Trong lúc những bãi biển nổi tiếng nằm dọc vùng duyên hải miền Trung luôn trở thành điểm “nóng” trong mùa hè, Vịnh Xuân Đài ở Phú Yên vẫn còn giữ hầu như nguyên vẹn nét đẹp nguyên sơ, ít bị tác động bởi những hoạt động kinh doanh du lịch thời hiện đại.
Đến Vịnh Xuân Đài là đến với một vùng non nước thắm đượm màu xanh: mặt biển xanh, rừng dừa xanh, rừng dương xanh, núi non xanh và bầu trời xanh thẳm. Những xóm làng bình yên nấp bóng dưới rừng dừa, những bãi cát trắng xen lẫn những bãi đá… Đi thuyền trên Vịnh Xuân Đài, phóng tầm mắt về phía tây là những dãy núi cao trùng điệp, về hướng đông trên bán đảo Xuân Thịnh bên cạnh những ngọn đồi xanh là cồn cát Từ Nham như dải lụa trắng điểm tô thêm cho vẻ đẹp của bức tranh sơn thủy.
Nằm vắt qua hai huyện Sông Cầu và Tuy An về phía đông bắc tỉnh Phú Yên và cách thành phố Tuy Hòa khoảng 45km về phía bắc, Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 8.400 ha, khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình năm 26,5 độC. Đi trên quốc lộ 1A ở đoạn quanh dốc Găng, từ xa du khách đã có thể chiêm ngắm gần như toàn cảnh Vịnh Xuân Đài với nhiều ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành những vũng nhỏ: vũng Lắm, vũng Mắm, vũng Dông, vũng Sứ, vũng Chua, vũng Me, vũng La.
Vịnh Xuân Đài thực chất là một cụm phong cảnh độc đáo của vùng biển Phú Yên. Nó được án ngữ bởi núi Cây Me nằm gần bờ, mưa nắng và sóng biển bào mòn chân núi thành những bãi đá lớn. Một trong số đó là Gành Đèn, gành đá được tạo nên từ nhiều tảng đá màu hồng nhạt chồng xếp lên nhau với nhiều hang hốc nhỏ. Phía sát mặt nước gành đá có bờ dốc đứng, từng đợt sóng đánh thẳng vào gành tung bọt trắng xóa. Dưới mặt nước, rong biển mọc dày như tấm thảm nhung dập dờn theo từng con sóng. Trên Gành Đèn có ngọn hải đăng chỉ lối để tàu bè ra vào vịnh.
Phía tây núi Cây Me là cửa Tiên Châu, nơi sông Cái đổ vào Vịnh Xuân Đài. Dưới thời nhà Nguyễn, đây là một hải cảng và là căn cứ thủy quân. Làng biển Tiên Châu là một trong những làng biển cổ nhất Phú Yên, làng hiện còn giữ một số sắc phong có từ thời Minh Mạng, Tự Đức và Đồng Khánh.
Về phía đông cửa Tiên Châu là bãi Bình Sa nằm lọt giữa lòng Vịnh Xuân Đài và một bên là sông Bình Bá. Bãi Bình Sa được bao phủ bởi rừng dương xanh quanh năm rì rào cùng gió biển. Dưới chân các ngọn núi là những gành đá xen lẫn những bãi cát nhỏ. Ở chân núi Cấm- một trong số những ngọn núi đó- có một gành đá lớn màu trắng hồng, do đó có tên là Gành Đỏ. Dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng diện tích không lớn lắm, nằm tương đối biệt lập nhau, lại có cát trắng mịn màng xen giữa các gành đá lớn nên cảnh quan rất kỳ thú.
Nếu bạn muốn khám phá đời sống của người dân địa phương thì nên đến những vạn chài trong vịnh. Từ Gành Đỏ đến gành Cây Sung có làng An Thạnh, nhà cửa san sát như một thị tứ nhỏ. Ở đây có nghề chế biến nước mắm nổi tiếng. Ngược lên phía bắc, bên bờ Vũng Lắm có làng Tân Thạnh rợp bóng dừa xanh, một thời từng là trung tâm buôn bán sầm uất. Đoạn từ gành Cây Sung đến mũi Cổ Cò (thuộc địa phận thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Phương) là đoạn bờ biển hình vòng cung, bờ rộng và dốc thoải, có nhiều khu dân cư đông đúc, trong đó có thị trấn huyện lỵ Sông Cầu.
Phía bắc bờ Vịnh Xuân Đài là đồng muối Trung Trinh- Lệ Uyên được hình thành từ lâu đời. Gần đó có đèo Vận Lương, tương truyền là con đường vận chuyển lương thực trong cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ thứ 18 tại khu vực Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Từ đèo Vận Lương đến Vũng La chạy men theo bờ vịnh, rồi đi qua ngọn đèo cao nằm giữa hai ngọn núi Hòn Tắc và Hai Phú, đứng trên ngọn đèo này bạn có thể quan sát được cả một vùng biển rộng phía đông nam Vịnh Xuân Đài.
Đoạn từ mũi Cổ Cò đến núi Cột Cờ (thuộc địa phận xã Xuân Phương) nằm sát cửa vịnh có nhiều mỏm núi nhô ra ngoài mặt nước. Trên núi bốn mùa cây cối tốt tươi, thỉnh thoảng có những mạch nước từ trên cao chảy xuống đủ để tạo thành những giếng nước ngọt nhỏ. Đây là những địa điểm lý tưởng cho những chuyến du lịch dã ngoại ở bờ đông Vịnh Xuân Đài.
Một di tích lịch sử bị quên lãng
Ngược dòng lịch sử, Vịnh Xuân Đài trước đây có tên gọi là Bà Đài, một thời từng là trung tâm hành chính của tỉnh Phú Yên xưa. Theo sử liệu, “... vào năm 1629, thủ phủ của Phú Yên là thành Hội Phú được xây dựng tại cửa Tiên Châu. Toà thành này tồn tại cho đến năm 1836 thì chuyển đển thành An Thổ cách tòa thành cũ khoảng 2 km về phía tây. Cuối thế kỉ 19, sau khi thiết lập nền bảo hộ lên phần đất Trung kì, Pháp đã đặt tòa Công sứ ngay tại Vũng Lắm vào năm 1887, đồng thời cũng đặt Sở Thương Chánh để kiểm soát việc buôn bán tại đây.” (Tư liệu Bảo tàng tỉnh Phú Yên).
Vũng Lắm nằm trongVịnh Xuân Đài cũng từng là thương cảng bậc nhất của Phú Yên trong quá khứ, là cửa ngõ thông thương giữa Phú Yên với bên ngoài. Tại Vũng Lắm có một cộng đồng người Hoa đến định cư vào khoảng cuối thế kỉ 18- đầu thế kỉ 19. Công việc doanh thương của họ đã góp phần làm cho Vũng Lắm trở nên sầm uất.
Vịnh Xuân Đài là một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên cũng như của cả nước. Trong thời kỳ giao tranh giữa nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn, Vịnh Xuân Đài đã thành chiến trường với nhiều trận thủy chiến lớn mà một trong những lần quân chúa Nguyễn hành quân đến đây còn được lưu lại trong thơ cổ:
Duyệt nguyệt chu sư bạc tiểu thành
Bà Đài ngạn thượng thả hưu binh (*)
(Trải tháng chu sư đậu ở tiểu thành
Lên bờ biển Bà Đài để tạm nghỉ binh)
(Cao xuân Dục, Lưu Đức Xửng, Trần Xán, Đại Nam nhất thống chí, quyển 10, tỉnh Phú Yên, Nxb. Nha văn hóa, Sài Gòn, 1964, tr 33-34).
Vịnh Xuân Đài cũng là nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ. “Năm 1832, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ do Edmund Robert và George Thompson mang theo thư của tổng thống Andrew Jackson đến Vũng Lắm. Vua Minh Mạng cử viên Ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức đến cùng quan tỉnh Phú Yên lên thuyền thiết tiệc và hỏi ý họ đến đây để làm gì. Phái đoàn Hoa Kỳ cho biết họ đến đây để xin giao hảo thông thương.” (Tư liệu Bảo tàng Phú Yên).
Tháng 4 năm 1945, tàu hải quân của quân đội Nhật hoàng tiến vào Vịnh Xuân Đài đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ đồng minh bắn chìm giữa vịnh. Thân tàu chìm khuất dưới làn nước sâu, chỉ còn nhô lên cột cờ tàu và đài quan sát. Cho đến những năm cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỉ trước vẫn còn các dấu tích này trongVịnh Xuân Đài.
Từ một điểm có vị trí chiến lược trong lịch sử của vùng nhưng đã bị lãng quên, giờ đây Vịnh Xuân Đài đã thành nơi du lịch lý thú. Vịnh Xuân Đài hợp cùng các danh thắng dọc bờ biển Phú Yên như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông ...tạo nên quần thể phong cảnh – di tích độc đáo lôi cuốn bước chân du khách mỗi lần đến “xứ nẫu” Phú Yên.
Thông tin thêm:
Cách đi đến đó. Vịnh Xuân Đài thuộc địa phận hai huyện Sông Cầu và Tuy An nằm về phía đông bắc tỉnh Phú Yên. Theo hướng lộ trình từ Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tại trung tâm thành phố Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên, bạn đi theo quốc lộ 1A khoảng 45km về phía bắc, gặp dốc Găng là đến Vịnh Xuân Đài. Tuy Hòa cách TP. HCM 561 km.
Một số thắng cảnh khác nằm trong Vịnh Xuân Đài
- Hòn Yến: nằm sát cửa vịnh, diện tích khoảng 4 ha, trên đảo có những khối đá lớn dựng đứng, trước đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ nên mới có tên gọi như thế.
- Cù lao Ông Xá: diện tích khoảng 10 ha đối diện Gành Đỏ, cách bờ biển khoảng 200 m. Phía đông Cù lao Ông Xá là mỏm đá dựng đứng, phía bắc có bãi cát trắng chạy dài. Cù lao Ông Xá như một pháo đài án ngữ trước Vũng Lắm.
- Đảo Nhất Tự Sơn: hình thể giống như chữ Nhất trong tiếng Hán nên gọi là Nhất Tự Sơn. Nhất Tự Sơn là hòn đảo đẹp nhất trong Vịnh Xuân Đài, đảo có diện tích 6 ha, nằm cách bờ biển khoảng 300m, khi thủy triều xuống có thể lội từ bờ ra đảo. Cả hòn đảo được che phủ bởi một rừng cây xanh tốt, trong đó có nhiều loại cây cổ thụ. Xung quanh đảo có nhiều vị trí thuận lợi để du ngoạn hay ngồi câu cá. Phía đông đảo có nhiều tảng đá chồng thành bậc như ghế ngồi, sát mép nước có nhiều khối đá nhô lên khỏi mặt nước chạy song song tạo nên những khe nước nhỏ. Hiện nay đảo Nhất Tự Sơn và vùng phụ cận đã được đầu tư thành một khu du lịch sinh thái được rất nhiều du khách đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi
Theo Vntravellive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét