Một trong những cái thú của "cánh phượt" là được thoả mình trong đêm trăng trên những con đèo nghiêng ngả hay ngồi quây quần bên nhau trên đỉnh đèo, trong màn sương mờ ảo cùng nhâm nhi tách cà phê nóng.
Những cái thú mà ít người nghĩ tới khi đi bằng ô tô, vì những con đèo khúc khuỷu với những hiểm hoạ giao thông khôn lường. Phượt, xuất phát điểm từ cái thú thích đi “lượt phượt”, cái thú được chạy xe từ nơi này sang nơi khác, rong ruổi trên những ngả đường của Tổ quốc...
Thay vì được ăn ngon trong nhà hàng, ngủ ấm trong những khách sạn sang trọng với những lịch trình được lên từ trước, phượt để được tự do tung hoành. Tấm bản đồ và chiếc balô trên con ngựa sắt, cùng lũ bạn giang hồ chạy khắp những vùng quê xa xôi hẻo lánh nhất, tự mình khám phá và tự mình tìm ra những điều kì thú của cuộc sống xung quanh. Phượt không khác một ta-balo với đủ lòng tin, dũng cảm đương đầu với thử thách, nắm rõ sự căn bản của dịch chuyển, ưa thích sự mạo hiểm, phiêu và đam mê xê dịch. Hãy cùng chúng tôi điểm tên những con đèo được yêu thích nhất.
Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang
Mã Pì Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang.
Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’ Mông làm. Ban đầu chỉ là những con đường nhỏ cheo leo dành cho xe thồ và người đi bộ. Để đục đá mở đường, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng những đá tai mèo mà thi công trong suốt 11 tháng.
Đèo dài khoảng 20km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp.
Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh. Đường xuống sông chạy gần như song song với với dòng sông cho đến khi gặp nhau ở bờ sông, màu đất đỏ quyện lấy bánh xe. Một vài căn lều tuềnh toàng của giới đãi vàng nằm khuất sau mặt kia của dãy núi. Đứng từ mặt bên này thấy toàn con đường dài phía bên như một con rắn trườn lượn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.
Lần đầu tiên bước chân lên đèo, chúng tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đi hết vì cảnh thiên nhiên quá đẹp đẽ và hùng vĩ khiến cho bước chân cứ đi được một đoạn lại phải dừng để chụp ảnh.
Con đường đẹp vắng người, chỉ có mấy cậu bé dân tộc đang ngồi chơi vắt vẻo trên thành, nhịp chân đu đưa bị chúng tôi dụ dỗ bằng kẹo, nở nụ cười tươi trong những khuôn hình. Một cô bé đang gùi ngô về bản, tay vẫn đan sợi đều đặn, chân bước nhịp nhàng.
Vùng núi đá không trồng được cây cối hay rau màu. Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao người Lô Lô, H’Mông hay Dao đều quàng trên mình những tấm khăn sặc sỡ, những chiếc váy đủ màu duyên dáng. Bóng áo xanh áo hồng của họ nổi bật trên những vực đá tai mèo xám. Bước chân thoăn thoắt trên khắp vùng rẻo cao. Một tấm bia lớn được dựng nơi đỉnh đèo khắc ghi những hi sinh thầm lặng của những người đã làm nên con đường Hạnh Phúc, nơi mà người ta sống chung với đá, lớn lên cùng đá và chết cũng vùi mình trong đá.
Đèo Mã Phục – Cao Bằng
Sở dĩ đèo có tên như vậy vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đèo cao 620m, với bảy vòng dốc để đến được đỉnh. Núi vôi ở Cao Bằng không cao, cảnh sắc không hùng vĩ như các đèo khác, đường đèo cũng không quá nguy hiểm. Từ Mã Phục tỏa đến các nhánh chính của toàn tỉnh Cao Bằng. Ngay từ chân đèo rẽ trái đến với làng Tổng Cọt – nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật, ghé thăm làng cổ Nà Ngắn, đến với cửa khẩu Trà Lĩnh. Vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, xuyên qua những rừng cây dẻ rì rào, chạy tới thác Bản Giốc kì vĩ và cuối cùng là đường tới Hạ Lang, điểm kì cùng của tỉnh.
Con đèo rộng và đẹp, vượt qua những khúc cua tay áo, những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới.
Bóng chiều đang dần buông, nắng đã ngả trên những ngọn núi nhấp nhô. Tiếng mõ trâu long cong, lốc cốc. Những đứa trẻ vừa lùa đàn trâu về vừa nô đùa ríu ran. Khung cảnh tĩnh của một vùng sơn cước, không có tiếngô tôồn ã, không tiếng còi xe, không khói bụi mịt mù. Lác đác vài ngôi nhà thổi lửa, khói bếp lơ lửng trên những mái gianh.
Những người dân tộc Tày, Nùng làm nương cuốc rẫy, vài người đã vác mai vác thuổng về nhà. Thung lũng bị tiếng xe của chúng tôi làm ồn ã. Tắt tiếng xe rồi, cả đất trời tinh không, tiếng người lao xao, tiếng lũ trẻ nô nghịch nơi bờ sông, tiếng giặt giũ, đập quần áo.
Cuộc sống bình yên và dịu dàng quá. Tôi đã mấy lần giơ máy ảnh lên định chụp rồi lại thôi. Cảnh sắc này lên ảnh chắc sẽ không đẹp, chỉ có cảm nhận bằng mắt mới thấy hết được mà thôi.
Chúng tôi đi chầm chậm, hưởng cái không khí mát mẻ của buổi chiều, hưởng cảnh sắc yên bình trên con đường nghiêng ngả, hưởng hương thơm của cây cỏ, sương giăng nhè nhẹ, gãi gãi vào da thịt. Còn một quãng nữa là đến Trùng khánh. Giờ này, chắc mẹ ở nhà cũng đã bắc bếp thổi cơm.
Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai
Con đèo nổi tiếng này đang mang tên Hoàng Liên Sơn, nối giữa Lào Cai và Lai Châu với chiều dài kỉ lục tới hơn 40km. Đèo còn được mọi người gọi là đèo Mây vì độ cao quanh năm mây mù che phủ, ngay cả trong những ngày hè.
Điểm khác biệt lớn nhất là nhiệt độ giữa hai vùng, trong khi bên phía Lai Châu thời tiết mát mẻ, khô hanh thì vừa chuyển sang phía bên kia sườn Lào Cai sẽ nhận được ngay những cơn gió lạnh với cái rét cắt da cắt thịt.
Đèo Ô Quy Hồ chạy nhũng nhẵng quanh dãy Hoàng Liên, nơi có đỉnh cao nhất Đông Dương Fanxiphang. Con đèo trước kia khi chưa làm đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại mang trong mình nhiều câu chuyện truyền miệng khiến người đi qua rùng mình.
Nổi bật nhất là chuyện về thần hổ, những con hổ già tinh đời, thường rình rập đâu đó ở trên đèo để bắt người. Đứng từ ngay cua ngoặt đầu tiên lên đèo, thấy được toàn bộ chiều dài uốn lượn đến tận chân trời. Đường xuống chân đèo về tới Sapa vẫn chưa được làm xong.
Con đường đi qua Công viên Hàm Rồng, Thác Bạc, Trạm Tôn, đều là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh nên ngoài những chiếc xe tải cồng kềnh còn có những chiếc xe du lịch chở khách lên tham quan.
Đường nhỏ, bị cày xới, góc cua hẹp khiến người đi xe máy khó khăn khi đi qua. Nếu đi đằng sau thì thế nào cũng nhận được toàn bộ cát bụi từ xeô tôtrước, còn vượt qua là cả một vấn đề lớn. Mất mười mấy cây số đường bụi bẩn như thế mới chạy lên đến đường chính của đèo.
Cánh chạy xe máy lần nào lên cũng ghé lại đỉnh đèo ăn chút gì đó lót dạ. Đa phần là đồ nướng thơm phức với hạt dẻ, thịt xiên, trứng nướng hay cơm lam chấm muối vừng. Xuýt xoa đôi bàn tay bên bếp lửa hồng, nụ cười bạn bè làm cái lạnh tan biến. Một phần ba đoạn đường đã hoàn thành, còn hai phần ba đầy ngạc nhiên đang chờ phía trước. Bất chợt cơn gió đem mây mù toả khắp vùng thung lũng khiến con đường ẩn hiện.
Đèo hôm nay đã được xây dựng đẹp đẽ, nườm nượp xe khách qua lại. Đa phần là các xe đi từ Hà Nội đến phía trên của Lai Châu đều chọn cách chạy vòng qua đường này. Đường tốt rồi, đi lại thuận tiện hơn và kinh tế cũng nhờ đó mà phát triển hơn, đưa cái chữ, cái điện về với bà con các bản xa xôi nhất nơi địa đầu Tổ quốc thân yêu.
Đèo Pha Đin – Lai Châu
Phạ Đin nghĩa là Trời và Đất với đỉnh cao nhất hơn 1600m. Theo truyền thuyết kể lại do khi hai bên vùng núi tranh chấp, ngựa của Lai Châu và Sơn La cùng xuất phát, ngựa chạy đến đâu, phần đất thuộc về địa phận tỉnh đó cho đến khi gặp nhau. Kết quả là ngựa Lai Châu chạy nhanh hơn nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn.
Lần nào đi qua Pha Đin tôi cũng ngại vì đường làm lâu nay vẫn chưa xong, lúc nắng ráo thì bụi vô cùng, không nhìn rõ đường nữa, còn chẳng may có mưa thì khổ trăm bề, nhất là những đoạn đang thi công dở dang. Chỉ muốn đường làm nhanh xong để Điện Biên Phủ gần hơn, để thi thoảng còn chạy về vùng đất kháng chiến này ngắm hoa ban hoa mận mỗi dịp xuân về.
Cánh nhiếp ảnh mê nụ cười của cô gái Thái e ấp sau chiếc quạt, mê điệu múa sạp với ché rượu cần tưng bừng đêm hội, ngắm hoa ban nở rực hai bên đường. Chẳng thế mà mỗi dịp sang xuân, lũ lượt không biết bao người kéo nhau về đây, ngắm cảnh và thăm lại chiến trường xưa một thời oanh liệt, cho dù con đèo vẫn chưa được làm xong.
Đèo Pha Đin nổi tiếng đẹp và nguy hiểm. Con đường đèo liên tục những cua dốc dựng đứng và cua tay áo suốt 32 km chiều dài.
Đèo Pha Đin nổi tiếng đẹp và nguy hiểm. Con đường đèo liên tục những cua dốc dựng đứng và cua tay áo suốt 32 km chiều dài.
Từ Tuần Giáo đến Thuận Châu là đoạn đèo khó khăn nhất, đang được mở rộng và ăn sâu vào núi. Dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa. Chỉ có trời xanh thăm thẳm và núi rừng xanh thẫm hoà quyện lấy nhau. Đứng trên đỉnh đèo thấy cái nghĩa của từ Phạ Đin thật đúng, thấy đất nước mình đẹp và nên thơ quá! Có thời gian ghé lại bản ngay chân đèo, nhâm nhi tách trà đắng với quả đào non, chơi đùa với lũ trẻ trong làng để thấy được cái thú của cuộc đời tiêu dao.
Hoàn tất được con đèo quả là gian khó, đường đã bớt dốc hơn và cũng rộng hơn rất nhiều. Những ngày nắng, từ trên đèo thấy được toàn cảnh vùng đất Lai Châu rộng lớn, mênh mông những rặng núi nối tiếp. Vào mùa mưa, con đường trở nên cực kỳ nguy hiểm với những cái bẫy chết người trên khắp đèo. Tai nạn lật xe xảy ra thường xuyên trên đoạn đường này. Nhưng cho dù đã có sân bay Mường Thanh nối liền cả nước với Điện Biên Phủ, người ta vẫn muốn một lần được chinh phục Phạ Đin để biết về thêm về điểm gặp gỡ của Đất và Trời.
Đèo Khâu Phạ - Yên Bái
Khâu Phạ, có nghĩa là Sừng trời, là con đèo dài nhất tuyến quốc lộ 32. Điểm bắt đầu là đoạn cắt của đường 279 huyền thoại. Con đèo dài cỡ 30 km này có đến hai phần ba là đường cấp phối, gập ghềnh đá sỏi, chỉ đi qua Tú Lệ mới được làm đẹp đẽ hơn đôi chút. Vào những ngày mây mù, đèo đặc biệt nguy hiểm cho cánh lái xe vì con đèo không có rào chắn hay bất cứ biển cảnh báo nào. Đường xuống cấp nhiều vì không được sửa chữa thường xuyên, dễ dàng bị sạt lở vì nằm trong vùng đất đỏ bazan, hệ đất yếu.
Đấy là chưa kể những nguy hiểm rình rập thường xuyên với những tảng đá từ trên núi cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Ít có xe tải lớn qua lại trên con đường này vì độ dốc của đèo khiến cho quãng thời gian đi lại trở nên quá dài.
Từ trên đỉnh của đèo Khâu Phạ nhìn xuống thung lũng Tú Lệ, tôi không khỏi xuýt xoa trước vẻ đẹp hiếm có này. Cả một vùng thung lũng tầng tầng những ruộng bậc thang nối nhau thành hình một lòng chảo khổng lồ. Con đường lên bản làng người Mông vắt một vệt đi thẳng lên tận trời. Người dân tộc ở đây làm nhà rất cao, tách biệt hẳn với mặt đất và các dân tộc khác.
Nhấm nháp một táchcà phêthơm trước khi đổ đèo xuống xa kia là cái thú đầy thi vị. Chỉ cần một ít củi, ít cồn khô và cái xoong nhỏ vẫn mang theo, chúng tôi đã chia nhau táchcà phêbốc khói. Sương giăng khắp mặt đất và trên những mí mắt. Trời rất nhanh bắt đầu chuyển lạnh với không khí đêm đặc trưng miền núi. Giữa đất trời này, giữa mênh mông này, giữa bốn bề này, được cùng nhau nhâm nhi vị đắng ngọt nơi cuống lưỡi cùng nhau. Để rồi lát kia, đường cứ trôi qua những thung lúa ngàn ngạt như thế cho đến tận chân đèo.
Khâu Phạ nằm tiếp giáp tỉnh Phú Thọ và Tây Yên Bái, đường đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Căng Chải, Tú Lệ, Tà Sì Láng, những cung đường hấp dẫn với cánh du lịch bụi. Trước Khâu Phạ có đèo Chấu với nhiều cua tay áo nguy hiểm.
Độ cao của đèo quãng chừng 1500m so với mực nước biển. Vào mùa lúa chín tầm tháng 9 tháng 10, hãy đi qua Khâu Phạ để thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của lúa trên những ruộng bậc thang nơi đây, cảnh đẹp chỉ có duy nhất trên vùng đất Yên Bái này.
Đèo Pha Long – Lào Cai
Con đèo vắt qua những bóng núi mờ mịt này không có tên trên bản đồ. Đèo được gọi như vậy có lẽ vì có đỉnh chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai. Để đến với đèo, người ta phải đi xuyên qua một con đường đất hiểm trở từ Cán Cấu sang, con đường này cũng không có trên bản đồ.
Ngược dòng sông Chảy đi lên, đường cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng. Mép đường cũng là mép vực, không rào chắn, không biển báo. chỉ thi thoảng bắt gặp cột mốc ghi : Khu vực biên giới. Lác đác vài ngôi nhà dân.
Đi trên con đèo này cố gắng tránh trời khuya và chuẩn bị thêm xăng dọc đường. Kèm theo chắc chắn là khoản giấy tùy thân và xe cộ thật đầy đủ vì vùng biên giới nhạy cảm. Đợt chúng tôi đi nhằm tháng 11 khi tiết trời đã khô ráo. Con đường gập ghềnh khiến kẻ ngồi trước mỏi chân vì đạp phanh, mỏi tay vì cầm lái, còn kẻ phía sau chân nhấp nha nhấp nhổm. Liên tiếp những ổ voi bùn đọng khiến đoàn xe sa lầy, hò dô ta mà vượt qua khi trời đã tối. Bước đến chân đèo Pha Long thì đêm đã khuya. Gần mười chiếc xe nối đuôi nhau như một con rắn dài khổng lồ quét ánh sáng chiếu rọi một vùng núi rừng.
Cảm giác vừa thích thú vừa không sợ chút nào vì đi giữa bạn bè tin cậy. May mắn đường đèo đã được rải đá giăm. Xe chúng tôi đi đầu, vừa đi vừa hát váng cả núi rừng. Qua mỗi đoạn ngoặt sang phía bên kia đồi lại trông thấy cả cái đuôi dài thòng đằng sau. Con đèo gần 20 cây số được ngốn dần. Gió núi vu vu bên tai, không khí lạnh ùa về. Bóng đêm đặc quánh ùa về bao bọc khắp thung lũng. Gần chín giờ đêm, chúng tôi mới về đến Mường Khương.
Dòng sông Chảy cũng là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt – Trung. Đứng từ bên con đường này nhìn sang thấy toàn cảnh nước bạn với rừng núi điệp trùng và một con đường zíc zắc thấp hơn phía xa.
Đèo Xá Tổng – Lai Châu và đèo Lũng Lô – Yên Bái – những con đèo bị bỏ quên
Đèo Xá Tổng nằm trong vị trí đầy hiểm trở từ Tuần Giáo ngược lên Lai Châu. Con đèo dài 25km với nhiều đoạn không có cọc tiêu, không gương cầu, đường xấu. Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo không có nhà dân, đoạn đèo đã bị bỏ hoang từ lâu, cũng không cóô tôđi qua vì nguy hiểm.
Đèo không dành cho những người yếu bóng vía khi một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng, người lái xe phải căng mắt và vững tay để đi qua những con dốc dài mà không bị trượt xe xuống vực. Con đường căng thẳng khi trời đã ngả chiều mà điểm đến vẫn mãi chưa thấy đâu.
Ngày nay ít người chạy xe qua con đèo này vì độ nguy hiểm của nó rình rập thường xuyên người đi lại. Cánh du lịch bụi thi thoảng cũng có ghé thăm con đèo, hì hục vượt hết con dốc nọ đến con dốc kia, đường cua này đến ngã rẽ tới. Không một bóng người, khung cảnh hoang vắng tiêu điều. Giao thông không phát triển, đường đi lại khó khăn, kéo theo những vất vả cuộc sống của người dân khiến nhiều hộ gia đình phải chuyển về những nơi ở mới gần với đường hơn.
Đèo Lũng Lô mạn phía Yên Bái tiếp giáp Sơn La cũng trong cảnh tương tự như vậy. Con đèo dài 15 km này nằm trên quốc lộ 37, trong thời kì chống Pháp là một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên.
Kể từ đó cho đến nay, con đường dần bị rơi vào quên lãng, nhất là khi đèo Khế nối Yên Bái với Sơn La được mở. Đèo bị sạt lở nghiêm trọng mất hẳn 4/5 tầng đường không khôi phục được. Đường giao thông tại tỉnh Yên Bái là nơi hứng chịu nhiều trận sạt lở nhất cả nuớc do tầng đất quá mềm. Tôi đi qua con đèo này khi quá trưa. Tranh thủ tạt qua bản gần đó xin bữa cơm đạm bạc, hoà chung cuộc sống với những người dân quanh đây. Con đèo bị bỏ quên cũng khiến cuộc sống của người dân nhiều vất vả vì đường giao thông khó khăn. Rất ít người qua lại đường này, có chăng chỉ là dân các bản vùng trong.
Vài tháng trở lại đây, đèo đang được khôi phục với một con đường men theo những tầng đường đã mất. Vượt đèo Lũng Lô để xuyên sâu hơn vào vùng đất Yên Bái đầy bí ẩn và hấp dẫn này.
Du lịch, GO! - Theo Okiaem amthuc365.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét