Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Du lịch Bến Tre

Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 85km về phía tây nam, Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, xứ sở của những cù lao mênh mông sông nước, rợp bóng những hàng dừa, xum xuê bốn mùa cây xanh quả ngọt.

Bến Tre tiếp giáp với biển Đông, có bờ biển dài 60 km, phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh.
Bến Tre có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thị xã Bến Tre, Huyện Ba Tri, Huyện Bình Đại, Huyện Châu Thành, Huyện Chợ Lách, Huyện Giồng Trôm, Huyện Mỏ Cày, Huyện Thạnh Phú. Trong thời Chiến tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là quê hương "Đồng Khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chống chế độ Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.

Du khách về Bến Tre có dịp ghé thăm xã An Ðức, huyện Ba Tri, đây là nơi an nghỉ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Ðình Chiểu, cùng thắp nén hương nhớ lại sự nghiệp văn chương yêu nước của cụ. Nhắc đến Ba Tri là nhắc đến mảnh đất có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, với hình ảnh Ông già Ba Tri trở thành huyền thoại cho đến nhà thơ mù lòa Nguyễn Ðình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên bất hủ. Ở gần mộ cụ Ðồ Chiểu còn có mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta, đó là tờ Nữ giới chung. Sau đó, du khách có thể qua xã Bảo Thạnh, viếng lăng cụ Võ Trường Toản, một vị túc nho, một thầy giáo nổi tiếng đã được đông đảo sĩ phu Nam Bộ đương thời kính trọng.

Qua cù lao Minh, du khách đến huyện Mỏ Cày, thăm xã Bình Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, cái nôi của phong trào Ðồng Khởi trong thời chống Mỹ. Ngày 17 tháng 1 hằng năm được chọn làm ngày Ðồng Khởi. Ðây cũng chính là nơi ra đời đội quân tóc dài mà tiếng vang của nó đã được bạn bè khắp thế giới biết đến. Bến Tre không chỉ có những di tích lịch sử giàu truyền thống, mà còn nổi tiếng với các loại cây ăn trái và làng cây kiểng.

Về thăm Bến Tre mà du khách không đến thăm và thưởng thức trái cây ở huyện Chợ Lách sẽ là một thiếu sót lớn. Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách nổi tiếng về vườn cây ăn trái. Ðây cũng là quê hương của Trương Vĩnh Ký tức Pétrus Ký, nhà bác học, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Nam Bộ đã có công mang một số giống cây trái từ Ma-lai-xi-a về trồng ở đây vào cuối thế kỷ 19. Cái Mơn đất đai màu mỡ, cây xanh trái ngọt, mùa nào thức ấy. Ðến các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Sơn Ðịnh, Phú Sơn vào mùa trái cây, du khách không khỏi ngạc nhiên trước những vườn chôm chôm chín đỏ, những vườn xoài, vườn cam, vườn quýt, vườn sa-bô-chê oằn quả che khuất cả lối đi.
Cái Mơn, nơi nổi tiếng với Sầu riêng Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Ðến đây mùa nào cũng có các loại trái cây để ăn. Làng nghề Cái Mơn hàng năm còn cung ứng cho thị trường nhiều triệu cây giống các loại như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon và các loại cây có múi. Cái Mơn cũng là nơi có nhiều nghệ nhân, nhân giống triết cành tạo nên các loại cây cảnh và hình bó nai, hình con hươu, nai, rồng, phượng... rất đẹp mắt. Sản phẩm được bán nhiều ở Thủ Ðức, Biên Hòa,... và xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Khách du lịch về Bến Tre bằng du thuyền sẽ gặp mảnh đất đầu tiên của xứ dừa thơ mộng nằm giữa sông Tiền bao la quen gọi là Cồn Phụng (thuộc huyện Châu Thành). Cồn Phụng là cửa ngõ ra vào Bến Tre. Cồn Phụng từng là thánh địa của ông Ðạo Dừa. Khi đặt chân lên Cồn Phụng, du khách có cảm tưởng như ở trên con tàu quanh năm sóng vỗ, bốn bề là vườn cây ăn trái xanh mát. Ngày nay, Cồn Phụng là một điểm quan trọng trong tuyến du lịch về xứ dừa Bến Tre.
Ngoài ra còn có Cồn Ốc (Cồn Hưng Phong) thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả, cồn Tiên thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, là một bãi cát đẹp, hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng vạn người đến tắm và vui chơi giải trí.

Cũng có thể dùng thuyền máy xuôi dòng sông Ba Lai về vườn chim Vàm Hồ trên cù lao Lá. Ðây là là nơi trú ngụ của gần 500.000 con cò và vạc và các loài chim thú hoang dại khác cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú gồm các loại cây ổi, so đủa, đậu ván, mãng cầu xiêm, dừa nước, đước đôi, bụp tra, chà là, ô rô, rau muống biển... Sân chim Vàm Hồ là khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn, du khách sẽ được hướng dẫn thăm sân chim Vàm Hồ và có cơ hội được nhìn toàn cảnh sân chim khi leo lên dàn tháp bằng gỗ thật cao trông như một đài quan sát. Du khách thật sự thích thú khi được sống chan hòa trong thế giới âm thanh của đủ loại chim, tất cả như một bản hòa tấu vô vàn âm sắc.

Bến Tre cũng có những bãi tắm đẹp như bãi biển Thừa Đức thuộc Bình Đại, bãi Ngao ở huyện Ba Tri. Các chùa nổi tiếng ở Bến Tre là chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh. Chùa Hội Tôn Chùa được thiền sư Long Thiền dựng vào thế kỷ 18 tại ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành và được trùng tu vào các năm 1805, 1884, 1947 và 1992. Chùa Tuyên Linh được dựng vào năm 1861 ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mõ Cày, và được tu sửa và mở rộng vào các năm 1924, 1941, 1983. Chùa Viên Minh tọa lạc ở 156, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị xã Bến Tre, với kiến trúc hiện nay được xây từ năm 1951 đến 1959.

Bến Tre có mộ của Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và nữ tướng Nguyễn Thị Định và cả ngôi mộ của nhà bác học nổi tiếng Trương Vĩnh Ký. Có hai lễ hội lớn hàng năm ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông.

Khi rời Bến Tre, du khách không quên chọn mua một ít món quà nổi tiếng như kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồn, được truyền tụng qua câu ca: "Kẹo Mỏ Cày vừa thanh vừa béo / Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan...".

Tổng hợp từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét