Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

442 Chinh phục núi Chúa - Phần 2

Ba lô trên vai, chúng tôi lại lên đường, mang theo bao đam mê và kỳ vọng. Trong mỗi 1 con người đều ẩn chứa những niềm tin và mơ ước lớn lao. Nhưng chúng tôi đi chỉ để ngắm nhìn và đắm chìm trong thế giới tươi xanh của thiên nhiên đất trời. Bỏ lại sau lưng ánh đèn lấp lánh, căn phòng ấm áp và những phù phiếm xa hoa… chúng tôi đi để thỏa mãn niềm khao khát lạ thường ấy.

Cuộc sống luôn vội vã… đôi khi tôi ngồi đếm thời gian qua trên đầu ngón tay… mới đầu tuần, ngoảnh qua ngoảnh lại đã thành cuối tuần… mới tuổi 20 rồi giờ gần 30… cuốn theo những nhu cầu danh vọng, cho cuộc sống hiện đại đòi hỏi việc kiếm tiền thật gấp rút, cầm dép trên tay chạy theo thời gian trôi cũng đủ mỏi mệt. Biết đâu là bến bờ? Tiếng gọi của núi rừng vẫn kéo chúng tôi đi, bỏ tất cả sau lưng để tìm 1 khoảng lặng, cân đối lại tinh thần và tình yêu cuộc sống mà nếu không ra đi chúng tôi sẽ chết trong sự mỏi mòn, nhàm chán đầy vô vị.

< Qua con dốc ngay hồ nước sự mệt mỏi vì thời tiết nóng khô ở nơi khô hạn nhất Việt Nam đã bắt đầu biểu hiện trên vài thành viên của đoàn.

Cho dù cuộc sống đủ đầy luôn tràn ngập pháo hoa, mọi nhu cầu ăn chơi sa đọa đều được đáp ứng không một chút khó khăn… Tôi đã bị điều đó gặm nhấm đến tận tâm hồn, làm lòng tôi trở nên chai đá, vô cảm và hờ hững… Sự chán ngán giết chết mọi cảm xúc, nhấn chìm tôi trong biển sóng cuộc đời… và tôi biết tôi cần phải đi đến 1 nơi nào đó, để tìm lại hương vị tinh khôi, tìm lại cảm giác yên bình, thanh thản, để có 1 điểm tựa giúp tôi vượt qua bao chông gai thử thách.

Miền Trung nắng cháy, đất đai khô cằn, cây cối vươn cao với những cành khẳng khiu đầy kiêu hãnh. Bước chân thoăn thoắt rảo qua những con đường nhỏ xíu uốn lượn, hết lên rồi lại xuống, men theo triền núi cheo leo đầy sỏi đá, những cây lớn nhỏ đầy gai nhọn, cào xước tay tôi ngay khi vô tình chạm phải…
< Nắng cháy, nhưng chỉ mới là khúc dạo đầu...

Từ cửa rừng đến độ cao 500 là kiểu rừng khô hạn, rừng thưa, cả đoàn lầm lũi đi trong cái nắng như thiêu như đốt, mồ hôi lúc nào cũng chảy ròng ròng nên mất nước rất nhanh. Lúc này đoàn phân thành 3 nhóm, mà trong đó có một nhóm bác Thangdong có ví von là nhóm Mộng Năng (nặng mông) khóa đuôi. Vì rất nhanh mệt nên chúng tôi leo theo kiểu "nghỉ tiếp sức", nghĩa là nhóm trước sau khi đi được khoảng 200m thì ngồi nghỉ chờ nhóm sau đến, khi nhóm sau đến điểm nghỉ của nhóm trước thì nhóm trước lại tiếp tục di chuyển và nhóm sau lại nghỉ ngơi, cái này hai mẹ con nhà chị Du Giang gọi là "khuyến mãi". Tranh thủ những bóng râm ít ỏi của cánh rừng nghèo nàn khô hạn đoàn lại dừng chân nghỉ ngơi.

Quý tử chị Du Giang là thành viên nhỏ nhất của chuyến đi này, lần đầu tiên trong đời theo mẹ lên rừng, cu cậu hăm hở cứ tưởng đây là chuyến nghỉ mát, và rồi khi đã lỡ leo lưng cọp, cu cậu cũng leo cũng trèo, cũng bò, cũng lè lưỡi thở như các cô các chú. Có lẽ đây sẽ là chuyến đi để đời của cu cậu và cũng sẽ là đề tài hot để cu cậu vào trướng "dựt le" với bạn học về kỳ tích của mình.
Trong chuyến leo Hòn Nhọn Quantd được chúng tôi phong tặng danh hiệu là con "trâu đất" vì hắn leo núi vác cái balo gần chục ký cộng thêm bao gạo 5kg mà bác porter từ chối mà hắn đi nhởn nhơ như đi dạo, nhưng chuyến này hắn cũng phải đầu hàng trước khí hậu kinh hồn của vùng này, mặc dù hai ngọn núi cách nhau chưa đầy 50km. (người ngồi phía xa gục đầu trên balo là hắn)

< Thế nhưng mặc cho cái khắc nghiệt của thiên nhiên, mặc cho nhưng khó khăn phía trước, hình ảnh quen thuộc của thủ lĩnh BM vai Balo (hàng hiệu), vác cây Guitar thùng (hàng đểu) vẫn hiên ngang tiến lên phía trước vươt qua bao dốc cao, vực sâu ...
< Và có những lúc mẹ thiên nhiên như bà mẹ chồng khó tính, khắc nghiệt dường như đã hạ gục người phụ nữ can trường này.
< Nhưng không!!! Chị đã hiên ngang đứng lên, đạp lau sậy, xuyên qua bụi rậm bỏ lại sau lưng những chông gai để tiếp tục tiến lên phía trước.
Cung đường xuất phát từ hồ Thái An là một lựa chọn hợp lý, những bước đi đầu tiên thoai thoải, đều đều dẫn đến khu vực hồ với khung cảnh xanh mát dễ chịu. Ở vị trí này không thể nhìn thấy đỉnh chúa Anh, nhưng những dãy đồi thấp tạo ra sự lạc quan "giả tạo", một thứ ảo giác đánh lừa nhóm.
< Đường xuống dốc, dẫn đến hồ Thái An, khởi đầu quá dễ dàng - Gối chưa run, chân chưa chồn, hiên ngang gương súng...
< Con đường đá lổn nhổn nhưng rộng rãi khi qua khu vực lòng hồ lập tức hẹp lại, lối mòn hiện ra, đây mới thực sự là những bước vào núi Chúa đầu tiên với kiểu rừng cây bụi, rậm rạp...
Dốc cao dần, rừng trở nên thưa hơn và cây thân gỗ nhiều hơn. Một điều đáng ngạc nhiên là rừng khô hạn Ninh Thuận nói chung và khu vực Núi Chúa nói riêng là nơi có đa dạng sinh học vào bật nhất nhì cả nước. Trên những đỉnh dốc hay đồi nhỏ, cây rừng mọc thành nhóm với tư thế cong vặn như bonsai, những nhóm cây bụi khô khốc cành đầy gai nhọn.
< Vết thăm gỗ mun (phần lõi đen) của đồng bào Raglei!?

Đây cũng là một nhóm gỗ qúy số lượng suy giảm nhiều vì bị khai thác làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày trước đi xe đò qua khu vực từ căn cứ 4 trở ra Phan Rang, người dân thường rao bán đũa mun. Chúng ta phải ăn bằng đũa tre thôi!
< Một tổ ong đất ven đường đi, mật ong đất thường có vị chua. Ngâm rượu nguyên tổ ong đất là một phương thuốc theo y học dân gian chữa...đủ thứ bệnh!

Còn tiếp...

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Theo forum Phuot.com

Những người “chơi Tết" hết mình

Phan- xi- păng, Sapa, Mù Cang Chải, Bắc Hà, Mèo Vạc, Đồng Văn… là những điểm đến mùa xuân đầy quyến rũ với dân phượt. Thậm chí, đôi khi họ không cần một đích đến cụ thể, với những người trẻ, chỉ cần thỏa chí lang thang là đủ.Sắp bước sang năm 2011, giới trẻ cũng đang rộn ràng những kế hoạch đón chào năm mới.

“Chơi” Tết hết mình

Tết Dương lịch 2011 được nghỉ tới 3 ngày - khoảng thời gian lý tưởng để mỗi người thực hiện những kế hoạch chào năm mới thú vị. Với nhiều bạn trẻ, “chơi tết hết mình” cũng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Du lịch bụi hay “phượt” đón Tết vẫn là một trào lưu được đông đảo bạn trẻ ưa chuộng. Trên diễn đàn TTVNOL, nhiều chủ đề được mở với nội dung "tuyển xế ôm" đi chơi dịp Tết, thu hút sự quan tâm của đông đảo các thành viên.

Linh- một thành viên 9x chia sẻ: “Mình có ý định đón Tết Dương lịch năm 2011 trên đỉnh cao nhất của Đông Dương và thích đi cung đường 4 ngày 3 đêm, bạn nào có thời gian tham gia cùng thì liên hệ với mình nhé!”.
Phan- xi- păng, Sapa, Mù Cang Chải, Bắc Hà, Mèo Vạc, Đồng Văn… là những điểm đến mùa xuân đầy quyến rũ với dân phượt. Thậm chí, đôi khi họ không cần một đích đến cụ thể, với những người trẻ, chỉ cần thỏa chí lang thang là đủ.
“Bọn tớ có 3 người (2 nữ và 1 nam) đang lên kế hoạch đi lang thang bằng xe máy ở đâu đó ở Hà Giang (hoặc không phải Hà Giang- hiện thì bọn tớ đang nghĩ đến Hà Giang), không nhất thiết phải là cột cờ Lũng Cú, hay Đồng Văn, Mèo Vạc; mà chỉ là đi rong ruổi bằng xe máy cùng gió và ngắm núi đồi, mệt thì nghỉ, cảnh đẹp thì dừng, đi được đến đâu thì đến, khi nào chán thì quay về!”- một lời giới thiệu ngẫu hứng nhưng cũng rất tha thiết khác trên TTVNOL đã lôi kéo hàng chục comment, thành viên đăng ký tham gia.
“Giờ mình đã học năm cuối rồi. Ra Tết là thực tập, rồi tốt nghiệp, việc làm… Sẽ chẳng còn mấy thời gian mà tự do tung tẩy, cho nên dịp này phải tranh thủ chơi Tết hết mình!” - Nguyễn Phương Giang- ĐH Hà Nội tâm sự. Với tiêu chí chơi Tết hết mình, Giang đã sẵn sàng cho chuyến đi Huế- Hội An cùng một nhóm bạn Đại học.
“Bọn mình không có người quen, cũng không rủng rỉnh để sử dụng nhiều dịch vụ mà chủ yếu là tự đi, tự khám phá. Mặc dù đã đi nhiều, nhưng có lẽ đây sẽ là chuyến đi dài nhất, cũng hi vọng là chuyến đi tuyệt vời nhất từ trước đến nay của nhóm” - Giang chia sẻ.
Cùng chí hướng có một chuyến đi đón xuân để đời, Ngọc Linh - ĐH Kinh tế Quốc dân lại ấp ủ giấc mơ lên Mộc Châu khám phá “đường hoa”: “Vừa rồi bạn mình đi Mộc Châu về kể và khoe những bức ảnh tuyệt đẹp về núi rừng mùa hoa cải, hoa mận… Nhìn mà thích mê nên mình đang ngóng nghỉ Tết làm một chuyến đi Mộc Châu đón xuân”.

Những kế hoạch “ấm”

Trong khi nhiều bạn trẻ háo hức với dự định phượt đón năm mới 2011 thì nhiều người lại hết mình với những kế hoạch nhỏ hơn, song cũng không kém phần ấm áp, ý nghĩa.
“Năm nay, mình sẽ cùng bạn bè đón giao thừa ở Thủ đô. Cả nhóm đã lên kế hoạch “trắng đêm” cùng nhau từ tuần trước rồi. Không khí năm mới ở Hà Nội bao giờ cũng đặc biệt và bên bạn bè thân thiết nữa thì lại càng ấm áp, khó quên…” - Ngọc Linh, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.
Linh còn bật mí thêm, ít nhất hai người bạn thân của mình có ý định sẽ nói lời tỏ tình với nửa kia trong đêm giao thừa sắp tới.

Khác với Linh, Nguyễn Tuấn - ĐH Quốc gia Hà Nội lại muốn giành trọn những ngày nghỉ Tết quý báu cho người bà của mình: “Bà là em của ông ngoại, đang sống một mình ở Ba Vì. Lâu lắm rồi mình không lên thăm bà, chỉ gọi điện hỏi han sức khỏe, hứa lên thăm bà nhưng rồi bận bịu học hành cũng quên. Hôm trước mình gọi điện cho bà, nghe giọng bà vui lắm. Bà còn hứa nuôi gà để giành Tết này mình lên chơi… Nghĩ thương bà và có lỗi với bà quá, mình quyết định giành trọn mấy ngày nghỉ Tết dương lịch năm nay ở chơi nhà bà. Chắc bà sẽ bất ngờ và cảm động lắm”.
Dành sự quan tâm trọn vẹn cho gia đình, tham gia tình nguyện hay hết mình với những chuyến đi… những kế hoạch rất đáng yêu như thế hứa hẹn sẽ mang đến một cái Tết tràn ngập những điều thú vị giành cho giới trẻ.

Theo Vietnamnet

442 Chinh phục núi Chúa - Phần 1

Đây là chuyến đi vào rừng đặc dụng Núi Chúa của nhóm 442 thán 3 năm 2010 từ forum Phuot.com, xin trích lại bài viết khá lý thú này cho các bạn xem để thấy nỗi vất vả của họ trong những ngày phiêu lưu như thế nào. Con người, dù là một nhóm người khá đông nhưng cũng vô cùng bé nhỏ giữa thiên nhiên.

442 Chinh phục núi Chúa - Lạc lối giữa rừng đêm - Sa chân bẫy thú

Bắt đầu từ nỗi nhớ núi rừng sau hơn 1 tháng dài ăn Tết, Tù trưởng BM quyết định dắt 442 lên rừng...ngủ, điểm đến ban đầu là vườn quốc gia Bù Gia Mập...nhưng sau khi nhận được thông tin về..lâm tặc và nhiều thông tin...không có lợi tù trường bàn bac với anh em và quyết định chớp nhoáng "chinh phục núi Chúa". 21h00 18 thành viên nam phụ lão ấu tập trung tại bến xe Miền Đông trong tâm trang háo hức được đi thăm "khu du lịch" núi chúa mà không ngờ đến những khó khăn chông gai phía trước. Sau một đêm hành trình trên chuyến xe giường nằm Quê Hương 5h sáng đoàn có mặt tại bến xe Phan Rang để chuẩn bị tiến vào Vườn Quốc Gia núi Chúa.

Tichuot: Nhớ khi đọc bài của Linh Evil và các bạn trong topic:" 10 năm tìm vắt trên núi Chúa", lòng chúng tôi bồi hồi và cứ ngẫm nghĩ mãi vì cách hành văn, cách thể hiện những cung bậc cảm xúc của các bạn ấy. Núi Chúa, 1 cái tên mà chúng tôi đã lỗi hẹn rất nhiều lần, dự tính ban đầu sẽ là tháng 7/2009, rồi lại dời đến 2/9/2009, cứ thế mà cho đến ngày hôm nay, tôi mới giật mình tỉnh giấc khi mình đã chinh phục được ngọn núi chỉ cao vỏn vẹn 1039m mà thôi.

Kế hoạch trekking cho cung đường này chưa được 3 ngày thì chúng tôi đã lên đường, từ việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm hay các công cụ, dụng cụ đều không chuẩn bị trước vì chúng tôi ai nấy đều bận rộn cho công việc cuối năm Tài chính. Không mở topic rủ rê, không 1 cú điện thoại, chỉ với ly cafe đen mà chúng tôi hình thành ý tưởng cho chuyến đi này cốt là để chia tay Dugiang trở về Cam làm nghĩa vụ.

Cứ tưởng là cung đường nhẹ nhàng, nên chúng tôi ngoài những thành viên cũ, còn có các thành viên mới tham gia, không những thế, đoàn chúng tôi còn có 1 bé bự trên 90 cân và 1 chú bé vừa tròn 12 tuổi, không cần test thể lực như các đoàn khác ( Mặc dù đợt này có Mr. Test tham gia), do đó chúng tôi đã không kịp trở tay trước những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt dưới cái nắng trên 40 độ C giữa trưa hè oi bức của Phan Rang.

Một chuyến đi đầy ý nghĩa, nó đã đem lại cho chính bản thân tôi rất nhiều điều mà không có thể nào dùng tiền đánh đổi được, chỉ có những phút giây thật sự khó khăn, những giọt nước mắt của bạn đồng hành, những lời dạy của mẹ với con, hay những lời động viên nhau trong lúc không còn bước đi được nữa.....chỉ có chúng tôi nói chung và bản thân tôi nói riêng đã thay đổi nhiều quan điểm sống sau chuyến đi này.

Dugiang: Nếu lên google gõ "Vườn Quốc Gia Núi Chúa" thì các bạn sẽ có một kết quả hấp dẫn như sau:
Cách thị xã Phan Rang 20 km về phía bắc và giáp ranh với vịnh Cam Ranh, vườn quốc gia Núi Chúa có độ chênh gần 1.000 mét từ mặt biển đến đỉnh núi cao nhất. Núi Chúa, trung tâm của vườn quốc gia, có một núi Chúa Anh ở giữa và ba núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất là Chúa Anh, cách mặt biển 1.039,72 m. Do đó, nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ.

Điều kỳ thú đặc biệt là, trên những con đường đưa dẫn lên đỉnh núi, ta được chứng kiến 6 kiểu rừng. Từ kiểu rừng khô hạn cho đến kiểu rừng á nhiệt đới. Ở độ cao trên 800 m bắt đầu xuất hiện kiểu rừng lá kim với các loại như kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…
Với 24,5 km đường bờ biển, vườn quốc gia Núi Chúa có những bờ biển tuyệt đẹp. Bãi Bình Tiên là một trong số đó. Một dự án trị giá 530 tỉ đồng do công ty Mecco đầu tư sẽ biến những bờ cát trắng mịn với nước biển trong xanh giáp ranh với vịnh Cam Ranh này thành một điểm đến hấp dẫn.
Phía ngoài khơi của Núi Chúa là hòn Tý, nơi những ngư dân ở đây thỉnh thoảng thấy những con cá voi nặng hàng tấn và một vài gia đình cá heo nô đùa giỡn sóng...

Nghe hấp dẫn quá phải không mọi người. Chính vì thế gần 22 con người có cả cậu bé 12 tuổi và bà béo trăm ký hăm hở lên đường với mục đích: Chinh phục đỉnh núi Chúa Anh cao 1039m và ngâm mình trong vịnh Vĩnh Hy trong lịch trình kéo dài 2 ngày 1 đêm.

Nhưng! Phải có chữ nhưng thì mọi thứ kỳ thú nhất mới trở nên kỳ thú.
Mọi người dường như quên mất đoạn này: "Nếu Ninh Thuận lâu nay được cho là vùng khô hạn nhất nước thì vườn quốc gia Núi Chúa được xem như là vùng khô hạn nhất của Ninh Thuận. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng những vùng rừng khô của Núi Chúa khô hạn không kém gì nhiều vùng của châu Phi. Khí hậu và môi trường hệt những vùng bán hoang mạc thường gặp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Algeria"
Kết hợp với:
Chỉ duy nhất một HDV là nhân viên của Rừng quốc gia thông thạo đường đi lên đỉnh. Không có trong tay bất cứ một bản đồ nào. Ba người dân tộc bản xứ tham gia vận chuyển lương thực cũng không biết đường rành rẽ.

Thế nên ta có:
- Hốc người, vặn cạn kiệt mồ hôi trong cái nóng gay gắt của hoang mạc. Đến nỗi da vẫn đang tiếp tục bỏng rộp và bong tróc từng mảng.
- Các móng chân bầm tím do mũi giày cứng cấn mạnh khi xuống núi.
- Độ cao 1039 nghe tưởng ngon ăn nhưng là độ cao thực sự vì xuất phát từ mặt biển.
- Bất kể lý do nào làm chậm đoàn cho dù mê mải chụp ảnh do cảnh vật thiên nhiên quá đẹp; dừng chân nghỉ do mệt rốc người vì nóng hay leo vượt con dốc cao gần 90 độ...đều dẫn đến vỡ lịch trình.
- Mò mẫm trong rừng rậm bằng kỹ năng và bản năng khi lạc rừng. Cắt xuyên rừng gai theo dấu chân của bọn bẫy thú.
- Bỏ mất ước mơ tắm suối hay tắm biển Vĩnh Hy. Leo lên xe trong bộ quần áo hôi mù và chân đất.
......................
Và ta được:

- Ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên
- Những bài học sâu sắc về cách con người đối xử với rừng và những độc đáo của từng loại rừng qua con mắt của một nhà khoa học đồng hành trên cả tuyệt vời.
- Lại một lần nữa cùng con trai vượt lên chính mình. Gieo được vào lòng con đam mê khám phá thiên nhiên và giúp con rèn luyện được thêm ý chí cùng khả năng chịu đựng.
- Được chia sẻ cùng bạn bè những khoảng khắc ý nghĩa nhất của cuộc sống. Lại tiếp tục học mãi thêm nhiều bài học về tình người và đức hy sinh.
- Bổ sung thêm được nhiều kỹ năng bổ ích.

TheHung: Ngày xưa tôi có nghe vài câu ca dao hay vè về những địa danh của Miền Trung như Ma Đồng Cọ, Gió Tu Bông...giờ đây tôi mới biết thêm một điều nữa là Nắng Phan Rang nắng như rang.

Mới có 9h mà cái nắng chói chan, nắng như rang, từng luồng hơi nóng táp vào mặt, ngột ngạt khó chịu thế mà 22 con người vẫn hồ hởi leo con dốc đầu tiên tiến vào chân núi trước con mắt ngạc nhiên của bà con dân tộc Rakley vì từ trước đến nay ngoài mấy ông Tây mang trang thiết bị lỉnh kỉnh leo núi để nghiên cứu thì đây là lần đầu tiên họ thấy một đoàn toàn Dziệt Nam mũi tẹt da vàng mà trang bị lỉnh ca lỉnh kỉnh cũng leo núi, đặc biệt có cả một bà giống du kích Taliban mang balo bộ đội và một thằng nhóc con non choẹt.

Vượt qua con dốc đầu tiên một hồ nước trong xanh hiện ra trước mặt, Hồ Thái An là hồ nước cung cấp nước cho toàn vùng trong quanh năm vì mùa mưa ở đây chỉ kéo dài có vài tháng. Mặc dù mọc cạnh hồ nước nhưng những loài cây xung quanh vẫn cằn cỗi giống như cây khô, một đặc trưng của những thực vật sống trong vùng khô hạn khắc nghiệt.
Ngay con đường dẫn xuống miệng đập là một hình ảnh khá quen thuộc đối với tôi, một thằng lớn lên từ mảnh đất Miền Trung nắng cháy nghèo nàn, đó là phân bò khô, một loại chất đốt cực kì tốt và thân thiên với môi trường, Bò ăn rơm, rạ, cỏ và thải ra phân với thành phần cũng tương tự, sau khi được phơi khô thì phân bò cháy đượm như than. Ngày xưa đi theo lũ bạn chăn bò, nhặt phân khô đốt, đào trộm vài củ khoai mì khoai lang vùi vào nướng thì ngon ôi thôi rồi luôn!!!

Quay lại với cái nắng, chỉ vượt qua một con dốc khá thoải với đoạn đường vài trăm mét mà mọi người đã thấm mệt vì nóng và mất nước một nhóm nhỏ phải dừng lại nghỉ chân để dần dần làm quen với thời tiết. Đây là nhóm dẫn đầu do anh Điệp, một kiểm lâm đẹp trai, phong độ, đã từng công tác trong ngành công an, từng thi đấu trong đội tuyển teakondo Vũng Tàu và là một nhà khoa học, một vận động viên lặn biển nghiệp dư nhưng đầy kinh nghiệm. Nhìn dang vẻ thư sinh, nhưng anh leo chuyến này cứ như đi dạo.

Còn tiếp...
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Theo forum Phuot.com

Đan viện Châu Sơn - Ninh Bình

Nhắc đến nhà thờ Ninh Bình, người ta hay nghĩ tới nhà thờ đá Phát Diệm, cố đô Hoa Lư, ít người biết được rằng, sâu trong các vùng hẻo lánh, còn có các nhà thờ nho nhỏ nằm dưới chân những ngọn núi.

Nhà thờ (Đan viện) Châu Sơn là một trong những điểm đến ít người biết tới bởi ngôi thánh đường này nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông và cây cối bao quanh. Theo Kỷ yếu của Đan viện, ngôi thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, cung hiến năm 1945 bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêro Trần Đức Trưởng. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêro.
Cùng tham gia xây dựng Đan viện còn có kiến trúc sư chính là một vị linh mục trong Đan viện. Cha Placiđô Trương Minh Trạch chưa từng học qua trường lớp kiến trúc hay xây dựng nhưng ông tự mình nghiên cứu và mày mò thiết kế xây dựng nhà thờ.

Ông không thiết kế cụ thể trên bản vẽ như những kiến trúc sư khác mà tất cả chỉ hình dung trong trí óc. Từng đường nét, từng viên gạch đã được hình thành dần dần trong trí tưởng tượng và ông đã chỉ bảo rất chi tiết cho những người thợ xây dựng nên. Trong cuộc đời cha Placiđô (khi đó là một vị tu sĩ trẻ), ngôi nhà thờ Châu Sơn là kiệt tác đã được ông dồn hết tâm huyết để kiến tạo nên.

Nhìn từ xa đã thấy Đan Viện giống như đang nằm dựa lưng vào núi. Với phong cách kiến trúc Gothic, lại được xây bằng gạch mộc, không hề trát vữa quét vôi như các nhà thờ hoặc các công trình khác (do những nguyên nhân khách quan) nhưng chính sự để thô, để mộc bề ngoài tạo cho nhà thờ có một vẻ đẹp khác biệt. Trông giống như một sự tối giản nhưng lại rất ấm áp sắc đỏ của gạch mộc giữa những tán cây đại thụ. Phía xa ngoài sân là tượng Chúa đứng dưới mưa nắng thời gian...

Khi được biết đây là nhà thờ của dòng Khổ Tu, tự nhiên bước chân người khách phiêu bạt bỗng bâng khuâng da diết hơn. Màu thời gian đã nhuốm phong trần, nhuốm cả màu gạch.

Ngước lên phía nóc nhà thờ có những tầng tháp nhỏ xinh xắn nhưng tỉ mỉ chi tiết, chính giữa là ngôi thập giá màu trắng sừng sững trên nền trời xanh. Bề mặt và những khung cửa sổ chính là những nét duyên dáng trang điểm cho ngôi nhà thờ những nét riêng chẳng giống nơi nào.

Bước vào trong ngôi thánh đường, phải một lúc khách mới thấy những hàng ghế nằm im lìm trong bóng tối. Phía đằng trước chính điện là Đức Chúa Giêsu với ánh sáng mờ mờ màu xanh nhạt. Ngoảnh lại phía trước cửa, chỉ thấy hé một vài tia sáng lọt qua khe cửa. Thật thú vị khi được biết rằng điểm khác biệt tại Đan viện này chính là trên mỗi khung cửa ra vào của thánh đường đều có ghi những chữ La tinh như lời nguyện tắt, nhằm giúp các vị tu sĩ hướng lòng tới đức Chúa.

Người khách như đang lạc vào một thế giới khác. Thế giới của thánh đường, của những đứa trẻ mặc váy trắng muốt đang ngước mắt lên nghe lời kinh với đôi mắt màu nâu mơ màng tuyệt đẹp. Ngoài các tượng thánh còn có các bức phù điêu chân dung các thiên thần, các hoa văn quanh cửa sổ của thánh đường. Những tưởng không có ai trong ngôi thánh đường, vậy nên khách đường xa đã chợt giật mình khi thấy bóng áo trắng của vị tu sĩ trong tư thế quỳ xuống ở một góc thánh đường. Giữa hàng ghế mênh mông, trong bóng tối và Chúa ở trên cao, bóng áo trắng ấy mới nhỏ nhoi làm sao. Khách càng không dám làm kinh động nên đứng nép vào một góc.
Tuy vô tình nhưng thật hữu duyên, khách cảm thấy hạnh phúc khi được cùng lặng im, cùng đứng trong một không gian im ắng, không tiếng động, không lời kinh cầu, không tiếng chuông ngân.

Tịch mịch...

Sau thời gian cầu nguyện trong tĩnh lặng, vị tu sĩ khoan thai bước ra khỏi thánh đường. Khách lại lặng theo sau, trong lòng đầy kính trọng cõi riêng của người linh mục.
Khách tự hỏi có nên tiếp tục công việc khám phá, hay mặc kệ cho bước chân đưa đẩy? Khách đường xa lại lạc bước tới hang Đức Mẹ Maria nằm phía sau nhà thờ, trên ngọn núi mà nhà thờ áp lưng vào. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc cầu thang và dọc đường có rất nhiều thánh giá. Ở đây còn có nhiều ngôi mộ của các vị linh mục già mất đi được chôn cất tại đây.

Từ trên cao nhìn xuống, thấy ngôi nhà thờ thắm màu gạch nằm giữa vùng mây nước núi non cây cối um tùm mà trong lòng thầm nghĩ về những người theo dòng Khổ Tu. Khách cõi trần như học được cái sự thong dong, thong thả, lại kệ cho bước chân vô định đưa đẩy. Lúc này, trên ngọn núi bắt đầu có tiếng chuông ngân thoang thoảng và dường như vang vọng đâu đây tiếng hát sâu lắng của Khánh Du: "Gác chuông cao vời vợi/ Tiếng chuông ngân xa vời/ Tiếng chuông nói với người nỗi niềm Giáng sinh".

Chỉ dẫn tới nhà thờ Châu Sơn, dòng Khổ tu:

- Lịch trình cho 1-2 ngày
- Vị trí: Tòa thánh đường Đan viện Châu Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách rừng Quốc gia Cúc Phương 17km, cách Tòa Giám mục Phát Diệm 70km, cách Hà Nội 97km.
- Điều đặc biệt: Nơi này luôn mở rộng cửa cho những người muốn tĩnh tâm.
- Điểm đến kết hợp: Nên kết hợp tới nhà thờ Châu Sơn cùng các điểm đến khác của Ninh Bình - nơi vốn được coi là một trong những trung tâm du lịch của đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thơ Cao Bá Quát đã từng viết về Ninh Bình: "Sông tựa dải là cô gái đẹp/ Núi như chén ốc khách làng say/ Trăng non gió mát kho vô tận/ Chỉ sợ nhà thơ mãi ở đây".
- Ẩm thực: Nếu là khách du lịch, hãy nên thưởng thức chớ bỏ quên các món được coi là đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn...

Theo Dep (Du ngoạn)

Du ngoạn Suối cá Thần Cẩm Lương

Hàng nghìn con cá lấp lánh đủ màu sắc tung tăng bơi lội trong dòng suối nước trong vắt, giữa rừng cây nguyên sinh.

Suối cá thần ở làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá đã có từ hàng trăm năm nay. Chuyện xưa kể rằng: vào một năm nọ, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, mùa màng thất bát, dân chúng trong vùng đói khổ. Có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn đi làm đồng về vô tình nhặt được một quả trứng kỳ lạ. Người vợ đem quả trứng thả xuống suối Ngọc, nhưng lạ thay, cứ hế nhấc tay lên lại thấy quả trứng đang nằm trên tay mình.
Hai vợ chồng bèn đem quả trứng lạ đặt vào ổ gà đang ấp. Ít lâu sau quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá, người chồng đem rắn ra suối Ngọc thả, nhưng cứ đến rối rắn lại trở về nhà. Không sao đuổi rắn đi được, hai vợ chồng đành để con rắn ở lại sinh sống với họ.

Lạ thay, từ đó đồng ruộng của làng lại đủ nước cày cấy, mùa màng tươi tốt, đời sống mọi người ấm no. Dân làng cho rằng chàng rắn là vị thần đã cứu làng bản nên hết lòng tôn kính. Một hôm, trời nổi cơn giông bão, sấm chớp đùng đùng. Sau cơn giông, dân làng thấy xác chàng rắn nằm bên chân núi Trường Sinh, đầu quay về làng Ngọc.

Thương tiếc chàng rắn, dân làng chôn cất chàng bên chân núi, lập đền thờ gọi là đền Ngọc. Trong một buổi tế lễ, dân làng được thần báo mộng rằng chàng rắn chết do quyết chiến với thuỷ quái để bảo vệ dân làng. Từ đó chàng rắn được phong thần, gọi là Tứ Phủ Long Vương. Và cũng từ ấy, ở suối Ngọc bên chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần hàng nghìn con luôn quây quần chầu trước đền Ngọc để hầu hạ chàng rắn.

Những người già trong làng nói rằng đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá thần là vật linh thiêng, không ai dám bắt và ăn thịt cá. Do vậy đàn cá thần được bảo tồn cho tới ngày nay với số lượng rất lớn. Vào mùa nước cạn, mặt nước lấp xấp trong vắt, có thể nhìn rõ đàn cá thần, mỗi con to bằng bắp chân người lớn tung tăng bơi lội. Mỗi khi bơi, cá phát sáng nhiều màu lấp lánh trông rất đẹp mắt.

Đàn cá hàng ngàn con sinh sống trong một con suối chỉ dài chừng 150m, nhưng nước suối quanh năm trong vắt, không bao giờ cạn, cũng không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Dân làng mỗi khi ra suối đều không quên thả rau, gạo cho cá ăn. Vì thế nên đàn cá rất dạn dĩ và gần người, cá thường nhảy lên khỏi mặt nước để nô đùa với người.

Người dân làng Ngọc kể rằng đàn cá thần có những con nặng tới 30kg, chỉ những ngày nước lớn mới chui ra khỏi hang. Người dân trong vùng không ai dám bắt cá vì có những câu chuyện về người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ vào những ngày tế lễ Tứ Phủ Long Vương, dân làng xin thần cho được thả xúc, con cá nào tự chui vào xúc để dâng mình cho thần thì làng mới dám mang về làm thịt cúng thần linh.
Theo các nhà khoa học, đàn cá ở suối cá thần Cẩm Lương gồm nhiều loại cá: cá dốc thuộc bộ cá chép, là loài cá hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam, cá chài, cá mai. Các loài các này có hình thù rất lạ, màu sắc phong phú.

Hàng năm, suối cá thần thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Du khách đến với Cẩm Lương không chỉ để tận mắt chiêm ngưỡng suối cá kì bí và đàn cá lạ mà còn để hưởng không khí trong lành, mát rượi của rừng nguyên sinh và tham quan những nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nơi đây như dệt thổ cẩm, múa Pồn Pông...

Mách bạn:

Để đến suối cá thần, bạn có thể đi theo đường Hồ Chí Minh: từ Hà Nội đến ngã ba Xuân Mai, rẽ trái vào Miếu Môn, qua rừng Cúc Phương, tới ngã ba Cẩm Thuỷ, từ đó sẽ có biển chỉ dẫn vào suối cá thần. Đây là đường dễ đi nhất, đường đẹp và cắt qua rừng Cúc Phương, ít xe cộ, phong cảnh lại rất quyến rũ, thích hợp cho những “phượt thủ” mê “săn ảnh”.

Theo Vzone

Về Gò Công hoài cổ

Nếu như Quảng Nam hãnh diện có phố cổ Hội An được giữ gìn gần như nguyên vẹn để trở thành di sản văn hoá thế giới, thì Tiền Giang cũng có thể tự hào về vùng đất Gò Công còn nhiều nhà cổ nhất vùng Tây Nam bộ. Gò Công còn là xứ sở họ ngoại hoàng gia triều Nguyễn với dòng họ Phạm được lưu danh ở khu lăng Hoàng Gia trên 180 năm qua và cũng là nơi sinh ra hai phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn trong các triều nhà Nguyễn.

Thăm quê hương danh gia thế tộc

Từ trước đến nay, chưa thấy công ty lữ hành nào tổ chức tour về Gò Công, có lẽ do giao thông chưa thuận lợi. Đường gần nhất từ Sài Gòn về Gò Công là theo hướng đi huyện Cần Đước (Long An), qua phà Mỹ Lợi, rồi thẳng quốc lộ 50 vào thị xã. Quốc lộ 50 được nâng cấp mấy năm rồi mà chưa xong nên trên quãng đường khoảng 60km mọi người phải chịu đựng bụi mù gần 30km. Nếu con đường này hoàn thành thì đi xe máy từ Sài Gòn về Gò Công chỉ hơn một tiếng vì đường khá rộng. Để không bị nhồi xóc, hít bụi, mà đi từ Sài Gòn vòng xuống ngã ba Trung Lương mất 70km, rồi mới vào thị xã Gò Công thêm 25km nữa sẽ thành 95km.

Theo tư liệu lịch sử, trong 40 làng của tỉnh Gò Công vào thế kỷ 19, làng Thành Phố có chợ và những khu phố mua bán sầm uất nhất, tập trung nhiều gia đình khá giả. Những năm 1860 - 1862, hầu hết nhà ở làng này đều xây tường, lợp mái ngói và năm 1862 làng Thành Phố trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công, nay là thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Đến nay, với hơn 200 ngôi nhà trên 100 tuổi còn giữ dáng cổ xưa, có thể nói Gò Công là nơi còn nhà cổ nhiều nhất không chỉ ở Tiền Giang (350 ngôi nhà cổ toàn tỉnh) mà cả ở miền Tây Nam bộ. Nhà cổ ở Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch. Khác nhà cổ ở Hội An đa số nhỏ, san sát nhau, nhà cổ ở Gò Công thường lớn ba gian, mái ngói âm dương, nền cao, có nhà thêm hai chái; nhà cất trên những mảnh đất rộng, chung quanh có sân vườn.

Hỏi người dân, ngôi nhà cổ nào đẹp nhất tại Gò Công, ai cũng bảo là nhà của đốc phủ Nguyễn Văn Hải (số 9 Hai Bà Trưng) được xây dựng năm 1860, lần trùng tu mới nhất là năm 2009 nên nước sơn bên ngoài trông mới, nhưng nội thất bên trong gần như được giữ gìn nguyên vẹn với hàng trăm chi tiết chạm trổ tinh vi. Từ vật dụng gia đình đến nhà bếp, nhà chứa lúa của đốc phủ Hải đủ để khách tham quan thấy sự giàu có của chủ nhân. Chỉ tiếc là sân vườn chung quanh mất đi hình ảnh xưa. Chủ quán càphê bình dân bên hông chợ Gò Công bảo muốn biết ngôi nhà này trước khi trùng tu như thế nào thì xem phim Tình án.

Ngôi nhà cổ có giá trị không kém nhà của đốc phủ Hải là nhà của bà Lâm Vu Liên được xây dựng cuối thế kỷ 19. Nhà có mái cong, cột bằng gỗ mun, chạm trổ độc đáo. Đường Nguyễn Huệ có nhiều nhà cổ xây cao, kiến trúc ba gian theo kiểu nhà người Việt, nội thất, vật dụng trong nhà toàn bằng gỗ, kể cả tranh trang trí, nhưng lối đi vào nhà và tường hiên theo kiến trúc Pháp.

Dấu tích về Nam Phương hoàng hậu - vợ vua Bảo Đại, là con gái của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào ở Gò Công không còn nghe nói tới, nhưng khu lăng Hoàng Gia thì dân thị xã không ai không biết. Cách chợ Gò Công khoảng 4km, trên quốc lộ 50 là địa danh giồng Sơn Quy, nơi lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826, bao thế hệ giữ gìn, được công nhận di tích quốc gia năm 1992. Đây là khu lăng mộ Phạm và đền thờ của đức quốc công Phạm Đăng Hưng, cha thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Người giữ đền thờ cho biết lăng được xây dựng bởi thợ địa phương nhưng thiết kế của nghệ nhân cung đình Huế, nên có nét kiến trúc Huế. Khuôn viên lăng rộng đến 3.000m2, nhưng không xây dựng cho ra vẻ đồ sộ, uy nghiêm như lăng mộ của các quan đại thần khác, còn nhà thờ giống kiến trúc của nhà ở, chính điều này khiến cho người dân Gò Công thấy lăng Hoàng Gia gần gũi đối với họ và du khách.

Chỉ có ở Gò Công

Đi qua từng con đường, góc phố ở Gò Công, chúng tôi cứ thấy phảng phất vẻ xưa cổ mà những kiến trúc mới không che khuất được. Ra lăng Hoàng Gia, dù quốc lộ 50 còn chưa được làm xong, bụi mịt mù, nhưng những chiếc ôtô cứ chạy vào con đường này. Đó là những người khá giả ở Sài Gòn, ở miền Tây mới xây nhà lớn, đi Gò Công tìm mua tủ thờ. "Nhất tủ thờ Gò Công", những nghệ nhân ở ấp Ông Non, xã Tân Trung đã làm nên danh tiếng cho làng mộc chuyên đóng tủ thờ ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Những làng nghề mộc ở miền Nam không ít, nhưng chuyên về tủ thờ thì Gò Công luôn được nhắc đến đầu tiên. Người làng nghề cho biết tổ tiên họ đã đến "miệt Gò Công" gần một trăm năm, sinh sống bằng nghề làm tủ thờ. Cổng làng nghề được dựng ở gần ngã tư Cả Nhồi nhưng các cửa hàng kinh doanh tủ thờ, các xưởng mộc lớn tập trung nhiều hai bên quốc lộ 50 để người phương xa đến dễ dàng nhận biết. Tủ thờ mới đóng nhưng kiểu xưa, chạm trổ, cẩn đẹp, giá từ 20 - 30 triệu đến cả trăm triệu đồng một chiếc, thảo nào mà người khá giả thích đưa sự trang nghiêm cổ xưa vào nhà mới và muốn chứng tỏ cấp độ giàu có đã lặn lội xuống Gò Công mua tủ.

Chủ cơ sở Sáu Xuân biết chúng tôi là khách du lịch, sau một hồi thuyết minh miễn phí về làng nghề tủ thờ, anh hướng dẫn thêm: "Gò Công không chỉ có làng tủ thờ là "hàng độc", mà một số nơi có cách ăn, uống cũng thuộc loại không ở đâu có". Anh tình nguyện làm hướng dẫn viên, cùng chúng tôi trở lại nội ô thị xã. Anh đưa chúng tôi vào quán càphê bình dân đối diện hồ nước mà cư dân ở đây quen gọi là bến tắm ngựa. Anh kêu càphê đen đá. Người bán mang ra càphê pha phin và một ly nước đá, rồi vào nhưng đúng lúc càphê trong phin vừa nhỏ giọt hết, cô đến ngay khuấy đường vào càphê rồi đổ vào từng ly. Hoá ra, cách phục vụ càphê ở quán này là vậy, giống như biểu diễn pha càphê cho khách xem.

Anh Sáu tiếp tục mời mọi người món hủ tíu lòng heo, cách ăn chỉ có ở Gò Công. Trên bàn để sẵn một tô củ cải trắng xắt khối vuông cỡ con xúc xắc và ớt hiểm, hai thứ được ngâm với giấm đường, gọi là thấu. Anh hướng dẫn chúng tôi bỏ thấu vào chén nước mắm, ăn kèm với hủ tíu bột lọc, lòng heo, ngon khác tô hủ tíu xương hay hủ tíu Nam Vang ở Sài Gòn.
Anh Sáu bảo: "Đã xuống tới đây thì đi vườn sơri cho biết luôn. Sơri ngọt cũng chỉ có ở Gò Công là ngon nhất". Thế là mọi người đi đến vườn sơri trước khi rời Gò Công.

Theo SGTT

Đến Thanh Hóa nhớ ăn chả tôm

Không nổi tiếng bằng nem chua nhưng chả tôm Thanh Hóa có sức hấp dẫn kỳ lạ ngay từ nguyên liệu chế biến tới cách thức thưởng thức.

Phở cuốn… chả

Nếu mới nhìn thấy món chả này lần đầu ở Phố Đào Duy Từ, Lê Hoàn, Cao Thắng hay Nhà hát nhân dân (TP Thanh Hóa), bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những miếng chả trắng nõn nà được kẹp gọn gàng vào nẹp tre nướng xèo xèo trên bếp than củi lại tỏa hương thơm đặc trưng của mùi tôm ngào ngạt.

Còn nếu là tín đồ của món phở cuốn Ngũ Xã đất Hà Thanh bạn sẽ “tẽn tò” khi nhầm tưởng đây là phở cuốn mini “made in Thanh Hóa”. Nhưng cũng đúng một phân bởi món này cũng có phần “dính lứu” tới phở. Đấy, chỉ mới là cái liếc mắt thôi, món chả tôm đã gợi ra sự tò mò muốn khám phá của thực khách tới cồn cào.

Món này, nếu muốn tìm ăn chơi buổi sáng chắc rất rất khó vì các cửa hàng đồng loạt mở lúc 6 giờ chiều tới hơn 7 giờ tối là hết. Kỳ lạ, hàng nào hàng đó chỉ làm 1 định lượng nhất định, vài trăm xiên chứ chẳng ai bán cố thêm giờ.

Người xứ Thanh bảo đấy là chiêu câu khách của các cửa hàng. Còn nhiều chủ cửa hàng thì lại phân trần: đủ lãi rồi, làm món này công phu và mệt lắm đâu có thể tham nhiều, muốn ăn ngày mai lại tới. Vậy mà thực khách tới thật, có người cứ về quê là phải chạy ra ngay hàng chả tôm để ăn cho thỏa thuê, gặp bạn bè là cũng rủ bằng được ra hàng chả để thưởng thức…

Thực ra, món chả tôm này cũng chẳng phải kỳ công hay có nguyên liệu đặc biệt quý hiếm, hay nói vui như mấy chị chủ quán là “có thuốc phiện” gây nghiện. Cái chính là sự kết hợp tài tình giữa hỗn hợp tôm, thịt, hành, tỏi…và đặc biệt là bánh phở và gấc.

Đầu tiên tôm bột tươi roi rói nhỉnh hơn đầu ngon tay trỏ một chút được hấp cách thủy vài phút cho chuyển màu hồng rồi đem nhặt vỏ, bỏ đầu, bỏ đuôi, chỉ giữ lại cái mình chắc thịt. Thịt ba chỉ chọn khúc nhiều mỡ, thái hạt lựu rán vàng.

Sau đó cho tôm, thịt rán,  hành, tiêu, bột nêm vào giã  nhuyễn hoặc say bằng máy sinh tố. Đặc biệt, khác với cách làm giò, chả thông thường hay thêm bột, món chả tôm lại gia giảm thêm bằng bánh phở cắt nhỏ đem giã chung với hỗn hợp nêu trên.

Để nổi bật màu hồng tươi đẹp mắt, bí quyết của các đầu bếp chính là trộn thêm thịt gấc vào. Vậy là ta đã hoàn thành “ruột” chả dẻo quánh, phản phất vị thơm của hành tiêu.

Tới đây, món chả mới chỉ đi được nửa chặng đường trở thành thứ đặc sản hiếm có khó tìm của xứ Thanh. Bởi chẳng biết do ai sáng tạo, không để nguyên mà nướng hay hấp, món chả tôm lại được bao bọc trong một lớp bánh phở dày có độ dài chừng 7,8 cm, rộng 2cm biến hóa thành 1 chiếc “phở cuốn” trong hồng, ngoài trắng nõn nà.

Dưới bàn tay khéo léo của người con gái Thanh Hóa, từng kép 4 chả tôm được xếp gọn gàng trên thanh tre, đem nướng dưới bếp than củi hồng cháy tí tách. Một lần nữa, món chả tôm lại có sự biến hóa về hình dáng khi ‘ruột chả” bên trong chín dần tăng vị hồng, lớp bánh phở bên ngoài được “rán” bởi mỡ chiết ra từ bên trong nên ngả màu vàng đậm, giòn giòn.
Chị chủ của hàng khéo léo quạt nhẹ nhàng vừa nhanh tay lật đi lật lại cho chả chín đều sao cho bụi than không bay bám vào chả, mà chả cũng không bị chín ép quá nhanh để không hao phần nước ngọt tinh túy bên trong.

Phong phú rau ăn kèm

Nhưng chả tôm chỉ hấp dẫn du khách 7 phần, 3 phần còn lại chính là món nước chấm tuyệt hảo cũng với thứ rau ghém ăn kèm khó có nơi nào phong phú hơn.

Nào là đủ các loại từ rau má, diếp cá, hành, mùi tàu, húng dổi, tỏi cọng, hoa chuối… đều được chủ quán chăm chút kỹ lưỡng. Riêng nước chấm của chả tôm là dưa món đu đủ, sung bổ đôi, ớt bột, ớt tươi dầm dấm và tất nhiên là nước mắm cốt cá pha loãng, chút đường và mì chính để vừa chấm vừa “húp”.

Bây giờ hãy cứ tưởng tượng trong sự hỗn tạp của thứ nước châm vàng nâu, thứ rau xanh mướp mát, những miếng chả tôm hồng hồng vẫn cứ là trung tâm thu hút mọi ánh nhìn. Nào gắp ngay để ăn thôi, cái vị ngậy đậm đà làm ta như vừa muốn ăn, lại như vừa muốn giữ lại trên lưỡi cho nó tự tan chảy…

Theo aFamily

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

“Phượt” và trào lưu săn vé máy bay rẻ của giới trẻ 2010


Một bộ phận giới trẻ đang say mê với khái niệm “phượt” và không ngần ngại tranh thủ thời gian để săn những chiếc vé rẻ cho chuyến đi của mình.

Phượt qua các diễn đàn

Trước đây, một bộ phận giới trẻ tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần, tự tổ chức các chuyến đi gần bằng tàu hỏa hoặc xe ô tô. Trên các diễn đàn du lịch, thường xuất hiện các dòng tin nhắn “gia đình em đang chuẩn bị đi du lịch, ai biết ở đâu vé rẻ, phòng rẻ chỉ giúp…”.
Kể từ khi tại Việt Nam xuất hiện hàng không giá rẻ, trên các diễn đàn này lại xuất hiện những dòng thông tin treo đổi về vé máy bay giá rẻ và kinh nghiệm mua vé.



Lướt qua trang webtretho, thường xuyên có câu hỏi “ai có kinh nghiệm đặt vé giá rẻ, nhất là từ khi em biết Jetstar Pacific có chương trình khuyến mại giá vé chỉ 150k, nhưng chả biết khi nào mới book. Và cộng các phí, thuế dịch vụ …thì khoảng bao nhiêu ạh, cả nhà giúp em với nhé, em cảm nhiều nhiều ạ”. Thành viên lên tiếng và sau đó là những thành viên khác bắt đầu tư vấn. Sau khi đặt vé thành công, thành viên này không quên thông báo và cảm ơn mọi người.

Anh Tuấn, thành viên của một nhóm “phượt” cho biết rằng các bạn của anh thường tổ chức đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ, hoặc cuối tuần. “Nhu cầu của bọn mình là được đến nơi cần đến, vì vậy miễn là tiết kiệm thời gian, và càng tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại càng tốt”. Bạn trẻ này cho biết, nếu nhóm có 5 người, tiết kiệm 100 nghìn/vé máy bay thì nhóm cũng đã có 500 nghìn, đủ cho một bữa ăn “tạm được” tại điểm du lịch.


Săn vé rẻ, trào lưu mới

Mỗi khi có chương trình khuyến mại của các hãng hàng không, nơi bàn tán nhiều nhất thường là các diễn đàn của giới trẻ. Có nhiều bạn vui mừng vì đã “săn” thành công được vé rẻ, cũng có bạn thất vọng. “Thường mỗi khi có vé rẻ, nhóm bọn em chia nhau ra để cùng trao đổi trên mạng và phân công đăng ký. Bạn nào đăng ký được thì thông báo để mọi người biết, những người không đăng ký được thì đành ngậm ngùi với mức giá cao hơn một chút để bay cùng nhóm. Cũng có khi nhóm phân công bạn nào “săn” giỏi nhất để phụ trách luôn phần đặt vé máy bay”, anh Tuấn nói.

Trao đổi với chúng tôi, Đại diện truyền thông Jetstar Pacfic cho biết, vé máy bay giá rẻ luôn được hãng phân phối trên trang web bán vé (www.jetstar.com) theo chương trình giá rẻ hàng ngày. Ngoài ra, các chương trình bán vé rẻ cũng thường được thực hiện tùy từng thời điểm để kích thích nhu cầu đi lại. Khách hàng mua được vé giá rẻ thường là những người am hiểu công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo internet.

Các hãng hàng không thường khuyên khách hàng nên lên kế hoạch đi lại sớm, không nên đặt chỗ quá đông người cùng lúc, và làm quen với cách thức mua vé rẻ trước khi đăng ký. Tuy nhiên, mỗi nhóm “phượt” lại có những “chiêu” khác nhau và họ tận dụng tối đa kinh nghiệm của mình để dành được tấm vé rẻ một cách nhanh nhất.
“Thật thú vị khi đi du lịch với giá vé chỉ bằng …xe đò”, anh Định - một chuyên gia công nghệ thông tin và là người thích du lịch chia sẻ. “Mỗi lần săn được vé rẻ, mình lại thông báo cho bạn bè biết để chia vui và hướng dẫn họ đăng ký để cùng đi du lịch.”


Làm thế nào để mua vé giá rẻ

Vé máy bay giá rẻ thường chỉ phân phối trên internet, chưa bao gồm các khoản thuế, dịch vụ khác. Các khoản dịch vụ của hàng không giá rẻ cũng khá phong phú, bao gồm cả bảo hiểm du lịch, ngay đến các hình thức thanh toán cũng có phí khác nhau tùy theo lựa chọn. Vì vậy, để tiết kiệm tối đa chi phí, những người mua vé cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định.
Tại Việt Nam, Jetstar Pacific là hãng hàng không duy nhất hoạt động theo mô hình giá rẻ. Kể từ khi chuyển đổi, hãng này thường xuyên mở rộng các tiện ích thanh toán qua internet.

Bên cạnh việc đăng ký và mua vé tại các phòng vé, đại lý chính theo phương thức truyền thống. Hiện nay, khách cũng có thể đăng ký trực tiếp tại www.jetstar.com và thanh toán trực tuyến bằng các loại thẻ tín dụng phổ biến như Visa, Master Card, JCB, AMEX do các ngân hàng trong nước và quốc tế phát hành, hoặc thẻ ghi nợ nội địa (ATM) của Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng Đông Á, HD Bank, VIB, dịch vụ ngân hàng điện tử F@st I-Bank của Techcombank.

Đối với những khách hàng không dùng thẻ, có thể lựa chọn đăng ký thanh toán sau và ra thanh toán tại các điểm giao dịch của Techcombank hoặc trên 1.100 điểm giao dịch bưu điện (VNPT) trên toàn quốc.
Một số chương trình bán vé rẻ đặc biệt thường chỉ áp dụng đối với hình thức thanh toán trực tuyến. Để có thể thanh toán, chủ thẻ cần phải đăng ký chức năng thanh toán trực tuyến với ngân hàng phát hành trước khi mua vé.

Công cụ thanh toán chỉ là yếu tố cần. Thói quen, kinh nghiệm, và kỹ năng sử dụng internet là những yếu tổ quan trọng tạo nên sự thành công trong việc mua vé. Đại diện Jetstar Pacific cũng cho biết, để tạo thêm sự tiện lợi cho “sân chơi săn vé rẻ”, Jetstar Pacific vừa ứng dụng thêm tiện ích “Công cụ tìm kiếm vé giá rẻ” tại www.jetstar.com. Người mua vé chỉ cần nhấp chuột vào biểu tượng của công cụ này và chọn ngày dự kiến, hệ thống sẽ hiện thị mức giá rẻ nhất trong 1 tháng, trước 15 ngày và sau 15 ngày của ngày cần tìm.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang tạo thêm nhiều tiện ích, ứng dụng cho các lĩnh vực trong xã hội. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là mua vé máy bay giờ đây không còn là điều quá khó khăn với nhiều người.

Theo Vienamnet

Các thác nước lớn ở Việt Nam

3/4 diện tích lãnh thổ Việt Nam là rừng núi, chính điều này đã làm nên những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng bao la. Hãy cùng tìm hiểu và khám phá các thác nước lớn ở Việt Nam cùng Lenduong.

1.Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc là một thác nước nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc; phần thác phụ và nửa phía Nam của thác chính thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía Bắc của thác chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil- Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia- Zimbabwe; và thác Niagra giữa Canada và Mỹ).

Thác Bản Giốc được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác cao. Đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính nằm ở phía Bắc.
Từ độ cao trên 30m những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi.

Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng, với bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng.
Cách thác khoảng hơn 5km có động Ngườm Ngao, dài 3 km. Ðộng Ngườm Ngao ở ngay bên cạnh thác, dài khoảng 3km được đánh giá là một trong những hang động đẹp của Việt Nam.

Thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh đặc sắc. Cùng với núi, sông và các hang động kỳ thú ở xung quanh, thác Bản Giốc không chỉ là một điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một nguồn thủy điện lớn trong tương lai.

2. Thác Prenn

Thác Prenn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, cạnh quốc lộ 20 - dưới chân đèo Prenn, ngay cửa ngõ vào thành phố hoa – Đà Lạt. Đây là một trong những thác nước đẹp và quyến rũ bậc nhất Nam Tây Nguyên.

Thác Prenn nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km, cạnh quốc lộ 20 - dưới chân đèo Prenn, ngay cửa ngõ vào thành phố hoa – Đà Lạt. Đây là một trong những thác nước đẹp và quyến rũ bậc nhất Nam Tây Nguyên.
Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10 m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu.

Cái tên Prenn gợi nhớ đến một thời xa xăm vào khoảng thế kỷ XV – XVII, khi vùng núi rừng nơi đây còn là ranh giới chiến trường của các cuộc chiến tranh xâm lăng và bảo vệ lãnh thổ. Prenn gốc tiếng Chăm có nghĩa là "vùng xâm chiếm", còn các tộc dân bản địa như Lat, Chil, Sré lại gọi kẻ xâm lăng là "người Prenn".

Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc trại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon.

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bêtông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý.

Du khách có thể men theo các con đường dẫn đến vườn thú, vườn lan hay thư thả dạo gót hoa viên ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc, những căn chòi xinh xinh trên ngọn cây hoặc đung đưa cùng cầu treo bắc ngang dòng suối nhỏ. Ở một góc độ khác, vườn đá Thái Dương với sự sắp xếp đầy ngẫu hứng tạo được một bất ngờ thú vị. Đặc biệt với hệ thống cáp treo, du khách có thể ngang qua dòng thác trong cảm giác phiêu bồng, tưởng như đang đi vào cõi thần tiên...

3. Thác Gia Long

Thác Gia Long là một thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Theo quốc lộ 14 từ TP HCM đi qua Bình Dương - Bình Phước, thác Gia Long cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km.

Thác Gia Long là một thác nước đẹp trong hệ thống thác trên sông Serepốk do cảnh quan ở đây rất hùng vĩ và hoang sơ. Thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m, bằng với chiều rộng của sông tạo nên vẻ uy nghi, hùng tráng. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi. Ở thác Gia Long có một đường hầm nhân tạo thông giữa các con đường xung quanh, có những mố cầu treo được người Pháp xây dựng từ những năm 30, những kè đá chắn lũ đẹp nhất Việt Nam cũng được xây cùng thời điểm.

Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và cho xẻ núi làm một con đường rất đẹp lên thác. Cảnh vật nơi đây hội tụ đủ hồ và thác, khung cảnh thơ mộng, tiếng chim ríu rít gọi nhau trên những cành cây.

Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.
Thác Gia Long, ngọn thác mang trong mình những dấu tích của một thời vua chúa, bây giờ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Những ngày nghỉ, ngày lễ tết, người dân trong vùng cũng như du khách từ khắp nơi đến đây rất đông. Dạo chơi trên những con đường quanh co bên thác, thăm thú chỗ này chỗ kia, ngồi nghỉ ngơi dưới bóng cây rừng mát rượi để lòng mình đắm trong tiếng thác ầm ào…

4. Thác Đray Sáp

Thác Đray Sáp là một thác nước trên dòng sông Serepôk. Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng; cách đó không xa là thác Đray Nu (hay thác Vợ) thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk. Thác Đray Sáp thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, và cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 30 km về hướng Nam.
Theo tiếng Êđê, Dray Sap có nghĩa là "thác khói" (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là như màu sương khói.

Đray Sáp là một hệ thống gồm ba thác ngoạn mục. Dòng sông Serepôk từ thượng nguồn đổ xuống tới đây lại chia làm ba tầng. Trước đây du khách thường chỉ đến thác đầu tiên sau khi xuống được các bậc cấp đá. Vào mùa mưa nước đổ dữ dội, bụi nước bắn tung lên lan rộng cả một vùng đến ngàn mét vuông. Ngoài Đray Sáp, còn có hai thác nữa nằm bên kia dòng đổ của thác chính. Khi qua khỏi cầu giăng du khách sẽ đến một vùng đất cao thoáng đãng. Đây là một ốc đảo nằm giữa hai dòng thác của hệ thống Đray Sáp. Đó là thác Đray Nu, cao chừng 12 m, gồm hai dòng nước đổ giữa cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng giữa chốn đại ngàn.

Thác Dray Sáp là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Dray Sáp như một bức thành nước khổng lồ, hùng tráng giữa một vùng hoa nước long lanh.

Theo Lenduong - ảnh internet