Nằm ở thượng nguồn sông Chẩy, Si Ma Cai vẫn lưu giữ với những phong tục tập quán phong phú chưa pha tạp lối sống đô thị. Chính vì vậy Si Ma Cai đang là đích đến của những bạn trẻ yêu thích du lịch khám phá khung cảnh hoang sơ, sự hiếu khách của người dân bản địa.
Dù đi đến vùng miền nào thì điểm tập trung nhất vẫn là các phiên chợ. Đặc biệt ở vùng cao, chợ phiên là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá của các dân tộc thiểu số.
Để đến được nơi này, từ TP Lào Cai phải vượt qua chừng 90km đèo dốc, nhưng rồi mọi mệt nhọc được xua tan khi khung cảnh hai bên đường là những đỉnh núi với những cánh rừng chưa bị bàn tay con người xâm hại, thấp thoáng đâu đó vài nóc nhà xa tít ở lưng chừng đồi. Người dân ở đây bảo địa danh Si Ma Cai xuất phát từ lối đọc chệch của cái tên Sín Mà Cái, theo âm tiếng Mông có nghĩa là "chợ ngựa mới".
Nếu như những phiên chợ ở Sa Pa, Bắc Hà và nhiều nơi khác đã chuyển dần tính giao lưu sang tính thị trường mua bán, thì phiên chợ vùng cao ở nơi này vẫn còn giữ nguyên được sắc thái riêng với nét hoang sơ, sự quyến rũ và cả sự thân thiện hiếu khách của người dân nơi đây chưa bị thương mại hóa.
Trời còn sáng sớm, rét căm căm nhưng tiếng vó ngựa đã khua vang đầu dốc đá, tiếng chào hỏi của người đi chợ sớm, đâu đó văng vẳng trong không gian bài hát Người Mông ơn Đảng phát ra từ chiếc đài pin của một chàng trai Mông nào đó... Tất cả như thúc giục lôi cuốn mọi người đến với chợ phiên vùng cao.
Gọi là xuống chợ nhưng thực ra chợ Si Ma Cai nằm ở lưng chừng dốc, được xây dựng từ thời Pháp, điều đó cho thấy cho thấy từ lâu đây đã là một trung tâm sầm uất về mua bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa đồng bào các dân tộc và nhân dân 2 bên biên giới Việt - Trung. Mọi thứ bày bán ở chợ từ váy, áo, vòng tay, vòng cổ, dép nhựa, đèn pin, đài pin, dụng cụ sản xuất, thực phẩm, gia cầm, từ chõ xôi 7 màu, đến quả dưa chuột hơi quá lứa, ổ gà vẫn chưa nở hết… đều do đồng bào sản xuất mang đến chợ bán.
Người dân bảo đến chợ vùng cao Si Ma Cai mà không ăn thắng cố, mèn mén, đậu chua, uống rượu ngô Si Ma Cai, hay còn gọi là rượu Si với mùi vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được thì chưa gọi là đi chợ. Thắng cố ngon nhất chợ là thắng cố ngựa nhà ông Hòa, ông Đế đã từng được tham dự ở Lễ hội văn hóa ẩm thực nhân dịp kỷ niệm 100 năm Sapa. Cung cách phục vụ ở đây cũng rất đặc biệt, khách có thể tự chọn cho mình những món khoái khẩu mà không cần phải mặc cả hay ngại ngần, có thể lấy nhiều nước chan với mèn mén, cũng có thể ăn toàn thịt… chủ hàng vẫn vui vẻ và đó là điều hấp dẫn mà không có phiên chợ nào ở Việt Nam có được.
Si Ma Cai hút khách còn bởi nơi đây có phiên chợ Cán Cấu chuyên mua bán trâu, bò lớn nhất vùng biên giới phía Bắc của nước ta cả về qui mô lẫn số lượng. Chợ trâu Cán Cấu được hình thành cách đây đã hàng chục năm, nhưng đến nay vẫn giữ được những nét giản dị, hoang sơ và đặc trưng của người Mông. Nếu như ở các phiên chợ khác, việc mua bán trâu, bò chủ yếu do nam giới đảm nhiệm thì ở chợ Cán Cấu không chỉ nam giới mà nữ giới cũng tham gia; Mọi quá trình mặc cả, ra giá giữa người mua người bán đều dựa trên cảm nhận trực quan là chính. Chợ Cán Cấu nổi tiếng nên thu hút cả những thương lái dưới xuôi lặn lội lên đây mua trâu đưa về đồng bằng. Mỗi phiên chợ ở đây có trên dưới 100 con trâu được đem ra mua bán. Trung bình mỗi năm, chợ Cán Cấu cung cấp cho thị trường khắp nơi hơn một vạn con trâu.
Dù cuộc sống ngày càng thay đổi nhưng người dân ở đây vẫn giữ được nét bình dị, trong sáng rất thân thiện và dễ mến. Khi khách du lịch đưa ra lời đề nghị chụp ảnh, các cô sơn nữ cười tươi sẵn sàng làm người mẫu cho khách lạ đến từ phương xa. Chứ không như ở Sapa khi khách đưa lời đề nghị luôn nhận được câu trả lời "Chụp ảnh phải trả tiền à". Cùng với sự bình dị, hiếu khách và cách mua bán tại phiên chợ ở Si Ma Cai vẫn giữ nguyên được nét hoang sơ từ ngàn xưa chính là điểm độc đáo hút khách đến với vùng đất này.
Theo KTĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét