Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Đi “chấm” điểm cực nam

Với con chiến mã 50cc trở lên, bạn có thể thoải mái rong ruổi xuống cực nam của Tổ quốc. Lộ trình của chúng tôi được một chuyên gia ngành cầu đường phía Nam tư vấn với tiêu chí: đường mới, ít xe, có điểm tham quan, nhiều cây xanh.

Khi lên kế hoạch, tôi và bạn Thành “còi to” (một “phượt tử” sẽ hoàn thành tour xuyên Việt trong chuyến đi này) đưa ra mục tiêu chính là điểm cực nam.

Một hành trình tiết kiệm

Khởi hành tại TP.HCM, chúng tôi theo quốc lộ (QL) 50 từ Long An qua phà Mỹ Lợi đến Gò Công thăm quê hương của anh hùng Trương Định. Qua bữa trưa bằng tô hủ tiếu tại TP Mỹ Tho, chúng tôi theo QL60 qua cầu Rạch Miễu đi Bến Tre, vượt hai phà Hàm Luông và Cổ Chiên đến Trà Vinh thăm khu di tích Ao Bà Om, lùng kiếm và thưởng thức trái dừa sáp ở huyện Cầu Kè (mặc cho giá một trái dừa sáp bằng 30 trái dừa tươi bình thường).

Tiếp tục theo QL60 đi phà Cầu Quan xuyên vườn trái cây ở cù lao Dung rồi tiếp tục qua phà Đại Ngãi, nghỉ đêm ở Sóc Trăng. Hành trình này tiết kiệm được hơn 80km so với đi QL1A - tuy nhiên đoạn đi qua cù lao Dung chỉ dành cho xe hai bánh. Sáng ra, sau khi tham quan chùa Dơi (mới đại tu sau một trận hỏa hoạn), chúng tôi theo QL1A đến Bạc Liêu thăm tràm chim, tắm biển Nhà Mát, nhâm nhi cà phê ở nhà công tử Bạc Liêu rồi thẳng tiến xuống Cà Mau.

Để có thể thực hiện kế hoạch “chấm” (*) điểm cực nam và trở về TP Cà Mau trong ngày, chúng tôi phải khởi hành từ sáng sớm theo QL1A về hướng nam qua sáu cây cầu đang xây và phà Đầm Cùng để đến Năm Căn cho kịp chuyến tàu cao tốc đi Rạch Tàu (1g15 phút cho 45km, bạn có thể đón tàu cao tốc từ Cà Mau đi thẳng Rạch Tàu mất khoảng 3 giờ).

Ở đây đội xe ôm sẵn sàng chở chúng tôi trên đoạn đường ximăng duy nhất (có tổng chiều dài 7km) đi chợ Đất Mũi, qua cầu Rạch Vàm (cầu cuối cùng ở cực nam) thăm vườn quốc gia (vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới) và khu du lịch Mũi Cà Mau. Tại đây có mốc cực nam (điểm đi đường bộ đến dãy đất cuối cùng phía nam) là biểu tượng chiếc thuyền buồm bêtông mà du khách đến thăm và chụp ảnh lưu niệm. Điểm này GPS đo là 8 độ 37’44” vĩ độ bắc - 104 độ 43’00” kinh độ đông nằm tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

“Chấm”: món cũ nhưng hấp dẫn!

Rời điểm tham quan này, chúng tôi tiếp tục hành trình “chấm” trên chiếc vỏ lãi để tiến ra điểm cực trên dãy đất ven biển phía nam. Nơi đây nhìn trên bản đồ vệ tinh WikiMapia, nó được đánh dấu tại vị trí đối diện và cách đảo

> Căn nhà sàn của anh Dương Thanh Nam có vị trí de ra biển hướng nam xa nhất. Theo GPS của pv, đây là điểm cực nam với vĩ độ bắc 8 độ 33’13” - Ảnh: T.T.D.

Hòn Khoai 12km về hướng nam. Sau gần 1 giờ len lỏi giữa sông rạch chằng chịt, chúng tôi đến cửa biển xóm Dẫy để ra biển từ hướng cực nam. Sóng từ biển gây khó khăn và không an toàn cho chiếc vỏ lãi mong manh, tôi quyết định tiếp cận điểm cực này từ đất liền ra thay vì từ biển đổ bộ vào.

> Vị trí mũi bãi đất này gần đảo Hòn Khoai (ảnh phía xa) nhất. Tại đây, vĩ độ đo được lúc 12 giờ khi thủy triều đang lên là 8 độ 33’03” -Ảnh: T.T.D.

Chiếc vỏ lãi vòng vào và chui qua một cây cầu đã được gác dầm (trong một hai năm tới, du khách có thể dễ dàng đến với các điểm du lịch ở cực nam nhờ hàng chục cây cầu lớn nhỏ đang được xây), chúng tôi mượn đường của khu du lịch Lý Thanh Long để ra bờ biển về hướng nam. Đồng hồ vĩ độ trên GPS giảm dần theo mỗi bước chân, mọi mệt nhọc tan dần theo từng con số chạy lùi.

Chúng tôi đi bộ hơn 3km trên bãi cát vàng như rồng uốn lượn dọc bờ biển Khai Long, nơi được đảo Hòn Khoai che chắn sóng gió từ đại dương thổi vào. Qua một nhánh rừng đước, mắm, bần tràn ngập nước biển trong từng đợt sóng vỗ, chúng tôi cố lội qua một bãi lầy khi bùn hút lấy bàn chân và từ từ lún xuống. Lo sợ gặp trở ngại như lần khám phá cực đông với tôi trước đó, bạn Thành “còi to” (bị rơi toàn bộ máy móc xuống biển) thở ra: “Mệt rồi, tôi ngồi trong căn chòi lá ở đằng kia đợi nhé”.

Thế là tôi tiếp tục độc hành ven bờ biển với máy ảnh trên vai, GPS chế độ “on” trong tay và tay còn lại là cây đước để phòng khi gặp nền đất bùn lún. Tôi tiếp tục dò dẫm từng bước và mắt không rời những con số vĩ độ trồi lên sụt xuống.

< Biểu tượng Cà Mau

Sau khi bấm GPS để xác định điểm cực tại nhiều vị trí khác nhau, tôi nhận thấy có hai chỗ có thể làm điểm mốc: vị trí tượng Phật Bà (bằng bêtông cốt thép cao hơn 19m) đặt tại khu du lịch Lý Thanh Long có vĩ độ bắc 8 độ 33’23”- 104 độ 53’54” kinh độ đông và vị trí căn nhà sàn của anh Dương Thanh Nam (người trông coi khu đất của Du lịch Công đoàn tỉnh Cà Mau - đã ngưng hoạt động từ năm 2004) tại điểm 8 độ 33’13” vĩ độ bắc - 104 độ 54’84” kinh độ đông. Ngoài ra còn một khoảnh đất trồng một hàng cây thẳng hướng ra Hòn Khoai là dôi ra biển cực nam nhất, tuy nhiên đó chỉ là mũi bãi bùn sẽ biến mất khi thủy triều lên, vị trí đó nằm giữa hai điểm vừa nêu trên.

Như vậy, có thể xem căn nhà của cư dân Dương Thanh Nam tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là điểm trên đất liền de ra cực nam xa nhất về mặt địa lý.

Theo Tuoitre online + internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét