Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Rừng nguyên sinh Hòn Bà - Nha Trang

Hòn Bà nằm ở phía Tây nam TP. Nha Trang, cách 30 km theo đường chim bay bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp - độ cao tuyệt đối 1.578m - thuộc địa phận của 4 huyện: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và Diên Khánh.

Hòn Bà được khám phá và nổi tiếng qua các công trình của BS. Alexandre Yersin (22/09/1863-01/03/1943). Từ năm 1915, ông đã xây dựng trại nghiên cứu tại cao độ 1.500 m trên đỉnh Hòn Bà, nơi đây đã thực hiện nhiều chương trình thực nghiệm, gây trồng và sử dụng các loài cây thuốc, trong số đó có cây ký ninh (Cinchona ledgeriana)được nhập từ Nam Mỹ. Để tưởng nhớ đến BS. Yersin, tỉnh đã cho phục dựng ngôi nhà của ông trên nền cũ tại đỉnh Hòn Bà. Đặc biệt ông còn có công điều tra phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm tại Hòn Bà, được vinh danh mang tên cho vài loài tiêu biểu như: Trương hùng (Reevesia yersinii), Chè Hòn Bà (Thea yersinii) …

Hệ thực vật Hòn Bà thể hiện tính phong phú và đa dạng về thành phần loài thực vật, số liệu điều tra thống kê ban đầu có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, thuộc 401 chi và 120 họ; trong đó: ngành Thông đất và Dương xỉ có 73 loài, ngành hạt trần có 8 loài và ngành hạt kín có 511 loài.

Ngoài các thành phần cây lá kim, tại đây còn có sự hiện diện của những loài thuộc các họ chỉ phân bố ở đai khí hậu á nhiệt đới hoặc ôn đới như: họ Đổ quyên (Ericaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Re (Lauraceae), họ Ráng tiên tọa (Cyatheaceae) …

Rừng nguyên sinh Hòn Bà còn là một kho thuốc quí hiếm trong tự nhiên rất cần được bảo dưỡng. Ngoài gần 600 loài thực vật nhiệt đới (có 4 loài quí hiếm trong sách đỏ thế giới), 120 họ thực vật bậc cao, Hòn Bà còn có 59 động vật quí hiếm (có tên trong sách đỏ thế giới), 4 lớp chim thuộc 27 bộ, 88 họ với 255 loài. Đặc biệt từ xưa đến nay, nơi đây không có các loài thú dữ như cọp, voi, báo, gấu...
Hòn Bà có khí hậu đặc trưng của vùng ôn đới như một Đà Lạt riêng của thành phố Nha Trang. Du khách xuất phát từ thành phố biển này sẽ qua những con phố chính ra đến cũa ngõ thành phố phía Nam qua Diên Khánh đến Suối Dầu là rẽ phải đến Suối Đá Giăng.

Tốc độ chậm lại vì độ cao đã lên từ 300m, tiến dần quanh co từ từ 500m, 700m rồi 1200m. Những vòng dốc như những số 8 kế liền nhau, đôi khi từ trên cao nhìn xuống cũng từ một con đường xếp chồng lên như đan nhau chằng chịt.

< Đầy các cua quẹo quanh co...
< Con đường xếp chồng lên như đan nhau chằng chịt.
Thiên nhiên cây cỏ thật phong phú, những rặng cây cao ngút bạt ngàn nhiều gỗ hiếm, dễ bắt gặp đó là những đám sương mù vướng vào những thân cây to sừng sững đứng án ngự tựa trên triền dốc. Như một bức tranh muôn màu, phóng tầm mắt về phía xa là là miền đồng quê với một màu vàng của cánh đồng lúa chín.
Chúng tôi càng tiến dần trên đỉnh, thời tiết như lạnh hơn tầm 15 độ C, ngôi nhà gỗ của BS. Yersin trên đỉnh Hòn Bà được trùng tu nhiều lần và vẩn còn đó dáng dấp xưa đã qua nhiều năm tháng.
< Suối Đá Giăng trên đường đi.
< Trong một ngày nhiều sương mù.
Trên đỉnh núi Hòn Bà có một gác gỗ đơn sơ màu nâu sậm - Lối ra vào có 2 tấm bảng, một tấm bảng ghi dòng chữ: Khu di tích bác sĩ Yersin và bảng kia ghi: lý trình độ cao 1,500m, chiều dài 36 + 625.

Đã gần một thế kỷ trôi qua từ khi bác sĩ Yersin khám phá ra khu vực này, giờ đây Hòn Bà vẫn còn giữ nguyên sức hấp dẫn của một khu rừng nguyên sinh hoang sơ, khí hậu ẩm, mát và được mệnh danh là cao nguyên mộng mơ trên đất Khánh Hòa với độ cao 1.600m so với mặt nước biển.

Chiều trên đỉnh hòn Bà mây trôi ngang núi, thỉnh thoảng một cơn mưa rừng đi ngang. Giăng võng, tận hưởng cảm giác của người chinh phục thiên nhiên, bạn sẽ rất nhớ hòn Bà và chắc chắn còn quay lại đây không chỉ một lần.

Tổng hợp từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét