Từ vài năm nay, trào lưu tham gia du lịch bụi, hay còn gọi là đi phượt, của một bộ phận giới trẻ tăng lên đáng kể. Không giống như những tour du lịch thông thường: no-tour, no-guide, no-bus, no-hotel... đối với dân phượt nhiều khi càng đi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi hẻo lánh, đi lại khó khăn, càng kham khổ lại càng kích thích sự đam mê khám phá.
Khái niệm phượt xuất hiện cách đây khoảng vài năm về trước - thời điểm khi mà nhiều nhóm bạn trẻ hội tụ lại và thành lập nên các tốp cùng giam gia vào những chuyến du lịch ngược lên các vùng núi rừng hiểm trở ít người biết đến. Những chặng đường càng hiểm trở, càng quanh co thì sẽ lại càng thu hút dân phượt tìm tới chinh phục.
Để đạt được mục đích chinh phục các cung đường bụi bặm, cheo leo hiểm trở nơi rừng núi, dân phượt thường chuẩn bị cho mình những hành trang như: giấy tờ tùy thân, đồ nghề sửa xe, thức ăn nhanh, thuốc chữa bệnh…
Số thành viên tham gia nhóm phượt thường từ 4 người trở lên (cả nam lẫn nữ). Đáng chú ý: khác với thời gian trước đây, trong những năm qua, dân phượt thường sử dụng phương tiện là xe máy (chủng loại Dream, Viva, Future, Wave, Jupiter…) nhẹ và dễ sửa trong các chuyến đi phượt.
Theo một số dân phượt, việc trang bị hành trang như trên là bởi trong mỗi chuyến đi phượt, điểm đến chủ yếu là các cung đường đèo, hiểm trở gập ghềnh thời gian cả đi lẫn về thường phải mất cả tuần, thậm chí hàng chục ngày. Trong quá trình lăn bánh, nếu gặp trắc trở như: lội suối, đường dốc, chết máy… còn dễ xoay xở, lịch trình chuyến đi không bị gián đoạn.
Mặt khác, việc chọn xe máy là con "chiến mã" trong mỗi lần đi phượt chính là nhằm mục đích thỏa mãn việc thưởng lãm, khám phá ra những cảnh quan, đặc điểm văn hóa, không khí… nơi núi rừng hiểm trở vì nếu sử dụng ôtô để đi thì điều này khó lòng có thể thực hiện được. Như vậy, chuyến phượt đó sẽ mất đi cái hào hứng của nó.
Đặc biệt, một nhân tố quan trọng khác phải kể đến nữa có liên quan đến việc dân phượt sử dụng xe máy khám phá vùng đất mới đó chính là cái cảm giác thỏa thích sau mỗi lần vượt qua quãng đường gian khổ.
Mỗi nhóm tham gia chuyến phượt thường chia làm 3 tổ: Tiền đội, trung đội và hậu đội. Tiền đội gồm những thành viên chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp lịch trình, chỗ dừng chân ăn ở cho cả nhóm. Trung đội bao gồm các thành viên chuyên chụp ảnh, lưu giữ lại những kỷ niệm trong suốt chuyến phượt. Còn thành viên trong hậu đội không gì khác chính là những người đảm nhận công việc "chữa cháy"- tức những việc phát sinh xảy ra đối với nhóm như: hỏng xe, hết xăng v.v...
Việc bố trí phân việc cho từng thành viên trong nhóm phượt hiện nay không ngoài mục đích cố kết các hoạt động của nhóm lại với nhau cũng như để không thất lạc thành viên, đảm bảo an toàn khi có những tình huống bất trắc, không mong muốn xảy ra.
Bên cạnh đó, đã là dân phượt thì số lần tham gia chinh phục cung đường bụi bặm, hiểm trở sẽ không thể đếm xuể. Bởi, sau mỗi chuyến phượt, dân phượt thường tìm một địa điểm mới với nhiều sự mới lạ, gian truân khác để chinh phục. Cứ thế theo thời gian, số địa danh dân phượt đi qua sẽ gia tăng đáng kể. Cuối tháng 9 đến khoảng đầu tháng 2 năm sau là thời điểm mà dân phượt miền Bắc thường chọn để đi chinh phục các cung đường bụi bặm, hiểm trở...
Cạm bẫy và bất trắc dọc đường
Cách đây chưa lâu, trên một số diễn đàn dành cho dân phượt đã từng có cảnh báo với nhau về những cạm bẫy dàn trải trên các cung đường, nhất là ở vùng đồi núi hiểm trở. Khác với những tour du lịch chuyên nghiệp, đối với dân phượt thì càng vào sâu, càng đi tới các cung đường heo hút, hiểm trở càng tốt. Đường nào mà dân du lịch chuyên nghiệp bó tay thì dân phượt sẽ quyết tâm chinh phục bằng được.
Chính vì vậy, càng đi vào những bản làng ngóc ngách, giáp biên giới, dân phượt càng cảm thấy vui thích, sảng khoái. Nhận thấy đặc điểm cố hữu này của dân phượt cho nên có không ít đối tượng buôn lậu, đặc biệt là tội phạm buôn bán ma túy đã đóng giả là người dân nhỡ đường, cán bộ công tác vùng sâu, vùng xa lợi dụng, đi nhờ xe, nhờ cầm hộ một “túi đồ” gửi cho bạn ở ngoài thị trấn để thực hiện hành vi phạm pháp.
Vào thăm bản, nhiều người thường được mời uống rượu say khướt, sau đó, các đối tượng xấu sẽ "để nhầm vật lạ" vào hành lý. Ngoài ra, bọn buôn ma túy cũng có những thủ đoạn tinh vi, như bọc heroin cùng thỏi nam châm cỡ lớn rồi gắn lên xe máy của khách du lịch.
Đấy là còn chưa kể đến tình trạng nếu dân phượt có mang theo tài sản khi lưu thông trên cung đường vắng vẻ, heo hút xa dân cư thay vì đi thành nhóm mà lại tách lẻ ra thì nguy cơ gặp đối tượng cướp, trấn lột là rất cao. Bên cạnh đó thì lợi dụng tình trạng nhiều nhóm phượt tự ráp đội hình trên mạng, đã có đối tượng lợi dụng lòng tin của những thành viên khác, đứng ra kêu gọi nộp tiền để tổ chức chuyến đi, sau đó… lặn mất.
Không chỉ vậy, nhiều dân phượt khi đi chinh phục các cung đường cũng gặp phải không ít hệ lụy khôn lường (tai nạn giao thông). Đơn cử như sự vụ xảy ra vào tối một ngày cuối tháng 2/2009 vừa qua đối với một nhóm phượt khi đang thực hiện chuyến đi chinh phục cung đường Thái Nguyên - Bắc Kạn.
Hậu quả khiến bạn nam cầm lái và người đi đường này bị thiệt mạng. Còn bạn gái ngồi phía sau xe thì bị thương nặng. Cũng liên quan tới các chuyến đi phượt, trước đó không lâu, một bạn nữ trong chuyến phượt lên Cao Bằng đã bị tử nạn do trượt chân xuống dòng suối cuộn chảy phía bên dưới…
Thực tế cho thấy, bên cạnh những cái thú đạt được, dân phượt hiện còn đang phải đối mặt với không ít cạm bẫy dàn trải trên các cung đường phượt. Vậy nên, để tránh những hệ lụy khôn lường xảy ra, dân phượt hay du lịch bụi cần phải luôn cảnh giác, đề phòng sự cố phát sinh trong suốt chuyến đi du lịch bụi của mình.
Một số kinh nghiệm an toàn khi đi phượt, du lịch bụi
- Khi đi du lịch nên đi theo nhóm, tốt nhất là 4 - 5 xe một nhóm. Mỗi nhóm nên có một người kinh nghiệm dẫn đầu, các thành viên khác không được vượt qua người này.
- Các thành viên trong nhóm cố gắng bao quát nhau, tránh bỏ nhau quá xa. Tuyệt đối không tự ý tách đoàn
- Đến ngã ba thì người dẫn đầu sẽ dừng lại và chỉ đường cho các xe tiếp theo. Người đi cuối cùng là người cầm đồ sửa xe.
- Mỗi xe nên cách nhau ít nhất 6 - 10 m, chẳng may nếu xe trước có bị ngã hoặc nổ lốp thì xe sau sẽ không cán phải.
- Không được đi cạnh nhau, hạn chế nói chuyện với xe khác khi đi đường.
- Người ngồi sau nếu thấy người lái chạy nhanh phải kiên quyết góp ý kiến, thậm chí đòi xuống xe hoặc đề nghị người khác trong đoàn chở.
- Luôn giảm tốc độ khi vào cua, chạy đều tay ga, không được cắt côn.
- Dang rộng chân để giữ thăng bằng khi đi vào những đoạn đường bùn đất, trơn trượt.
- Nên đổi đèn pha và cốt liên tục khi đi đường trường ban đêm, vừa giúp tập trung hơn vào con đường vừa gây chú ý với phương tiện ngược chiều.
- Nếu đi xe đò, open bus: cần cẩn thận khi vào chổ đông người, khi lên xe để tránh móc túi. Mánh đơn giản của kẻ xấu thường dùng một vài người bắt chuyện, gây sự chú ý với bạn trong lúc đồng bọn "hành sự".
- Chia tiền làm hai phần và cất trong hai túi đựng tiền riêng. Các loại đồ đạc khác để trong ba lô, nếu được thì nên đeo ba lô ở phía trước ngực. Các ngăn sâu nhất, kín nhất của ba lô dùng đựng giấy tờ tuỳ thân, tài liệu quan trọng hoặc đồ giá trị lớn như máy ảnh, máy quay phim, máy nghe nhạc cá nhân… và nhất thiết phải có khoá.
- Du lịch ở những nơi bạn hoàn toàn không biết, thì cũng không nên trả lời người đi đường (mình đi du lịch thì hơn gì họ) hoặc ra dấu không biết rồi đứng cách xa họ; không mua hàng rong; không nhận hoa, quà của người lạ. Chỉ mang những đồ cần thiết khi di chuyển ngoài đường, hộ chiếu giấy tờ quan trọng nên gửi ở khách sạn; chỉ đứng cạnh người của nhóm mình; đi theo nhóm nên chú ý nhìn ngó canh chừng cho nhau khi qua chỗ đông người.
Tổng hợp từ CAND.com + TTVNOL + YuMe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét