Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Điện Biên ! Ôi sao đẹp quá...

Ca từ trong bài hát “Điện Biên mùa ban trắng” của tác giả Vương Khon, giai điệu mượt mà của vùng đất xa lắc, vùng đất in dấu những trận đánh khốc liệt, bi hùng thuở nào cứ thôi thúc tôi trên suốt chặng đường trở lại Điện Biên...

Ngày cuối năm, nắng vàng như mật trải khắp “lòng chảo nhất thanh” vùng Tây Bắc. Thêm một lần nữa, tôi về thăm lại mảnh đất thiêng, với bao sự đổi thay của đất trời và con người nơi đây.

Chiều, nắng gió nơi “thành phố rừng” trong lành. Tôi đắm mình trong ký ức, thành phố đang từng ngày được khoác chiếc áo mới trên nền chiến trường khốc liệt hôm nào. Chậm rãi, miên man, tôi rảo bộ trên bờ hồ, cái se lạnh giữa đông, cảm giác lâng lâng, ấm áp, thành phố trẻ về đêm như rộng hơn, các tuyến phố dài hun hút, lung linh huyền ảo bởi hệ thống đèn nhiều màu, sự náo nhiệt, hối hả, gấp gáp như chàng trai mới lớn.
.
Khó có thể hình dung mảnh đất này là nơi từng diễn ra những trận đánh khốc liệt năm nào. Ngược về phía tây nam thành phố, chỉ mất nửa giờ chạy xe, một cửa khẩu quốc tế đã được mở để đón bạn bè, tạo điều kiện giao thương hàng hóa và du lịch Điện Biên. Thành phố có thêm nhiều công trình, nhà máy mới... tô điểm thêm cho bức tranh đẹp với những gì mà thiên nhiên ưu đãi cùng sự nỗ lực của con người. Sắp tới, dự án cải tạo bờ sông Nậm Rốm hoàn thành, bên cây cầu Mường Thanh đã đi vào lịch sử,một thành phố ven sông sẽ là điểm đến, tạo ấn tượng khó quên của nhiều du khách.

Hôm sau, khó kìm nén cảm xúc của mình, khi tôi đến thăm nơi yên nghỉ cuối cùng của những người con đã gửi máu xương nơi đây – Nghĩa trang A1. Nắng chiều vàng nhè nhẹ gió lay, hàng huệ trắng như thì thầm cùng các anh. Dãy bia mộ, hàng tiếp hàng, gọn gàng, sạch sẽ. Hương trầm nghi ngút, ấm áp, dường như chưa hề nguội tắt dù rất ít, vì tấm lòng của những người dân nơi đây, luôn tưởng niệm với lòng thành kính sâu sắc.

Lật giở những trang trong cuốn sổ lưu niệm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dòng chữ nhòe nước mắt được ghi ngày 29/4/2007, là cảm xúc của con gái một liệt sĩ trận Điện Biên Phủ anh hùng: “Mẹ tôi là liệt sĩ Đỗ Thị Kim Dung, Bí thư phụ nữ huyện Phổ Yên, đã hi sinh trong đợt huy động dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Là con của một liệt sĩ, tôi đã đến đây với niềm xúc động sâu sắc và tiếc thương vô hạn...” Đó chỉ là một trong rất nhiều những dòng lưu bút chất chứa, gửi gắm những tình cảm biết ơn, lòng cảm phục của những người con muôn nẻo khi thăm lại mảnh đất Điện Biên.

Tiềm năng du lịch là thế mạnh của Điện Biên với những di tích lịch sử không nơi nào có được. Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn, nét riêng của Điện Biên thì cần có sự đánh giá, đầu tư tương xứng. Việc giữ gìn, trùng tu tôn tạo những điểm di tích phải được quan tâm đúng tầm lịch sử. Công việc trùng tu, tôn tạo là việc làm cần thiết nhưng cần đảm bảo tính chân thực của sự kiện. Nhiều du khách khi chia tay với Điện Biên không khỏi băn khoăn, như: xe tăng trên cánh đồng Mường Thanh không nên sơn một màu rất lạ như vậy mà nên để màu nguyên bản. Và nhiều ý kiến đóng góp: Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử còn sơ sài quá, chưa thể hiện đúng tầm của chiến dịch lịch sử.

Thật đáng quí những tâm tư gửi gắm của một du khách huyện Lương Sơn, Hòa Bình khi thăm lại Điện Biên lần đầu tháng 3/2003 và trở lại ngày 30/4/2007: “Lần thứ hai thăm lại Điện Biên, ấn tượng của tôi là toàn cảnh Điện Biên Phủ tháng 2/1954, song nếu lưu giữ bằng ảnh khổ lớn như trước đây thì tốt hơn bởi bức ảnh trên nói lên rất nhiều điều: sự khốc liệt của chiến tranh, sự vĩ đại của chiến thắng... Mong Bảo tàng trưng bày lại bức ảnh trước đây”... Qua những ngày lưu lại Điện Biên, tôi muốn gửi gắm ngành du lịch Điện Biên là cần có một đội ngũ hướng dẫn viên có “nghề” để du khách cảm nhận được niềm tự hào và khí thế của những trận quyết tử năm xưa mỗi khi giới thiệu về một điểm di tích.

Từ độ cao 500m, “lòng chảo vàng” xa dần, nhấp nhô nóc nhà chấm đỏ, chấm xanh. Tạm biệt Điện Biên, nơi tôi đã đến, đã yêu và cũng đặt nhiều kỳ vọng. Lòng thầm hẹn dịp gần nhất sẽ lại được thăm Điện Biên để chứng kiến sự “thay da đổi thịt”, để ngất ngây trong men rượu cần, ấm áp, say sưa với ánh mắt lúng liếng cùng cô gái Thái trong vòng xòe... Những con người và mảnh đất nơi đây đã, đang và sẽ tiếp tục làm nhiều hơn những gì đã làm được ngày hôm nay.


Điện Biên là một tỉnh nằm ở vùng tây bắc, miền Bắc Việt Nam, giáp với các tỉnh Lai Châu và Sơn La của Việt Nam, Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, Phongsali của Lào ở phía Tây - có diện tích tự nhiên 9.542,289 km2 chiếm 2,89% diện tích cả nước. Toạ độ địa lý: 20o54- 22o33 vĩ độ Bắc và 102o10 - 103o36 kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km đường bộ. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới với Lào dài 360 km và biên giới với Trung Quốc dài 38,5 km. Điện Biên có 9 đơn vị hành chính (01 Thành phố, 01 Thị xã và 07 huyện) với 21 dân tộc sinh sống.

Du lịch, GO! - Theo báo Điện Biên Phủ, Vietnamculture

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét