Gốm Bình Dương không chỉ gắn với nghề truyền thống có từ trăm năm trước mà còn nghề đang ăn nên làm ra. Cách TP Hồ Chí Minh chưa tới 30km, làng nghề gốm đã trở thành điểm đến của những người ưa thích khám phá, mê cái nghề “biến cục đất vô tri thành sản phẩm có hồn”.
Nghề gốm Bình Dương gắn với lịch sử phát triển vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Theo những người dân địa phương lớn tuổi, gốm Bình Dương xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19 tại Tân Phước Khánh, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa... Tương truyền nghề gốm ngày xưa được người Hoa ở Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông sang định cư tại đất Thủ (một cách gọi cho thị xã Thủ Dầu Một-Bình Dương) và hình thành nên nghề gốm mang đặc trưng của từng vùng. Gốm kiểu Quảng Đông phong thái trang nhã, sử dụng men trang trí; kiểu Phúc Kiến đơn giản hơn, thường là các vật dụng có màu tối; gốm Triều Châu chủ yếu là màu men xanh trắng, hình ảnh phong cảnh sơn thủy hữu tình, con vật...
Phần lớn trong số hơn 500 lò gốm hiện đang hoạt động ở địa phương là nghề cha truyền con nối của người Hoa, một số ít còn lại là của người Việt bản địa. Có những lò gốm tuổi ngót 1,5 thế kỷ.
Từ xưa, gốm Bình Dương đã theo các con sông lớn, kinh rạch đổ đi khắp nơi ở khu vực miền Đông sang Tây Nam bộ và nổi tiếng khắp vùng. Gốm Bình Dương hiện đã thay đổi nhiều về kỹ thuật, mẫu mã để thích ứng với thị trường. Nhiều thương hiệu gốm được khẳng định như: Minh Long, Hiệp Ký, Nam Việt, Minh Tâm, Cường Phát...
Tham quan vùng đất được xem là cái nôi nghề gốm này, du khách không khỏi thán phục tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân và óc sáng tạo của người làng nghề.
Đứng đầu phải kể đến thương hiệu Minh Long. Đây là gia đình truyền thống làm gốm ở đất Thủ. Gốm Minh Long ở Bình Dương mang sắc thái riêng, giá trị cao hơn vượt khỏi ranh giới quốc gia sang nhiều nước trên thế giới...
Dù đã sản xuất theo hướng công nghiệp nhưng trong tâm khảm của các nghệ nhân làng nghề, của người đất Thủ vẫn âm vang câu ca dân gian gắn với bao đời nay:
“Ai về chợ Thủ bán hũ, bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đăm tiêu...”
Nghề đã gắn với đất và người nên làm gốm như là sự sống, huyết quản của người Bình Dương. Những làng gốm hiện trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất này. Rất nhiều du khách đến Bình Dương để được hiểu về cuộc sống làng nghề, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nghề gốm. Các nghệ nhân đất Thủ đã tạo nên những tuyệt tác lập kỷ lục Việt Nam, với cúp Sen Vàng, cúp Hồn Việt, chén ngọc Văn Lang, quốc bình Thăng Long, lu Thiên Địa, đèn gốm, địa cầu. Thăm những cơ sở sản xuất gốm, du khách đứng ngắm mãi, quên cả thời gian bởi vẻ đẹp của nước men và các hoa văn, họa tiết tinh xảo mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đến thị xã Thủ Dầu Một-Bình Dương, du khách không chỉ ngắm gốm mà còn ghé vườn trái cây Lái Thiêu và tham gia những chuyến du lịch xanh với nhiều chương trình thú vị; thăm miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (hay còn gọi là Chùa Bà Bình Dương. Nơi đây là điểm đến tâm linh diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nhất là vào dịp Tết Nguyên tiêu. Miếu còn nhiều vật dụng, lư hương, gạch... làm từ gốm xưa của Bình Dương. Khi xác định tuổi của làng nghề truyền thống này, nhiều nhà khảo cổ dựa vào năm xây dựng ngôi miếu.
Bình Dương còn có khu du lịch Đại Nam nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, trò chơi giải trí phong phú. Trong khu du lịch có vườn thú mang nét độc đáo riêng vì sở hữu được loài hổ trắng quý hiếm cùng nhiều loài thú khác được mang về từ khắp nơi trên thế giới... Đến đây, du khách đến quán cà phê WnW (Gió và Nước) với kiến trúc thân thiện: một mái nhà hình chiếc nấm được sử dụng tre, gỗ, xung quanh lợp và dừng tranh trông như một ụ rơm khổng lồ nổi trên mặt nước; sảnh cà phê được cất từ tre lá nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng.
Theo báo Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét