(Tiếp theo) Lúc này đã là 3h chiều, đường từ bản mù sang Làng Nhì theo như người dân nói thì chỉ khoảng 24km. Tuy nhiên đường hiểm thế này đi được vận tốc trung bình là 7 - 8km/h thôi. Có chạy nhanh thì cũng phải mất 3 tiếng, còn nếu có sự cố hoặc gặp đoạn khó đi thì có khi đến đêm mới tới nơi hoặc phải ngủ lại giữa đường.
Ở đây sau trận bão số 3 vừa rồi chắc đường sá cũng bị sạt lở nhiều hoặc chuẩn bị lở không biết chừng, hơn nữa nếu giữa đường mà mưa to thì khốn nạn luôn.
Tôi cũng kiểm kê lại đồ đạc mang theo xem có những gì, liệu có đủ để đi tiếp không, việc này hết sức quan trọng, nhất là vì tôi đi một mình giữa rừng thế này.
Chiếc xe cào cào tôi đang chạy là Suzuki DR650SE đời 2009 nói chung là còn mới tinh (mới chạy được gần 8000km), trước kia tôi đã từng đi 2 chiếc Suzuki Djebel 250XC như đồng chí Windysmile đã hỏi.
DR650SE này là một trong những chiếc xe hạng nặng trong dòng xe Enduro, có công suất 43 sức ngựa, mô men xoắn lớn nhất đạt 54Nm ở vòng tua 4.600 vòng/phút. Trọng lượng khô của xe là 166kg, bình xăng 13 lít, khoảng sáng gầm xe là 225mm (vì tôi để vị trí ngồi thấp nhất để còn chống được chân), chiều cao từ mặt đất tới yên xe là 845mm. Động cơ SOHC với trục cam đơn, làm mát bằng không khí và dầu máy. Buồng đốt của xe sử dụng 2 bugi NGK để đánh lửa.
Theo như các bậc lão làng về xe cào cào ở Hà Nội phát biểu từ trước đến nay thì tôi không thể dùng chiếc DR650 này đi offroad được vì xe quá nặng và khỏe. Dân chơi cào cào thường chuộng xe Serow 250, KLX250, Djebel 250XC, Sherpa 250, XR250 và máu lắm thì chơi đến DRZ400. Chỉ có dở hơi như tôi mới chơi DR650 để đi những cung đường offroad thế này.
Tuy nhiên với tôi thì tôi lại rất thích chiếc xe này vì đi nó đầm và rất khỏe. Tôi đã có lần thử kéo hết ga lên 155km/h thì chiếc xe vẫn làm chủ được, cảm giác rất an toàn. Khi đi vào đường offroad thì nó rất khỏe khi leo dốc và độ đầm của nó cũng giúp tôi dễ kiểm soát tay lái hơn. tuy nhiên nếu đổ xe hoặc phải đẩy xe qua những chỗ khó thì khá là nhục vì xe rất nặng. Chiếc DR650 này còn có một ưu điểm là cấu tạo rất đơn giản nên xe ít bị hỏng hóc và dễ sửa chữa, tuy nhiên vì xe của tôi còn rất mới nên chuyện đó cũng không phải là quan trọng lắm.
Có một vấn đề là bộ lốp Enduro theo xe của tôi là loại 40/60, nghĩa là dùng cho 40% offroad và 60% onroad. Tức là nó sẽ đi trên đường nhựa thì tốt hơn là đi trên đường đất, sỏi đá. Hơn nữa sau nhiều chuyến đi, lốp xe cũng đã bị mài mòn nhiều, nhiều chỗ đã bị đá đâm thủng hoặc nứt nẻ. giờ đây khi leo dốc hoặc xuống dốc đều hay bị trượt và văng bánh sang hai bên. Săm trước và săm sau đều mới, chưa vá lần nào, hơn nữa tôi đã bị thủng săm trước ở Chế Tạo rồi nên hi vọng sẽ không bị thủng lần nữa ở đây. Về xăng dầu thì sáng nay, lúc ở Mù Căng Chải tôi đã đổ đầy bình xăng, đi tới giờ được khoảng 160km, giờ còn non nửa bình xăng, tính ra vẫn đủ để chạy tới Văn Chấn. Kinh nghiệm của tôi là chỉ đổ vừa đủ xăng cho xe khi đi offroad để xe đỡ nặng và ít bị lắc hơn. Tóm lại là về xe cộ OK để đi.
Về phụ kiện trên người thì vì bản tính rất sợ chết và sợ đau nên tôi trang bị cũng khá cẩn thận.
Áo đi xe máy mùa hè Fox Racing, cái áo này có ưu điểm là tương đối nhẹ và mát do cấu tạo có nhiều cửa thoát khí, đồng thời rất an toàn vì có miếng ốp bó khủy tay loại tốt, vải cực bền và chịu được ma sát khi ngã.
Quần thì tôi sử dụng quần của X20 thôi cho rẻ vì rất nhanh hỏng khi bị ngã xe. Mặc dù vậy đây cũng là loại quần rất tốt có khả năng chống nước, có 2 miếng xốp bảo vệ đầu gối và ống đồng. Vải cực bền, chịu ma sát tốt và chống cháy tương đối tốt. Nếu không có cái quần này, lúc xe lao xuống vực ở Chế Tạo, bị ống bô xe đè vào chân, chân tôi đã chín vàng rồi. Một kinh nghiệm khi mặc quần đi xe máy là các bạn nên kiếm một bộ dây đai đeo vai thay vì dùng thắt lưng vì khi dùng thắt lưng, quần vẫn bị tụt mà lại tức bụng, ngứa rát khi mồ hôi ra nhiều, dùng một bộ dây đai vừa giải phóng được cái bụng, vừa không lo quần bị tụt, tuy nhiên thì vẫn cứ đeo thắt lưng nhưng lỏng thôi để còn có chỗ mà gài các thiết bị khác như dao kéo hoặc điện thoại, GPS...
Mũ bảo hiểm là thứ không thể thiếu được và tôi sử dụng loại mũ Enduro của hãng AFX. Mũ Enduro có cấu tạo giống với mũ offroad nhưng lại có kính liền, nó tận dụng được ưu điểm của mũ offroad là rất an toàn khi bị va đập, đặc biệt là khu vực mồm, đồng thời lại tiện dụng hơn mũ offroad khi đi đường dài vì có kính liền. Tuy nhiên, mũ enduro có nhược điểm là góc nhìn hơi bị méo nếu bạn nhìn gần, do vậy khi đi đến đoạn đường khó thường tôi phải kéo kính lên, vừa mát, vừa nhìn đường cho dễ. Khi chọn mũ thì tuyệt đối không nên chọn mũ rộng, nên chọn mũ vừa khít với đầu thì sẽ an toàn hơn. Lão Hải Kar có lần chỉ vì đội mũ rộng, cũng Full face hẳn hoi nhưng đến lúc bị xòe trên đường từ Lào Cai về thì sưng hết cả mặt như cái bánh đa gặp nước mất hơn tháng mới khỏi.
Găng tay đi xe máy cũng là thứ không thể thiếu, tôi dùng của hãng Fox Racing có một mặt bằng vải chun, một mặt bằng da. Cái găng tay này giúp tay ta khỏi bẩn, đau rát do cọ xát khi lái xe, bụi cát, đá dăm văng vào tay, cành cây, gai quệt vào tay, giảm chấn thương do va đập, ma sát khi ngã và giữ ấm cho bàn tay. Bạn cũng nên chọn găng tay vừa khít với tay mình, càng ôm càng tốt để có cảm giác thật tay nhất và cũng không nên chọn loại găng tay quá dầy và cứng sẽ làm ta khó điều khiển xe.
Giầy đi xe máy thì tôi dùng dày chống thấm nước The Northface cao cổ, đôi giày này theo tôi đánh giá là rất tốt, bền, dùng để đi xe máy cũng tốt mà dùng để đi trek thì tuyệt vời, không quá nặng, không quá cứng nhưng vẫn bảo đảm chân không bị trẹo, bám rất tốt trên đất và đá, bảo vệ rất tốt mắt cá chân.
Những đồ bảo vệ như vậy là tối quan trọng khi đi đường dài, nó giúp các bạn tránh được chấn thương khi ngã hay tai nạn, có vậy mới hoàn thành được chuyến đi nhất là khi đi một mình như tôi. Bản thân tôi cũng đã ngã không biết bao nhiêu lần và chứng kiến người khác ngã xe cũng rất nhiều, lắm khi chỉ vì chủ quan, các bạn không mang đồ bảo hộ đi đường dẫn tới bị bỏng, bị gãy chân, gẫy tay, rạn xương, vỡ xương bánh chè, chấn thương sọ não... thậm chí là mất mạng.
Trong lần đi Sông Mã - Điện Biên Đông cách đây 3 năm, lúc 9h tối, khi chạy qua đèo Thung Khe, tôi đã mất lái đâm vào vách núi ở tốc độ khá cao (khoảng 70km/h) nếu không có những đồ bảo hộ tốt thì có lẽ hôm đó tôi đã mất mạng rồi thay vì không bị một vết xước trên người.
Tiếp theo là những gì tôi có ở trong ba lô: Áo dài tay loại chuyên dùng để đi trek có khả năng chống tia UV, thoát mồ hôi rất tốt và khô cực nhanh, vải rất dai và bền, chịu được cào xước tương đối, cái áo này tôi đã dùng khi đi trek ở Pa Cư Sáng và rất happy với nó. Áo gió để chống lạnh, loại bằng vải dù siêu mỏng, chịu được mưa nhỏ, rất gọn nhẹ và khá ấm dùng để mặc vào buổi đêm khi trời lạnh.
Mũ vải rộng vành đi trek có miếng che cổ và mặt, cái mũ này rất nhẹ, nhanh khô, dùng để che đầu cổ và mặt khi đi rừng rất tốt. Cái mũ này giúp che được phần nào các loại côn trùng, sâu bọ và rắn trong rừng.
Găng tay đi trek, cái này thực ra là một đôi găng tay đi xe máy nhưng là loại tương đối dày, vừa có thể dùng để đi rừng, vừa có thể để dự phòng dùng đi xe máy. Khi đi trong rừng thì tuyệt đối không nên sờ vào mọi thứ trong rừng bằng tay không. Có thể đơn giản bạn chạm vào một số loại cây độc, sau đó tiện tay đưa lên mồm là xong, chưa kể khả năng bị rắn cắn, ong đốt, kẹp tay, xước tay.
Gậy đi trek, cây gậy này giúp bạn đỡ được khoảng 20% sức lực khi đi bộ trong rừng, giúp giảm bớt áp lực lên đôi chân và cột sống, giữ thăng bằng khi lên dốc, xuống dốc, xua rắn... và nhiều tiện ích khác, rất nhẹ và xếp lại được.
Dây dù loại nhỏ, tôi luôn mang theo người khoảng 20m dây dù loại nhỏ bằng ngón tay út, dây này có thể dùng để chằng buộc lều trại, lên xuống dốc khi leo núi,
buộc vào thắt lưng để an toàn khi qua suối...
Dây dù bản dẹt loại to, tôi mang khoảng 6m, thường dùng chủ yếu để kéo xe khi đi qua bùn hoặc rơi xuống khe, vực. Trong lần thằng Hùng Sài Gòn lừa tôi đi Can Hồ dưới, nếu không có sợ dây chão mang theo chắc còn lâu 4 thằng mới vần được xe tới mường Hum, nhất là khi con DRZ400 của Hùng Sài Gòn rơi xuống vực.
Về dao kéo, vốn có sở thích về món này nên tôi cũng mang đi khá nhiều, 1 cây dao gấp Falcon đã dùng 10 năm nay để cắt đồ ăn sạch. 1 cây Leatherman Surge 21 chức năng có thể nói là đỉnh cao để đi phượt. Tôi đã dùng lưỡi cưa của con dao này để cưa khoảng 100 cây trúc để dựng lều trên đỉnh núi Đà Bắc nhẹ tênh. Ngoài ra còn một cây Karbar Kukri vốn là dao chiến của thổ dân Nepal, thép rất cứng và sắc có thể chặt đứt đầu 1 con lợn, con dao này có thể dùng để chặt cây, phát lộ hoặc chiến đầu đều tốt và đặc biệt, nó có thể dùng để phi, ném khi cần thiết vì cấu tạo của nó.
Đèn pin là thứ cũng không thể thiếu được nên tôi mang theo 2 chiếc, một chiếc đeo trán và một chiếc cầm tay, sử dụng đèn LED nên có thể dùng tương đối thoải mái mà không lo hết pin.
Điện thoại di động tôi mang theo 2 chiếc điện thoại Enduro, một chiếc Sonim XP3 và một chiếc Nomu LM801, Sonim XP3 được cái pin khỏe (khoảng 15 ngày) nhưng bắt sóng lại rất yếu, chiếc Nomu LM801 pin được khoảng 7 ngày, bắt sóng khỏe, tích hợp đèn pin, đèn laser, nhiệt kế, la bàn... Cả 2 cái đều có khả năng chống nước và va đập rất tốt. Tuy nhiên tôi vẫn đánh giá cao Nomu Lm801 ngon hơn Sonim XP3 nhiều, XP3 chỉ được cái thương hiệu và hình thức chứ giá thì đắt mà chất lượng thì kém. Cả 2 chiếc điện thoại này tôi đều có thể xạc điện bằng bộ xạc trên xe máy nên chẳng bao giờ lo hết pin.
Đồng hồ đeo tay thì tôi dùng chiếc Suunto Core Orange, có tích hợp rất nhiều tính năng như nhiệt kế, la bàn, đo độ cao, áp suất, và có Storm Alarm. Mặt đồng hồ bằng mineral glass đẹp, dễ nhìn và chống xước tốt.
Máy GPS Garmin 60CSX thì tôi đã giới thiệu qua ở trên rồi.
Thuốc men cũng là thứ không thể thiếu trong hành trang.
2 lọ cồn y tế để sát trùng vết thương hoặc có thể dùng để làm chất đốt lúc bí. Bông, gạc, băng vải, băng dính ý tế, urgo để sơ cứu khi bị thương. Trong vụ đi Sìn Hồ năm 2007, Cương Còi bị xòe ở Yên Châu, ống bô đè vào chân vừa bị bỏng vừa xước, may mà tôi có đầy đủ bông băng băng bó cho hắn đi tiếp được mà lại đỡ bị nhiễm trùng.
Viên sủi Effenagan dùng để hạ sốt và chữa cảm cúm, giảm đau. 1 lọ Pluzz bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng khi mệt mỏi. Vài gói Oresol để bổ sung muối khi mất nước.
Theo tôi được biết thì khi chúng ta làm việc quá sức, mồ hôi ra nhiều và kèm theo đó là muối bài tiết qua lỗ chân lông dẫn tới mất nước và mất natri trong máu gọi là mất nước nhược trương. Kết quả là chúng ta cảm thấy khát nước, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, chuột rút, phản xạ chậm chạp. Sau đó, do khát nước, chúng ta lại tu nước ừng ực hết chai này đến chai khác lại dẫn tới khả năng bị thừa nước và thiếu muối và có khả năng bị sốc, khó thở, lơ mơ mất ý thức gọi là thừa nước nhược trương rất nguy hiểm. Do vậy khi làm việc quá sức, ta nên pha thêm Oresol vào nước uống, uống từng ngụm nhỏ để cơ thể đủ thời gian hấp thụ, vừa tiết kiệm nước vừa đảm bảo cho sức khỏe.
Một lọ Berberin trị đau bụng đi ngoài, cái này cũng không thể thiếu được vì đến những nơi xa xôi, đồ ăn thức uống nhiều khi không được sạch sẽ đảm bảo sẽ bị đi ngoài, mà không lẽ cứ đi một đoạn lại xuống giải quyết rất bất tiện.
Thuốc nhỏ mắt Vrohto, rất hữu ích khi đi xe máy đường dài, dùng để rửa mắt, sát khuẩn chống khô mắt, mỏi mắt, tạo cảm giác dễ chịu.
Dầu con hổ, cái này cũng rất hay. Tôi có vài lọ cao con hổ từ ngày đi Singapore mua về. Khi ngủ lại bản, đừng hi vọng có nước nóng để tắm, chỉ có tắm nước suối, mà nước suối thì ngay cả mùa hè cũng lạnh dã man, không cẩn thận là bị cảm lạnh. Thường là tắm nước lạnh xong, tôi lấy dầu con hổ ra bôi khắp người cho nóng người lên, rất dễ chịu, hơn nữa các loại côn trùng rận rệp đều sợ cái mùi này nên không đến đốt tôi, ngủ thoải mái. Ngoài ra tôi cũng phát hiện ra là Dầu con hổ chống vắt cực tốt, cái này đã được kiểm chứng trong 2 chuyến đi Xuân Sơn vừa rồi và 1 tính năng nữa là hi vọng bọn rắn rết với cái mũi rất thích cũng sẽ tránh xa tôi khi ngửi thấy mùi này.
Nhìn chung thuốc men như thế là tạm ổn, không quá nhiều để phải mang nặng mà cũng đủ để dùng trong những trường hợp khẩn cấp.
Đồ ăn mang theo: Thông thường tôi mang theo 2 gói bánh quy, thứ này để ăn khi đói cũng được hoặc thông thường tôi sẽ dùng làm quà khi vào bản ngủ nhờ. 3 gói lương khô đậu xanh Hữu Nghị, thứ này để dùng trong trường hợp khẩn cấp, đủ năng lượng tối thiểu để bạn sử dụng trong 3 ngày, rất gọn và dễ mang, được đóng kín trong túi ni lông nên không sợ bị ướt kể cả rơi xuống suối.
Nước uống: Do từ ban đầu tôi không có ý định đi dài nên hoàn toàn không mang tý nước uống nào theo chứ thông thường tôi cũng sẽ mang khoảng 1,5 lít nước đi để dùng trong 1 ngày. Chuyến này tôi chỉ dắt lưng có mỗi một lọ cà phê đen 330ml để chống buồn ngủ nhưng chưa uống. Tuy nhiên hôm nay trời mát mà tôi cũng đã tập uống ít nước nên với 330ml cà phê nhất thời sẽ không có vấn đề gì về nước với tôi, và lại ở đây nước cũng không phải là khó kiếm lắm.
Tất cả mọi thứ được tôi nhét trong một cái ba lô nhỏ khoảng 30 lít làm bằng vải ni lông rất mỏng nhưng bền và nhẹ. Ngày trước tôi có sắm hẳn 1 cặp saddle bag để offroad nhưng sau vụ đi Sông Mã - Điện Biên Đông thấy bất tiện nên không dùng nữa, dùng ba lô vẫn là tiện nhất, có thể dùng để đi trek luôn được. Ba lô nhất định phải được bọc trong một cái áo mưa ba lô để chống nước, bùn và bụi bẩn, đồng thời khi đổ xe thì không bị rách, bục ba lô và cũng dễ chằng buộc hơn.
Để buộc ba lô vào xe, tôi sử dụng hai sợi dây chun của Master Lock cực tốt và bền. 2 sợi dây này trông thế chứ rất quan trọng, tôi có thể đi nhảy nhót thoải mái, ngã thoải mái mà không bao giờ sợ dây bị đứt hoặc tuột, đồ được cột chắc chắn trong suốt quãng đường, đi như nào về như thế.
Ngoài ra những thứ khác mà tôi thường phải dính vào người như là tiền, giấy tờ thì tôi cho vào 1 cái túi, ngày xưa các cụ hay gọi là xà cột rồi xỏ vào thắt lưng đeo bên người, bỏ thêm trong đó một số thứ như 1 chai cồn rửa tay, nhớ là rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn; một cái còi cứu sinh để thổi gọi người khi bị nạn, một cái bật lửa chịu nước của hãng Colibri.
Vậy là có đầy đủ đồ để đi tiếp đến Làng Nhì, sợ quái gì. có điều là tôi đã hẹn với gia đình là tối nay về mà kiểu này thì chưa chắc đã kịp, thôi có gì đi đến Làng Nhì sẽ tìm cách gọi điện về nhà báo. Tiếp tục lên đường thôi.
Còn tiếp
Battramdao - Phuot.com
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét