Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Thắng cảnh lịch sử Côn Sơn Kiếp Bạc

Khu di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông trùng điệp với những con suối trong vắt, lững lờ như vải lụa uốn quanh những rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn, thấp thoáng ẩn hiện là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử.

Đã bao lần về thăm khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, lần nào tôi cũng có một cảm giác bâng khuâng đến thẫn thờ trước thế giới thâm nghiêm, u tịch, nhưng vẫn sáng ngời ánh hào quang truyền lại từ các bậc tiền nhân - những anh linh nhân kiệt của đất nước…
Nơi đây, một năm có hai kỳ hội xuân thu, song dường như quanh năm khách hành hương vẫn lui về thưởng ngoạn. Và cho dù có đông khách đến mấy thì khu di tích này vẫn giữ được độ tĩnh cùng vẻ cổ kính, thâm nghiêm khiến lòng người và cảnh vật cùng thuận hoà, thư thái.

Cái hấp dẫn du khách thập phương trước hết vì Côn Sơn là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Khoảng 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả: Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem.

Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây có tấm thảm thực vật lý tưởng. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như với được những áng mây bồng bềnh. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây.

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, có một số thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm đường lên núi. Trên đường đi, họ nghe như có tiếng nói, cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống.

Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Đứng ở đỉnh núi cao giữa bao la đất trời, mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy người vội bỏ đi không kịp mang theo bàn cờ. Vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên.

Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá năm gian (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.

Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" thật bề thế. Hơn 700 năm trước, đây là nơi Trần Hưng Đạo hội quân sau chiến thắng. Ngày trên sông đông vui. Đêm về trên sông càng tưng bừng. Đèn treo, hoa kết, mở hội hoa đăng trong mấy ngày liền. Người ta thả đèn, thả những khúc chuối trên cắm nến và vàng hoa. Đèn màu xanh đỏ, nến sáng bập bùng, trôi nổi theo con sóng xuôi về biển. Người xem hội như được trở về chốn cũ vườn xưa với những danh tướng, những binh sĩ đời Trần.

Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than. Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử. Giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.

Tương truyền, vị trí khu đền Kiếp Bạc nay, xưa là rừng già, rậm rạp và nhiều muông thú. Khi mới về Vạn Kiếp , Trần Hưng Đạo đã nhìn ra đây là một vị trí hiểm yếu có lợi cho chiến lược quân sự, tiến lùi đều thuận lợi đã quyết định chuyển đại bản doanh từ thung lũng trong ra thung lũng ngoài tại đây. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ thứ XIII. Những năm tháng thái bình ông về sống ở Vạn Kiếp. Khi ông lâm bệnh nặng, có dặn lại con cháu rằng: “Ta chết tất phải hoả táng, cho xương vào những ống tròn chôn ở vườn An Lạc, rồi trồng cây như cũ để người đời sau không biết đâu mà tìm”. Năm Hưng Long thứ tám (1300), ngày 20/8, Trần Hưng Đạo qua đời tại nhà riêng ở Vạn Kiếp. Kỷ niệm ngày mất của ông, nhân dân mở hội từ 15 đến 20/8 âm lịch hàng năm.

“Côn Sơn có suối, nước chảy rì rầm ta lấy làm tiếng đàn cầm
Côn Sơn có đá, mưa xối, rêu xanh đậm, ta lấy làm chiếu thảm
Trong núi có thông, muôn dặm rờn rờn biếc một vùng ta tha hồ nghỉ ngơi
Trong rừng có trúc, ngàn mẫu in biếc lục, ta tha hồ ngâm nga bên gốc”.

Côn Sơn là nơi san sẻ những vui buồn, căm giận và cũng là nơi ấp ủ lý tưởng làm cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim ông. Nơi đây cũng gói trọn những năm tháng cuối đời ông ẩn dật rồi kết thúc bằng vụ án Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi-Côn Sơn đã trở thành tên gọi đi vào tiềm thức dân tộc. Đến với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là một dịp hướng lòng về sự thanh trong, ôn lại truyền thống anh hùng của dân tộc và tìm hiểu, học tập về công lao, sự nghiệp, nhân cách của các bậc danh nhân Trần Hưng Đạo - Nguyễn Trãi.

Nhiều người đã rưng rưng nước mắt trước anh linh của tiền nhân bởi sự cảm phục, thành kính về tài đức, sự xót xa trước mối oan khiên mà tiền nhân phải trải qua. Đó là tâm tình Nguyễn Trãi, khí phách Trần Hưng Đạo. Tinh thần của họ đã cổ vũ bước chân đi tới của thế hệ sau. Chẳng thế mà có cụ cao tuổi lưng còng như cụ Đỗ Văn Dậu từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng đến đây đã lẳng lặng, kiên nhẫn leo lên đến đỉnh núi để mong thu nhận được linh khí đất trời, lòng người về truyền lại cho cháu con. Cụ nói: “Tôi còng lưng thế này nhưng càng leo càng khoẻ ra. Lên đến Am Bạch Vân tôi thấy lòng thật nhẹ nhõm, thanh tao. Phong cảnh nơi đây không chỉ đẹp mà có gì đó rất linh thiêng. Cho nên tôi đã mua các ấn phẩm này về để cho con cháu đọc mà học tập đức tài của các vị anh minh tiền bối…”.

Chỉ một chút tâm tình như thế của người đời sau đã thấy rõ giá trị tinh thần của vùng đất con người nơi đây, khẳng định di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc sẽ trường tồn cùng non sông đất nước.

Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét