Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Du lịch Núi Két

Núi Két thuộc ấp núi Két, xã Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang. Nằm về phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách thành phố Long Xuyên khoảng 70km theo Quốc lộ 91 về hướng Tây, rồi rẽ qua tỉnh lộ 48 khoảng 1 km là đến Khu du lịch Núi Két.

Núi Két có hình khối tròn, cao 225m, dài và rộng hơn 1.100m. Núi ở phía đông thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91 rồi rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi được bao bọc bởi những ngọn núi khác như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc...

Được gọi là Núi Két vì ở độ cao khoảng một trăm mét, tính từ chân núi, bên vách phía tây gần trên đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó gần giống mỏ chim Két (tức chim anh vũ - Anh vũ sơn).



Men theo lối đi lên đỉnh núi là con đường độc đạo, được xây hàng ngàn bậc thang bằng những phiến đá để đi dần lên đỉnh núi. Trên núi két có gần 20 chục điểm tham quan gắn với các truyền thuyết lịch sử tôn giáo vùng Thất Sơn, mỗi điện thờ có một tích riêng, có thể kể như sau: Mỏ ông Két – Điện Năm Non Bảy Núi – Mẹ Quan Âm Nam Hải – Điện Phật Vương – Điện Chiến sĩ cách mạng – Hang điện có hài cốt Chiến sĩ – Giếng Tiên – Điện chư thần – Sân tiên – Điện Phật thầy – Điện Phật A di đà – Điện Ngọc Hoàng – Lê Sơn Thánh Mẫu – Cửu Thiên Huyền Nữ - Điện phật Mẫu – Điện Huỳnh Long – Điện địa Tạng Vương – Điện Hang Đức Cử Đa – Điện Ngũ hành - Điện Ba Cô…

Mặc dù Núi Két ở độ cao 225 mét, nhưng con đường lên núi có nhiều dốc thẳng, chinh phục nhiều bậc thang bằng đá, vượt qua nhiều đoạn chênh vênh. Ở độc cao 100 mét là mõm ông Két, mặc dù vách đá cheo leo, nhưng chủ nhân đã cho xây dựng một sân rộng vừa ngắm cảnh vừa làm điểm dừng chân nghỉ mệt. Sau lưng Mõm ông Két là điện thờ chư vị Năm Non Bảy Núi, những người có công khai khẩn vùng Thất Sơn, riêng Năm Non là cụm từ chỉ địa danh năm “chỏm” cao gọi là “Vồ” gồm: Vồ Bồ Hong, Vồ Bướm, Vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Tiên Tuế. Bên ngoài điện có hai câu:
Trên Năm Non rồng phụng tốt tươi (tả), Miền Bảy núi mà sau báu quý (hữu).

Tiếp tục lội lên Bãi Sân Tiên (mõm núi) phải mất 1 giờ mới đến mõm núi, được xem nhiều hạng mục xây dựng. Nơi đây, không khí lạnh như Đà Lạt, gió lồng lộng mát rượi xua đi cơn mệt mõi. Phóng tầm mắt nhìn xuống Tịnh Biên, nhà cửa cây cối chập chùng, lòng cảm thấy rờn rợn với núi rừng chơi vơi.
Khu du lịch sinh thái Núi Két có bãi đậu xe rộng rãi, có phòng trọ thoáng mát, phong cảnh hữu tình, giá vé 8000đ vào khu du lịch. Khách tham quan được bảo hiểm tai nạn. Từ Tết Nguyên đán đến tháng tư (âm lịch) là cao điểm, hàng triệu lượt du khách đã về đây tham quan, bái vọng. Ở nơi đây những khách hành hương già, yếu không thể vượt núi, sẽ có dịch vụ khiêng, cõng.

Trong các điểm tham quan, du khách không thể bỏ qua bãi Giếng Tiên, đây là giếng nhỏ với ngụ ý Tiên ban cho, nước ở dưới giếng có quanh năm nhưng người ta không biết có từ nguồn nào và chắc chắn không do bàn tay con người xây dựng. Giếng được nhiều người dùng, dấu vết để lại trên đá đã minh chứng điều đó. Hay du khách đến tham quan “Hang điện có hài cốt chiến sĩ”, nơi đây gió luồng lồng lộng xuyên qua hang mát lạnh, vô cùng dễ chịu. Hoặc tham quan “Điện Phật Thầy Tây An” hay xuống “Điện hang ông Cử Đa”…

Núi Két là một danh thắng, là điểm du lịch thiên nhiên, tâm linh. Trong dịp du khách hành hương về vùng Bảy Núi, nhớ ghé qua tham quan khu du lịch Núi Két, tiêu biểu nhất là “mỏ ông Két” cùng với nhiều truyền thuyết dân gian gắn liền với thời lưu dân mở đất.
Theo Tamnhin.net

Đình Thới Sơn tọa lạc gần chân Núi Két, là nơi được nhiều người tìm đến để thăm viếng. Đình do Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên (1807-1856), giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cùng với những tín đồ của ông xây dựng vào năm 1851, khi họ đến làng Xuân Sơn và Hưng Thới (nay là ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang) khai hoang và canh tác.
Ban đầu đình được xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Năm 1945 đình bị quân Pháp đốt phá. Năm 1956, đình được người dân dựng lại với khung sườn bằng gỗ, lợp ngói, nhưng lại bị bom đạn đánh sập.

Sau năm 1975, dân làng góp công, góp của xây dựng lại theo kiến trúc cổ lầu, ba bộ nóc, mái nhị cấp, lợp ngói Phú Hữu, tường xây, nền gạch men, bốn cột chính bằng bê tông cốt sắt có đường kính 60cm biểu trưng cho tứ chúng. Chung quanh đình còn có các công trình nhà khách, nhà bếp, bồn chứa nước...
Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính. Sân đình có bàn thờ Tổ quốc, Thần Nông và các miếu thờ Sơn Quân, Bạch Mã, Chiến sĩ trận vong. Ngoài cổng là một hồ nước rộng chứa nước sinh hoạt cho cả vùng và cũng chính là nơi theo truyền thuyết, ông Đình Tây (đệ tử của Đoàn Minh Huyên) lén thả nuôi một con sấu hung dữ có tên Ông Năm Chèo.

Nội thất đình trang trí nhiều sắc màu, các khánh thờ chạm khắc công phu, sắc nét với các đề tài: Bát tiên, cuốn thư, hoa, điểu thú. Đình thờ Thành hoàng Bổn cảnh[1], trước hương án có cặp hạc đứng trên lưng qui chầu thần. Hai bên tả, hữu có các bàn đối xứng thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Có võ ca làm chỗ diễn tuồng hát bội trình thần vào các ngày đại lễ Kỳ yên.[2]
Trước đây, đình còn là nơi dung chứa nhiều cán bộ cách mạng trong thời gian kháng Mỹ của dân tộc Việt. Đình Thới Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1999.

Ngoài đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn, chùa Phước Điền (trại ruộng của Đoàn Minh Huyên ), mộ ông Đình Tây, mộ ông Bùi Thiền Sư (cũng là đệ tử của Đoàn Minh Huyên) đều được nhiều người viếng thăm, cúng bái khi đến tham quan núi Két.
YuMe.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét