Trong một vùng biển có nhiều đảo đá, đất trập trùng của vịnh Bái Tử Long, dường như xã đảo Minh Châu là được thiên nhiên hào phóng ban tặng “ưu ái” nhất trong các đảo, đây là đảo duy nhất có rừng trâm cổ thụ, vườn thuốc dân gian trên biển rộng nhất, nguồn lợi thuỷ sản phong phú như vô tận…
Trên con đường đến xã đảo Minh Châu bằng xe ba gác máy Trung Quốc được đóng theo kiểu như xe tuk tuk của Thái Lan, xe chạy qua bãi bồi của thương cảng cổ Vân Đồn (Quảng Ninh) chúng tôi gặp khá đông phụ nữ đội khăn trùm kín mít đầu và mặt cặm cụi đào bới trên bãi cát. “Trông chị em đào cát, săn sá sùng như thế mà thu nhập gấp đôi, gấp ba bọn em đấy”, người lái xe nói với chúng tôi.
Săn sá sùng
Hơn hai giờ liền theo chân những người đàn bà đi săn sá sùng trên bãi cát, mặc dù tôi đã được chị Huệ, ngụ tại xã đảo Minh Châu bày cách nhận biết dấu vết con sá sùng chui trong tổ nhưng tôi đành chịu vì không thể nào tìm được dấu vết loài bò sát có hình dáng như một con giun đất này. “Sá sùng”, người dân ở đây hay gọi là con mồi, chính là loài sâu cát. Chị Huệ cho hay, loài mồi này thường ẩn mình trong các đường hang tự đào trong cát, khi kiếm ăn chúng chui lên bề mặt bãi cát, thò các xúc tu dài để tìm kiếm thức ăn xung quanh miệng hang và sẽ chui xuống cát rất nhanh khi có tiếng động.
Khi kiếm ăn trên bãi cát, mồi thường để lại dấu vết như nét vẽ một bông hoa trông như miệng chén uống nước, đồng thời đối diện với bông hoa đó chừng 15 – 20cm có một lỗ nhỏ, mà người dân ở đây hay gọi là mà. Để tóm được con mồi, chị Huệ phải nhanh như cắt đưa lưỡi mai đào từ mà về phía bông hoa. Tuy vậy để tìm ra mà và đào được con mồi là cả một…“nghệ thuật”. Thời điểm săn sá sùng chủ yếu là vào ban ngày trong những ngày nước cạn từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, những ngày khác, săn sá sùng vẫn có nhưng ít hơn.
Chị Huệ cho biết, từ xưa đến nay, công việc săn sá sùng này toàn là phụ nữ, trẻ em gái làm. Đàn ông trên đảo này lớn lên chỉ có đi biển. Người lái xe tên Chín dẫn đường cho chúng tôi bật mí, nhận biết người phụ nữ Minh Châu rất dễ, đó là khi đi đường họ rất hay nhìn chăm chú xuống đất bởi đó là thói quen nghề nghiệp vì ngày nào cũng đi săn mồi.
Đây là nghề mà “biển cho của” và cũng là nghề truyền thống đối với người dân Minh Châu, dọc hai ven bờ sông Mang có những bãi cát trắng dài. Những phụ nữ Minh Châu lại ra đây “làm việc”, mỗi buổi sáng họ kiếm được từ 0,2 – 0,4kg sá sùng, trong khi đó 1kg sá sùng tươi có giá tới 400.000 đồng, bình quân mỗi người dân đi đào sá sùng cũng kiếm được 80.000 – 100.000 đồng/ngày. Ông Nguyễn Thành Sang, chủ tịch UBND xã Minh Châu cho hay, nghề săn sá sùng là thu nhập chính của nữ ngư dân – nông dân xã Minh Châu. Ông so sánh năm 2009 vừa qua, tổng sản phẩm khai thác thuỷ sản trong đó có khai thác sá sùng chiếm phần lớn đạt mức 30,6 tỉ đồng, trong khi đó sản xuất nông nghiệp bao gồm trồng lúa, đậu chỉ đạt 160 triệu đồng/năm!
Ông Sang cũng cho biết, sản phẩm sá sùng do người dân khai thác chủ yếu được thương lái thu mua rồi đem đi xuất khẩu sang Trung Quốc để làm gia vị phở thay cho bột ngọt.
“Thần mộc” Minh Châu
Dọc bãi biển Chương Nẹp đầy cát trắng với vẻ đẹp hoang sơ, có một cánh rừng che chắn toàn bộ những khu dân cư của xã Minh Châu với một loài cây tên rất lạ – trâm, mà cư dân vùng này từ nhỏ đến lớn rất ít khi cầm dao tự chặt một cành cây nếu chưa xin phép những người cao niên của làng chài. Ông Nguyễn Thành Cư, 76 tuổi, ngụ tại xóm Ninh Hải tự hào nói: “Đó chính là rừng thần mộc của Minh Châu quê tôi”.
Không ai có thể biết được tuổi của rừng trâm ở Minh Châu, ông Cư cho biết, sở dĩ rừng trâm tồn tại đến nay dân Minh Châu có quan niệm loài cây này là thần mộc giữ làng. Một điều lạ lùng là từ trước đến nay rừng trâm cũng chỉ tồn tại và phát triển trong một khu vực nhất định chừng 13ha, trải dài theo hình vòng cung và phủ gần kín cồn cát tương đối bằng phẳng của bãi biển Chương Nẹp. Ông Cư cho hay, mỗi cây trâm chỉ cao chừng 10m, mọc rất dày, bao đời nay đã đứng sát bên nhau để chắn gió, chắn cát, chắn sóng dữ mỗi khi có những trận bão biển gầm thét đe doạ xóm làng.
Minh Châu có hẳn một truyền thuyết về rừng trâm để truyền tụng, kể về mối tình chung thuỷ sắt son giữa nàng Trâm và chàng Chương. Khi nàng Trâm ở nhà chờ đợi chàng Chương ra biển đánh giặc. Chàng đã dũng cảm hy sinh trong trận thuỷ chiến bảo vệ vùng biển quê hương, nàng Trâm đau đớn khôn nguôi héo mòn rồi cũng qua đời. Thần biển thương tình nhờ sóng đưa xác chàng dũng sĩ về với bãi biển. Một vị thần rừng đi qua nghe chuyện cảm động đã gieo xuống bãi cát những mầm cây xanh tốt, và nơi đó chính là rừng Trâm, còn bãi biển bao quanh ôm lấy rừng cây chính là bãi Chương, ở đây có rất nhiều con nẹp, một loài hải sản thơm ngon, mà dân làng hiện nay thường gọi tắt là bãi Chương Nẹp.
Dưới thảm rừng trâm hiện nay có rất nhiều các loài cây quý hiếm dùng để làm thuốc như cây bách bệnh, tắc kè đá, trầu biển hay cây cảnh quý như tùng la hán. Đặc biệt như cây bách bệnh hiện đang được vườn quốc gia Bái Tử Long bảo tồn và gây giống, sơ chế rồi xuất sang Singapore điều chế thành thuốc Viagra, trị chứng yếu sinh lý của đàn ông. Bên cạnh đó, rừng trâm còn có giá trị là vỏ cây dùng làm thuốc nhuộm, quả cây là thức ăn cho các loài chim thú sống hoang dã trong rừng. Ông Cư hồi tưởng, năm 1945, nạn đói ở miền Bắc đã cướp đi nhiều mạng người nhưng dân xã đảo Minh Châu nhờ có quả trâm mà qua được nạn này.
Theo Quehuong.online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét