Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Kỳ vĩ miền đất Dăk Nông (Đăk Nông)

Mộc mạc đến hoang sơ, hùng vĩ đến tưởng chừng dữ tợn, Dak Nông có sự kiêu kỳ của một cư dân vốn mang trong mình dòng máu bạt ngàn của núi rừng. Nơi đó có những điều thoáng nghe cứ ngỡ là cổ tích.

Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu hiền hoà, trải dài từ miền ôn đới sang nhiệt đới, Dăk Nông thừa hưởng những đặc điểm của người con núi rừng. Đến Dăk Nông, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là những rừng thông dài tít tắp, xanh mơn mởn. Vào sâu hơn nữa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh đậm chất nhiệt đới với những cây cổ thụ rêu phong vây kín chở đầy vết tích thời gian.

Một huyền thoại


Người Dăk Nông tự hào về quê hương mình như là nơi phát tích những ngọn thác đẹp, hùng vĩ và chứa đầy những huyền thoại, trong đó có Dray Sap kiêu hùng. Thác Dray Sap theo tiếng của người đồng bào dân tộc Êđê có nghĩa là thác khói.

Theo lời giải thích của người dân nơi đây thì sở dĩ thác có tên như vậy vì độ cao chọc trời của nó với những thác nước chảy trắng xóa; hơi nước bốc lên tạo thành lớp sương bay lên như làn khói mỏng toả cuối chân trời. Có thể nói rằng, đây là một trong những ngọn thác hùng vĩ nhất khu vực Tây Nguyên.

Dù được khai thác bao năm với mục đích du lịch nhưng Dray Sap vẫn giữ được nét hoang sơ, tự nhiên vốn có của mình và vẫn mang dang dấp của hồn thiêng của dân tộc. Đó là những vách đá sừng sững - bệ bám của hàng trăm loài dây leo như những con trăn dài khổng lồ nằm vắt vẻo lưng chừng núi. Bên trên vách đá là ngọn thác ầm ầm sôi sục suốt ngày đêm. Thượng nguồn của Dray Sap là thác Dray Nu, được xem là người anh em song sinh của Dray Sáp.

  Your Ad Here
Thác Dray Sap - một trong những thác lớn nhất khu vực Tây Nguyên, nằm cách Buôn Ma Thuột khoảng 39km, là thác hạ nguồn trong hệ thống 3 thác Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp của sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông. Thác cao 20m nhưng trải rộng khoảng 100m, là thác duy nhất ở Tây Nguyên có 2 dòng trong đục. Địa hình thác nằm trong một khu vực nhiều hang động, cây rừng, dây leo chằng chịt, đường lên thác quanh co, gập ghềnh với những tảng đá đầy rêu phong tạo nên cảnh tượng rất hùng vĩ.


Truyền thuyết kể rằng, khi mẹ đất chuyển dạ, người anh là Dray Nu ra đời trước nhận những đức tính hiền hòa nhẹ nhàng của người mẹ. Dray Sap ra đời sau nên thừa hưởng sự hùng dũng, oai nghiêm cũng rất dữ dội của người cha. Chính vì lẽ đó mà Dray Nu thì chảy nhẹ nhàng êm đềm, còn Dray Sap thì ầm ầm cuộn cuộn làm rung chuyển cả góc trời. Liền kề trong cụm thác Dray Sap là thác Gia Long.

Theo lời nhiều người cao tuổi kể lại rằng: sở dĩ thác mang tên một vị vua triều Nguyễn vì xưa kia vua Gia Long đi kinh lý có ghé ngang qua thác để du ngoạn. Và ngày nay thác vẫn còn lưu lại bàn cờ mà vua Gia Long đã từng sử dụng.


Đặc sản của Rừng

Những ngọn tháp tuyệt đẹp, những âm vang kỳ bí của núi rừng khiến Dak Nông quyến rũ một cách hoang dại. Bên cạnh đó, điều khiến nhiều du khách mê mẩn có lẽ là thực phẩm rừng. Nếu một lần được ăn món gà rừng hầm “đọt mây” (hay còn gọi là ngọn mây), hẳn du khách sẽ không bao giờ quên. Địa danh

Thông thường, mây chỉ có giá trị làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng với người dân nơi đây, mây còn là một thực phẩm quý và chỉ được dùng để đãi khách phương xa mà thôi. Muốn có món gà rừng hầm đọt mây khao khách thì ngay từ ngày hôm trước những người đàn ông phải vào rừng tìm những cây mây thật cao lấy cho được những ngọn mây mới mọc cắt đem về. Sau đó là công việc của người phụ nữ. Họ phải cắt mây thành từng khúc nhỏ, lột bỏ cái vỏ xấu xí gai góc bên ngoài rồi bắc lên bếp luộc thật kỹ.

Gà dùng cho món ăn này là loại gà rừng chính tông, muốn ăn được, phải “săn”. Trọng lượng mỗi con chỉ từ 0,5kg đến 1kg. Tuy sức vóc khá khiêm tốn  nhưng không vì thế mà gà rừng có nhiều xuơng như những chú gà nhà. Ngược lại, thịt gà rừng rất thơm và mềm. Đưa một miếng thịt lên nếm thử, nhiều người chỉ biết trầm trồ, gắp một miếng mây kèm theo thì biết bao thú vị, bao cảm giác cứ đưa đẩy nơi đầu lưỡi. Mây non tơ, có vị giòn giòn, hơi nhân nhẫn đắng, tưởng như măng nhưng ngon và lạ hơn nhiều. Vị ngọt của gà thấm qua tường thớ mây, len lách cảm giác đê mê khó tả.

Ngoài ra, ở đây còn rất nhiều loài rau lạ mà chỉ cần nghe tên đã thấy tò mò muốn thử. Đầu tiên phải kể đến cây lá bếp. Đây là loài rau mọc dại ở bên bờ suối hoặc những nơi ẩm thấp. Chúng sống dai dẳng như loài cỏ dại và được người đồng bào thu lượm về nhà làm thực phẩm cho mình. Ngoài ra còn có rau tàu bay, loại này thường mọc ở trên các sườn đồi . Đây cũng là món ăn độc đáo của người dân khi lần đầu đi khai phá miền đất đỏ. Sỡ dĩ cây có tên là tàu bay vì hoa của cây khi nở xoè ra như những chiếc ô màu trắng, chỉ một ngọn gió nhỏ thổi qua làm các cánh hoa bay trắng góc trời. Nó có thể dùng nấu canh hay luộc đều rất ngon.


Người Việt Nam không ai là không biết món cà pháo, nó đã đi vào thi ca một cách bình dị nhưng thân thương, thoáng nghe ấm lòng ấm dạ. Nhưng người dân Tây Nguyên còn có một loại cà rất riêng mà nghe tên đã biết nguồn gốc của mình: cây cà dại. Đây là loại cây nhỏ, trái mọc thành chùm li ti như những chùm nho xanh. Cà hái về, nếu kỹ thì luộc chín, không thì ăn sống, nhâm nhi cùng chén muối ớt thật cay, không khéo một nồi cơm to vơi mãi mà chưa đủ.

Thật vậy, từng món ăn ở từng địa danh mà bạn đi qua đều thấm sâu trong đó tính cách, lối sống của con người vùng cao nguyên đất đỏ này. Đó là sự đơn giản đến không ngờ, tính nguyên sơ, nhưng ẩn sâu trong nó là những bí mật, những bí mật đang chờ bạn khám phá.

Du lịch, GO! - Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét