Lễ cúng Bến nước là một sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên cầu cho nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng.
Già làng Plây Lê, dân tộc Giẻ Triêng ở làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bảo: “Đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng đối với người Giẻ Triêng. Nước còn quan trọng hơn cả cơm ăn, áo mặc. Không ăn cơm còn sống được cả tháng trời, không có áo mặt thì chỉ bị lạnh thôi, còn không có nước thì không thể sống được. Chính vì vậy mà thần nước được người Tây Nguyên thờ cúng long trọng, và vô cùng linh thiêng…”.
Ngay từ khi tìm đất lập làng, người Tây Nguyên bao giờ cũng quan tâm tìm nguồn nước. Một nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất chính là nơi người Tây Nguyên chọn là nơi lập làng…
Để thực hiện nghi thức đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng, người Tây Nguyên chọn ra những người đàn ông tài giỏi của buôn làng dựng cây nêu. Để tránh súc vật chạy qua, cây nêu sẽ được chọn dựng ở vị trí cao ráo trước nhà Rông. Một số người khác sẽ phải đi lên đầu nguồn nước để kiểm tra, đảm bảo nguồn nước trong lành sẽ chảy về làng.
< Già làng Plây Lê dân tộc Giẻ Triêng hứng những giọt nước đầu tiên từ nguồn nước mới.
Trước khi tiến hành nghi lễ, từ sáng sớm, già làng sẽ đánh những hồi chuông dài báo cho buôn làng biết là sắp tổ chức lễ cúng bến nước. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, treo đồ vật trang trí.
< Dân làng Tây Nguyên hứng những giọt nước đầu tiên cầu may.
Theo giải thích của già làng Plây Lê, lễ cúng có 3 phần. Phần thứ nhất là cúng tại bến nước để cầu cho thần nước mang lại sức khỏe cho buôn làng, tiếp đó là cúng tại hàng rào trước khi mang nước vào nhà và cuối cùng là cúng tại nhà của chủ bến nước. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở bến nước, người ta sẽ lấy nước vào các vật đựng nước, thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và gùi về nhà lấy phước. Trong khi đó một đoàn người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ...
< Múa hát mừng nước về.
Chàng trai 28 tuổi TLắp Niê, dân tộc Ê đê đến từ Đắk Lắk kể: “Từ bé, tôi đã được tham dự nhiều lần lễ cúng Bến nước nhưng lễ cúng ở buôn mới (Làng VHDL các dân tộc VN) rất độc đáo bởi được trang trí đẹp, và rất vui vì đông người các dân tộc khác cùng tham dự”.
TLắp Niê nói thêm, ở buôn làng người Ê đê, lễ cúng thường được thực hiện sau khi thu hoạch vụ mùa và sau lễ mừng lúa mới để cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau.
< Đồng bào tụ tập uống rượu cần ở nhà dài sau khi nghi lễ kết thúc…
Đứng xem lễ cúng Bến nước của đồng bào Tây Nguyên từ đầu đến cuối, hướng dẫn viên của đoàn Gia Lai, chị Lý Như Quỳnh, Ban Dân tộc (Làng VHDL các dân tộc VN) bày tỏ cảm xúc: “Đây là một nghi lễ văn hóa khá độc đáo của dân tộc Tây Nguyên cần bảo tồn và phát huy. Vì bên cạnh tín ngưỡng, thì việc già làng kêu gọi con cháu trong buôn phải biết giữ gìn cho nguồn nước sạch sẽ, trong lành, không được làm ô nhiễm môi trường nước là một trong những chủ trương mà cộng đồng chung đang hướng tới”.
Kết thúc nghi lễ, cả buôn làng tập trung về nhà dài để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã. Những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu nhảy tưng bừng đưa mọi người xích gần nhau hơn, trong tiếng hát ca dưới mái nhà chung của các dân tộc.
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét