọc thành cụm dày đặc ở đầu cành. Cây ra hoa vào cuối thu, đầu đông. Cây sống mạnh trên những vùng đất cỏ, đất cát và đất khô. Sương sáo có tính mát, vị hơi ngọt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
Sương sâm: Là loài dây leo, thân và lá có lông mịn, màu lục đậm, thường mọc trong rừng, trên núi. Sương sâm ăn mát, thanh nhiệt, trị bệnh lỵ.
Sương sa (xu xa): Làm từ một vài loại rong tảo biển không độc. Là một loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, khoáng chất và các vitamin..., nhưng không chứa chất béo, có thể ức chế sự hấp thu cholesterol, bệnh mỡ cao trong máu và bệnh động mạch vành.
Theo Bình Thuận Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét