Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Huyền thoại Gia Lan, Văn Bàn - Lào Cai

Đến Văn Bàn, ngay khi lên đỉnh dốc Cổng trời, đã thấy dãy núi có đỉnh Gia Lan hùng vĩ hiện ra trước mắt. Dưới chân núi là những thung lũng trải dài qua mấy xã và thị trấn trung tâm huyện mang địa danh rất đẹp: Khánh Yên.

Vùng đất trù mật đông đúc ngày nay gồm mấy xã và thị trấn Khánh Yên ấy xưa có tên gọi là Mường Thát Nọi, theo tiếng Tày bản địa nghĩa là Mường Thát nhỏ, còn Mường Thát Luông, tức là Mường Thát Lớn là cả vùng rừng núi bát ngát bên kia dãy núi Gia Lan.

Theo lời các anh kiểm lâm và cán bộ địa chất vượt núi mấy ngày đường, thì bên ấy vẫn còn một vài dấu tích ruộng vườn và cây ăn quả lưu niên, cũng có người bên Nọi vượt đỉnh Gia Lan sang đó về kể lại rằng: Ở xứ Thát Luông huyền thoại vẫn có rất nhiều hoa quả, ăn thoả thích tại chỗ thì không sao, nhưng cứ đem theo về thì dù có đi cả ngày vẫn trở lại nơi vừa hái quả, muốn về phải bỏ lại hoa quả mới về được.

Tìm về căn nguyên huyền thoại thật chẳng dễ dàng, nhưng có thể tìm hiểu, lắng nghe qua các già làng người Tày bên Nọi ngày nay.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, giặc cướp đàn áp dân Thát Luông, Thát Nọi hết sức tàn ác, không chịu khuất phục, dân các bản quanh Gia Lan cùng nhau đứng lên chống lại chúng, nhưng người hiền lành đâu dễ đánh lại bọn xâm lăng chuyên nghiệp, nên cả Mường Thát Luông bị giặc chém giết và đốt sạch cả mường, máu chảy thành suối.

Có hai bà cháu nhà kia trốn thoát, bà bế cháu chạy lên đỉnh núi nhìn về bản làng khói lửa, trong đói khát và uất hận, bà cháu ôm nhau chết hoá thành đá núi - đó chính là mỏm đá cao mang hình người bế trẻ trên đỉnh núi và được dân gian đặt tên là Gia Lan (Bà cháu) bây giờ.
Mường Thát Luông chỉ còn là những cánh rừng già bát ngát, chìm trong khói sương huyền hoặc của tự nhiên và huyền thoại. Cũng có một sự tích nữa lý giải cho bức tượng thiên nhiên bằng đá giữa đỉnh Gia Lan, đó là khi đất nước bị xâm lăng, tất cả trai tráng của Thát Luông, Thát Nọi đều nghe lời kêu gọi của triều đình, lên đường đánh giặc. Thát Luông chỉ còn người già và trẻ nhỏ nên chuyển hết sang Thát Nọi để sống tập trung, nương tựa vào nhau. Có bà bế cháu lên núi ngóng trông tin thắng trận, mỏi mắt chờ trông mà chưa thấy người về. Đứng mãi, cuối cùng hoá đá.

Núi Gia Lan với bức tượng thiên tạo đã chứng kiến sự trưởng thành của cách mạng trên vùng quê đậm nét văn hoá dân gian này, chứng kiến những thành tựu mà Đảng lãnh đạo nhân dân các dân tộc từng bước giải phóng quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Dulich.dov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét