Không ồn ào náo nhiệt như những cái chợ khác, chợ Quảng Biên được người ta gọi một cách thân mật là chợ Huế.
Trước khi, khu chợ Huế này chỉ nhỏ như một cái chợ cóc mọc dọc quốc lộ 1A, nhưng đó lại là nơi mà khi bước vào, bạn có cảm giác như đang đứng ở một góc chợ Bến Ngự hay chợ An Cựu, bởi lẽ cả người bán lẫn người mua đều nói giọng Huế.
Chợ Quảng Biên nằm ở xã Quảng Biên, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là một huyện có rất đông người Huế sinh sống. Vào những năm 80, thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước, người Huế đi kinh tế mới, vào đây họ lập nên những làng mới và nhanh chóng hoà với nhịp sống công nghiệp của Đồng Nai. Những năm sau này, thấy đất lành làm ăn được nên làn sóng di dân tự do vào Đồng Nai cũng khá đông.
Người Huế vốn cần cù và chịu khó nên nhiều người đã thành đạt nơi đất khách quê người, đặc biệt vốn xuất thân từ miền đất hiếu học, nên đa phần các gia đình đều tạo điều kiện học hành cho con em mình.
Những người Huế vào Đồng Nai dù là trước đây hay sau này vẫn luôn giữ được nếp ăn, nếp nghĩ của người chốn Thần kinh - Điều này dễ nhận thấy khi bước chân vào chợ nơi ghi đậm dấu ấn văn hoá cũng như đời sống sinh hoạt của mỗi vùng.
Từ những chiếc nón bài thơ, đôi guốc gỗ của xứ Huế:
“Ai ra xứ Huế mộng mơ, Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.
Vẫn chỉ những nguyên liệu là lá, tre, cước cộng thêm một chút khéo léo tỉ mẩn, người Huế đã làm cho chiếc nón vốn chỉ là vật che mưa che nắng trở thành một đề tài bất tận cho thơ ca nhạc, hoạ. Gian hàng nón được đặt một vị trí thật đẹp trong chợ. Những chiếc nón lá được treo bán một cách điệu nghệ kèm với một dãy quai nón từ quai lụa đến quai voan, quai nhung. Có rất nhiều màu song màu chủ đạo vẫn là màu tím: tím hồng, tím xanh, tím trắng, tím than, tím biếc... Có lẽ màu tím muốn nhắc nhở mọi người nhớ về Huế với sắc màu lãng mạn vốn có của nó.
Vào các shop thời trang bạn hay gặp những đôi quốc gỗ đã được cách điệu, song ở chợ Huế có hẳn một sạp toàn guốc gỗ do chính tay thợ Huế đóng gửi vào. Một chiếc nón bài thơ, một đôi guốc gỗ, cô nữ sinh trường phổ thông trung học Thống Nhất trở nên thanh thoát hơn trong tà áo dài trắng so với các bạn đồng trang đồng lứa. Người Huế là vậy, ăn mặc bao giờ cũng điệu đà đúng cách và họ luôn dạy con cái giữ được nếp nhà.
...đến hương vị Huế trong các món ăn...
Đi vào phía Nam, bất cứ nơi nào bạn cũng có thể bắt gặp quán ăn đề chữ "Bún bò Huế" thật to. Nhưng là người Huế, bạn sẽ nhận ra ngay cái vị ngòn ngọt của đường khiến người ăn cảm thấy lơ lớ khó chịu, và cái váng màu vàng đỏ nổi lên phía bên trên kia chỉ là bột điều chứ không phải cái thứ ớt cay đến tha thít của người Huế. Vậy mà vào chợ Huế, không chỉ có món bún bò chính hiệu không thôi, bạn còn được thưởng thức các loại bánh của Huế từ ram ít, bánh lọc, bánh bèo, bánh ú cho đến cả loại bánh lưỡi mèo như cách gọi bánh nậm của một số người thích đùa. Các loại bánh khác có thể làm bằng các phương pháp hiện đại công nghiệp, duy chỉ có bún bò Huế và bánh Huế là trung thành với lối làm tỉ mĩ, thủ công.
Rời hàng bánh bạn sẽ thấy hàng chè cũng của Huế. Những cái ly trắng muốt nằm cạnh nhau dưới lớp vải lưới trắng để tránh bụi và ruồi. Ở đây, bạn sẽ được thưởng thức chén chè xanh, gợi kỷ niệm về những ngày rằm cúng xôi chè, chén ăn chén để dành đến mốc. Cung cách Huế được đặt vào những chén chè xinh xinh khiến bạn có thể làm một lèo vài chén mà không ngán. Khác với món bánh xèo cuốn rau cải, kinh giới, rau diếp cá chấm nước mắm chua ngọt, ở đây vẫn chấm với nước lèo - một thứ nước chấm đặc biệt của Huế và kèm thêm cái vị chan chát của quả vả.
Tiếp đó là các gian hàng bán các loại cá khô và mắm, đặc biệt là tôm chua và ruốt Huế. Đi giữa hàng rau, bạn sẽ nhận ra cái mùi quen thuộc của măng chua ở các chợ khác không có. Người Nam nấu canh chua có đủ vị: cay ngọt, chua với các phụ liệu: thơm, gà, giá, đậu que và rau ngổ, còn tô canh chua của Huế chỉ với nước cá và măng chua thôi nhưng sẽ để lại cho bạn hương vị khó quên bởi các ngọt của cá và vị chua thanh thanh của măng.
Cũng như các chợ khác, chợ Huế cũng đa dạng chủng loại từ trái cây miệt vườn Long Khánh về, gạo thơm chợ Đào, cá biển từ Phan Thiết đưa vào, cá sông từ Vĩnh Cửu đưa sang, cả những con mắm chuồn từ Huế cũng có mặt ở đây khiến cho chợ đáp ứng được mọi nhu cầu của khách.
Lệ thường ở chợ có sự cạnh tranh gay gắt nhất là cùng bán những mặt hàng cùng chủng loại, song có lẽ ý thức được việc sinh tồn giữa nơi đất khách quê người, nên người bán hàng ở đây rất nhường nhịn nhau trong mua bán. Khi bạn hỏi tiếng một món hàng nào đó, dù hàng mình đã hết hoặc không có, bạn cũng sẽ được tận tình chỉ dẫn. Một điều đặc biệt là phương châm bán hàng ở chợ Huế là “buôn chín bán mười”, nên bạn sẽ không phải mua hớ vì nói thách rất ít. Tâm lý của người mua bao giờ cũng muốn được mua đúng giá và được bớt chút ít. Chợ Huế đã đáp ứng được điều đó nên sức mua ở đây rất mạnh.
Quê hương là một điều vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người, nhưng ý thức việc giữ gìn bản sắc của mỗi miền là điều hoàn toàn không dễ. Giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy sôi động, ngôi chợ nhỏ bé này là bảo tàng sống để những thế hệ sau của người Huế xa xứ giữ được cách sống của Huế , quả là một điều đáng trân trọng.
Du lịch, GO! - Theo Maxreading, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét