Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Chuyện về dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu

Núi Tiên Sơn Linh Mẫu là một thắng cảnh đẹp huyện Vĩnh Lộc. Nhìn từ xa, thắng cảnh này có hình thù giống như một nữ thần hay một quận chúa đang nằm nghỉ.
Núi Tiên Sơn Linh Mẫu còn có tên gọi khác là núi Chung Vinh, đã có từ lâu đời, nằm trên địa bàn các xã Vĩnh An, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, núi chạy dài khoảng 2km, cao khoảng 500m. Phía sau ngọn núi còn có 2 hang động lớn là Kim Sơn và Tiên Sơn đã được xét duyệt  và cấp bằng di tích danh thắng, bên trong có nhiều nhủ đá, hình thù khác nhau trông rất đẹp mắt.

Động được phát hiện năm 1919, động có chiều dài hơn hai km và nhiều thạch nhũ đủ hình dạng kỳ thú. Động được chia thành ba khu: chính cung, hồ nước tiên, và thoải cung. Cảnh đẹp nơi đây mang hơi hướng Phật giáo với khối thạch nhũ hình tòa sen; tượng Phật tổ với ánh mắt từ bi; một con cóc há miệng chầu, mắt mở tròn; con hổ vằn trong tư thế phủ phục, hướng về phía đức Phật.
.
Bên trong động còn có hình cây cổ thụ, tán lá trải dài xuống thân và gốc cây. Bên phải là thoải cung thờ Phật bà quan âm và nhũ đá hình cá chép hóa rồng được người dân địa phương gọi là ngư long, nằm chầu trước thoải cung. Phía dưới là hình mãng xà tinh đang chui từ trong hang ra, thân hình uốn lượn trong núi. Cách đó không xa là thạch nhũ giống Hoa Quả Sơn với hình Tôn Ngộ Không khoác áo da hổ, cổ quấn khăn, trong tư thế chuẩn bị bay lên thiên đình.

Khu vực giữa động có hình đá khiến du khách liên tưởng tới một tiên nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, da trắng, tóc đen, chân co, chân duỗi, một tay che ngực, một tay vắt qua eo. Cạnh đó là hình cậu Hoàng Bơ mặc áo nâu, cầm bó tơ hồng hướng về phía tiên nữ. Tương truyền, ai đến đây cầu tình duyên, hạnh phúc, chỉ cần dâng hương khấn nhờ cậu Hoàng Bơ thì sẽ được như ý muốn. Trên vòm động có thạch nhũ giống đôi bầu sữa mẹ, nước chảy quanh năm không bao giờ cạn.

Sau bàn thờ Bà chúa kho là hình ruộng bậc thang. Có khối thạch nhũ trông giống kho thóc màu nâu, kho gạo màu trắng, kho bạc lấp lánh ánh đăng châu. Nơi thì giống bàn chân mẫu Âu Cơ in hình trên đá, du khách đến đây có thể ướm thử bàn chân mình vào, nhắm mắt cầu nguyện để thấy mệt nhọc tiêu tan, tâm hồn thư thái.

Trong động còn có hồ nước tiên. Từ hồ nước tiên nhìn lên sẽ thấy hình ảnh phủ Nam tào Bắc đẩu và hình tượng Ngọc hoàng đang ngự trị trên thiên đình. Cuối động Tiên Sơn là khối thạch nhũ giống khu mộ cổ của người xưa để lại.

Chuyện về dãy núi “người mẹ mang thai”

Trong lần hiếu kỳ tìm đến động Tiên Sơn (Hàm Rồng) để mục sở thị về phiến đá có hình bàn chân cầu tự, tôi được nghe câu chuyện về dãy núi đá vôi Tiên Sơn, Linh Mẫu mang dáng dấp người mẹ mang thai ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Lạ kỳ thay, dãy núi đã tồn tại qua bao đời nay song phải đến gần đây mới được người dân địa phương phát hiện ra nó có dáng vẻ đặc biệt có một không hai này…

Một hiện tượng tự nhiên lạ!

Lần theo chỉ dẫn của người quen, tôi tìm đến nhà người đầu tiên phát hiện ra dáng vẻ kỳ lạ của dãy núi ấy - anh Phạm Văn Viêm ở thôn Xanh, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. Dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu trước kia còn được gọi là núi Trung Vinh, có chiều dài gần 2km, cao khoảng 500m nằm trải dài trên địa bàn 3 xã Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh và Vĩnh An của huyện Vĩnh Lộc.

Song, nghe nói đứng từ phía nhà anh Viêm là quan sát rõ nhất hình dáng đặc biệt của dãy núi này. Có lẽ cũng bởi đây là ngôi nhà 2 tầng hiếm hoi ở đây nên không bị cây cối, nhà cửa che khuất tầm nhìn về phía dãy núi như các gia đình khác xung quanh.

Vả lại nhìn từ hướng nhà anh có thể quan sát chính diện toàn bộ hình dáng dãy núi, chứ còn chếch sang độ vài chục mét hai bên xung quanh, nhất là sang các thôn xã khác là trông dáng núi không còn rõ hình người mẹ mang thai nữa. Theo lời kể của anh, mặc dù sinh ra và lớn lên ở đây song anh chưa bao giờ nghe câu chuyện nào của cha ông truyền lại về dãy núi này, càng chưa bao giờ hình dung ra được nó lại có hình dáng lạ lùng như thế.

“Có lẽ vì ngày ấy có mấy bụi tre án ngữ phía trước nhà, khuất tầm nhìn nên mọi người không thấy được. Kể cả đến năm 2007, khi ngôi nhà đã được sửa sang và xây lên 2 tầng, tôi cũng chưa nhìn ra hình dáng kỳ thú của dãy núi. Chỉ đến mùa hè năm ngoái, vào một buổi tối thời tiết nóng nực, tôi ra ban công tầng 2 nằm hóng mát mới giật mình thấy dãy núi có hình thù giống hệt một người phụ nữ đang nằm” - anh Viêm cho biết.

Quả thực nhìn nghiêng, dãy núi có hình thù đẹp như một người phụ nữ mang thai đang nằm nghỉ với đầy đủ mũ mão, trán, mắt, mũi, miệng, cằm, cổ, bầu ngực và bụng. Xoay ống kính máy ảnh nghiêng một góc 90 độ nằm ngang và “zoom” cận cảnh từng bộ phận trên hình hài “người phụ nữ” thiên nhiên này mới thấy hết vẻ đẹp đến từng đường nét, từ chiếc mũ tua dua điệu đà trên đỉnh đầu đến vầng trán cao rộng, đôi mắt tròn to sắc nét, chiếc mũi dọc dừa thẳng tắp, đôi môi hình trái tim căng mọng nhỏ nhắn, chiếc cổ thon dài, đôi bầu ngực căng tròn và cả chiếc bụng bầu cân đối…

Lý giải về hình dáng độc đáo kỳ lạ ấy của dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trần Lâm Biền cho biết: “Chúng ta nhìn thấy ở dáng của đỉnh núi có bộ mặt của một bà mẹ với một bầu sữa vũ trụ nuôi dưỡng thiêng liêng tất cả muôn loài vạn vật. Nó như tượng trưng cho ước vọng cầu hạnh phúc của mọi người và chúng tôi ngờ rằng đây giống như một hình tượng mà người xưa truyền lại là hình tượng “bà mẹ đất”, “bà mẹ núi” được nhắc đến trong Phật giáo xưa”.

Một thắng cảnh tiềm năng…

Cũng trong thôn Xanh, xã Vĩnh Thịnh, nhìn thẳng về hướng dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu nhưng cách xa hơn nhà anh Viêm là ngôi chùa Hoa Long mang đậm dấu ấn kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Phật giáo truyền thống.

Theo phân tích của ông Trần Lâm Biền, thì dãy núi này không chỉ có giá trị về mặt du lịch với những hang động hình thù kỳ bí khác nhau mà còn có mối liên hệ mật thiết với ngôi chùa Hoa Long - nơi từ xưa đến nay vẫn luôn là chốn sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống yên bình hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn huyện.

Về mặt phong thủy, chùa Hoa Long quay mặt về hướng Nam, hướng được cha ông ta cho là có sinh khí, nơi có dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu tọa lạc. Trong quần thể 29 ngọn núi chạy từ phía Tây tới tạo thành dãy Tiên Sơn Linh Mẫu ấy, có ngọn núi Kim Sơn đứng về mặt phong thủy có giá trị rất cao.

Núi Kim Sơn cùng với chùa Hoa Long được xem như một thể thống nhất về mặt phong thủy, là ngọn núi linh chứa đựng sự thiêng liêng của cả một vùng và rộng hơn là của cả một dân tộc. Đây cũng là ngọn núi vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận danh thắng cấp quốc gia vào ngày 22-1-2009 vừa qua. Đặc biệt nằm trong ngọn núi này là hai danh động quan trọng gồm động Kim Sơn và động Tiên Sơn. Đây là các di tích có tiềm năng du lịch lớn của huyện Vĩnh Lộc.

Truyền thuyết kể rằng hai động ấy được xem như “tử cung” của “bà mẹ” vũ trụ thiêng liêng (dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu), con người đi vào trong đấy là để tìm chất vô nhiễm với mong muốn tránh được những rủi ro, tai họa ngoài cuộc sống. “Với đặc tính như thế, tôi nghĩ rằng vẻ đẹp của dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu, đặc biệt là quả núi đơn Kim Sơn kết hợp với chùa Hoa Long và các di tích quanh đây sẽ thực sự là thắng cảnh có giá trị lớn lao về tâm linh và du lịch cần được bảo vệ” - ông Trần Lâm Biền khẳng định.

Danh thắng đang bị “ăn mòn”

Tuy vậy có đến đây mới thấy được thắng cảnh lạ được liệt vào loại “có một không hai” ở Việt Nam này đang bị “ăn mòn” và mất dần vẻ hoang sơ thế nào khi các xưởng đá với công suất khai thác hàng nghìn m3/ngày vẫn đang ngày đêm hoạt động dưới chân núi Tiên Sơn Linh Mẫu.

Việc này theo ông Trần Lâm Biền là khó mà có thể chấp nhận được, bởi lẽ nếu phá ngọn núi này thì khác nào thế phong thủy của cả cụm di tích cũng bị mất đi, vả lại nếu cứ đi phá những quả núi như thế thì đó chỉ là ý thức “ăn xổi”, mà ý thức này gắn nhiều với phá hoại hơn là xây dựng. “Quả núi Kim Sơn nói riêng đã được ghi lại trong nhiều bia ký ở đấy, cũng được sử sách nói tới nhiều, bây giờ phá đi thì khác nào phá hoại lịch sử và phá hoại văn hóa mà ông cha và Tổ tiên để lại” - ông Trần Lâm Biền nói thêm.

Cũng đồng tình với quan điểm này, song ông Lê Văn Sự - Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc bày tỏ băn khoăn việc này nằm ngoài phạm vi của huyện: “Hiện ở khu vực này có 2 công ty khai thác đá được tỉnh Thanh Hóa cấp phép từ nhiều năm nay, đó là còn chưa kể một số công ty khai thác tư nhân khác cũng nhảy vào hoạt động. Chỗ đấy giờ là gánh mưu sinh của hàng trăm con người, không cho họ làm nữa cũng khó tìm ra cách nào tháo gỡ”.

Tuy vậy dù khó đến mấy nhưng theo ông thì việc khai thác đá tại khu vực núi Tiên Sơn Linh Mẫu cũng cần phải được dừng lại, tránh sau này cảnh quan danh thắng bị xâm phạm thì hối cũng chẳng kịp. Về điều này, đại diện Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc khai tahác đá tại núi Kim Sơn nói riêng và quần thể dãy núi Tiên Sơn Linh Mẫu nói chung, nếu nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng đến các di sản văn hóa ở đây thì sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh lại quy hoạch.

Việc này đã đến lúc cần được đưa ra bàn luận rõ ràng bởi nếu chỉ thấy lợi ích trước mắt và tận thu từ thiên nhiên thì trong tương lai không xa, rất có thể chúng ta sẽ chỉ còn được ngắm dãy Tiên Sơn Linh Mẫu qua những bức ảnh, còn quần thể động - núi - chùa linh thiêng độc đáo nơi đây với những mối liên hệ đẹp đẽ cũng sẽ bị thiếu khuyết đến muôn đời sau...

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ Việt Báo, Báo thanh hóa, Vuontoi-tamcao 360plus, Đất Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét