Đền Hòn Chén hay Ngọc Trản Sơn - là một trong mười sáu di tích được xếp hạng danh mục quần thể di tích Huế, di sản văn hóa thế giới.
Hòn Chén từ xưa đến nay được mọi người biết đến không chỉ là một di tích danh thắng mà còn có lễ hội dân gian thờ và rước sắc mẫu Thiên Yana. Hằng năm vào dịp tháng ba và tháng bảy âm lịch, tín đồ từ khắp mọi miền đất nước đổ về đây dự lễ hội đền Hòn Chén.
Theo truyền thuyết, Hòn Chén (còn gọi là Ngọc Trản Sơn) là nơi Thánh Mẫu Thiên Yana xuất hiện để cứu hộ chúng sinh. Ngọc Trản vốn là ngọn núi thấp, ăn từ chân dãy Trường Sơn chạy về phía động, đến làng Hải Cát, huyện Hương Trà thì dừng lại ở tả ngạn sông Hương.
Đến đây, dãy núi như bị dồn nén lại, tạo thành ngọn Ngọc Trản, cây cối xanh tốt, soi bóng xuống dòng sông . Khúc sông qua Ngọc Trản được xem là sâu nhất của dòng Hương Giang. Người xưa chọn Ngọc Trản Sơn để dựng đền thờ. Trên đỉnh núi, có một hố trũng khá rộng, lúc mưa, nước đọng lại trông như cái chén nước khổng lồ, vì thế dân gian đặt tên là Ngọc Trản Sơn - hay còn gọi là Hòn Chén.
Không biết ngôi đền thờ ở Ngọc Trản Sơn có tự bao giờ, chỉ biết rằng người Chăm xưa từng thờ cúng ở núi này, đến thời nhà Nguyễn, các vua, chúa tiếp tục tu sửa, mở rộng đền - Đền Ngọc Trản thờ Thánh Mẫu Thiên Yana với những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc sâu xa là tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo với tục thờ Mẫu, cũng như ở miền Bắc thờ Mẫu Vân Hương, hay ở miền Nam thờ Mẫu ở núi Bà Đen, hoặc Ponaga ở Tháp Chàm - Nha Trang vậy.
Thiên Yana Thánh Mẫu, nguyên xưa vốn là nữ thần của người Chăm có tên là PôYangInô-Nagar, gọi tắt là PôNagar, tức thần Mẹ Xứ Sở mà theo truyền thuyết Chăm là thần sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng, lúa, bắp... Trong chín vị vua triều Nguyễn thì vua Đồng Khánh là một tín đồ rất ngưỡng mộ vị Thánh Mẫu này. Vì vậy, năm 1886 ông đã cho tu sửa đền và đặt tên là Huệ Nam Điện (Huệ Nam có nghĩa là ban ơn huệ cho nước Nam).
Vua Đồng Khánh còn làm thơ văn ca tụng công đức của Mẫu Thiên Yana. Chính vua đã ban hành việc dùng Quốc lễ để tế tại Huệ Nam Điện. Theo lệnh vua, vào dịp xuân - thu nhị kỳ hằng năm đều tổ chức tế lễ, vị chủ tế là một triều thần. Sau vua Đồng Khánh, các vị vua chỉ cử quan thần tới chủ tế một lần vào tháng ba, còn tháng bảy dân làng Hải Cát tự tổ chức.
Lễ hội đền Hòn Chén, lễ nghênh thần là lễ lớn nhất, trong đó có đám rước Mẫu Thiên Yana. Đám rước được cử hành trên những chiếc thuyền ghép lại với nhau (gọi là bằng). Cùng với những chiếc bằng, nhiều thuyền đơn, thuyền đôi đi theo đám rước. Thuyền nào cũng được trang trí trông rất đẹp. Lễ nghênh thần được tổ chức trang nghiêm, người đi dự lễ mang mũ, quạt, áo quần sặc sỡ.
Phường bát âm với những bài hát chầu văn ca ngợi Thánh Mẫu và chư vị thánh thần. Các tín đồ vừa đi vừa hát, múa trên những chiếc bằng trong trang phục lộng lẫy, dưới lọng kiệu là đồ thờ của Mẫu Thiên Yana. Tất cả tạo nên một không khí tín ngưỡng thiêng liêng, huyền ảo và sôi động.
Ngày nay, đền Hòn Chén được khách thập phương biết đến không chỉ là một di tích tôn giáo mà là một kiến trúc phong cảnh, non nước đẹp của xứ Huế. Với mười công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi đền nằm lưng chừng sườn Đông - Nam của ngọn núi, đền Hòn Chén ẩn mình dưới bóng của rừng lá xum xuê bên dòng sông Hương trong xanh. Những năm gần đây, lễ hội Hòn Chén tấp nập, tưng bừng hơn. Vào ngày chính lễ có cả trăm chiếc thuyền, bằng trẩy hội trên dòng Hương, tín đồ của cả miền Trung về tụ hội, dâng lễ, rước Mẫu tháng ba năm nay, các tín đồ tín ngưỡng Thiên Tiên Thánh giáo lại có dịp trở về với Mẫu Thiên Yana với những sinh hoạt văn hóa dân gian tạo nên vẻ phong phú của nét văn hóa xứ Huế.
Theo quehuongonline.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét