Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Người Tây Nguyên ăn Tết

Các tộc người Tây Nguyên bản địa không ăn tết Nguyên đán như người Kinh. Hệ thống lễ tết của người Tây Nguyên theo quy luật của văn minh nương rẫy để phù hợp với đời sống của con người và cả tự nhiên của vùng này.

Hệ thống lễ tết của người Tây Nguyên phụ thuộc vào vòng quay của đời cây, đặc biệt là cây lúa rẫy. Nó cũng phụ thuộc vào mùa nữa. Người Tây Nguyên không có bốn mùa xuân - hạ - thu - đông như người Kinh, mà chỉ có hai mùa mưa và nắng.

Lễ tết không thể vào mùa mưa, cũng như thế không thể vào mùa làm rẫy. Nó chỉ có thể là vào khi thu hoạch rẫy, thường là vào khoảng tháng 3 tháng 4 dương lịch, tức là sau tết Nguyên đán của người Kinh chừng một tháng.

Vạn vật rừng xuân.

Đây đang là mùa khô, mùa có những tháng đẹp nhất trong năm. Trời cao và xanh lồng lộng. Gió miệt mài thổi, và lạnh se se. Mùa mưa ở Tây Nguyên là mùa nóng, còn mùa khô là mùa lạnh. Hãy hình dung đi, nắng vàng và lạnh se. Dã quỳ bắt đầu nở, tiệp với màu vàng của nắng, của đất đỏ, của gió, và cả những đôi mắt ngơ ngác của các thiếu nữ đang căng mình ra đón gió, đang thả mình ra nhận về những rung động mơ hồ ngơ ngác của những ngày triền miên lễ hội. Má bắt đầu hồng, tim đập có vẻ như nhanh hơn, tâm trạng có vẻ bất ổn xốn xang hơn. Chỉ cần nhìn các cô gái dậy thì có thể thấy được mùa lễ hội đã đến...

Mùa xuân thì đương nhiên là của tất cả, chả trừ ai, vậy nên muông thú cao nguyên vào mùa phát dục cũng là lẽ thường. Có điều nên nhớ, lúc này đang là đỉnh điểm mùa khô Tây Nguyên, nên chỉ trừ Dã quỳ dang bung hoa vàng rực, còn lại là cây cối không xanh tươi nẩy lộc đâm chồi như ở đồng bằng. Và đấy chính là mùa săn ở Tây Nguyên. Bây giờ kể là kể thế chứ chả còn ai đi săn nữa. Bởi thứ nhất là đã... hết thú rừng rồi, thứ hai là nếu có còn con nào thì được bảo vệ rất chặt.

Ngày xưa người Tây Nguyên “ăn rừng”- chữ dùng của nhà dân tộc học Kondominat, thực ra là mối quan hệ giữa người với rừng rất chan hòa. Họ ăn rừng nhưng chỉ ăn những gì được phép ăn theo luật tục, còn lại là họ sống thân thiện với rừng, con người và rừng nương tựa vào nhau, bảo vệ nhau trong mối quan hệ trả vay tương hỗ, đầy tính nhân văn cao cả và cũng rất thiết thực hiệu quả. Nghệ sĩ múa Y Vin kể rằng: Làng ông thường xuyên bị một con hổ vằn thọt chân vào bắt bò. Thường thì những con hổ bị thương mới hay vào làng bắt súc vật hoặc người vì nó không đủ sức kiếm ăn được ở môi trường thiên nhiên. Một hôm ông quyết định ra... cãi nhau với hổ.

Dưới ánh trăng mùa khô luênh loang, trên một đồi lau ràn rạt gió, lạnh cắt ruột, ông hổ to như con trâu mộng ngồi chống hai chân trước nheo mắt nhìn một “anh chàng người” nhỏ thó, cởi trần đóng khố chống nạnh “chửi” nó thế này: Mày cũng đàn ông, tao cũng đàn ông, có gì thì đấu tay bo với nhau. Hẹn mày con trăng sau, ra suối Chơ Pâu, cùng oánh nhau, ai thua thì phải bỏ xứ mà đi, chứ làng tao toàn đàn bà con gái, mày đừng vào bắt nạt mà họ sợ. Bây giờ oánh nhau ở đây cũng được, nhưng vợ con tao nó sợ, dân làng tao nó sợ, nhớ chưa, con trăng sau nhé, suối Chơ Pâu nhééé...

Thế mà ông hổ này bỏ đi thật, sau một hồi gục gặc đầu ra chiều suy nghĩ. Tôi hỏi Y Vin, lúc này đang là đồng nghiệp của tôi ở sở Văn hóa Gia Lai rằng: Tháng sau anh có ra suối không? Ông khà khà bảo: Ra chớ, uống rượu xong thì ra, nhưng không thấy ông cọp ấy đâu, và sau đó không bao giờ thấy nó vào phá làng nữa.

Chúng ta cũng hay nghe nói người M’nông, Êđê bắt voi rừng. Thực sự thì họ chỉ bắt những con voi còn nhỏ, có thể thuần phục được chứ không bắt tràn lan, không săn tràn lan, và đặc biệt là không bao giờ sát hại chúng. Mùa khô là mùa voi động dục, chúng kéo nhau vào rừng sâu chọn những bãi cỏ rộng và khi hành sự chúng phá nát những bãi cỏ hàng chục héc ta ấy. Nghe nói voi làm tình hãi hùng lắm, hàng ngày trời chúng lăn lộn cho đến khi tìm được vị trí hợp lý để con voi đực có thể gác hai chân trước lên lưng con cái, thường là ở những nơi đất có bậc, con voi cái đứng bậc dưới xoay mông lại, voi đực đứng bậc trên vươn vòi ra.

Khổ thân voi, yêu như thế cũng cơ khổ. Lại liên tưởng đến những con bọ ngựa, yêu xong là con cái ăn thịt con đực luôn. Cũng nghe nói là ai vô tình đi rừng mà bắt gặp cảnh này là cầm chắc cái chết không toàn thây cho mình vì voi rất ghét cảnh mình đang yêu nhau mà bị... nhòm trộm, chúng sẽ trả thù đến cùng. Vì thế trong các làng Tây Nguyên, bên cạnh các luật tục còn có các điều răn dặn nhau truyền đời này sang đời khác để tránh như nếu ra khỏi nhà gặp chim kêu trước mặt thì sao, gặp rắn thế nào, gặp con thỏ con chồn... đều có hết, và tất nhiên nếu nghe tiếng uỳnh uỳnh như động đất trong thung sâu thì đích thị là voi đang yêu nhau, tránh cho xa, đừng héo lánh vào mà tàn đời.

Mùa này heo rừng cũng đi hàng đàn vừa kiếm ăn vừa... du hí. Ấy là lúc dân làng tổ chức săn tập thể. Thịt lợn săn được chia đều, tất cả răng nanh được tập trung treo lên nóc nhà rông như một cách khoe chiến tích đồng thời cũng là vật thiêng luôn. Hồi mới lên Tây Nguyên vào nhà rông làng Kon Rơ Bàng tôi đếm được 279 cặp răng nanh như thế, và bỏ nguyên một ngày nghe già làng kể chuyện cuộc săn khổng lồ ấy. Muối không có như bây giờ nên cách tích trữ thịt heo (và các loại thịt săn được, kể cả... chuột) của đồng bào khá đơn giản. Một là nhét vào ống nứa gác lên giàn bếp. Kiểu này thì trữ được cả... nước thịt. Khi ăn cầm ống lắc ra, có thể đổ vào nồi canh hoặc là chưng lên, thậm chí chả cần... nấu. Kiểu nữa là xâu thịt treo lên giàn bếp, để miết thì nó ám khói khô đi.

Bây giờ về Krông Pa nhiều nhà người Kinh cũng bắt chước làm kiểu này bằng thịt bò, chấm muối kiến ăn rất ngon, đặc biệt làm mồi nhậu thì thôi rồi. Thịt để cả tảng, bên ngoài nhìn đen sì sì, xé ra từng sợi thịt còn đỏ hồng, mềm, ngọt, ăn vào miệng đến đâu biết đến đấy. Món này làm ngon nhất là thịt nai. Ngày xưa về các làng đồng bào, bao giờ cũng được bà con trịnh trọng lôi ống nứa xuống, đổ ra một ít thịt ấy, mời khách. Khách thì luôn thủ sẵn bột ngọt, tiêu, muối, cho thêm vào rồi nấu lên, trợn trạo ăn sau khi đã uống rượu cần cho đến hết ngửi thấy mùi gì?
Nồng nàn cơm mới.

Ấy là mùa cơm mới bắt đầu, mùa tết của người Tây Nguyên. Mùa này người Tây Nguyên gọi là mùa Ning nơng, mùa ăn năm uống tháng, mùa con người sống hết mình, với nhau, với bao la đất trời thoáng đãng, với thần linh và với những khát vọng nguyên thủy của mình.
Việc trước tiên là chuẩn bị cho những ngày lễ hội sẽ kéo dài cả hàng nửa tháng. Váy áo được dệt mới, cồng chiêng được lên dây sửa chữa, được làm lễ hạ chiêng, rượu ghè được ủ dựng kín xung quanh sàn nhà...
Rồi chọn ngày tốt để làm lễ tuốt những hạt lúa đầu tiên. Và đấy cũng là ngày ăn tết của người Tây Nguyên.

Lễ luôn luôn đi kèm với hội. Phần lễ rất trang trọng với các nghi thức bắt buộc trước nhà rông, trước cây nêu do các già làng thủ lễ. Thanh niên trai tráng chủ yếu tham gia vào phần hội, và phần này kéo dài hàng mấy ngày, có khi cả tháng.

Lúa được tuốt non về, luộc sơ rồi cho vào chảo rang. Các cô gái xinh đẹp và khéo tay được giao đảm nhận phần việc này. Những đôi tay trần đảo như múa trong cái chảo thơm nhưng nhức mùi đòng đòng. Những đôi mắt đen lúng liếng trong lửa, những cặp má ửng hồng trong lửa, những cặp đùi khép mở trong lửa, ẩn hiện trong những hoa văn cạp váy tinh xảo và công phu, những câu chuyện rủ rỉ trước lửa, mà chuyện của tuổi trẻ, loanh quanh thế nào cũng về đề tài tình yêu. Theo thông tục, các cô gái Tây Nguyên sẽ là người chủ động chọn để bắt các chàng trai làm chồng. Những chàng trai ấy, ngực nở bụng thon đùi ếch, da nâu lẳn chắc đang kỳ cạch ngoài sân nhà rông dựng cây nêu. Việc ai nấy làm nhưng có vẻ những sợi dây thần giao cách cảm khiến họ vẫn ngong ngóng về nhau, vẫn thi thoảng tìm cách đánh động nhau... Đây là món chủ lực của lễ cơm mới: Cốm.

Ngoài ra thì còn cơm, những nồi cơm rất to, thơm phức, trắng ngần với kỹ thuật nấu rất giỏi, ấy là chỉ mở nắp nồi duy nhất một lần lúc cơm chín, thế mà chục nồi như một, đều tăm tắp, độ dẻo như nhau, độ chín như nhau, mùi thơm như nhau... cả những ống cơm lam, rượu cần hàng dãy, và thức ăn, những món mà chỉ người Tây Nguyên mới có, như muối kiến, như cà xóc, như lá mì nấu cá suối...

Muối kiến là những con kiến vàng mùa khô béo nhổng đít có độ chua dôn dốt được bắt hàng nồi về giã với lá é, hoặc lá teng neng, một loại lá rừng, chấm với thịt nướng hoặc ăn với cơm nóng thì hết chê. Cà xóc là cái dạ sách bò được luộc rồi thái và bóp với mật, ớt hiểm, cà đắng, lá mì (sắn), lá giang, cái chất trong phèo non... Tất cả thành một cái món đưa cay mà đã nếm một lần thì muốn thêm lần nữa, đến nỗi cứ thấy con bò là nghĩ đến... cà xóc, bây giờ rất nhiều nhà hàng của người Kinh đã đưa món này vào thực đơn, thành món đinh của nhà hàng. Tất nhiên là còn thịt gà, thịt bò, thịt dê... với cách chế biến vừa đơn giản lại vừa hiện đại là nướng trực tiếp trên lửa than. Ngay người Kinh chúng ta, trải qua bao nhiêu thế hệ đầu bếp tài danh chế biến đủ kiểu chiên xào luộc hấp để bây giờ rất nhiều người thích trở về với món truyền thống: nướng trực tiếp trên than hoa, không ướp ủng gì hết, đang nóng hôi hổi thế, chấm với muối ớt. Nếu có được các bãi cỏ, những taman như thảo nguyên dưới đêm trăng lênh loang nữa thì hạnh phúc lên đến tột đỉnh...

Ẩm thực mới chỉ là một phần của tết. Cứ phải là chiêng lên. Những chàng trai ưu tú với bản năng nghệ thuật tuyệt vời đã bắt đầu khom lưng đeo chiêng lên vai. Bao giờ cũng là những vòng ngược chiều kim đồng hồ. Ngực trần, đuôi khố kơ tếch tung trong gió. Những cặp chân rắn chắc bắt dầu nhún, bing beng... chiêng lên rồi.
Những cô gái mắt sắc như dao, áo ló vai trần, ngực căng tràn trề, váy quấn bắp chân ẩn hiện dưới trăng, đắm đuối mơ màng, bí ẩn và phì nhiêu, nửa mời gọi nửa thách thức, nửa ru ngủ nửa tinh nghịch... cũng đứng vào hàng.

Vòng xoang bắt đầu. Những cú ra chân nhẹ nhàng quyến rũ, uyển chuyển và mơ hồ, những vòng tay mềm mại nhẹ nhàng đung đưa làm lệch đất làm rung trời, làm đêm như ngừng thở, làm lửa như ngừng reo... Chiêng và xoang đã vào cuộc rồi thì còn gì nghĩa lý. Trẻ con mong nhanh lớn, người lớn muốn chậm già, ai cũng rạo rực muốn nhập vào vòng chiêng và xoang kia, để mà bộc lộ hết mình, thả nổi hết mình, quăng hết mình vào cái hoạt động tự thân vừa thiêng liêng vừa buông thả kia, ai cũng muốn mình trong đời ít nhất một lần sống trong cái khoảnh khắc tuyệt vời cảm xúc ấy, lâng lâng đến độ quên hết xung quanh, chỉ chập chờn hư ảo mơ hồ tiếng chiêng như kích thích hết cái bản năng sống của con người. Vòng xoang quyến rũ kia mời gọi tha thiết vừa háo hức vừa bâng quơ, vừa buông thả vừa giữ gìn, vừa khuôn phép vừa tỏa lan tưởng tượng...

Đêm càng khuya thì cái náo nhiệt nhường cho sự trầm lắng, những đôi tay bấu nhau đã thêm chặt, những ánh mắt nhìn nhau đã tỏa men, những cú nhịp chân, những cú đánh tay đã trở nên cố tình gần gụi, đã như những tín hiệu đực cái. Thì còn gì nữa, tết mà, lễ hội mà, sự giao duyên sinh nở bắt đầu từ đây để mà rồi tết lại đẻ ra tết, lễ hội sinh ra lễ hội, để mà rồi mãi mãi cứ phập phồng thức mở cái khát vọng mong chờ mỗi năm một lần tết đến...

Tết Yang.

Tết thì phải cúng, Kinh thượng gì cũng thế, nhưng tất nhiên cách cúng thì khác nhau. Với người Tây Nguyên thì phải cúng thịt sống. Người ta lấy máu con vật bôi lên chiêng, trống, lấy mỗi bộ phận một chút gác lên cây nêu, rồi thầy cúng gọi các Yang về chứng kiến, vừa gọi vừa vẩy rượu ra bốn xung quanh, đại loại là Ơ Yang Đak (nước) Yang cây Yang suối, Yang... năm mới (bây giờ còn có cả Yang... cán bộ nữa, giống như tượng nhà mồ đã có cả tượng công an, bộ đội, Tây ba lô...)... mời các Yang về chứng kiến và cho làng tỏ lòng biết ơn các Yang đã cho làng mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt... Người Tây nguyên theo thuyết vạn vật hữu linh, nên tất cả mọi thứ đều có Yang trú ngụ. Cao nhất là Ơi, tức trời, dưới đấy là Yang. Yang là các thần chứ không phải trời.

Muốn biết ý Yang thì bắt một con gà trống, thầy cúng đứng sát cây nêu, cắt rất nhanh cổ con gà rồi thả ra, cứ xem cổ gà xoay về hướng nào mà đọc ý Yang. Còn khi làm bò của nhà cúng năm mới thì già trẻ gái trai trong nhà đều đứng vào một hàng và một tay cầm vào sợi dây thừng để thầy cúng khấn, sau đấy con bò mới được làm thịt. Lễ thường là diễn ra nhanh để tiếp vào phần hội, và với người Tây Nguyên bây giờ, có vẻ phần lễ giao hết cho các cụ già, thanh niên chỉ mong đến phần hội mà giao lưu, mà thể hiện. Cũng xin nói luôn, đang có hiện tượng làm thay lễ hội hoặc nhân danh lễ hội để làm méo mó các lễ hội Tây Nguyên. Vốn dĩ lễ hội sinh ra từ nhu cầu tự thân của cộng đồng cư dân ấy để giải quyết những vấn đề mà cộng đồng ấy thấy cần, chứ lễ hội không tổ chức để... xem, như kiểu nhà nước tổ chức bán vé, và vì thế, người trong cuộc mới thấy nó thiêng liêng, mới thấy nó là của mình, còn người ngoài thì “xem” một cách dửng dưng, chưa kể nó còn bị các đơn vị tổ chức áp đặt khiến sai lệch về hình thức và vô bổ về nội dung...

Tết Tây Nguyên cứ thế mà miên man đúng với nghĩa Ning nơng, với nghĩa ăn năm uống tháng. Cũng có nghi thức đến từng nhà, được chủ nhà mời cơm mời rượu. Họ không đi lẻ, mà cứ thế đoàn chiêng và xoang dẫn đầu, lần lượt vào hết từng nhà trong làng. Rồi các chàng trai điệu nghệ đọ chiêng, nói chuyện bằng chiêng, đối đáp bằng chiêng. Đây là lúc thăng hoa nhất của cuộc chơi, và cũng chỉ những người tài hoa nhất mới thể hiện được, và cũng tất nhiên, đấy là các hạt mì chính cánh được các cô gái rình để bắt. Đêm cứ bất tận, ngày cứ miên man, tết của người Tây Nguyên nồng nàn đắm đuối như thế...

Theo Daidoanket

Uống rượu cây giữa đại ngàn

Đến Tây Nguyên, ước ao của du khách là được đắm mình trong ngất ngây của men rượu cần với tiếng cồng chiêng rạo rực. Nhưng còn một thú vui khác ít người được nếm trải - ấy là thú uống rượu cây…
Giữa đại ngàn hùng vĩ, lâng lâng trong cơn say bởi thứ rượu độc đáo này, bạn sẽ thấy mình được gột rửa khỏi bụi bặm của văn minh kim khí, lùi xa khỏi cuộc đời náo động những tính toán, bon chen…

Cây rượu - “đặc ân” của đại ngàn

A Sang đi trước tôi một quãng ngắn. Con dao sắc như nước thỉnh thoảng lại lóe lên rứt phăng một cành cây chìa ra ngáng đường. Chiếc gùi nhỏ trên vai anh lèn chặt những gạo nếp và thức nhắm - trong đó có một thứ tôi đang nóng lòng được nếm - ấy là "nu'', một giống sâu đục thân sống trong ruột cây xà nu chỉ có ở xứ sở này…
Chợt nhớ mình đang trong tháng Ning nơng… Người Tây Nguyên sau một năm làm lụng vất vả, trước mùa rẫy mới bao giờ cũng dành một khoảng thời gian để Ning nơng. Trừ người già và trẻ nhỏ, ai còn sức leo núi là vào rừng.

Họ săn bắt những con thú nhỏ, hái lượm trái cây dại và hưởng thụ những thức lộc rừng ban, không màng đến thú vui vật chất, cốt để được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, trở về với cái bản ngã của mình… Được uống rượu cây giữa mùa Ning nơng, cái thú còn được nhân lên gấp bội. Và thật may là tôi đã được A Sang nhận lời với sự hào phóng không ngờ…

Không biết đã qua bao nhiêu cây số đường rừng nhưng đầu gối tôi đã bắt đầu cứng lại, mồ hôi dâm dấp lưng áo. Những nếp nhà dưới chân dốc trông như những chiếc nấm hiu hiu trong chập chờn cơn gió thoảng. Nắng mỏng như tấm lụa choàng lên cây cỏ. Hàng đàn bướm rập rờn ngợp cả không gian. Một tiếng ve lẻ loi cất lên ngắn ngủn cũng đủ khua động cái tĩnh lặng đến lạ kỳ của đại ngàn đang tiết xuân thì…

Mải ngắm phong cảnh kỳ thú, chợt nghe tiếng reo mừng rỡ “đến rồi” của A Sang… Cây rượu thoạt trông cũng từa tựa cây dừa nhưng thân nhỏ hơn, lá cũng mảnh hơn. Người Xê Đăng gọi nó là loă tea vea.
Loă là cây, tea là nước - tức cây nước vea. Thôi ta cứ gọi bằng cây rượu cho dễ nhớ. Cái lạ, đất đai, núi rừng Tây Nguyên mênh mông là thế nhưng cây rượu chỉ đặc ân cho một số nơi ở vùng Bắc Cao nguyên. Nam Cao nguyên, Đăk Plin nghe đâu cũng có lác đác. Người Bah Nar gọi nó là cây doak…
Nói "đặc ân" nghe có vẻ hơi khoa trương. Thực ra nó là loại cây chỉ mọc ở lưng chừng núi gần như quanh năm mây phủ, thích hợp với khí lạnh hàn đới điển hình của đại ngàn. Bởi là thứ cây "đặc ân", vea thường có chủ. Không ai được tự ý "khai rượu" nếu không được sự cho phép của chủ cây…

Cây rượu lúc còn bé trông tựa cây cau. Lên đến ba, bốn mét mới bắt đầu trổ buồng. Buồng trồi ra từ nách bẹ buông từng chùm hoa thơm mỡ màng. Sau khoảng hai tuần hoa tàn, trái nhú ra xanh bóng như ngọc. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để "khai rượu". Cắt bỏ buồng, chỉ chừa lại phần cuống dài chừng gang tay, bên dưới người ta để một chiếc ống tre dài hứng nước. Và nước cứ thế liên tục chảy cả tháng trời mới cạn.

Cây lớn mỗi ngày có thể cho đến hai chục lít nước. Để nước cây hóa rượu theo ý muốn, người ta sẽ cho vào ống đựng rượu vỏ cây k're còn tươi. Vị đắng, ngọt nhiều hay ít tùy số lượng. Mỗi năm cây rượu chỉ cho từ 2- 3 buồng vào khoảng tháng 1 đến tháng 7. Song nếu là cây khỏe, chu kỳ khai thác có thể hơn cả chục năm ròng. Khi không còn trổ buồng cũng có nghĩa là sức đã tàn, cây sẽ âm thầm chết rũ sau khi đã ban tặng cho đời đến kiệt cùng giọt nước ngọt lành…

Uống rượu cây giữa mùa Ninh nơng

Tìm chỗ đất bằng, chúng tôi trải lá rừng, nhóm lửa để chuẩn bị thức nhắm. Chừng hơn tiếng đồng hồ, nhìn lên đã thấy từ ống tre hứng nước cây, bọt đùn ra trắng xóa. Hương rượu dịu ngọt thoang thoảng quyến rũ, hàng đàn ong bướm chập chờn vây quanh… Đây, bếp lửa than đã hồng. Bỏ từng vốc gạo nếp thơm lừng vào ống lồ ô tươi gác lên giàn lửa, ta đã có cơm lam nguyên chất của núi rừng. Thịt trâu khô nướng cháy cạnh.

Và đây, món nu tôi mong đợi đã được chiên vàng với dầu, thơm nức và béo ngậy được bày ra lá… Nghiêng ghè trích một dòng rượu sủi bọt vào chiếc cốc gọt bằng gốc nứa còn nguyên mùi nhựa, chúng tôi trân trọng áp môi và từ từ dốc cạn…
Tôi lim dim mắt để cảm nhận cái hương vị thuần khiết lần đầu tiên được nếm của núi rừng: Không ngọt nồng như rượu cần, không cháy như rượu cất, bốc như bia - từ cảm nhận đầu tiên là vị hăng của cây, vị ngọt của nước dừa, thoáng sau mới nghe hơi men nhẹ nhàng bốc lên cổ…

Nhón một miếng nu chấm với muối giã ớt rừng cay xé cổ, hương nhựa xà nu phảng phất, vị béo ngậy của món đặc sản có một không hai này quyện với rượu nghe cong vắt cái cảm giác hoan lạc đầu chót lưỡi…Và đôi môi cứ như mềm đi. Một cốc, một cốc rồi cốc nữa…
Xung quanh tôi nắng nhễu từng giọt vàng ươm lên mặt đất. Gió ren rén như đôi chân trần thiếu nữ vọng đến từ một cõi mơ hồ. Rồi ngọn lửa của rừng thức dậy. Khẽ khàng và dịu êm, sức nóng tỏa dần vào mỗi li ti của đường gân thớ thịt… Cứ mỗi cốc rượu, tôi lại lùi xa thêm một quãng với cuộc đời đang sôi động ngoài kia.

Một tiếng hú dài vọng đến lay tôi ra khỏi miên man ảo giác. Sau tiếng hú đáp trả của A Sang, chỉ thoáng sau, như từ nách rừng, một tốp người tiến đến. Không đợi lời mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc như đã quen biết từ lâu. Tất cả những gì được rừng ban cho một ngày Ning nơng đều được bày ra: Những chú chuột rừng lông vàng mượt béo múp; vài con kỳ đà nhỉnh hơn cán dao, những chùm quả rừng sặc sỡ...
Tôi, đang từ một bữa tiệc đối tửu thoắt chuyển sang tiệc rượu cộng đồng. Chẳng quan tâm tôi là ai, từ đâu tới, cứ phải bình đẳng một cốc rượu đầy lần lượt quay vòng. Và cứ xong một "tua", miếng thịt chuột thơm lừng chấm muối ớt cay sè lại được ấn vào miệng tôi.

Chợt thấy lòng dậy lên một cảm xúc yêu mến vô bờ với những con người mắt sáng, da nâu, đầu trần, chân đất, chỉ mới khoảnh khắc đây thôi hãy còn khiến ta e dè, xa lạ… Tây Nguyên là vậy. Bạn đã là người chung tiệc rượu, xin hãy rũ bỏ sự định kiến sang hèn, lời ăn tiếng nói. Một ngày được hòa mình giữa thiên nhiên thuần khiết, thưởng thức rượu cây với sản vật của núi rừng - lẽ nào không phải là sự trở về với cội nguồn của sự sống, tươi ròng, viên mãn…
Xuân này chắc bạn cũng muốn được về Đăk Man…

A Sang: Đã là rượu cây, dù mang về uống chung cả làng hay riêng lẻ thì cái thú cũng giảm đi một nửa. Phải ngay dưới cây này, dưới tán rừng này, hồn núi mới cho mình cái say đủ đầy hương vị.
Lộc trời ban riêng rẽ cho một vùng đất, vì vậy nó phải gắn chặt nguồn cội: Rượu cây chiết ra phải dùng trong vòng không quá một ngày. Đấy là lý do vì sao cho đến bây giờ rượu cây vẫn chỉ để uống chơi, chưa bao giờ trở thành hàng hóa.


Theo DanViet

Mê hoặc núi rừng miền tây Quảng Nam

Từ đỉnh Ngọc Linh kéo ra phía Bắc gặp những cánh rừng A Roàng, A Lưới (Thừa Thiên Huế), núi rừng miền tây Quảng Nam còn lưu giữ cả những bí ẩn của một vùng văn hóa đa dạng của các tộc người đã bao đời sinh sống nơi đây.

< Sương sớm bản làng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn từng nhận xét như vậy trong một công trình về văn học dân gian xứ Quảng. Chính vì thế, khám phá văn hóa, không gian, văn học dân gian… vùng cao không chỉ là cuộc khám phá tri thức, khám phá tình cảm mà còn sẽ giúp chúng ta quay về với cội nguồn, với bầu sữa mẹ quê hương.

Nhưng cội nguồn, bầu sữa mẹ quê hương ấy ngày một thay đổi. Dưới bóng rừng già, bao đời nay các dân tộc ít người ở Quảng Nam dựng bản làng, làm rẫy, làm nhà, sống hòa hợp với thiên nhiên. Không gian đặc trưng của vùng cao phải nhắc ngay đến rừng - bởi đó là tất cả cuộc sống của đồng bào. Có nhà nghiên cứu quả quyết: Không có rừng, họ sẽ khó tồn tại!

Những khuôn hình mà Báo Quảng Nam ghi nhận trên các chặng đường khác nhau khi đến với vùng cao mở ra một không gian quyến rũ. Quyến rũ trong mỗi góc nhìn, song cũng dự cảm về một sự mất mát, phôi pha…

< Nhịp điệu hằng ngày.
< Kho thóc người Xê Đăng ở Trà Linh.

Những thửa ruộng bậc thang Chuôr có từ hàng trăm năm nay do bàn tay cần mẫn của đồng bào Cơ Tu kiến tạo vừa được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Những thửa ruộng trông như những “chiếc thang trời”, thuộc địa bàn thôn Arầng I, II, III (xã A Xan - Tây Giang), nằm trên tuyến đường A Xan - Ch'Ơm. A Xan là một trong 4 xã vùng cao Tây Giang, ở độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển, giáp ranh  nước bạn Lào.

< Nét mới Tây Giang.

Khách đến đây nếu gặp mùa sắp thu hoạch sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín vàng tuyệt đẹp.  Có thửa chỉ vài chục bậc thang nằm vắt vẻo bên mé đồi, có thửa vút lên thẳng tắp theo hình chóp nón để lộ những bậc tam cấp uốn cong như những cánh cung đất, có thửa lúa đã chín vàng ươm, có thửa vừa mới chín, màu vàng của ruộng lúa hòa lẫn với màu xanh cây rừng tạo thành vẻ đẹp khó tả… Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, cánh đồng lúa bậc thang Chuôr góp phần cung cấp lương thực cho cán bộ, bộ đội.

< Thác nước bên đường Hồ Chí Minh.

Tất cả các thửa ruộng bậc thang Chuôr đều được dẫn nước từ sông K'ool. Trước kia, khi chưa có hệ thống kênh mương, đồng bào Cơ Tu dùng thân cây thông to bổ đôi đẽo thành máng nước, rất cực nhọc vì vụ nào cũng phải thay “đường ống”. Bây giờ đã có đập và mương kiên cố, sản lượng lúa cao hơn, đôi khi cung cấp lương thực cho các đồn biên phòng, trường học, trạm xá...
< Núi rừng chập chùng...

Ruộng bậc thang Chuôr là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất, hàm chứa tri thức bản địa của người Cơ Tu, trở thành điểm nhấn trong bức tranh cảnh sắc vùng cao Quảng Nam với không gian sinh thái trong lành hấp dẫn du khách. Mỗi mùa thu hoạch là một mùa lễ hội mừng lúa mới.

Theo: Xuân Ring/Quảng Nam Online

Tắm sóng ở gành đá Bình Châu

Không kỳ vĩ như gành đá Đĩa, gành đá trên bãi biển Bình Châu được thiên nhiên ban tặng nét đẹp rất riêng khiến bao du khách say mê.

Xuôi theo con đường từ Bà Rịa về Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có suối nước nóng và chợ hải sản nổi tiếng tươi ngon, du khách sẽ bắt gặp những bãi biển trong xanh, cát trắng trải dài ngút ngàn như một bức tranh sơn thủy hoang sơ, khiến tâm hồn con người chợt lắng đọng, hòa tan trong biển nước bao la ấy.

Cũng trên cung đường này, trước khi đến địa phận Bình Châu khoảng 5km, du khách không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ của một gành đá trên bãi biển.

Nếu gành đá Đĩa ở Phú Yên là một khối đá có hình dáng như chồng đĩa trong các lò sứ thì gành đá ở Bình Châu là chuỗi liên hoàn của các hòn đá lớn nhỏ khác nhau nằm co cụm lại thành nhóm.

Những tảng đá nổi bật trên nền cát trắng trải dài. Biển xanh trong vắt, những đồi cát nhấp nhô trên bờ, cụm dương xanh mát ở một góc bãi biển, rồi từng đợt sóng mạnh đập vào đá, nước tung cao hơn 10m đã mang đến cho gành đá này vẻ đẹp rất riêng, làm say mê bao du khách từng đặt chân đến.

Tuy nhiên, nước ở đây khá mạnh, địa thế lại hiểm với những tảng đá to, nhỏ nằm rải rác. Còn có nhiều đá ngầm nên đây là khu vực cấm tắm. Song vẻ đẹp hùng vĩ vẫn khiến nó trở thành nơi vui chơi, điểm hẹn hò lý tưởng của các bạn trẻ địa phương.

Vào buổi chiều, nhiều cặp đôi tay trong tay đi dạo trên bãi biển. Khi mỏi chân, họ chọn một mỏm đá nào đó gần bờ, thì thầm trò chuyện trong tiếng gió, tiếng sóng. Với những bạn trẻ thích mạo hiểm thì lại chọn phương pháp tắm sóng. Tức là leo lên một tảng đá gần bờ, chờ sóng ập vào đá, vào người. Sóng lớn, sức đập khá mạnh, người đứng không vững sẽ chao đảo, có khi nhảy xuống khỏi tảng đá. Còn người đứng vững hay quen sóng, sẽ có cảm giác như được mát-xa toàn thân, sảng khoái và thích thú vô cùng, khiến từng đợt tiếng cười, tiếng nói cứ vang một góc trời.

Theo: Bưu điện Việt Nam

Xem thêm biển Bình Châu >

Thiên đường Vinpearl Land Nha Trang

Đặt chân tới thành phố Nha Trang, chúng tôi như choáng ngợp giữa khung cảnh thiên rừng và biển cảm giác mệt mỏi sau một chuyến bay dường như tan biến khi được hít thở cái không khí của thành phố biển đẹp nhất miền Trung này…

"Thiên đường Vinpear Land” chúng tôi chọn nằm khuất giữa vịnh biển hẻo lánh. Ngồi trên Ca nô - là một trong hai phương tiện riêng được dùng để đến vớiVinpearl Land - làm cho du khách có cảm giác thoát ra khỏi cuộc sống đời thường.

Khu resort này tọa lạc trên đảo Hòn Tre, ngay trên vịnh Nha Trang, ở đây chúng tôi vừa có thế nghỉ ngơi trong không gian tĩnh lặng và hít thở khí biển trong lành của vịnh Nha Trang - một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới, vừa có thể vui chơi thoải mái tại một khu vui chơi giải trí hiện đại, tất cả đều được bố trí hợp lý tại hòn đảo tuyệt đẹp này.

Resort này được xây dựng với khu bảo tồn tự nhiên bao quanh. Chúng tôi không thể tin được đây sẽ là “nhà” của mình trong mười ngày tới. Nhân viên resort trong những bộ đồng phục áo dài màu sen tha thướt chào đón khách và hướng dẫn chúng tôi lên xe tuk tuk chạy về với khu biệt thự biển.

Chúng tôi chạy ngang qua con đường nhỏ đầy hoa và những vòm cây xanh mướt phủ trên đầu, những chú bướm xinh nhiều màu sắc bay nhộn nhịp trong khí trời ấm áp và những chú chim thản nhiên đậu trên nền đất thơm..

Cuối cùng, trong cảm giác hồi hộp và sung sướng xen lẫn, chúng tôi đến với căn biệt thự biển của mình, nội thất của căn biệt thự nhỏ thật ấm, mộc mạc mà sang trọng. Ngồi từ cửa sổ phòng ngủ, ta có cảm giác như với tay ra được với triền cát trắng với những con sóng nhỏ đang nhảy nhót..

Khách sạn có một hồ bơi riêng, một quầy bar lộng gió với tấm phù điêu thật lớn, ôm trọn khung cảnh đẹp ngây ngất của bờ vịnh thanh bình..
Mỗi buổi sáng chúng tôi thức dậy trong tiếng sóng vỗ vào bờ cát ngay trước cửa phòng, ngắm những vạt nắng đang thi nhau đùa giỡn trên mặt biển. Và mỗi buổi chiều, chúng tôi cùng nhau ngồi trên chiếc võng ngắm hoàng hôn phủ đầy không gian và tối dần nơi chân trời.

Chúng tôi còn dành hẳn một ngày để khám phá khu vui chơi giải trí Vinpearl Land. Ngay khi bước vào cổng, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một thế giới cổ tích với vô vàn điều kỳ thú.
Vinpearl Land, chúng tôi không chỉ thư giãn trong tĩnh lặng mà còn có được những khoảnh khắc sôi động và những ấn tượng khó quên khi tham gia những trò chơi vui nhộn hay những môn giải trí cần sự linh hoạt, khéo léo…

Tham gia các trò chơi tại Công viên giải trí Vinpearl, tôi như cảm thấy mình thêm hưng phấn, trẻ trung và yêu đời. Tại đây, chúng tôi còn được thưởng thức những màn trình diễn nhạc nước độc đáo - là sự kết hợp tinh xảo của nước, âm thanh và ánh sáng...

Điều đặc biệt là, không nhất thiết phải lặn xuống đáy biển mới có thể khám phá lòng Đại dương, ngay khi đặt chân lên những bậc thang của Thủy cung Vinpearl, chúng tôi đã cảm thấy như đang lạc vào thế giới dưới nước diệu kỳ để chiêm ngưỡng vô vàn loài sinh vật biển quý hiếm, độc đáo từ góc nhìn dưới đáy nước, trong làn ánh sáng lung linh.

Hành trình cảm xúc tại Vinpearl đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, những niềm vui, hạnh phúc và đam mê, những khám phá và trải nghiệm sẽ mãi được lưu giữ trong từng bước chân chúng tôi đã in dấu nơi đây.

Theo: Dulich5sao

"Chinh phượt” FansiPan

ĐGD: Cái "khoái" và hả hê khi chinh phục được đỉnh FansiPan - nơi cao nhất Đông Dương thì khỏi phải bàn nhưng bạn có hình dung ra những cái "khổ" trong cuộc hành trình gian nan vất vả này không? Mời các bạn xem qua tường thuật của bác Nguyên Thủy về cái sự "hổng sướng" trên bước đường lên Fan.

Nguyên Thủy: Tôi vẫn từng ấp ủ về một lần chinh phục nóc nhà Đông Dương – FanxiPan. Tối ngày 25/3/2008 chúng tôi lên tàu. Sapa – Lào Cai thẳng tiến. FansiPan mời chào. Đoàn gồm 9 người. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ chinh phục nóc nhà Đông Dương trong vòng 4 ngày với 3 đêm ngủ rừng. FansiPan hoành tráng và hùng vĩ như tôi mong đợi. Nhưng vẫn còn nhiều góc tối mà mỗi lần tôi chứng kiến là một lần xót xa.

“Thiên đường”: Sống cùng vắt. Ngủ rừng. Uống nước suối. Không tắm rửa. Leo những vách đá dựng đứng … Đó là những thử thách mà bất cứ ai muốn chinh phục PhanxiPan cũng phải vượt qua.

Vắt rừng

Xuất phát từ Hà Nội tối ngày 25, sáng 26 cả đoàn tới nơi. Mọi người nghỉ ngơi, đi leo núi Hàm Rồng làm quen với không khí và độ cao. Một số thành viên trong đoàn đi mua thực phẩm chuẩn bị đủ ăn cho 4 ngày trong rừng.

Đoàn gồm 9 người cộng thêm 1 người hướng dẫn (gai), 7 người gùi đồ(porter). Tổng cộng là 17 người. Lên danh sách cho 17 người ăn trong 4 ngày là không hề dễ.

Gạo. Thịt gà, bò, lợn. Rau. Rượu… Tất cả đều được mua theo sự tư vấn chặt chẽ của Má A Dũng – hướng dẫn viên người H’mông. Dũng lên gân cốt cho cả đoàn rằng đây là một tour khó. Rất ít người đi tour này. Từ ngày mở tour chưa tới 10 đoàn đi đường này. Đa số người leo FansiPan sẽ đi theo đường thương mại.

8h sáng ngày 27 cả đoàn bắt đầu khởi hành từ Sapa. Trời mưa tầm tã. Gai dặn dò: “Bắt đầu từ điểm khởi hành cho đến điểm nghỉ trưa sẽ có rất nhiều vắt. Cẩn thận kẻo vắt chui vào người hoặc tai. Không được ngồi bệt khi nghỉ.” Chỉ nghe thấy vắt, nhiều thành viên trong đoàn đã lo ngay ngáy. Giầy leo núi chống vắt. Gệt chống vắt. Thuốc DEP chống vắt. Ai cũng trang bị đủ cả. Có người sợ vắt cắn còn bôi thuốc chống vắt kín người.

Bản thân tôi nghe nói về vắt rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy. Khi nghe nói có vắt, cảm giác đầu tiên trong là muốn được nhìn thấy xem nó “dư lào” - Vì sao mọi người sợ đến vậy?

Nhìn thấy rồi thì mới thấy quả thực là “hơi thất vọng”. Tưởng gì ghê gớm. Hóa ra vắt cũng chỉ có vậy. Nhìn còn không ghê bằng con đỉa. Chẳng qua con này sống trên cạn và có thể búng mình nhảy lên cao để bám vào vật chủ để hút máu. Gai và Porter còn quen với vắt đến mức họ chẳng cần một biện pháp phòng chống nào. Nếu vắt đốt thì họ bắt vất đi. Nhiều anh em đã bị vắt cắn chảy máu.

Gai phím cho rằng “người đi đầu rất hiếm khi bị vắt bám và đốt. Bình thường vắt ngủ. Khi có người đi qua nó mới tỉnh và nhảy lên bám vào người đi sau.” Trưa đó đoàn nghỉ ở một lán sấy thảo quả.

Mưa như trút nước.Vắt nhiều vô kể. Phải đốt lửa để đuổi vắt. Một vài người vừa ăn vừa dùng dao giết vắt. Trong đoàn có hai người là phụ nữa. Họ “nhạy cảm” nhất với vắt nhưng cũng bị vắt chui vào giầy nhiều nhất. Nhìn thấy con vắt bò lổm ngổm chui qua các lỗ xỏ dây giầy vào trong mà các chị này cứ nhảy dựng lên kêu các anh trong đoàn đến cứu.

“Bích hổ du tường” gặp “nghiêng trái phun châu”

Lần đầu ăn ngủ sinh hoạt trong rừng chắc chắn không khỏi bỡ ngỡ. Buổi chiều đầu tiên khi đến đích, tôi cầm khăn mặt ra suối. Vừa chạm tay vào nước đã phại rụt tay lại. Nước suối lạnh thấu xương. Hơn cả nước đá. Gai dặn không được rửa, vệ sinh cá nhân ở đầu nguồn để còn lấy nước phục vụ ăn uống.

Dừng chân được khoảng 30 phút thì cái lạnh của rừng bắt đầu thấm vào da thịt. Gió to như bão. Càng ngồi càng lạnh. Hai thành viên nam trong đoàn còn nói đùa với nhau: “Lạnh thế này khi tối nay anh em mình phải “vượt qua dư luận” để đến với nhau. Không ôm nhau thì chống lại làm sao được cái lạnh.” Tôi phải khoác lên mình hai chiếc áo khoác dầy mà vẫn thấy lạnh buốt.

Chuyện vệ sinh cũng là một câu chuyện khá thú vị khi đi rừng. Đi tiểu thì dễ nhưng đại tiện thì là câu chuyện khác. Nhất là đối với những người bị táo bón hoặc phải ngồi lâu mới ị được. Ngồi lâu rất dễ gặp rắn hoặc các loài côn trùng khác bò đến do bị hấp dẫn bởi “mùi vị”.

Sáng ngày đầu tiên ngủ dậy trong rừng, hai thành viên nam trong đoàn dẫn nhau đi... ị. Điều này cũng khá cần thiết bởi phải “trông coi” cho nhau. Nguyên tắc khi đi vệ sinh không được đi vào nguồn nước, không được đi tại bãi nghỉ và không được đi về hướng đi tiếp theo.

Hai chú này dẫn nhau quay ngược lại đoạn đường đã đi qua ngày hôm trước. Địa điểm được chọn khá chệt hẹp với một bên là núi và một bên là vực. Mỗi chú ngồi bám vào một gốc cây chĩa mông xuống vực. Chú Cẩm Văn của báo Lao động tự gọi tư thế của mình là “bích hổ du tường”. Chú Cường16 tiếp viên của Vietnam Airlines - biệt danh là Nấm thì gọi tư thế của chú ấy là “nghiêng trái phun châu”. Chú này tự gọi thế bởi đám châu ngọc của chú ấy đã được tích cóp từ 4 hôm. Táo mãi. Đến sáng hôm đó quang cảnh đẹp, thiên nhiên mát mẻ đám châu ngọc kia mới chịu phun ra. Mừng lắm - vì nhẹ bụng mà.

Người ra đi mãi mãi

Ngay sáng xuất phát trời đã mưa tầm tã. Ít nhất có hai thành viên trong đoàn bàn lùi không muốn đi. Leo núi trời mưa đồng nghĩa với nguy hiểm tăng gấp nhiều lần. Nhưng đã quyết thì vẫn cứ đi.

Đi được khoảng 4 km thì đường bắt đầu dựng đứng. Nhiều đoạn leo ngược theo những con suối nhỏ chảy từ trên đỉnh núi xuống. Mưa. Đá trơn tuột. Một thành viên trong đoàn xẩy chân bị ngã nhưng rất may chỉ bị sứt sát ngoài da. Nếu là đường rừng thì đường đi gần như chỉ là những dấu vết rất mờ nhạt.

Chỉ khoảng 3h chiều thì đoàn đến điểm tập kết nghỉ đêm đầu tiên. Gai cho biết điểm nghỉ chân yêu cầu bắt buộc là phải dựng được lều và phải cạnh suối. Cần phảỉ có nước để nấu ăn. Không thể gùi nước sinh hoạt đi để đủ cho 4 ngày vì nước rất nặng. Chính vì vậy mà Gai phải là người rất hiểu và thông thuộc đường. Nếu chỉ đi thêm một nhịp thì có thể sẽ phải đi rất lâu sau mới tới điểm có nước và có bãi trống để cắm trại.

4h30 Gai gọi cả đoàn ăn tối. Mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm vào buổi tối. Sáng và trưa thường ăn mì tôm hoặc bánh mỳ. Bữa cơm tối giữa rừng được những anh em người H’Mông chuẩn bị khá chu đáo. Thịt gà rang. Thịt lợn xào hành cùng cà rốt tỉa hoa. Rau cải xoong xào. Đáng lẽ là hoàn hảo nếu nồi cơm không bị sống do phải nấu trong hoàn cảnh gió quá to mà lại nấu cho nhiều người ăn. Thế nhưng sau ngày đầu tiên thử sức thì bữa cơm vẫn là phần thưởng quá lớn cho sức khỏe. Ai không ăn được cũng cố để ăn nhằm còn giữ sức chiến đấu cho những ngày sau.

Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 thời tiết ủng hộ. Trời nắng đẹp. Nhiều chỗ, hoa đỗ quyên nở đỏ hoặc trắng, tím cả vạt rừng. Ngày thứ 2 đoàn đi ra qua một rừng tùng được xác định phải hơn 1000 năm tuổi. Điểm nghỉ đêm ngày thứ 2 là rừng nguyên sinh. Tất cả những cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã này nếu leo theo đường thương mại đều không được có. Điều đáng nhớ nhất của ngày thứ hai là một thành viên nữ trong đoàn tưởng mình bị lạc.

Trưa ngày thứ 2 đoàn leo đến đỉnh 2900. Từ độ cao này đoàn phải leo xuống độ cao 2600. Đường đi bám theo một con suối đổ từ trên đỉnh núi xuống. Chính ở đoạn này thành viên nữ trên đã bị lạc mất khoảng 20 phút. Thân gái giữa rừng hoang. Không sóng điện thoại. Đang hoang mang tột độ, khóc rưng rức một mình thì gai tìm thấy. Hú hồn. Mừng như được sống lại.

Điểm nghỉ đêm và ngày hôm sau leo lên đỉnh PhanxiPan. Điểm nghỉ đêm ngày thứ hai tọa trên một bãi đất cắm lều nhỏ xíu. Ngay dưới cửa lều là vực. Nguy hiểm nhưng mọi người vẫn đùa rằng: xảy chân ngã là “người ra đi mãi mãi”

Trực thăng “xuống núi” – 5000USD

9h24’ ngày thứ ba tôi là người đầu tiên trong đoàn bước lên tới đỉnh PhanxiPan. Cảm giác sướng ngập người. Tôi có cảm giác nhưng mình được “lên thiên đường”. Vất bỏ lại đằng sau là những toan tính của công việc hằng ngày.

Đỉnh cao mà hàng triệu người mơ ước được một lần chinh phục đã khuất phục dưới chân tôi. Đó là một đỉnh núi đá với diện tích rộng khoảng 20m2. Không có gì đặc biệt ngoài một vật hình tháp làm bằng inox trên đó có đề dòng chữ PhansiPan 3143m. 5 phút sau cả đoàn lên đến nơi rồi chụp ảnh lưu niệm.

Trò chuyện với Má A Dũng về những người từng chinh phục đỉnh PhansiPan, tôi có nói rằng anh thấy thực sự không quá khó khăn để chinh phục. Sức anh có thể leo những đỉnh cao hơn. Dũng nói với tôi rằng: “Anh không nên nói vậy. Có thể với anh là dễ nhưng với nhiều người thì nó là rất khó khăn.”

Rồi Dũng kể đã từng dẫn một đoàn sinh viên Singapore lên đây. Một cô sinh viên trong đoàn sau khi leo lên đến nơi thì cứ ngồi khóc rồi gọi điện đi khắp nơi nói rằng không thể xuống được. Cô này yêu cầu Dũng thuê trực thăng cho cô xuống. Thế nhưng cái giá để thuê trực thăng cũng sẽ rơi vào khoảng 5000USD. Cuối cùng Dũng phải thương thảo với 4 anh em Porter cho cô sinh viên này vào trong túi ngủ rồi thay nhau khênh xuống. Giá chỉ có 2 triệu đồng. “Không phải ai cũng khỏe như anh để có thể leo được đâu.” Dũng khẳng định.

Sau khi tọa trên đỉnh khoảng hơn 1h đồng hồ thì chúng tôi bắt đầu xuống núi. Hai thành viên trong đoàn gồm một nam một nữ đã kiệt sức sau ba ngày leo xin được đi đường thương mại xuống trước. Còn một lý do tế nhị khác là anh chị này sau ba ngày đi rừng không tắm đã cảm thấy bẩn không thể chịu được. Nói vậy, hóa ra những thành viên còn lại trong đoàn đều là “người bẩn thỉu” cả.

Tối đó, đoàn chúng tôi nghỉ tại đỉnh 2200m. Ngày thứ tư chúng tôi đi xuống bản Xín chải bằng một con đường mà ngay cả gai cũng khẳng định “đường này chỉ dành cho người đi rừng”. Cung đường này như Porter nói thì cảm giác giống như đi trên vạn lý trường thành. Đường đi xuống đổ dốc thẳng đứng. 12h tôi vẫn là người đầu tiên trong đoàn bước những bước mệt mỏi tại thị trấn Sapa. Chuyến đi kết thúc đẹp. Chân tôi mỏi và mệt nhưng tôi bước trong tâm thế ngẩng cao đầu bởi tôi vừa từ một nơi rất khó khăn trở về.
4 ngày đoàn chúng tôi đã đi khoảng 40km đường rừng. 3 đêm ngủ rừng. Bốn ngày chưa tắm rửa. Tắm thôi. Hôi quá.

Nguyên Thủy (Blog 360)

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Những phiên chợ "đặc biệt" của người Việt

Không chỉ để trao đổi hàng hoá, nhiều phiên chợ ở Việt Nam còn là nơi giao duyên, hẹn hò, mơi mua may bán rủi, chẳng hạn như chợ tình ở Tây Bắc, chợ âm dương ở Bắc Ninh...

Chợ tình phía Bắc

Người đến chợ không chỉ để trao đổi hàng hoá và tìm kiếm những sản phẩm thiết yếu của mình, mà còn gặp gỡ, trao đổi thông tin và tình cảm. Nhắc đến chợ tình thì người ta nghĩ ngay tới các phiên chợ của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Chợ phiên Bắc Hà được coi là một trong 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á cũng vì đặc điểm độc đáo này. Chợ Bắc Hà chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày chủ nhật. Nó không chỉ đơn thuần là nơi mua và bán mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em trong vùng Tây Bắc.

Chợ Bắc Hà được chia ra các khu nhỏ mang tính chất đặc trưng như chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc...

Mỗi khu đều phong phú, đa dạng và mang màu sắc dân tộc địa phương. Nhưng điều làm nên vẻ hấp dẫn của phiên chợ Bắc Hà là sau mỗi tuần làm việc, đồng bào dân tộc lại xuống núi, mặc những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu và xem đó như ngày hội, trai gái coi đó như một lần được gặp gỡ trao duyên. Người già vui vẻ đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới. Điểm đặc biệt là mọi người kết bạn qua tiếng khèn, sáo... chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ. Những sắc màu văn hóa của phiên chợ Bắc Hà đã tạo nên sự hấp dẫn cũng như sức sống trường tồn của nó.

Khu vực miền núi phía Bắc còn hấp dẫn du khách với nhiều phiên chợ khác mang đặc trưng văn hóa địa phương như phiên chợ Lượn hay thấy ở vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, vốn là phiên hát giao duyên của người Tày, Nùng, Thái, hầu như không buôn bán gì.

Người đi chợ chủ yếu nhằm mục đích gặp gỡ, trao duyên, trao tình. Đồng bào các dân tộc Hà Giang thì lại có chợ tình Khâu Vai, gắn liền với một câu chuyện cổ tích về tình yêu. Chuyện kể rằng có cô gái và chàng trai thuộc hai tộc khác nhau. Do những lời nguyền của dòng tộc, họ không được lấy nhau. Nhưng tình yêu đã cho họ dũng khí, họ đã đến nơi vùng núi cao này để thề nguyền trọn đời có nhau và cùng chết. Ngày 23/3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày tình yêu của người H'Mông với phiên chợ hẹn hò duy nhất.

Chợ mua may bán rủi

Việc đi chợ Việt Nam ngoài việc thoả mãn sở thích mua sắm còn là để tìm hiểu bản sắc văn hoá mỗi vùng miền, vì chợ gắn liền với văn hóa tâm linh. Phiên chợ âm dương (chợ âm phủ) làng Ó, Võ Giàng, Bắc Ninh mỗi năm họp một lần vào đêm 4/1 đến rạng sáng 5/1 âm lịch. Tương truyền, nơi đây ngày xưa là chiến trường, có nhiều tử sĩ, chợ giúp người trần có cơ hội trò chuyện, cầu may, cầu phúc. Chợ họp vào ban đêm nhưng không ai được đốt đèn, hàng hoá chỉ có giấy tiền, vàng mã, trái cây, trầu cau, hương hoa... Tất cả bày dưới đất, lót lá chuối khô. Không mặc cả, không nói to, không cả đếm tiền. Ngoài ra, nếu ai đi chợ cầu xin gì thì phải mang theo một con gà đen cúng lễ Thành hoàng làng Ó. Trong lúc đợi mặt trời lên, những người đi chợ mời nhau ăn trầu, hát quan họ, uống nước...

Được nhiều người biết tới nhất là phiên chợ Viềng ở Nam Định, họp phiên duy nhất vào 8/1 âm lịch hằng năm. Chợ là nơi tập hợp sản phẩm của những làng nghề truyền thống từ rèn, đúc, chạm, khắc đến thêu, đan... của khắp các vùng, miền trong Nam ngoài Bắc. Đây còn là nơi bán cây cảnh, giống cây trái ngon của các vùng. Đặc biệt, phiên chợ này còn bán cả đồ cũ, những thứ tưởng như không còn dùng được. Người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả - một nét đẹp chỉ có duy nhất ở phiên chợ này.

Sự bán mua ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần trao đổi được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn, tốt lành, đôi bên đều vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy, hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ cầu may. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng, nhiều người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa, nay nhớ đất Tổ, đất quê nên tìm về. Đối với họ, về với chợ là về với những nét văn hóa độc đáo của quê hương cũng như trở về với hồn thiêng của dân tộc.

Chợ mùa nước nổi

Nếu như những phiên chợ miền núi phía Bắc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao thì miền Nam lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi, những phiên chợ mùa nước lên với việc trao đổi hàng hoá trên ghe thuyền. Chợ nổi thường xuất hiện tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe/thuyền làm phương tiện vận tải, di chuyển. Địa điểm có chợ nổi thường là các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nói đến chợ nổi, người ta không thể không nhắc tới Cài Bè và Cần Thơ. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) có từ khoảng thế kỷ 18, nằm ở nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang.

Cũng như bao chợ Việt, hàng hoá chợ nổi rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến đặc sản hoa quả địa phương... Điều khác biệt là mỗi quầy hàng có thể di chuyển mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, khi tới chợ nổi, ta sẽ bắt gặp hình thức tiếp thị hàng hoá khá độc đáo: ai bán loại gì thì cắm một cái sào trên mũi thuyền và treo sản phẩm mình muốn bán lên đó. Do vậy, chợ nổi không có tiếng rao hàng. Đơn vị mua là "thiên", "giạ", ít cũng là "chục", hàng hoá trao qua đổi lại tung hứng trên các ghe thuyền với nhau. Chợ nổi thường họp cả ngày, nhưng đông đúc nhất là vào buổi sáng khi trời còn khá mát mẻ. Đến với chợ nổi, người ta không chỉ thấy bạt ngàn sản vật của vùng sông nước miền Tây mà còn được chứng kiến cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân miền Tây: phóng khoáng và hiếu khách.

Theo YeuDuLich

Du lịch sinh thái ở Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách TP Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn hai huyện là Quan Hoá và Bá Thước - được thành lập năm 1999 và là một phần trong vùng cảnh quan Cúc Phương-Pù Luông, đặc trưng bởi diện tích kéo dài của vùng đá vôi, bao gồm cả vùng rừng đất thấp còn lại của núi rừng phía Bắc Việt Nam được đánh giá có tầm quan trọng toàn cầu về đa dạng sinh học.

Pù Luông là một địa danh còn nhiều bí ẩn, hoang sơ đối với du khách trong và ngoài nước. Khu Bảo tồn đặc sắc nhờ vẻ đẹp tự nhiên, và nét văn hóa truyền thống của những cộng đồng dân cư sống cận kề. Ngày nay nhờ những chương trình phát triển, Pù-Luông đang như một nàng tiên được đánh thức, trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến với những bản làng xinh đẹp vùng cao, ẩn mình bên những khu rừng thuộc Khu bảo tồn nhiên nhiên Pù Luông trong chuyến khai trương mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Khu bảo tồn là nơi quản lý nghiêm ngặt khoảng 17 ngàn héc ta (vùng lõi), nhưng cũng là nơi sinh sống của khoảng 17 ngàn người dân sống xung quanh, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, Mường. Họ là những người bảo vệ thiên nhiên và lưu giữ giá trị văn hóa qua nhiều thế hệ.

Liên khu đá vôi Pù Luông - Cúc Phương bắt nguồn từ cao nguyên Sơn La là một điển hình quan trọng về hệ sinh thái đá vôi. Đây cũng là khu vực rừng núi đá vôi rộng lớn duy nhất còn lại ở nước ta. Hệ động vật hoang dã ở đây thuộc khu địa lý Bắc Trung Bộ và một phần khu hệ động vật Tây Bắc, với các loài đặc trưng như: sóc bụng đỏ, bò tót, gà tiền mặt vàng...

Đặc biệt, Pù Luông là nơi sống thích hợp của các loài linh trưởng, trong đó có voọc quần đùi trắng (hay còn gọi là voọc mông trắng)- là loài linh trưởng quý hiếm, đặc trưng nhất của nước ta.
Những cánh rừng rộng lớn ở Pù Luông hoang sơ còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thú, trong đó có các loài quý hiếm như: bò tót, hổ, báo gấm, báo hoa, beo, gấu, ngựa, gấu chó, nai, mang, tê tê, cú mèo, lợn rừng... Trong số loài động vật này, có tới 36 loài đã được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt có 13 loài bị đe doạ tuyệt chủng ở mức toàn cầu.

Bên cạnh đó, những khu rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý tưởng như đã bị tuyệt chủng nhưng lại được tìm thấy ở Pù Luông. Thiên nhiên nơi đây còn nhiều điều bí ẩn, với hệ thống hang động là nơi trú ngụ tuyệt vời của các loài dơi; những khu rừng nguyên sinh thường xanh tốt quanh năm là môi trường sống quan trọng cho rất nhiều loài chim quý như: diệc nâu, hồng hoàng, khiếu mỏ dẹt...

Những năm trở lại đây, các công ty du lịch ngày càng xuất hiện nhiều ở Pù Luông. Khách tham quan cũng vì vậy mà tấp nập hơn. Nhưng có một nghịch lý, khách đến rồi khách lại đi, nguồn thu đổ về túi công ty lữ hành, còn cái nghèo của bà con, của địa phương thì vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn do dân số tăng nhanh đang đặt gánh nặng lên khu bảo tồn.

Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là sáng kiến của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), do Quĩ Irish Aid của Sứ quan Ai-len tài trợ. Chương trình đã hỗ trợ thành công nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân tộc Thái và Mường của địa phương, để chính họ biết cách giới thiệu và quảng bá với du khách nền văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của mình, hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường bảo vệ những loài bị đe dọa trong Khu bảo tồn.

Ngày nay đến Pù Luông du khách sẽ có dịp đến với những phát hiện thú vị, những cảnh sắc hấp dẫn, những bản sắc độc đáo của địa phương. Khi vào rừng, lúc ra thăm thôn bản, khi khám phá Hang Dơi, khi nghỉ đêm tại những ngôi nhà sàn truyền thống, trải nghiệm nếp sinh hoạt của gia đình người Thái, hòa mình với những điệu múa, bài hát truyền thống của người Mường, người Thái như múa nón, múa sạp, hát ru con… tất cả đều là những trải nghiệm mới mẻ và khó quên.

Hiện nay, tour du lịch mà du khách trong và ngoài nước yêu thích khi đến với Pù Luông là: Ngày thứ nhất, xuất phát từ Hà Nội đi tham quan bản Lác, rồi về bản Hang thăm hang Pó Mười, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Thái, nghỉ lại qua đêm tại bản Hang.

Ngày thứ hai, đi bộ từ bản Hang, vượt qua dãy núi đá vôi Pù Luông để đến với bản Kho Mường (xã Thành Sơn), tham quan những cánh đồng ruộng bậc thang, hang dơi và cảnh núi rừng hùng vĩ, rồi về bản Hin (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) nghỉ lại qua đêm.

Ngày thứ ba, du khách đi bộ từ bản Hin đến các bản: Son- Bá- Mười (xã Lũng Cao) rồi về Rừng quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), hoặc thăm Suối cá thần Cẩm Lương (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy), sau đó về TP Thanh Hóa và kết thúc chuyến đi.

Tổng họp từ internet

Động Phong Nha kêu cứu

Dòng suối Trà Ang bị chặn dòng khiến động Phong Nha thuộc di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị bồi lấp.
Thảm thực vật trong khu vực bị tàn sát, các loài động vật trên cạn và thuỷ sinh bị tàn phá môi trường sống nghiêm trọng.

< Suối Trà Ang bị biến dạng.

Danh suối bị chặn dòng

Suối Trà Ang chảy song song với con đường 20, uốn lượn dưới những rặng núi đá vôi, sau đó chảy ngầm vào động Phong Nha, nó là nguồn cung cấp nước chủ yếu để tạo ra hang động nước nổi tiếng thế giới mà UNESCO công nhận.
Nhưng suối Trà Ang hiền hoà, đẹp mê hồn dưới tán rừng săng lẻ, rừng táu với thảm thực vật đang dạng sinh học đang bị bức tử dưới hạ lưu cầu Con Sếu. Một công trình thu nhỏ các quá khứ lịch sử đang được xây ở đây. Tại hiện trường, một công ty tư nhận ở Quảng Bình đang thi công, đào bới tan hoang dòng suối Trà Ang.




< Thảm thực vật ven suối bị ảnh hưởng nặng.

Công ty xây dựng đổ vào đó hơn 7.000m3 đất đá nhằm chặn dòng chảy, xây đập, khiến suối Trà Ang từ màu xanh trong chuyển sang màu đỏ úa, bẩn đục. Môi trường sống của các loài cá và các loài thuỷ sinh quý hiếm của hạ lưu suối Trà Ang bị biến đổi.

Ông Trần Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty Tuấn Cường, đơn vị thi công công trình, nói: “Thi công thì phải có bẩn rồi, cũng có bùn non trôi chứ”.
Không những bùn đất mà chất thải dầu mày cũng bị vứt xuống lòng suối, thảm thực vật bị tàn sát dữ dội, nhiều cây cổ thụ nằm vật bên bờ suối, cỏ cây chết rũ, có cây đang héo lá bên bờ nước.

Hồ ngầm đẹp nhất thế giới bị đục

Bao nhiêu bùn đất thi công công trình từ Trà Ang đều được dòng nước cuốn về động Phong Nha. Hồ ngầm đẹp nhất thế giới nằm trong động đang bị ô bẩn hơn bao giờ hết kể từ khi con người phát hiện ra nó và được UNESCO ghi vào hồ sơ di sản thế giới như một gia tài quý báu của nhân loại.


< Trước cửa động Phong Nha bị bồi lấp.

Không những hồ ngầm đẹp nhất thế giới bị đục mà dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam ở trong động cũng bị bồi lấp dữ dội. Kể từ năm 1991, khi động Phong Nha đưa vào khai thác du lịch, chưa bao giờ động bị bồi lấp như bây giờ. Đáy sông trong động đầy đất cát, gây khó khăn cho thuyền du lịch, bãi cát đẹp nhất cũng có màu bùn non.

Đoạn sông trước cửa hang kéo dài cả cây số ra ngã ba sông Son cũng bị bồi lấp nghiêm trọng. Du khách phải đi bộ từ ngã ba sông Son vào động Phong Nha. Hàng đoàn thuyền du lịch "bó tay", “thất hứa” với du khách vì không thể chở vào hang động như trước đây.

Trước tình cảnh đó, ông Hoàng Văn Đại, Giám đốc Trung tâm du lịch văn hoá sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng, nói: “Chúng tôi đang làm tờ trình xin UBND tỉnh khơi thông luồng lạch để không đánh mất hình ảnh du lịch di sản thiên nhiên thế giới”.


< Du khách phải lên thuyền đi bộ vào động.

Ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Lãnh đạo Vườn đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện đơn vị thi công nhận thầu lại từ chủ đầu tư công trình ở Trà Ang không ký kết bảo đảm môi trường di sản mà vin vào có đơn vị khác ký là không thể được, di sản cần được bảo vệ chung bởi pháp luật, họ chặt cây không báo cáo, ngăn đập chặn suối không báo cáo, không thực hiện quy trình phòng cháy chữa cháy rừng”.

Dòng chảy Trà Ang bị biến dạng, một chuyên gia nhận định, việc dòng nước đổi dòng, cố ngăn đập sẽ khiến các kiến tạo ngầm hơn 400 triệu năm trong khu vực ảnh hưởng và các hệ luỵ khác là khó lượng.

Hang động Phong Nha có 7 cái nhất: hang nước dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; hang khô rộng và đẹp nhất thế giới. Hệ động vật thuỷ sinh ở động Phong Nha vô cùng phong phú, trong này có loài cá chình hoa và cá mòi nước ngọt quý hiếm nằm trong sách đỏ.

Theo báo Đất Việt