Lạng Sơn từ nhiều năm nay vẫn chỉ gợi về hình ảnh những khu chợ biên mậu hết sức xô bồ, nhưng nếu tránh khỏi những chợ Tân Thanh, Đồng Đăng, tránh khỏi những dòng xe tải kềnh càng để đi vào vùng sơn cước cheo leo, ta sẽ bắt gặp nhiều điều lạ lẫm.
Cảnh sắc nguyên sơ của vùng cao
Chỉ cách Hà Nội khoảng năm giờ đi xe, vùng núi rừng Cao Lộc bỗng hiện ra như cảnh sắc mơ màng của thời xa xăm, thời của những bài hát Sơn nữ ca hay Bên cầu biên giới. Đành rằng đỉnh Mẫu Sơn quanh năm sương giăng mây phủ đã đẹp, sự phát triển hệ thống khách sạn lộn xộn đã khiến nhiều du khách e ngại. Còn trên vùng núi cao xa cách khỏi thị tứ, cuộc sống vẫn giữ nguyên bản sắc hiền hoà, chất phác của các sắc tộc Hán, Tày, Nùng… Những bản làng tường đất mái ngói đen ẩn dưới tán tre, những con đường quanh co chạy cheo leo bên sườn núi, những sơn nữ e lệ giấu nụ cười sau tấm khăn thổ cẩm mỗi khi gặp ánh nhìn của người lạ. Điều đó chẳng còn gặp ở dưới trung tâm thị tứ nhưng xuất hiện thường xuyên sau mỗi vòng bánh xe dấn sâu vào thế giới của núi rừng và ruộng bậc thang.
Còn nguyên vẹn những nhóm cư dân sống biệt lập, thanh thản với màu xanh của núi rừng, nói tiếng phổ thông không thạo nhưng thường chiêu đãi khách nhiệt tình bằng chén rượu sóng sánh. Sự biệt lập và những con đường độc đạo đã giữ cho vùng núi các ngôi nhà tường đất tuyệt đẹp, huyền ảo trong sương gió cuối đông, và mỗi khi gặp ánh nắng hiếm hoi rực lên một màu vàng như tranh. Kỹ thuật trình tường của vùng miền xuôi đã biến mất khỏi đời sống, nhưng trên miền núi cao, vẫn còn được lưu truyền. Những gian nhà 1 tầng, 2 tầng khá phổ biến tại đây với hệ thống cột kèo gỗ, tường vách đất dày tới 40cm, sau mưa gió thời gian sẽ trở nên cứng rắn lạ thường.
Nghe điệu hát bản làng, nhâm nhi khô trâu nướng
Ngoài sân, hoa mận, hoa đào đã chớm hé nụ, phô phang sắc trắng tinh khiết, sắc đỏ ấm áp, và chỉ đợi khi gió xuân về sẽ nở bung. Còn trong từng gian nhà, thường khá tối nhưng lúc nào cũng nồng nàn hơi rượu và nụ cười chất phác.
Tại bản miền cao Lạng Sơn vẫn còn tập tục cúng mo, cũng có nghĩa là vẫn có những thầy mo mặc trang phục cổ xưa, thường làm phép cúng trời đất, cầu phúc cho thành viên trong bản. Bếp lửa không khi nào tắt, nồi nấu rượu luôn tí tách, để khách tới chơi lúc nào cũng được chào đón thân tình. Các món cầu kỳ và đòi hỏi thời gian chế biến như khâu nhục, vịt quay, lợn quay... chỉ có thể thưởng thức trong nhà hàng dưới thành phố, còn trên núi cao, chỉ dung dị món thịt trâu khô nướng hoặc rau xào, xôi nếp nương ăn cùng mắc khén và muối, rau cải hái ngoài vườn, vậy mà ngon biết mấy khi được cùng ăn trong mái nhà vương vất khói bếp.
Cùng với Cao Bằng, Lào Cai, tại Lạng Sơn vẫn còn nguyên điệu hát then trong các làng bản. Điệu hát của con người gửi tới trời luôn được ngân nga trong các lễ cúng quan trọng, mang âm sắc núi rừng huyền bí. Và luôn được hát bởi các ông then bà then có quyền năng tâm linh mạnh mẽ trong cộng đồng. Còn gì mang ấn tượng mạnh mẽ bằng một đêm đông nghe then dưới mái nhà, lời ca cổ xưa sẽ đưa lời cầu khấn băng qua 60 cửa trời đất, dẫn dắt linh hồn của tổ tiên trở về gặp con cháu trong gia đình.
Các nghi thức cúng mo, hát then không mấy khi đưa ra trình diễn kiểu… sân khấu, vì thế chỉ có sự thân tình và gắn bó mới khiến những du khách miền xuôi có cơ hội thưởng thức nét văn hoá độc đáo đó của các cộng đồng dân tộc miền cao. Trời càng giá lạnh, bếp lửa trong bản làng càng ấm áp, xui khiến những chén rượu thêm tràn đầy và câu chuyện không còn phân chia thành người miền xuôi, miền ngược. Những cái bắt tay kết giao, những lễ nhận anh em kết nghĩa vẫn được thực hiện bên ánh lửa bập bùng như vậy đấy. Sau chén rượu kết tình nối nghĩa, người phương xa có thể tin nếu một ngày nào trở lại, mình sẽ được cả cộng đồng chào đón như một người trở về nhà sau chuyến đi xa.
Theo SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét