Vượt ba tầng cổng trời để đặt chân đến đỉnh cao nhất của cao nguyên Đồng Văn rồi bọc cánh cung sang Mèo Vạc. Nghe đồn, qua chặng đường hiểm trở đó, sẽ gặp “người nhà trời”…
"Đưa chú đến đâu được thì đến. Chẳng hứa được tới nơi. Trời mù thế này, không đảm bảo an toàn…”. Ông Diễn, mười năm đi xe ôm nhưng mới dăm lần đèo khách lên “trên ấy” ái ngại nói. Tôi gật đầu, bắt đầu chuyến mạo hiểm…
Vượt “cổng trời”
Đoạn đèo từ Hà Giang đến Quản Bạ, 43 km, núi non đang mở ra cuộc thử thách sự liều lĩnh. Thung lũng Bắc Xum bên dưới đang bị những đám mây từ trên cổng trời cao ngút tràn xuống, trong phút chốc, đã trở thành một bể mây mù. Con đường dốc đứng, ngoằn ngoèo, len lỏi giữa trùng vây mây trời. Khoảng gần 20 km đường đèo khúc khuỷu như thế, hai bên đường chỉ có những ngôi nhà lặng lẽ, vắng bóng người, thỉnh thoảng tiếng mõ dê lóc cóc vọng từ những sườn núi hoang vắng.
Đỉnh cao nhất của ngọn đèo này là cổng trời Quản Bạ, có độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Năm 1939, người Pháp đã xây dựng con đường này như cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn, tại đây có cánh cửa gỗ nghiến dày 5cm mở ra khoảng không nhìn xuống thung lũng Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ…, nhiệt độ trung bình 16 -17oC.
Thị trấn Quản Bạ ẩn trong mây. Ngày trời quang, du khách thích thú khi đứng trên sườn đèo của cổng trời phóng tầm mắt xuống thung lũng Tam Sơn, có thể thấy hai trái núi Cô Tiên nẩy căng như hai bầu ngực.
Đến Quản Bạ, chạy vòng vèo giữa những dãy hàng quán xộc xệch, co ro trong cái lạnh sơn cước, người lái xe ôm dẫn đường cho tôi đột nhiên… đòi về vì lý do “sương mù dày đặc, không đảm bảo an toàn”, vả lại, chuyến đi này ông ta chẳng kịp chuẩn bị mũ bảo hiểm, phụ tùng phòng khi xe có trục trặc.
Quan trọng hơn, cả hai chúng tôi đều ăn mặc khá phong phanh. “Mưu mẹo” tôi lúc ấy chỉ là mời ông ta vào quán rượu ngô ven đường để “bàn chuyện”. Sau vài câu nói khích tướng và trong cái ấm râm ran của rượu ngô, ông ta lấy lại máu liều, rồ ga, đi tiếp…
Hú hồn với núi
Càng lên cao, núi non càng hiểm trở và bất trắc. Đoạn Cháng Kìm, Bạch Đích, những ngọn đèo ôm núi tạo nhiều khúc cua gấp mà càng chạy lên cao, nhìn lại, càng thấy như sợi thòng lọng thả giữa núi đồi.
Theo con đường Na Khê, bên dưới là dòng sông xanh với vực đá cao dựng sừng sững, những đoạn sương mù, khoảng hẫng giữa con đường bám vào vách núi và vách đá cao ngất, có cảm giác như đang chạy vào một cửa hang sâu mà chỉ có một hướng nhìn không ngợp là… nhìn lên vòm trời hẹp trên đầu. Trên đường, chỉ gặp vài người Dao đỏ cõng những bó cây rừng hay đang lùa những bầy trâu đi dọc các sườn đồi hoang vắng…
Cũng nói thêm, ở Hà Giang có hơn 22 cộng đồng dân tộc lớn, nhỏ. Phần lớn sống trên những bản non cao. Với người rành luật tục nhất, có khi cũng dễ bị nhầm. Du khách chỉ có thể căn cứ vào trang phục để đoán biết. Ví dụ, người Giáy thích mặc váy áo sặc sỡ, khăn đội đầu thường là xanh lục, người HMông Trắng lại chuộng màu đen có viền đỏ, trong khi người HMông Hoa thích khoác lên mình nhiều màu sáng, rực rỡ, còn người Dao thì đặc trưng là những tua màu xanh được buộc lên tóc hay khăn đội đầu…
Buổi trưa ở Yên Minh vắng vẻ, lúp xúp vài khu chợ chỉ họp phiên vào ngày chủ nhật. Sau khi dạo quanh vùng này, chúng tôi theo con đường đèo leo lên một ngọn núi đá nhọn để đi qua hướng Đồng Văn. Không gian từ đây trở đi có vẻ heo hút và hoang lạnh. Có những đoạn đường chưa kịp trải đá, rất nguy hiểm, xe có thể “xoè bánh” bất cứ lúc nào.
710 m là độ cao của Đồng Văn so với Yên Minh. Trên vách núi đá tai mèo là các búi bắp khô qua vụ rẫy, người ta chất lại để làm củi đun. Sau vụ thu hoạch, người ta để dành bắp khô để xay nấu mèn mén, rượu ngô trữ qua mùa giáp hạt… Ngoài ra, những đồng cải vàng hoa ven đường cũng làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên về sự “phì nhiêu trong tằn tiện” của đất đai và phong thổ nơi đây.
Vòng cung trên “đỉnh trời”
Đồng Văn là cao nguyên cao nhất của Việt Nam. Cho đến khi đặt chân lên ngọn đèo cao ngất của Súng Là, tôi mới yên tâm rằng chuyến đi của mình cũng đến nơi cần đến. Vòng cung từ Đồng Văn sang Mèo Vạc là một đoạn tuyệt đẹp, suốt 22 km đường hẹp và vắng, hình như sự hiểm trở đạt tới “đỉnh”. Ngọn đèo Mã Pí Lèng đường nhỏ, hẹp chạy như làm xiếc trên vách núi.
Qua những khoảng mù sương, chúng tôi nhìn xuống dòng Nho Quế và… hoa mắt vì những đám ruộng bậc thang như những nhát cọ quệt vào núi non những gam màu ngẫu hứng, vằn vện. Trong cái rét cóng tay lái, “con ngựa sắt Win 100” vẫn gồng lên nhích từng chút một vì chỉ cần một cú “xoè bánh” nhẹ là có thể… rơi tự do xuống vực đá tai mèo cao trên ngàn mét!
Đêm sụp xuống Mèo Vạc, men con đường lên một sườn núi cao, trong cái lạnh buốt xương, có tiếng khèn vọng qua trùng trùng vách núi. Vàng A Sìn, ở bản Tắc Ngà, nghệ nhân làm khèn bảo với tôi, ở đây, chỉ có tiếng khèn là bay xa từ núi này qua núi kia, ai cũng nghe thấy. Ngày xưa, người ta lấy nhau cũng vì tiếng khèn. Nói rồi, rót rượu ngô ra bát đãi khách.
Ăn miếng măng đắng xào (loại măng đặc trưng núi rừng Hà Giang) “đổ bê- tông” bằng một bát mèn mén nghẹn đến bưng mặt, nhấp từng ngụm rượu ngô ngọt và ấm. Tiếng khèn của Sìn cứ dìu dặt như gió hoang vu thổi qua, lúc như sương lạnh tràn xuống thung sâu…Hình như có ai đó nói với tôi rằng, “Ở trên núi, trước tết có tuyết rơi. Nhưng chỉ cần bốn bát rượu ngô thôi là nóng người ngay í mà. Ngủ đi. Mai còn theo tao cõng rượu đi chợ phiên!”.
Gặp… “người nhà trời”
Buổi sáng, người đi chợ phiên đã gọi nhau í ới đầu ngõ. Người ở Liên Sơn, Tắc Ngà, Su Phìn vừa đi vừa rỉ rả nói chuyện để con đường núi 5-10 km ngắn lại. Người lớn cõng rượu, bắp cải, măng, có nhà gánh cả một con heo vừa mổ, cũng có gia đình dắt bò, heo con, chó đi họp chợ…
Chợ rượu. Nồi thắng cố sôi sùng sục, khói mịt mù. Cùng với bát rượu ngô, cái món ăn “thương hiệu” vùng cao này ban đầu hơi khó nuốt nếu câu nệ về… vệ sinh và thẩm mỹ. Nhưng đã vào một bát là… “phải bùa” - không chỉ vì lạ mà vì không gian ẩm thực rất dân gian này. Ngồi húp xì xụp mà ra sương ra khói nơi đây. Chẳng trách được, mới sớm, bán chưa hết hai cái khèn mà ông Sìn cùng con trai mình đã đi liêu xiêu.
Ở hàng rượu, những can 20 lít được sắp hàng dài, một chiếc muỗng, một cái nắp cứ thế chuyền đi. Buổi sáng, có nhiều người đi thử rượu. Sương chưa tan trên cây gạo đầu chợ thì đã có những bước chân đi bồng bềnh! Ông Tho Mí Sinh (72 tuổi) nói trong hơi men: “Một ít ngô trên kèo nhà hết rồi đấy. Chuẩn bị kéo nhau đi trỉa lại thôi!”. Ở bãi chợ bò, người ta cũng dắt heo, chó và bò đi bán cho người mang về xuôi để kiếm tiền tiêu xài qua mùa ăn chơi và giáp hạt này. Để rồi mua hạt giống, lên núi gieo trồng cho vụ sau…
Lúc về xuôi, trên con đèo hiểm trở Tủng Tỉnh (cách Mèo Vạc 20 km) về xuôi, tôi đã thấy màu áo chàm ẩn hiện trong sương mù trên những vách núi đá tai mèo cheo leo. Mùa mới. Trồng trỉa trong thiên nhiên ngặt nghèo thế, đời sống người miền núi non vẫn lãng mạn và bồng bềnh. Chẳng lo gì. Chợ phiên họp mùa xuân thì cứ say cho bồng bềnh. Chợ tình họp cuối tháng ba thì cứ hẹn hò cho đẹp duyên. Ngày trời trong thì gối đầu lên đá ngắm mây xanh cho quên cái mệt… Người cao nguyên đá Mèo Vạc là thế.
Vậy là, sau chuyến đi này, tôi có lý để kể với bạn rằng, tôi đã mạo hiểm vượt ba bậc cổng trời và đã gặp được “người nhà trời”!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét