Biết tôi đi nhiều nên bạn bè thường hỏi: “Ở VN nơi nào đẹp nhất?”. Và tôi không ngần ngại trả lời: “Với tôi, ấn tượng nhất là Hà Giang!”.
Ai đến Vân Nam, Trung Quốc, từng ghé Thạch Lâm thường trầm trồ trước vẻ đẹp lạ lùng của rừng đá - nơi bộ phim Tây du ký lấy làm bối cảnh. Thạch Lâm đẹp, oai phong nhưng chỉ rộng chưa đầy trăm cây số vuông. Còn Hà Giang của nước ta, dù khiêm tốn về vóc dáng, chiều cao nhưng rộng gấp 15 lần; cực kỳ phong phú về địa chất và hình dạng. Từ nhà ra đường, từ phố lên rẫy, từ sông đến núi, chỗ nào cũng đá là đá. Cứ như đá cả nước dồn về mở hội. Là nơi duy nhất ở VN được UNESCO công nhận “Công viên địa chất toàn cầu”, hình thành từ địa hình đá vôi, kiến tạo qua bao biến đổi cách đây hơn 400 triệu năm và rộng hơn 1.500 km2. Nhiều người gọi Hà Giang là cao nguyên đá, biển đá. Còn tôi thích gọi Hà Giang là đại ngàn đá.
Không ở đâu có những cung đường đẹp như Hà Giang với cảnh quan kỳ thú, hùng vĩ, chập chùng uốn lượn, lúc nắng lúc sương, khi ẩn khi hiện, nửa thực nửa hư. Một bên là vực sâu và những thung lũng đẹp mê hồn với các thửa ruộng bậc thang điệu đàng, ngút ngàn, rạo rực.
Một bên là vách núi sừng sững hút mắt hoặc thẳng đứng với vô vàn kiến trúc đá nhiều màu, đủ loại. Nhìn từ xa, trong sương mờ, đường quốc lộ như dải tơ lụa mong manh, thậm chí như sợi chỉ vắt ngang thung lũng hoặc hờ hững choàng qua mấy ngọn núi.
Đi Hà Giang mà ngủ trên xe thì uổng bởi mỗi cung đường là một cảnh quan độc đáo. Đường Hà Giang hẹp và hiểm trở, xe 45 chỗ không chạy được. Gặp xe ngược chiều là một trong hai chiếc phải dừng lại nhường đường.
Có nhiều con đường nhỏ xen giữa đá, cheo leo sườn núi, len lỏi giữa rừng hay đỏng đảnh bùn lầy trơn trượt… dành cho dân “offroad”. Gặp mùa mưa, nhiều đoạn phải lấy xích quấn bánh xe mới vượt qua được. Bù lại là những cảnh đẹp trinh nguyên mà dân đi ô tô không có được.
Ở Hà Giang “sỏi đá cũng lên bông”. Rừng trên đá; bắp, lúa, khoai, đậu, rau và hoa đều mọc trên đá. Từ bếp lò đến hàng rào, chuồng ngựa, chuồng trâu… cũng làm bằng đá. Tất cả toát lên một ý chí giản dị mà phi thường, người miền xuôi khó mà hình dung nổi. Nhiều đứa bé sinh ra, lớn lên, cả đời chưa đi hết đại ngàn đá mênh mông quê mình. Trẻ con vùng này hồn nhiên, lam lũ, hiếu khách và đẹp như tranh. Gặp người lạ là ríu rít vẫy tay, mắt ngời rạng rỡ. Nghe tiếng động cơ là ào ra đường để xem xe, xem người. Hạnh phúc của lũ trẻ cũng mộc mạc như đá. Lần nào đến đây tôi cũng mang theo năm ba ký kẹo, loại kẹo cứng, càng ngọt càng tốt để gửi cho bọn trẻ chút tình miền xuôi. Chúng không thích các loại kẹo dẻo và chưa biết ăn chocolate.
Đến Hà Giang, xe khó lòng chạy suốt; phải dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh, bởi thiên nhiên thay đổi theo mùa, theo ngày, theo buổi. Đến Đồng Văn là trở lại Sa Pa 30 năm trước, trở về Đà Lạt cách đây 60 năm. Giữa gam màu xanh của thực vật, màu xám của đá và đất trời, ngũ sắc của các loài hoa, bỗng sống động những sắc màu ấm áp của con người. Từng tốp người ríu rít lao động hay đơn lẻ cày bừa, thảnh thơi nhổ cỏ. Tôi đã có dịp ào xuống ruộng, nhổ mạ và cấy lúa với các cô gái Dao nhí nhảnh ở bản Kuông. Các nàng có nhiều trang phục để chưng diện theo mùa. Mùa nào cũng rực rỡ kiêu sa với hương hoa đặc trưng không lẫn vào đâu được. Hình ảnh trâu bò cày bừa thong thả, có khi vừa làm vừa gặm cỏ hay chú bê con theo mẹ tập cày là những nét đẹp mà ở miền xuôi đã lùi vào quá khứ...
Ngoài đá, đặc sản văn hóa nổi bật nhất của Hà Giang là chợ. Có chợ phiên cuối tuần như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ… Có chợ lùi - một dạng chợ phiên hàng tuần, lần lượt lùi ngày họp chợ như Phố Cáo. Có chợ cả năm chỉ họp một lần như chợ Phong Lưu Khâu Vai, một trong vài chợ tình còn giữ nguyên chất mộc vốn có. Mọi người đến đây để gặp lại bạn bè, cả những người “có duyên mà không nợ” hay đi tìm một nửa của mình… Chỉ một ngày đêm duy nhất, từ tối 26 đến chiều 27 tháng 3 âm lịch hằng năm. Sau đó, ai về nhà nấy, trở lại với cuộc sống bình thường.
Nhiều người, từ già đến trẻ, đi chợ Hà Giang chỉ để xem, để nghe, để ngửi và để gặp người quen. Thế cũng là hạnh phúc sau một tuần lam lũ. Có nhiều bộ cánh xinh đẹp, chân diện giày vớ mới. Có những bộ sờn vai, cũ kỹ với đôi giày há miệng hoặc đôi dép sứt quai. Có tiền thì đi xe ôm, không thì cuốc bộ vài chục cây số là chuyện bình thường. Ở chợ Hoàng Su Phì, tôi đã cõng thử gùi củi của cô gái Hmông. Phải hơn 40 ký, giá chỉ 25.000đ. “Nhà em bên kia sườn núi, cách chợ chừng 12 cây số”. Tôi xin mua 2 bó củi nhưng vì không mang về được nên nhờ em... bán giúp. Em cầm tiền mà cứ tưởng tôi đùa. Chợt đắng lòng khi hiểu ra, hai ngày công của vợ chồng em chỉ bằng ly cà phê ở Sài Gòn.
Ẩm thực Hà Giang cũng độc đáo và đa dạng. Cải ngồng thon thả như đọt măng tây, dưa “mèo” mũm mĩm tựa chuột bạch, các loại đậu và bắp non… xanh mượt. Tất cả đều là rau sạch, giòn ngọt lạ lùng. Lạp xưởng và thịt xông khói được chế biến cầu kỳ, mang hương vị đặc trưng vùng đá.
Các loại tôm, cá suối chiên, măng mai gói thịt, thịt kho quả trám, giò heo hầm ấu tẩu, rau đắng núi… ăn rất tốn cơm và lạ miệng. Gà vùng đá cực ngon - loại gà đen từ lông đến da, từ cẳng đến mào, từ xương đến thịt. Luộc, xào, nướng, nấu canh… đều không “đụng hàng”.
Các món cháo nấu từ củ ấu tẩu, thắng cố; các loại bánh mèn mén, bánh bắp, bánh bột nướng thơm bùi. Xôi ngũ sắc, rượu Lũng Bá, trà Shan tuyết Lũng Vài; các loại khăn lanh của bà con dân tộc (coi chừng hàng Trung Quốc giả mạo)… là những thứ phải ăn thử và mua về làm quà.
Đạo diễn Lê Bảo Trung, thành viên của đoàn khách Lửa Việt, khoe với mọi người đôi giày bện bằng tay từ cỏ khô vừa mua được. “Tác giả là một ông cụ lãng tử mang dáng dấp Bùi Giáng. Cụ bảo: mỗi tuần tao chỉ đan được một đôi. Muốn mua thêm thì tuần sau trở lại…”. Ông nhận tiền rồi mua rượu uống tràn. Chợ nào cũng có khu uống rượu, nhộn nhịp hơn cả khu ăn. Già, trẻ, đàn ông, phụ nữ đều uống và hút “Bazoka” - loại điếu cày khổng lồ. Gần trưa là say liểng xiểng, nằm đâu ngủ đó. Cuộc sống luẩn quẩn kiếm tiền, uống rượu nên thể trạng người dân tộc cứ quắt lại và lùn hơn.
Hà Giang có nhiều điểm tham quan kỳ thú như núi Đôi ở Quản Bạ; dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình ở Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, núi Cô Tiên, đèo Mã Pí Lèng, các thửa ruộng bậc thang, núi Tây Côn Lĩnh, phố cổ Đồng Văn... Đáng tiếc là khu phố cổ ngày càng biến dạng bởi các ngôi nhà mới lòe loẹt mà chẳng thấy ai cản ngăn, quy hoạch. Ngành du lịch Hà Giang đang khởi động cải tạo Khâu Vai thành “trung tâm du lịch văn hóa” của tỉnh, nâng cấp miếu Ông, miếu Bà; xây thêm nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, đón khách thập phương, từng bước “xóa bỏ” chợ tình, cũng như từng “xóa sổ” chợ tình Sa Pa và nhiều nơi khác. Nghĩ mà buồn cho kiểu tư duy du lịch “thằng Bờm”.
Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét