Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Ra đảo Thổ Châu

Trong đời, nếu có điều kiện nên đi một lần tới hòn đảo cực Tây Nam của Tổ quốc. Thổ Châu - đất ngọc là nơi gắn với nhiều dấu ấn lịch sử trên chặng đường mở cõi, giữ đất, riêng với những ai yêu biển, yêu rừng, Thổ Châu là hòn đảo tuyệt vời…

Ra đảo Thổ Châu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) không dễ dàng vì trong tuần chỉ có 1 chuyến tàu đi và về đất liền. Nhưng cuối năm, tàu thường phải nghỉ bảo dưỡng khoảng 3 tháng. Lúc này muốn vào đất liền phải đi nhờ tàu đánh cá lênh đênh vài ngày trên biển. Vì vậy mà nghe nói đi Thổ Châu, ngay cả một số cán bộ ở huyện Phú Quốc cũng tỏ ra ngao ngán. Bởi lẽ đi đã khó, về càng khó hơn. Gặp lúc biển động thì chỉ còn cách chấp nhận kẹt lại dài ngày trên đảo. Nhưng với những người trẻ thích mạo hiểm và khám phá những vùng đất lạ, những gian khó kể trên nếu vượt qua sẽ được “tưởng thưởng” xứng đáng.

Từ cảng Rạch Giá đến cảng Thổ Châu khoảng hơn 250 km mất 16 giờ ngồi tàu sắt. Đến Phú Quốc, tàu dừng lại nghỉ qua đêm rồi hôm sau mới khởi hành đi Thổ Châu.

Trên tàu không có máy lạnh, quầy bán thức ăn... nên khách cần chuẩn bị đồ ăn khô hay thực phẩm dự trữ. Bù lại, khách có thể nằm thoải mái trên tàu hay toòng teng trên võng hoặc lên boong tàu ngắm biển. Chúng tôi đi thành đoàn nên bày ra nhiều trò chơi tập thể vui nhộn, kéo theo nhiều khách cùng chơi làm thời gian trên biển dường như ngắn lại...

Mọi mệt mỏi chợt tan biến khi tàu cập cảng Thổ Châu. Quanh đảo, nước biển xanh trong vắt, có thể nhìn tận đáy, thấy đàn cá hàng ngàn con tung tăng bơi lội dưới mạn thuyền làm ai cũng phấn chấn.

Dân cư trên đảo Thổ Châu thưa thớt, sống tập trung nhất ở bãi Ngự - trung tâm hành chính của đảo. Diện tích đảo gần 1.400 ha nhưng chỉ có khoảng 420 hộ dân.

Vì vậy, hễ có khách từ đất liền ra, người dân “phát hiện” ngay. Nhiều du khách đến đây cảm thấy vui vẻ và ấm lòng bởi những nụ cười thân thiện từ người dân trên đảo. Các em học sinh gặp khách lạ đều vòng tay chào. Đời sống còn bộn bề khó khăn nhưng bà con rất hòa nhã và hiếu khách. Trên đảo không có nhà nghỉ, khách có thể xin ngủ lại nhà dân hoặc nhờ bộ đội biên phòng sắp xếp chỗ nghỉ qua đêm trong thời gian ở lại đảo.

Đặt chân đến đảo đã 3 giờ chiều. Việc đầu tiên, chúng tôi cất hành lý rồi chạy ngay ra biển tắm. Cách khu dân cư chỉ vài bước chân, bãi cát trắng mịn và làn nước biển trong vắt. Bãi Ngự như một cái vịnh hình bán nguyệt, bao quanh là đỉnh núi. Sóng biển lúc vỗ về, lúc hung hăng dữ tợn. Gió lộng quanh năm, tắm biển rất thú. Chán tắm biển, khách có thể tắm suối, tắm nắng thỏa thích mà không phải tốn bất cứ một loại phí nào.

Hệ sinh thái biển-rừng ở đây rất đa dạng. Theo các nghiên cứu khoa học, hệ thực vật ở Thổ Châu có khoảng 200 loài. Rừng được giữ nguyên trạng, không khai thác. Dưới biển, có 99 loài san hô đã được xác định. Vùng biển này trong lành, không chịu sự tác động nhiều của con người, có nhiều rạn san hô rất thích hợp để các loài rùa biển làm tổ và săn tìm thức ăn. Quần đảo Thổ Châu đang được đề xuất làm khu bảo tồn biển với tổng diện tích 22.400 ha; trong đó, phần đất liền khoảng 1.200 ha.

Màn đêm buông xuống, ngồi cùng nhau nhâm nhi những tách trà, ngụm rượu, nghe cư dân trên đảo kể lại lịch sử bi hùng của vùng đất này. Thổ Châu sớm có tên trên bản đồ hải trình quốc tế, với tên gọi Poulo Pangjang. Dân cư đã có mặt trên đảo từ rất lâu. Tuy nhiên hiện nay, người có “thâm niên” trên đảo này lâu nhất chỉ khoảng 20 năm.

Lý giải điều này, ông Lê Trắc, một trong những người tiên phong ra đảo vào năm 1990, cho biết: Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bộ đội chưa kịp ra đảo Thổ Châu để tiếp quản. Một ngày đầu tháng 5-1975, người dân mừng rỡ khi thấy những chiếc tàu cập bến. Họ định ra đón mừng bộ đội nhưng chợt thất kinh khi đó là tàu của Pôn Pốt. Chúng lên chiếm đảo, hành hạ người dân. Đến ngày 10-5-1975, chúng đưa hơn 500 người lên tàu chở sang Campuchia giết hại dã man. Một vài hộ sống sót hốt hoảng quay trở về đất liền hoặc các đảo gần bờ hơn. Thổ Châu vắng bóng người dân từ đó. Rồi nơi đây trở thành địa bàn hoạt động của bọn cướp biển Thái Lan và Campuchia. Đến năm 1992, trật tự được vãn hồi mới có đợt di dân ra đảo và thành lập xã đến nay.

Những câu chuyện về đất đảo cứ kéo dài mãi. Đống lửa đốt lúc chạng vạng giờ chỉ còn một nhúm tro tàn nhưng chủ và khách vẫn chưa chịu đi ngủ. Trăng đã lên cao soi rõ những bóng dừa và vẻ đẹp huyền diệu của xứ đảo.

Báo Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét