Người Thái quan niệm, vía có lúc vì ham chơi mà quên cả lối về với chủ hoặc vía lạ bản lạ mường nên dễ bị ma mãnh xứ người đùa giỡn làm hại. Vì vậy người Thái thường làm lễ buộc chỉ cổ tay để vía của khách phương xa luôn ở bên người, cầu giúp cho khách luôn khỏe mạnh, may mắn.
Buộc chỉ cổ tay là một tục lệ mang đậm bản sắc đồng bào Thái Tây Bắc hiện vẫn được gìn giữ và bảo tồn.
Khách trong nước và quốc tế tham quan, du lịch đến với bản mường người Thái sẽ được làm lễ buộc chỉ cổ tay. Đó cũng là một cách thể hiện lòng thân thiện, đạo hiếu khách của người Thái.
.
Xuất phát từ cuộc sống đời thường, trong sinh hoạt, lao động và sản xuất, con người phải gồng mình chống chọi với quy luật sinh tồn của thiên nhiên. Chính vì lẽ đó, đồng bào Thái quan niệm, thực thể mỗi con người đều tồn tại hồn vía song hành và được coi là một thực thể siêu hình vô cùng quan trọng. Hồn vía con người luôn gắn bó với thân xác của cuộc sống đích thực, của đời người bắt đầu từ lúc sinh đến khi trở về cõi vĩnh hằng.
Người Thái cho rằng, đàn ông Thái có 7 hồn vía, đàn bà Thái có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những người đàn ông và đàn bà đó sẽ không còn tồn tại đích thực trên thế gian, hoặc người đó bị lạc đi vài vía thì sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và không gặp lành trong cuộc sống.
Nếu để ý phong tục của người Thái Tây Bắc thì khi bước chân lên cầu thang nhà sàn sẽ thấy một chiếc giỏ dán giấy màu đặt nơi quá giang của nhà sàn. Đó chính là “bồ đựng vía”, nơi để vía từng thành viên trong gia đình trú ngụ . Có nơi bồ vía được trú ngụ trong mô hình một ngôi nhà sàn nhỏ đặt nơi quá giang hay trong khu vườn sau nhà.
Cũng xuất phát từ quan niệm đó, người Thái cho rằng trẻ nhỏ vía còn non nớt, nên gia đình, dòng tộc tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay khi trẻ tròn một tháng tuổi, còn gọi là buộc vía. Khi đó, trẻ được gắn, đeo một chiếc vòng vía bằng bạc nguyên chất trên cổ hoặc cổ tay, cổ chân.
Khi trẻ nhỏ được gùi, địu, cõng, bế đi đường xa thì cha, mẹ, ông, bà thường bôi lên trán trẻ một vệt nhọ nồi với quan niệm đánh dấu để vía trẻ nhớ theo ông bà, cha mẹ trở về nhà.
Các cụ già, vía cũng bước vào tuổi lú lẫn nên nhiều khi vía đi lạc không nhớ đường về nhà hoặc vía dễ bị ma quỷ rủ rê bắt vía đi xa nên thường bị ốm đau, bệnh tật.
Khách xa đến chơi, người Thái quan niệm, vía có lúc vì ham chơi mà lang thang quên cả lối về với chủ hoặc vía lạ bản lạ mường nên dễ bị ma mãnh xứ người đùa giỡn làm hại, vì vậy người Thái thường làm lễ buộc chỉ cổ tay để vía của khách phương xa luôn ở bên người, cầu giúp cho khách luôn khỏe mạnh bình an, may mắn suốt dặm trường thăm thú, vãn cảnh đất khách quê người.
Chỉ buộc cổ tay có hai màu đỏ và đen. Chỉ đỏ dùng buộc cổ tay cho khách lữ hành, cầu chúc cho khách chân cứng đá mềm. Buộc chỉ đỏ cổ tay vợ chồng mới cưới nhau để cột chặt hồn vía đôi trai gái có cuộc sống vợ chồng bền chặt, công việc làm ăn trôi chảy. Chỉ đỏ còn dùng buộc cổ tay những người sau cơn hoạn nạn, tai ương, đau ốm, bệnh tật lâu ngày, cầu cho họ gặp may mắn, chóng hồi phục sức khỏe, sống bình yên cùng gia đình, vợ con.
Người Thái cho rằng, những người bệnh tật kéo dài, là người đó hồn vía đi xa, chơi không biết đường về nên dùng chỉ đen cột cổ tay.
Trước khi buộc chỉ, ông bà cao niên có bài khấn “xí xím khon máng nả, hả xím khon máng lăng/ má đơi ải đơi í má đơi lụ, đơi mê ru hao kin van/ thau hô đon hô khao”. Tạm dịch “bốn mươi hồn vía trước, 50 hồn vía sau/ở chốn nào thì hãy trở về với cha mẹ, chồng con sống đến bạc đầu bạc tóc”.
Sau đám hiếu, người Thái cũng làm tục lệ buộc chỉ đen cổ tay để cầu hồn vía cho người thân, họ hàng, cô bác, bạn bè gần xa đến chia buồn, phúng viếng an lành.
Người Thái thường chọn thầy mo của bản, hoặc các bậc cao niên có uy tín trong dòng tộc, dòng họ làm lễ buộc chỉ cổ tay.
Trước khi làm lễ buộc cổ tay, cụ ông, cụ bà đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con người giữ được vía, được hồn luôn khỏe mạnh, tránh được tai ương; ma tà nhìn thấy chỉ buộc ở cổ tay sẽ không dám làm hại hồn vía con người.
Làm lễ xong, chỉ được buộc cổ tay, nam chập 7 sợi chỉ lại rồi buộc vào cổ tay trái, nữ chập 9 sợi chỉ buộc vào cổ tay phải.
Lễ buộc chỉ cổ tay thường chọn ngày, giờ và đón thầy đến nhà làm nghi thức cầu an rồi buộc cổ tay cho cả nhà. Hoặc khi có người già ốm lâu ngày thì mời thầy về gọi vía rồi mới buộc chỉ cổ tay, mong cho người già mau khỏe lại.
Lễ cúng có xôi, trứng gà, một bát gạo và hương để thầy mo bẩm báo tổ tiên, thần linh, thổ địa, gia trạch cùng hợp sức, hộ mệnh cho người được làm lễ thêm sức khỏe.
Được biết, người Mường, Lào cũng có tục lệ buộc chỉ cổ tay. Tục lệ buộc chỉ cổ tay của đồng bào Mường còn gọi là “Lễ làm ngái”.
Ngái là loại cây giống như cây nghệ, củ có lõi màu xanh sẫm, được bà con trồng nhiều xung quanh bờ rào, bờ suối, nghĩa trang, nghĩa địa.
Đồng bào Mường quan niệm, cây ngái có sức mạnh siêu hình xua đuổi tà ma ác quỷ nên ở đâu có cây ngái mọc là ở đó tà ma không dám đến quấy phá, làm càn.
Vì vậy, bà con lấy củ ngái về thái thành hạt, đặt lên bàn thờ làm nghi lễ cúng tế, sau đó xâu vào sợi chỉ theo số lượng vía của nam, vía nữ rồi đem buộc vào cổ tay. Củ ngái khô rất dẻo, không đứt gãy và người ta cứ đeo quanh năm như tràng hạt cờm vậy.
Đeo vòng củ ngái của đồng bào Mường cũng như buộc chỉ cổ tay của người Thái là một nghi thức cầu an mang nét văn hóa tương đồng của một số dân tộc trong cộng đồng đại gia đình các dân tộc vùng Tây Bắc.
Các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, tục buộc chỉ cổ tay của người Thái Tây Bắc, đeo vòng ngái của người Mường không có gì tốn kém, cũng không phải là vấn đề mê tín dị đoan, chỉ đơn thuần là nghi thức cầu an từ thuở sơ khai lập địa của đồng bào.
Vùng núi Tây Bắc, vốn được mệnh danh là xứ sở khắc nghiệt của tạo hóa, tục lệ buộc chỉ cổ tay của người Thái nhằm giúp cho đồng bào vững tin ở đời sống tinh thần. Bởi vậy, tục buộc chỉ cổ tay của người Thái Tây Bắc cần lưu giữ, bảo tồn.
Du lịch, GO! - Theo báo Dienbienphu, ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét