“Trong mỗi con người chúng ta, ai cũng nuôi một khát vọng riêng tư. Chính khát vọng ấy là mạch sống, là niềm vui không thể thiếu được. Khát vọng bấy lâu nay của tôi chính là cuộc hành trình đi bộ từ Dinh Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm lăng Bác bằng đôi chân nhỏ bé này”.
Đấy là tâm sự của cụ Hồ Ngọc Khiết được ghi trong cuốn nhật ký của mình. Tôi tìm gặp cụ vào những ngày tháng 5 nắng như đổ lửa; dưới rặng tre ngà bên lăng Bác, cụ bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc hành trình có một không hai này.
Sinh ra và lớn lên ở Tuy Phước, Bình Định - vùng quê nghèo nhưng con người thì lại có tinh thần thượng võ. Năm 1982, cụ chuyển ra Cát Tiên, Lâm Đồng lập nghiệp. Vốn là người nông dân thuần phác nên con người của cụ cũng hiền lành, chất phác.
Được biết năm 2010 cụ cũng đã từng có một chuyến hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc bằng xe đạp. Năm nay (2011), cụ lại nuôi ước vọng tiếp tục chinh phục chặng đường ấy bằng đôi bàn chân bé nhỏ của mình. Dù đã ở tuổi thất tuần, song cụ Hồ Ngọc Khiết đã băng qua chặng đường hơn 2000 ki lô mét từ Nam ra Bắc đến với Bác Hồ để tìm lại những ký ức mà anh bộ đội cụ Hồ năm xưa đã từng băng rừng lội suối vượt dãy Trường Sơn trong chiến tranh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Hôm nay cụ muốn tìm hiểu cuộc sống của những anh bộ đội cụ Hồ bằng chính chặng đường.
Hành trang của cụ thật giản đơn, chỉ có một chiếc ba lô, hai bộ quần áo, một đôi giầy và một chiếc võng, một số thuốc men và một chiếc máy đo huyết áp. Đúng 0 giờ 30 phút ngày 18/2/2011, trước khi thực hiện cuộc hành trình, cụ thắp nén hương dâng lên bàn thờ tổ tiên cha mẹ với tâm nguyện được sự phù hộ để hoàn thành chuyến đi. Sau đó cụ nhánh chóng khoác chiếc ba lô bước nhẹ nhàng ra cửa.
Cụ Khiết kể, một hôm trời sẩm tối, có một cậu bé muốn chở cụ, song vì quyết tâm, nghị lực và vì mục đích của chuyến đi, cụ đã dứt khoát không lên xe của cậu bé. Khoảng 15 phút sau, cậu bé trở lại và đưa cho cụ một ổ bánh mì, cụ cảm động lắm bởi tấm lòng thành của cậu bé.
Chặng đường cụ đi cũng đã gặp phải tình trạng thập tử nhất sinh, tưởng rằng đã chết khi mới đi được nửa chặng đường do bị ngộ độc thức ăn, song mọi sự cố đã qua, vì cụ đã được rất nhiều người tốt chăm sóc.
Trên vạn dặm trường chinh ấy, tuy có mệt và vất vả nhưng cụ được tận mắt ngắm cảnh non sông đất nước. Cụ tâm sự, quê hương đất nước mình thật đẹp, từ những vùng Nam Bộ hai mùa mưa nắng, con người thì phóng khoáng, chân thành cho đến miền Trung nắng gió, con người thì chính trực khẳng khái; rồi thì miền Bắc bốn mùa rõ rệt, con người lại đôn hậu dễ mến… Trên bước đường ấy đã để lại cho cụ rất nhiều kỷ niệm, những khi mắc võng dọc đường nằm nghỉ ngơi hay những lúc xin nghỉ trọ ở nhà dân qua đêm… Cụ đã ghị lại những câu chuyện ấy trong cuốn nhật ký như để trải lòng mình.
Tôi đọc từng trang nhật ký mà thấy cảm động vô cùng: “Thưa ông, cháu rất khâm phục ý chí của ông, dù trời rất lạnh nhưng ông vẫn hành trình như bước chân anh bộ đội cụ Hồ. Cháu cầu chúc cho ông đi đường mạnh khỏe, sớm đến được Lăng Bác” (Dương Thị Thu Lý - Quảng Ngãi). Lại có những vần thơ ghi tặng cụ như thế này “Bảy mươi hai tuổi vẫn bộ hành/Tuy già nhưng vẫn tinh anh thuở nào/Thời gian một thoáng thoi đưa/… Vi hành xuyên Việt sớm trưa chẳng nề” (Thích Quảng Hiếu - Khánh Hòa).
Còn đây là tâm sự của cháu Trần Thị Hương (Vĩnh Linh - Quảng Trị): “… Bác là thần tượng, là biểu hiện của sức mạnh kiên trì và lòng đầy quyết tâm của con người không có điều gì là không thể làm được, không có đỉnh cao nào là không thể vươn tới, không có khó khăn nào là không thể vượt qua… Bác sẽ cảm nhận được sự thân thiện của những con người mà bác đi qua!...”. “Thật là hiếm thấy, ngày nay mọi người đều đang lo làm giàu thì bác lại làm một việc mà chỉ những người có nghị lực và tấm lòng trong sáng mới thực hiện được” (Trần Văn Thành, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Chị Đào Thị Hiền (Làng Quốc tế Thăng Long - Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, vì khâm phục và cảm động trước nghị lực của cụ Khiết, mặc dù biết cụ đã đi tàu vào tới Thanh Hóa trên đường về quê nhưng tôi đã gọi điện mời cụ trở lại Hà Nội để được gặp mặt. Chị đã cho lái xe riêng chở ông đi thăm hồ Gươm, con đường gốm sứ và vào khu di tích ở Phủ Chủ tịch. Ngoài ra, chị đã biếu ông một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng và đặt vé VIP để vài ngày nữa ông về TP.HCM.
Quãng thời gian trong cuộc hành trình ấy của cụ kéo dài đúng 2 tháng 18 ngày. Đây là chuyến đi về nguồn không chỉ với tâm nguyện được về viếng Lăng Bác hay tái hiện hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ những năm tháng mưa bom bão đạn, mà còn nhắn nhủ với thế hệ trẻ mà trước hết là con cháu của mình tính kiên trì, ý chí quyết tâm, rèn luyện bản thân để vươn tới một tương lai tốt đẹp. Hôm nay, đến được với Bác (lăng Bác), thăm Bác là cuộc đời tôi đã mãn nguyện lắm rồi, cụ Khiết chia sẻ.
Du lịch, GO! - Theo baodulich, ảnh TPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét