Nói tới Tây Bắc, người ta hay dùng đến hai chữ "khám phá". Những câu chuyện kỳ thú về cách ăn nếp ở của những con người trên những vùng cao nguyên cực Bắc tổ quốc, nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc anh em, như vẫn còn chờ các vị khách miền xuôi khám phá. Một vài câu chuyện cóp nhặt trên đường…
Ăn phức tạp
Người dân tộc Thái chừng như mê món nướng: cá nướng, gà nướng, thịt heo xiên nướng, thịt băm nướng. Tiếp đến là món luộc, như cải luộc, trâu luộc nậm pịa (chất trong phèo trâu)… Tưởng chừng họ ăn uống đơn giản, nhưng không, chỉ với món canh da trâu gác bếp "đơn giản", họ đã cho vào ấy hơn 30 loại gia vị! Món thắng cố người Tày nghe qua tưởng rất "ghê" hóa ra cũng nồng đượm thịt ngựa, lòng ngựa cùng khoảng tám món gia vị.
Món ăn người Mông (H'Mông) mang đậm chất du canh du cư. Món cơm mèn mén bằng bắp ngô là món mà một người Mông có thể mang đi "khắp thế giới Việt Nam", để dành ăn hàng tháng mà không hư thiu. Cá chua, thịt chua, thịt hun khói của họ cũng vậy. Nhưng không phải vì là món "tích cốc phòng cơ" mà chúng thành ra dở, như món thịt chua ăn với cơm thì ăn đến "không biết no là gì".
Rượu ngô cán ngèo của họ sau khi đuợc ủ, được cho hạ thổ ba tháng cho nên "tương truyền" là khi say người uống chỉ cần "hạ thổ" nằm đường là hết say ngay.Không hiểu là "tập tục" tây xâm nhập những vùng miền này từ bao giờ, mà hễ cứ mỗi khi mời nhau uống chén rượu người ta lại bắt tay nhau. Lại nữa, nam nữ "có ý" với nhau trong bàn tiệc, mời nhau uống "khát vọng" bằng cách bắt chéo tay…
Mặc cầu kỳ
Phải nói là hơi "choáng" khi nghe một bộ trang phục dân tộc mà có giá đến 15 - 20 triệu đồng! Đa phần trang phục của các dân tộc ở Tây Bắc đều đẹp, cầu kỳ, nhưng "nhất hạng" phải kể đến người Lô Lô. Một bộ trang phục "cao cấp" bằng những loại vải cổ của họ có giá như đã nêu. Những bộ ở mức bình thường, phổ biến, giá cũng đã khoảng dăm ba triệu.
Cô gái người Lô Lô tên Lò Thị Keng, con của một thầy mo trưởng một bản thuộc Mèo Vạc, Hà Giang, giọng tự hào: "Trang phục người Lô Lô là đẹp nhất, cầu kỳ nhất".
Chỉ riêng dải thắt lưng thôi người ta cũng phải mất đến ba tháng để làm, còn hoàn thành trọn bộ quần áo thì mất sơ sơ chỉ 3 - 5 năm. Công phu là ở chỗ chọn lựa và ghép những mảnh vải màu với nhau sao cho chúng có thể phối màu hài hòa cho cả bộ. Và đó cũng là những sáng tạo riêng của mỗi người, khiến cho những bộ trang phục không có bộ nào giống bộ nào.
Những ngày lễ tết hẳn thôn bản Lô Lô rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống. Chỉ có một điều đáng ngại là đến thế hệ như thế hệ cô gái, hầu như chẳng có mấy người còn chịu khó học nghề thế hệ trước để tự làm lấy cho mình bộ trang phục đẹp đẽ này.
Yêu "khổ ải"
Trai gái người Mông thường tìm bạn đời ở các chợ phiên. Khi chàng trai cô gái "lòng trong như đã, mặt ngoài còn e", thì chàng liền tiến đến gần nàng, dùng tay vỗ lên… mông nàng và nói: "Tâu sư". Nếu nàng không có dấu hiệu phản ứng, chàng liền dắt tay nàng về nhà mình và "nhốt" kín vào trong buồng.
Trong tập tục "bắt vợ" nổi tiếng của dân tộc này, dường như chẳng có dấu hiệu "bạo lực" như nhiều người vẫn nghĩ. Chàng trai không hề bén mảng đến căn buồng nơi "nhốt" nàng, mà chỉ là mẹ hoặc em gái của chàng. Vài ngày sau, khi bên đàng gái phát hiện ra sự việc, kéo nhau đến nhà trai "cự cãi" chiếu lệ để rồi quay về nhận quà cưới của bên đàng trai.
Phần "khổ ải" trong yêu đương cưới gả của người Thái lại thuộc về chàng trai. Người Thái có tục "chọc sàn", chàng trai một khi đã phải lòng một cô gái đêm đêm phải đến nhà sàn của nàng dùng cây chọc vào phần nhà sàn nơi nàng ngủ theo những ám hiệu mà nàng đã cho biết (khéo chứ nhằm vào chỗ… bố vợ tương lai thì đến khổ).
Sao anh chẳng tới
Chọc sàn nhà em?
Để em đợi cả đêm
Để em mong cả tối
Cách có hai con suối
Cách có một cái thung
Có một cái dao quăng
Có gì mà khó?
Em hỏi cái gió
Cái gió bảo anh đến mà
Em hỏi mây xa
Mây bảo em chờ chút nữa
(nhà thơ Phạm Bá Chiểu)
Khi đã ưng, nàng chui ra ngoài cùng chàng thâu đêm tâm sự. Một lễ cưới linh đình kéo dài tận ba ngày khoản đãi mọi người của dòng họ đàng gái.
Sau đó lại là ba năm ở rể nhọc nhằn trước khi "đôi trẻ" muốn ra riêng. Nhiều chàng trai còn bị buộc làm "rể hờ" vất vả làm lụng không công cho nhà người yêu vài ba năm để được "thử thách" mọi mặt về đạo đức…
Nhớ cơm lam núi rừng Tây Bắc
Cứ nhắc đến miền sơn cước này là phải nói đến cơm lam. Món cơm lạ lùng, giản dị mà thanh cao, là sự giao hòa của đất trời Tây Bắc. Có người không biết thì cho rằng cơm lam chẳng qua chỉ là cho gạo vào ống nứa rồi nướng chín là xong. Nói thế là đã làm giảm đi giá trị của những ống cơm lam rồi đấy. Làm cơm lam cũng cầu kỳ lắm chứ. Mà cơm lam không chỉ dùng để ăn chơi đâu, nó còn là một món ăn linh thiêng của người dân tộc nữa. Người ta coi trọng cơm lam, dùng cơm lam để dâng lên tổ tiên, trời đất trong những dịp lễ quan trọng của mình.
Cơm lam chính hiệu phải được làm từ gạo nếp nương, thứ gạo trắng trong, dẻo thơm lạ kỳ mà chỉ nơi vùng cao này mới có. Gạo được ngâm cho nở rồi cho vào ống nứa. Ống nứa phải chọn loại nứa bánh tẻ, mà có nước ngọt ở trong là quý nhất (không có thì đành thay bằng nước suối). Gạo và nước tiết ra từ ống nứa hòa quyện vào với nhau, sau khi được nướng chín trên lửa than rực hồng tạo nên một món ăn tuyệt diệu. Nước trong ống nứa là tinh túy của núi rừng Tây Bắc còn gạo nếp nương là do bàn tay lao động của những con người nơi đây. Cơm lam chính là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Người ta thường róc đi phần vỏ nứa bên ngoài, chỉ để lại một lớp vỏ trắng đủ để “che chở” phần cơm bên trong. Khi ăn, bóc lớp vỏ mỏng ấy ra ta thấy một “thỏi cơm” trắng ngần, còn được bao bởi một lớp vỏ giấy mỏng dính của nứa. Thỏi cơm dẻo, thơm mùi lúa nếp mà không hề bị dính tay. Những hạt cơm dính chắc với nhau nhưng không hề nát, nhìn vẫn còn thấy rõ từng hạt trong trong, bóng bẩy.
Những ai đã một lần được thưởng thức cơm lam Tây Bắc đều không thể quên cái hương vị đặc biệt của món ăn này. Mỗi khi nhớ đến cơm lam, người ta lại nhớ đến núi rừng Tây Bắc, nhớ những con người hiền hậu, chân chất nơi đây. Thật không ngoa khi nói rằng cơm lam tượng trưng cho mảnh đất Tây Bắc thân thương.
Theo dulich.dov + hanoilive + doquyen46.violet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét