Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Bãi đá cổ Sa Pa

Bãi đá cổ Sa Pa nằm xen giữa những nương rẫy, ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai,  cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía đông nam.

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga giáo sư Victor Goloubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Đây là di sản của cư dân người Việt cổ, gồm những khối đá với các hình chạm khắc từ xa xưa, nằm rải rác trên những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Pho.
Bãi đá cổ trải rộng 8km² với gần 200 khối đá quanh con suối Mường Hoa là một minh chứng về sự xuất hiện của người tiền sử nơi đây. Trên mặt các khối đá là những hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa... Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.

Số lượng đá có hình khắc ở đây không nhiều, song đều là những khối đá lớn, có khối rộng cả trăm mét vuông, với hệ thống hình khắc có mật độ dày, quy mô và cấu trúc rất phức tạp. Bãi hai nằm giữa địa giới xã Hầu Thào và Lao Chải, trên các thửa ruộng bậc thang.

Tại bãi này có trên 100 hòn đá có hình khắc cổ. Đa phần những hòn đá ở bãi này nhỏ hơn bãi một. Nhiều hòn chỉ có một hình khắc duy nhất trùm kín mặt tảng đá. Hai xã Tả Van và Sử Pán nằm bên rìa trung tâm bãi đá cổ nên chỉ có rải rác vài hòn đơn lẻ và nội dung hình khắc cũng không có khác biệt nhiều.

Ngay từ buổi đầu được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã ra sức mô tả những hình khắc trên bãi đá. Mỗi người lý giải một kiểu. Người thì khẳng định đây chỉ là những bức tranh tả thực, là những hoa văn trang trí, những hình người cách điệu đang tỏa hào quang, những kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa. Có nhà khoa học thì khẳng định toàn bộ bãi đá là một cuốn sách cổ khổng lồ của người Mông diễn tả các trận đánh ngày xưa. Một số nhà khoa học khác thì nhận định rằng những hình khắc trên bãi đá chủ yếu thể hiện những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang và nhà cửa, làng bản, dân cư sinh sống… Chính vì thế, những hình vẽ này mang đậm dấu ấn của tư duy tạo hình đơn giản và khúc triết, xuất phát từ những con người nguyên sơ có đời sống gắn bó sâu sắc với tự nhiên…

Tuy nhiên, một trường phái khác lại khẳng định hình khắc trên bãi đá cổ không thể là tư duy đơn giản của những dân tộc Mông, hay Dao sống ở khu vực này từ 300 đến 600 năm về trước. Đại diện cho trường phái này là GS Lê Trọng Khánh, một chuyên gia đầu ngành về chữ viết của người Việt cổ. GS Khánh, sau nhiều chục năm nghiên cứu bãi đá đã nhận xét: “Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ”. Liệu những hình khắc trên bãi đá cổ có phải là chữ Việt cổ hay không thì GS vẫn còn đang chứng minh, bởi ông chưa thể đọc hay giải mã được chúng. Tuy nhiên, hiện ở nước ta có một nhà nghiên cứu đã tiếp bước GS Khánh và ông cho rằng ông đã… đọc được chữ cổ trên bãi đá Sapa! Đó là nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, hiện đang sống ở TP Việt Trì (Phú Thọ). Việc ông Xuyền đọc được những ký tự trên bãi đá cổ là một chuyện lạ, song để các nhà khoa học đầu ngành chứng nhận những ký tự ông đọc đúng hay sai vẫn còn là vấn đề phải bàn cãi nhiều.

Trong số những nhà khoa học bảo vệ quan điểm bãi đá cổ Sapa là một pho sách lớn, là một trí tuệ siêu việt, có nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương). Sau hơn 10 năm dày công nghiên cứu bãi đá cổ, ông đã công bố nhiều tài liệu khẳng định những hình khắc trên bãi đá cổ Sapa là những ghi chép về hệ thống Kinh Dịch và cả những lời tiên tri của người Việt cổ(?!). Từ những tuyên bố này, cùng những tài liệu và dẫn chứng khá thuyết phục, ông đặt ra giả thiết: Kinh Dịch có nguồn gốc từ nước Bách Việt cổ xưa (có nghĩa là của dân tộc Việt) và nền văn minh Lạc Việt của chúng ta có tuổi 5.000 năm!

Nội dung hình khắc trên bãi đá cổ Sapa đã, đang và sẽ còn tranh luận gay gắt nhiều năm nữa. Ngay cả vấn đề thời gian xuất hiện hình khắc trên bãi đá cũng có nhiều luồng ý kiến.

Người thì khẳng định chủ nhân của những hình khắc này là của người Mông, người Dao, sống ở vùng này từ 200 đến 600 năm trước, người thì khẳng định chủ nhân của những hình vẽ là của cư dân văn hóa Đông Sơn (cách đây 2.300 năm đến 3.000 năm), còn người thì khẳng định nó đã có cách đây 5.000 năm, thậm chí là lâu hơn nữa, của những bộ tộc thuộc nền văn minh đã biến mất. Còn về nội dung hình khắc thì các tranh luận càng thêm phần nảy lửa. Bởi vì, một hình khắc đơn giản nhất là một vòng tròn với những đường vạch giống mặt cái cối đá, người thì bảo đó là ký hiệu mặt trời, người bảo mặt trăng, người bảo thái cực, người kêu đích thị hòn bi, người khẳng định là cái bánh dầy mới đúng... Một số nhà khoa học nói trừu tượng hơn thì khẳng định đó là “biểu tượng của một xã hội nông nghiệp”. Nhưng những người say mê nghiên cứu Kinh Dịch lại cho rằng hình vẽ đó là biểu tượng cho sự tương tác của vũ trụ...

Cũng chính vì những tranh cãi nảy lửa như thế nên hệ thống hình khắc trên bãi đá cổ Sapa mỗi ngày lại càng chìm vào bức màn bí ẩn đầy sức hấp dẫn, quyến rũ các nhà khoa học trong nước cũng như trên thế giới. Và cũng chính vì giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của nó rất lớn mà nằm 1994, bãi đá cổ Sapa đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Rồi nhiều năm nay, các cấp ngành đang ráo riết chuẩn bị tài liều để Nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể thế giới.

Bãi đá cổ Sapa được một số nhà khoa học quốc tế đánh giá là một trong số ít những bãi đá có hình khắc đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Bãi đá cổ Sapa quý giá là vậy, nhưng thực tế nó đang xuống cấp trầm trọng bởi sự thiếu ý thức của con người. Kể từ khi du lịch về bản, có cả tour thăm bãi đá cổ, chỉ vài năm qua, các hình khắc trên bãi đá đã bị tàn phá rất nghiêm trọng. Nếu không có phương án bảo vệ, bãi đá cổ với những hình khắc hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi, là những thông điệp của quá khứ, sẽ biến mất bởi sự vô ý thức của con người và sự thờ ơ của cơ quan chức năng…

Tổng hợp từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét