Đến đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi được biết trên hòn đảo rộng 7km² này có số lượng di tích lịch sử-văn hóa rất phong phú. Những đình, chùa, nhà thờ, dinh, miếu, lăng tẩm cổ đều có nét kiến trúc độc đáo với đủ các loại hoa văn trang trí được chạm khắc tinh xảo, ban thờ, hoành phi, câu đối… cổ kính uy nghiêm. Chùa Hang là một trong số những di tích độc đáo đó, được xếp hạng thắng cảnh quốc gia năm 1994.
Ngôi chùa ẩn mình trong hang đá, một mặt quay ra biển Đông, vốn có tên là “Thiên Khổng Thạch tự” (chùa hang đá trời sinh) nhưng vì không có sư trụ trì nên người dân gọi là “chùa không sư”.
Ngôi chùa có tên là “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa hang đá trời sinh) nhưng do không có sư trụ trì nên người dân địa phương goi là “chùa không sư”. Ông An, người ngày ngày hương khói, quét dọn chùa, cho biết: “Nhiều nhà sư đến với chùa nhưng chỉ ở thời gian ngắn rồi ra đi, không hiểu vì sao”. Hiện chùa được một nhóm tăng ni, phật tử trong huyện đảo Lý Sơn thay nhau trông nom, quét dọn và hương khói. Chùa được xếp hạng thắng cảnh quốc gia từ năm 1994.
Chùa không sư vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa thời tiền sử, hướng ra biển Đông. Ông Trần Công Bạch cùng các bậc tiền hiền làng An Hải lập chùa cách đây hơn 400 năm dưới triều vua Lê Kính Tông.
Hang dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích chừng 480 m². Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt, những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có hình thù kỳ quái và tượng Phật bà Quán Thế Âm hướng ra biển Đông phù hộ cho chuyến đi biển của ngư dân đảo luôn bình yên trở về.
Phía xa xa là các mỏm đá nhô ra, bãi cát trắng sạch lấp lánh vỏ sò, vỏ ốc.
Chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái, bàn thờ 12 Diêm Vương, ba vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải bên phải.
Các bệ thờ được gia công từ nhũ đá tự nhiên. Đặc biệt có hai lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Do đường đi tối, khá nguy hiểm nên lối đi này được chặn lại để tránh bước chân của các vị khách tò mò.
Vào trong chùa, những hạt nước từ thạch nhũ rơi tí tách quyện với mùi khói hương tạo nên không khí trầm mặc.
Chùa im lìm dưới lớp đá vôi với những đường vân uốn éo, lồi lõm dấu vết của những con sóng biển hung dữ từng quật vào hang trăm năm trước.
Trong cái mờ ảo, lung linh đó, ta như có cảm giác lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Lòng người viếng chùa tĩnh lại, những suy tư, âu lo của cuộc sống bỗng chốc tan biến, chỉ còn lại sự hoà hợp giữa thiên nhiên, con người và một cảm giác thoải mái, thảnh thơi tràn ngập. Đó là những gì chùa hang đá trời sinh gây ấn tượng khi khách vào trong.
Các sự kiện lớn được tổ chức tại chùa hằng năm là ngày Tết Nguyên đán, lễ Vu Lan, Phật đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm Phật, chiêm bái rất đông.
Theo Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét