Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Thăm Ải Chi Lăng

i Chi Lăng nằm cách Hà Nội khoảng 105km, thuộc hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn- là một thung lũng hẹp hình bầu dục nằm giữa hai dãy núi: phía Tây là núi đá Kai Kinh nằm bên dòng sông Thương và phía Đông là núi đất Bảo Đài- Thái Hòa.

Trải khắp thung lũng gần đó và án ngữ ven đường cái quan còn có nhiều ngọn núi thấp như: Kỳ Lân, Mã Yên, Hàm Quỷ, Phượng Hoàng, Nà Nông, Nà Sản... Ở hai đầu thung lũng, nơi hai dãy núi đá phía Tây và núi đất phía Đông khép lại gần nhau là lũy Ải Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam. Những núi đó tạo ra một hùng quan dài 5km, rộng khoảng 3km, rất hiểm trở.
Từ xa xưa, con người đã để lại ở Chi Lăng vết tích của nền văn hóa Bắc Sơn-Mai Pha, với những hang động cực kỳ đẹp cùng những mảnh rìu đá, mảnh gốm nổi tiếng... Với địa thế hiểm yếu, qua bao nhiêu triều đại, Ải Chi Lăng là phên dậu đầu tiên trấn giữ kinh thành Thăng Long, gắn liền với lịch sử chiến tranh vệ quốc hào hùng với những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc.

Trong suốt lịch sử xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, từ nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh đến nhà Thanh, Lạng Sơn luôn được coi là vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính, lý do là vì ở đó là đồng bằng và chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng và chỉ còn 150km dọc đường cái quan (nay là quốc lộ 1A) là có thể tiến chiếm kinh đô Đại Việt. Tuy nhiên, với giặc ngoại xâm, Ải Chi Lăng trên con đường bách lý xuôi từ biên giới với Ải Nam Quan, qua Lạng Sơn về Thăng Long - Hà Nội, lại là một tử địa vì quy mô hoành tráng, đồ sộ, địa thế hiểm yếu thập nhân khứ, nhất nhân hoàn (10 kẻ đi chỉ 1 kẻ quay về được) của nó. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, với chiến lũy hình thang tại Ải Chi Lăng cùng hệ thống đầm lầy, sông suối, núi non hiểm trở của nó, luôn là bức tường thành từ xa của kinh đô Thăng Long ngăn bước viễn chinh quân xâm lược phương Bắc.

Năm 1077, sau khi được Thái úy Lý Thường Kiệt đích thân đến bàn bạc, chỉ đạo binh cơ, dựa vào chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (dựng tại Chi Lăng), phò mã Thân Cảnh Phúc và quân dân Lạng Sơn đã cùng quân đội nhà Lý đánh tan quân Tống xâm lược lần thứ hai. Năm 1284, tướng Nguyên là Nghê Nhuận khi qua Ải Chi Lăng đã bị phục binh nhà Trần chặn đánh bằng hố bẫy ngựa và giết chết tại chỗ. Nhưng chiến công oanh liệt nhất là vào cuối năm 1427 khi cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi- Nguyễn Trãi lãnh đạo sắp bước vào giai đoạn kết thúc. Quân viện binh của nhà Minh do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy đã rơi vào ổ phục kích của tướng Lê Sát tại núi Mã Yên. Liễu Thăng bị chém bay đầu tại trận, đạo quân cứu viện tan vỡ hoàn toàn. Vương Thông ở thành Đông Quan hay tin chấp nhận đầu hàng. Đất nước sạch bóng quân thù. Đến thế kỷ XVIII, dưới thời Hoàng đế Quang Trung, Chi Lăng lại một lần nữa cùng quân dân cả nước đánh tan tành quân xâm lược nhà Thanh...

Một dấu tích khác đáng ghi nhận tại Ải Chi Lăng là nền Thành Chi Lăng do quân Minh xây dựng vào thế kỷ 15. Phía Nam Ải có một khối đá có hình dáng giống một thanh kiếm khổng lồ gọi là Lê Tổ Kiếm (thanh kiếm của vua Lê Thái Tổ) và một tượng đá có hình dáng giống một người quỳ gối, cụt đầu gọi là Liễu Thăng Thạch (đá Liễu Thăng). Tượng đá gợi nhớ chiến thắng Chi Lăng chém đầu tướng Liễu Thăng cách nay gần 700 năm). Cạnh Ải Chi Lăng còn có Quỷ Môn Quan. Theo sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, đời nhà Tấn (265-420) binh lính giặc qua đó bị giết nhiều nên mới có câu “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Mười người đến chỉ một người trở về). Nơi đây xưa kia đường sá hẹp, núi đá hiểm trở, sông sâu nước độc. Những đoàn sứ bộ nước ta mỗi khi sang Trung Hoa đều dừng lại tại Quỷ Môn Quan trước khi tiến đến Ải Nam Quan.

Ngày nay, tại Ải Chi Lăng có Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng và Khu Di tích lịch sử Chi Lăng bao gồm 52 điểm kéo dài gần 20km, phần lớn thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang. Khu di tích này chủ yếu tái hiện lại chiến thắng Chi Lăng oai hùng năm 1427 và đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Ở Khu di tích lịch sử này còn có Bia chiến thắng và Bảo tàng Chi Lăng được xây dựng vào năm 1982, nhân kỷ niệm 555 năm Chiến thắng Chi Lăng.

Đến thăm Ải Chi Lăng, nhiều du khách trong và ngoài nước không chỉ chiêm ngưỡng được cảnh đẹp, địa thế hiểm trở với chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới mà còn cảm nhận được trí tuệ và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Một bài học lớn từ Ải Chi Lăng và cũng là nghệ thuật quân sự của cha ông ta chính là: “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”.

Theo BaoCantho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét