Thành Hồ còn được gọi là thành An Nghiệp, án ngữ phía bắc sông Đà Rằng, thuộc xã An Nghiệp, huyện Tuy Hòa (nay thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, Phú Yên). Tuy hiện thành chỉ còn là phế tích, nhưng đây từng là vị thế hiểm yếu về quân sự chính trị của vương quốc Chăm Pa.
Từ sau cuộc chinh phạt của vua Lê Thánh Tông năm 1471, với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía Nam, nhà vua đã cho cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông đến chân đèo Cả lập nên một quốc gia riêng gọi là Hoa Anh, cử một hào trưởng địa phương làm Hoa Anh vương; lấy phần đất thượng nguyên phía tây quốc gia này lập thêm nước Nam Bàn, xem đây là vùng đệm ngăn cách Đại Việt với Chăm Pa từ miền núi sâu ra tận biển.
Tuy nhiên, các vua Chăm Pa liên tiếp đem quân đánh phá cả Hoa Anh lẫn Nam Bàn, tái chiếm lại vùng đệm này, đồng thời ngưng trệ hẳn mọi hoạt động xây dựng đền tháp trên toàn bộ vương quốc để dốc sức dựng lên một thành lũy kiên cố, chống trả có hiệu quả nhằm bảo vệ phần lãnh thổ ít ỏi còn lại ở phía nam.
Thành Hồ có mặt trong tình thế mới xuất hiện mang tính giằng co quyết liệt này tại bờ bắc vùng hạ lưu sông Ba, nơi có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, không chỉ hiểm yếu về mặt quân sự mà cả thế đứng về chính trị và tiềm năng kinh tế.
Thành có bình đồ hình chữ nhật, cao 3 - 5m, rộng 15 - 25m, bốn chòi canh ở bốn góc. Tường thành phía nam chạy dọc theo sông Đà Rằng, dài 825m, đã bị nước sông xói lở. Tường thành phía đông dài 732m, tường phía tây dài 940m, phía bắc dài 738m.
Bên trong vòng thành có một bức tường thành thứ năm chạy theo hướng bắc - nam, song song và cách tường thành phía đông 700m, chia khu thành làm hai phần đông và tây. Khu tây là thành nội, hẹp nhưng cao hơn thành ngoại phía đông, có mỏm sân cờ rộng 34 x 34m, cao 10m. Song song về phía ngoài và cách tường thành phía tây 28m, còn có một bức tường chắn thứ sáu, xây trên sườn núi như một lá chắn, dài 360m, gọi là thành chắn.
Thành Hồ có tất cả 8 cửa ra vào, rộng từ 6 - 14m, ngoài và trong thành có dấu vết những hào nước và ba hồ lớn. Mỗi phía thành có mở 2 cửa ra vào, gọi là cửa sinh và cửa tử. Cửa sinh dành để quân lính di chuyển hằng ngày, không có gì nguy hiểm nhưng lại được canh gác cẩn mật. Trái lại, cửa tử canh gác sơ sài.
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đem quân tiến vào Hoa Anh tấn công thành Hồ, tướng tiên phong là Cao Các mắc mưu lọt vào cửa tử nên bị tử nạn, cũng nhờ đó Lương Văn Chánh khám phá ra bí mật bố phòng của quân Chăm, thúc tướng sĩ xông vào các cửa sinh và triệt hạ được thành. Vua Chăm Pa là Pô Át (1553 - 1579) có lẽ đã chết trong thời điểm này.
Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Chăm Pa vẫn tiếp tục phản công hòng chiếm lại vị trí hiểm yếu đã mất này, song không còn cơ hội để thực hiện.
Vua Po Nít (1603 - 1613) phải từ bỏ Hoa Anh rút vào phía nam đèo Cả. Năm 1611, phủ Phú Yên xuất hiện tên trên địa bạ hành chính thuộc danh mục "đất mới mở" của chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong. Một cột mốc quan trọng được đánh dấu tại đây trong công cuộc mở đất hướng về phương nam của dân tộc.
Theo Bee.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét