Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Êm đềm hồ Đại Lải

Đại Lải nằm ở chân dãy núi Tam Đảo có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Với trung tâm là hồ Đại Lải rộng 525 ha và vùng phụ cận là rừng và đồi núi chập chùng trên hàng vạn ha nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh cách nội thành Hà Nội 40 km, cách sân bay Nội Bài 9 km có hệ thống đường bộ đi lại thuận tiện.

Khí hậu và thời tiết ở Đại Lải không có những biến động lớn. Đặc biệt mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp hơn so với Hà Nội. Động vật tuy không nhiều nhưng còn một số loài như: khỉ, lợn rừng, hươu, chồn, sóc nhím, trăn, rắn và một số loài chim đang được bảo vệ. Đại Lải là một khu du lịch có tính quốc tế có sân golf, biệt thự trung tâm thương mại. Đại Lải là khu vực vui chơi, hoạt động thể thao, nghỉ cuối tuần, tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đảo và bán đảo phủ màu xanh cây cỏ, hồ nước mênh mông soi bóng rừng thông, xa xa là dãy Tam Đảo in trên nền trời xanh vương mây trắng... Vùng đất Đại Lải đẹp đến bất ngờ với khách phương Nam lần đầu đặt chân đến đây. Anh bạn tôi, một cư dân Hà Nội nhưng là thổ công của đất Đại Lải, đưa tôi đi thăm thú nơi anh đang tham gia một dự án lớn ven hồ. Chỉ sau khoảng 45 phút ngồi ôtô từ thủ đô chúng tôi đã đến địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.

Xe băng qua những khu dân cư, những mảnh vườn, những con đường nhỏ quanh co của xã Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên) và rồi một khung cảnh bát ngát mở ra: hồ Đại Lải mơ màng trải rộng đến ngút tầm mắt, trên mặt nước phẳng lặng điểm vài chiếc thuyền con của khách nhàn du, xa hơn là những vệt xanh thẫm của các đảo và bán đảo.

Hồ nước nhân tạo rộng đến hơn 500ha ấy cứ lênh loang giữa các cánh rừng thưa, những quả đồi bát úp đặc trưng vùng trung du Vĩnh Phúc, các thung lũng và hẻm núi để hình thành các bán đảo chồm ra mặt hồ. Giữa hồ có một đảo lớn rộng 3ha và một số đảo nhỏ, nơi quần cư của nhiều loài chim. Theo cư dân địa phương, vài năm gần đây nhiều đàn chim bay về làm tổ ở đảo giữa hồ và ngày càng tăng thêm số lượng cũng như chủng loại, hẳn do môi trường sinh thái nơi đây đã thu hút chúng.

Ngày trước khi chưa có hồ Đại Lải, vùng này khô cằn, đất đai bạc màu sau những mùa mưa lũ do phù sa bị trôi đi. Năm 1959, một hồ chứa nước được khởi công xây dựng và sau gần năm năm thì hoàn thành.
Ban đầu chỉ nhằm mục đích phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp nhưng nay lại trở thành một viên ngọc quý của Vĩnh Phúc và cả thủ đô Hà Nội cách đó 50km, do có tiềm năng lớn để phát triển du lịch và xây dựng các trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp.

Quả vậy, các khu du lịch xung quanh khu vực hồ Đại Lải đang phát triển, thu hút du khách trong và ngoài nước, nhất là khách thủ đô muốn tìm một không gian yên bình cho những ngày nghỉ cuối tuần, nơi họ có thể tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên khoáng đạt, có thể tắm mát ở các bãi tắm nhân tạo chẳng kém các bãi biển đẹp và hoang sơ, chèo thuyền kayak dạo chơi trên hồ, đi bộ dưới tán rừng...

Một thuận lợi lớn nữa cho vùng du lịch - nghỉ dưỡng Đại Lải là khí hậu ở đây thật dễ chịu cả vào mùa hè oi bức lẫn mùa đông cắt da của miền Bắc: nhiệt độ trung bình vào những ngày hè khoảng 290C nhờ hồ nước rộng lớn cùng hơn 9.000ha rừng phòng hộ đóng vai trò như một máy điều hòa tự nhiên, còn vào mùa đông là gần 170C do được dãy Tam Đảo và các ngọn núi Mỏ Quạ, Thằn Lằn, Cột Cờ che chắn khỏi những làn gió bấc lạnh buốt.

Có cảnh quan đẹp nhất vùng này là khu du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đang trong quá trình hoàn thiện: Flamingo Đại Lải rộng 120ha, gồm các bán đảo lớn và một số đảo nhỏ tại phía bắc hồ nước. Đây đó là những đồi thông, keo trồng lâu năm, những thảm cỏ xanh được chăm sóc kỹ, những vạt hoa và lá màu khéo sắp đặt và cả những khối đá nhiều hình thù lạ mắt... Bạn tôi cho biết nhiều loài hoa lạ đã và đang được trồng nơi đây để tạo một sinh cảnh không đâu có được.

Tại đây có một công trình bằng tre vào loại lớn nhất của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, tác giả của quán cà phê nổi tiếng Gió Và Nước ở Bình Dương. Hay một bãi tắm ven hồ được trải toàn đá cuội, tô điểm bằng những thân cọ, loài thực vật tiêu biểu của vùng trung du.

Chiều xuống, trong ánh hoàng hôn bên hồ nước, đột nhiên một bầy chim vỗ cánh bay lên từ vạt rừng trên đảo lớn giữa hồ. Bạn tôi bảo đó chính là bầy chim sâm cầm - loài chim mà tôi lần đầu tiên được thấy tận mắt. Ơi, “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”... (nhạc Trịnh Công Sơn).

Theo Dulichtuoitre, Tourdulich

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét