Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Núi Cà Đú - Một địa danh lịch sử - Tỉnh Ninh Thuận

Núi Cà Đú nằm giữa vùng đồng bằng rộng lớn thuộc huyện Ninh Hải có độ cao 300m. Từ trên đỉnh núi du khách có thể thoả tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh hữu tình của Đầm Nại, vẻ đẹp nên thơ của bãi biển Ninh Chữ, đồng lúa mênh mông và sự nhộn nhịp của thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.

Càng lên cao núi Cà Đú càng thoáng mát bởi cấu trúc của các hang động. Từ đây du khách được ngắm nhìn bao quát khu du lịch biển Ninh Chữ, cánh đồng muối Phương Cựu, Đầm Vua, đồng lúa vàng của huyện Ninh Hải và xa xa là hòn núi Đá Chồng. Chính vẻ đẹp này đã góp phần tôn lên giá trị văn hoá của núi Cà Đú.

Với những tảng đá chồng chất lên nhau và nhiều hang lớn, lắm ngõ ngách nên núi Cà Đú khá hiểm trở. Chính địa thế này, từ những ngày đầu của phong trào cần vương, nghĩa quân đã chọn núi Cà Đú làm căn cứ chống Pháp.

Cũng từ đây, các đội trinh sát, các đơn vị vũ trang và cán bộ cách mạng suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đã bám trụ gầy dựng cơ sở, tổ chức diệt tề, trừ gian.

Cùng các chiến khu cách mạng của tỉnh lúc bấy giờ như Bác Ái, Anh Dũng, CK 35, CK 19, CK 7, căn cứ núi Cà Đú có vị trí rất quan trọng nằm giữa vùng bị tạm chiếm, gần dân nhất và cũng gần địch nhất, nhưng căn cứ Cà Đú lại bất khả xâm phạm. Mặc dù quân giặc tìm mọi cách tiêu diệt nhưng các trận càn quét, bao vây, phản kích của địch đều bị quân kháng chiến bám trụ ở núi Cà Đú đánh lui. Bao năm bám trụ chịu đựng mọi gian khó, lực lượng kháng chiến ở núi Cà Đú đã giữ vững niềm tin vào cách mạng, vào nhân dân quanh vùng.
  Your Ad Here

< Từ chùa Kim Sơn, nhìn ra có thể thấy cầu Khánh Hải bắc qua Đầm Nại, xa hơn nữa là núi Cà Đú. Đây là một cảnh đẹp ở làng Tri Thủy.

Núi Cà Đú là một nơi không thể sản xuất ra lương thực, ngay cả nguồn nước uống cũng cần sự tiếp tế, nắm được điều này địch đã dùng thủ đoạn quyết triệt tiêu mọi nguồn tiếp tế của dân cho các chiến sỹ cách mạng, Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, niềm tin sắc son vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, nhân dân ở khu vực xóm Dừa, Dư Khánh... đã không ngại gian khó, hy sinh tìm mọi cách tiếp tế lương thực cho du kích. Địch chặng đường bộ, nhân dân lại vận chuyển bằng đường thuỷ qua Đầm Nại.

Chính sự đùm bọc của nhân dân quanh vùng đã tiếp thêm sức mạnh , ý chí cho cán bộ cách mạng đang bám trụ ở núi Cà Đú và tạo nên những huyền thoại về các trận đánh “ Xuất quỹ nhập thần” của lực lượng kháng chiến. Chứng tích ấy, sau hơn một phần tư thế kỷ giờ đây vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhân dân Ninh Thuận. Chính ý nghĩa lịch sử cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đúng vào ngày 16/04/1999 - ngày kỷ niệm giải phóng NinhThuận, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có quyết định công nhận núi Cà Đú là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Di tích ấy cần được bảo quản, giữ gìn nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước hào hùng của cha ông cho các thế hệ con cháu .

Đối với thế hệ trẻ hôm nay, các em sinh ra và lớn lên khi đất nước hoàn toàn giải phóng, có lẽ khi được tham gia những chuyến hành trình về nguồn, được tận mắt chứng kiến nơi ngày xưa cha ông đã từng bám trụ chiến đấu, các em mới thấu hiểu được những khó khăn, gian khổ và những thử thách mà cha ông đã vượt qua giữ vững niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Du lịch,GO! - Tổng hợp từ Ninhthuantourist và nhiều nguồn khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét