Mùa này ở quê nước lớn. Những cơn mưa ngâu tháng 7 âm lịch không dữ dội mà rả rích đêm ngày. Nước ngập trắng bờ, nối dài những thửa lúa đang vào thì.
Đây cũng là mùa cá rô đồng béo và thơm ngon nhất. Chẳng cần đặt nơm hay úp giỏ mà chỉ cần thả câu một lúc là cũng được lưng xô.
Với nhiều người, có những món ăn đã đi vào ký ức của tuổi thơ. Những món ăn gắn liền với nỗi nhớ quê da diết quyện trong làn khói bếp bữa cơm chiều. Còn với tôi, cá rô đồng kho tương đã trở thành món ăn mang niềm hạnh phúc. Đó là hạnh phúc bình dị bên mâm cơm sum họp những thành viên của gia đình mới - gia đình nhà chồng.
Tôi làm dâu chưa lâu nhưng do điều kiện làm việc ở xa nên hai vợ chồng cũng không ở nhà được nhiều, chỉ cuối tuần mới có thể tranh thủ về thăm nhà. Trong hai ngày ngắn ngủi, tôi dành nhiều thời gian để làm quen nếp sinh hoạt của gia đình nhà chồng, tập nấu những món ăn quen thuộc mà cả nhà thích. Đặc biệt hơn cả là được thưởng thức những món ăn do chính tay mẹ chế biến.
Quê chồng tôi ở Hưng Yên, bởi vậy trong nhà lúc nào cũng có sẵn chai tương bần do chính tay mẹ chọn mua. Mẹ thường nói: “Người ta còn ở tận đâu đâu tìm về mua cho kỳ được chai tương làm quà, huống chi đó là đặc sản quê mình. Ăn tương vừa lành vừa tốt cho sức khỏe, lại hợp với bụng dạ người già". Có lẽ vậy mà mẹ luôn tận dụng triệt để, ăn món gì mẹ cũng nêm thêm chút tương để hương vị đậm đà hơn. Đặc biệt với với món cá rô kho thì với mẹ tương là sự kết hợp tuyệt vời nhất.
Bình thường, ở nhà không mấy khi ăn cá vì theo bố mẹ, cá bây giờ nuôi công nghiệp, nhìn to thích mắt chứ ăn không ngon vì thịt cá vừa nhạt lại không thơm. Bởi vậy khi thấy cá rô câu được ngoài đồng, bố mẹ vô cùng thích thú. Tận tay mẹ làm cá, ướp thịt rồi đem kho. Các con nhận làm thì mẹ bảo: “Bây giờ mua được đúng là cá rô đồng khó lắm nên lâu rồi mẹ chưa được ăn món này. Các con cứ để mẹ làm cho đúng vị mẹ thích nhé!”.
Từng chú cá rô đồng béo mũm được đánh vẩy, rửa sạch và khứa đều cho ngấm gia vị. Trước khi đem kho, cá phải được ướp khoảng 30 phút cho thịt săn chắc, không bị bở. Sau đó xếp cá vào nồi, rải thêm một lớp thịt lợn ba chỉ rồi tra tương, rắc thêm chút tiêu. Cho lên bếp đun thật kỹ đến khi nào nước tương sền sệt, thịt cá mềm ăn được cả xương là được. Đó chính là công thức mà tôi học được từ mẹ. Bí quyết của mẹ là cho thêm vào đó chút lá gừng để vị cá thơm hơn.
Bữa tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm và háo hức chờ món cá của mẹ mang ra. Nhìn đĩa cá thật ngon và đẹp mắt, thịt cá rô ngấm tương có màu vàng rộm, khi ăn thì thịt rất thơm, chắc thịt và bùi. Lùa miếng cá với cơm trắng thật không gì ngon bằng.
Món cá kho tương của mẹ đặc biệt ở chỗ có thể ăn tất chứ không phải bỏ xương vốn rất khó và mất công. Khi ăn không phân biệt đâu là thịt đâu là xương nữa. Mẹ rất tâm đắc bởi món cá rô kho của mẹ đã đạt đến độ... siêu phàm. Đấy là mẹ nói trêu bởi tôi biết món ăn ngon là do mẹ đã gửi gắm vào đó sự ưu ái đặc biệt với món ăn bình dị quê nhà và hơn cả là tình yêu thương, sự tần tảo của người vợ, người mẹ dành cho chồng con.
Bữa cơm hôm nay chỉ thêm món cá rô đồng mà câu chuyện dường như rôm rả và lâu hơn. Không khí đó khiến tôi không còn cảm giác e ngại của cô dâu mới về nhà chồng. Tôi thầm cảm ơn món cá kho của mẹ. Cảm ơn mẹ đã cho con thêm niềm tin và sự yêu thương để gắn bó với gia đình.
NGỌC ÁNH
Dulich.tuoitre
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét