Tôi không còn nhớ rõ lần đầu tiên nghe nói và được xem ảnh về thác Bản Giốc là vào năm nào ở thời niên thiếu. Nhưng chắc chắn khi đó, thác Bản Giốc đối với tôi chỉ là một danh lam thắng cảnh của đất nước. Thác Bản Giốc ở Cao Bằng. Về sau tôi biết là thác này nằm ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Và những ngày trước Tết Canh Dần tôi mới có dịp tới thăm ngọn thác nổi tiếng này.
Tôi từ Cao Bằng đi về Quảng Uyên và Trùng Khánh. Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy thuộc huyện Trùng Khánh. Cao Bằng cũng là một xứ sở của núi non hùng vỹ như ở Hà Giang và Lai Châu. Theo tỉnh lộ 206, chúng tôi đi như thể luồn lách giữa hai dãy núi, khi thì lại vắt vẻo ngang từ ngọn núi này sang ngọn núi kia. Nhiều lúc chỉ thấy xung quanh núi là núi. Cây cối đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Cỏ ở những khoảng đất trống cũng bắt đầu lên xanh. Ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh lao động của bà con nông dân.
Cùng Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đi làm việc ở tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đến chúc tết và trao quà tết của tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban cho cán bộ, chiến sỹ Trạm biên phòng Thác Bản Giốc.
Đứng từ Trạm biên phòng Thác Bản Giốc nhìn ra, ngọn thác trông thật lớn, phong cảnh thật ngoạn mục, tiếng nước đổ vọng lại ầm ầm qua khoảng cách khá xa. Mới nhìn qua thì không thể có được toàn cảnh về thác Bản Giốc bởi một phần lớn bị che khuất. Từ Trạm biên phòng này chỉ có thể nhìn thấy phần nhỏ của thác, bao gồm cả phía Việt Nam lẫn phía Trung Quốc.
Đoàn chúng tôi đi xuống chân thác và phải xuống tận dưới đó mới nhìn thấy được hết toàn bộ phong cảnh thác. Thác Bản Giốc là một quần thể bao gồm nhiều thác lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, nước đổ mạnh yếu khác nhau, trải dài cả trăm mét.
Dòng nước sông Quây Sơn từ cách xa đã tách ra thành hai dòng rồi cùng đổ vào khu vực thác. Sau bao nhiêu năm, giờ tôi đã đứng đúng nơi mà trước đó chỉ thấy trong ảnh và nghe qua lời kể.
< Cột mốc biên giới số 53 trước đây.
Câu chuyện về việc phân giới cắm mốc ở khu vực này cuốn hút tôi. Anh chiến sỹ biên phòng dẫn chúng tôi tới một cột mốc ở ngay dưới chân thác. Trên bệ đá xây cao và chắc chắn, cột mốc này ghi ở cả hai phía chữ “Việt Nam” và con số 836 (2). Những ký hiệu ấy nói lên rằng cột mốc này nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam, được coi là cột mốc nhưng lại không có nghĩa là đường biên giới giữa hai nước chạy qua đó.
Nó là cột mốc kép. Đường biên giới giữa hai nước chạy ở khoảng giữa cột mốc này và cột mốc mang số hiệu 836 (1) do Trung Quốc xây dựng đặt ở phía lãnh thổ của Trung Quốc. Theo hướng chỉ tay của anh, tôi nhìn thấy cột mốc đó. Anh chiến sỹ biên phòng nói thêm: nhiều người không hiểu hết về cột mốc đơn và kép nên nhìn cột mốc này cho rằng biên giới chạy qua đó và nghĩ ngay đến chuyện thác Bản Giốc không nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Hoàn toàn không phải như vậy.
< Một trong 2 cột mốc mới.
Trên dòng sông Quây Sơn, người dân ở hai phía Việt Nam và Trung Quốc đóng bè chở du khách từ bên này đi sang bên kia và đi vào ngắm thác đổ.
Du khách chỉ được phép ở trên bè, nếu muốn lên đất liền thì phải xin phép trước (nguyên tắc là vậy nhưng dân TQ vẫn qua bờ bên này... câu cá!).
Thật kỳ thú khi đứng trên bè ở giữa sông ngắm thác đổ với cảm giác như thể đứng ở ngay dưới chân thác nước.
Chúng tôi đi lên đỉnh thác. Ô tô bây giờ đến được tận nơi chứ không phải chỉ có đường đi bộ gồ ghề như trước đây. Mấy chiếc cầu treo cũng đã được kiên cố hóa. Trên đỉnh thác vẫn gập ghềnh đất đá. Tôi tìm cột mốc biên giới số 53 trước đây. Tôi được biết cột mốc này được chính quyền thực dân Pháp cho dựng từ cách đây hơn 100 năm theo Hiệp ước Pháp – Thanh, là một phiến đá nguyên, cao gần 2m. Bây giờ, ở đúng vị trí cột mốc cũ số 53 đó là cột mốc mới với số hiệu 835. Đây là cột mốc đơn, một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc. Còn cột mốc đá cũ kia được đặt lại ở cách đó vài mét trên đường phân định biên giới. Con số 53 nổi rất rõ.
Từ đây chỉ nhìn thấy những nhánh nước của dòng sông Quây Sơn đổ xuống thác và nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm. Ở đây cũng đã hình thành một cái chợ cho du khách ở cả hai phía biên giới. Hàng bày bán chủ yếu là đồ lưu niệm và đồ ăn, thức uống. Anh chiến sỹ biên phòng nói với tôi là nhờ hoàn thành phân giới cắm mốc mà việc quản lý đường biên và khu vực biên giới thuận lợi hơn nhiều so với trước và ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tới thăm Thác Bản Giốc.
Vậy là tôi đã đặt chân tới một nơi địa đầu Tổ Quốc. Hình ảnh về ngọn thác này mang theo từ thời niên thiếu nay được hoàn chỉnh thêm và bổ sung bằng những nhận cảm thực tế và bằng những gì thu lượm được từ câu chuyện với người chiến sỹ biên phòng về phân giới cắm mốc, về vùng biên ải giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như về “nước non Cao Bằng” trong câu ca dao thuở nào mà dường như đến giờ tôi mới hiểu hết.
Du lịch, GO! - Theo Quê Hương online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét