Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 12)

Hoangbquang: Hai đứa tôi vượt qua đèo Khu Đăng. Trời ngả sang chiều mặc dù mới là 13h. Con đường vẫn hun hút quanh co, uốn lượn sâu tít trong bầu không khí oi nóng và âm u của rừng rậm trưa hè. Tiếng ve sầu kêu râm ran, tiếng chim thánh thót và tiếng cây rừng "vặn mình" kẽo kẹt ....

Vừa đi qua một khúc cua, chúng tôi chợt nhìn thấy một ngôi nhà 2 tầng màu sơn vàng, quốc kỳ tung bay phần phật. À, đấy là đồn biên phòng. Cổng đồn lặng phắc chẳng có ai. Chúng tôi phi xe vụt qua. Con đường bỗng thẳng tắp đằng trước mặt.

Từ phía xa, tôi phát hiện có một đám đông lố nhố. Một người mặc đồ sĩ quan chạy ra giữa đường "chặn" chúng tôi lại. Gần 10 đồng chí bộ đội biên phòng đang vây quanh một chị phụ nữ và một anh sĩ quan, trên tay anh bộ đội bồng một cháu nhỏ quấn chăn "tùm hụp"....
.
Anh bộ đội lớn tuổi nhất, có vẻ là chỉ huy đồn vì đeo lon trung tá thò đầu vào cabin xe:

- Này anh chị, nhờ anh chị chở giúp chúng tôi một cháu bé đi cấp cứu được không? Cháu nó đang bị sốt cao, phải đi cấp cứu ngay. Chúng tôi chờ ở đây suốt từ sáng đến giờ mới có 1 chiếc xe này đi qua ... Tình hình gay lắm. Anh chị cố giúp cho ....
- Cấp cứu ở đâu hả anh.
- Ở thành phố Đồng Hới....
- Ủa! Ở đây có đường về Đồng Hới không ạ?
- Có! Chính là ngã ba này, nhưng đường đang làm, xe không thể đi được, từ đây về Đồng Hới 60km. Còn nếu đi thẳng cách đây 30km, có xã Trường Sơn, gần đó có ngã ba có đường về Đồng Hới, đường rải đá dăm, xe này chạy tốt.
- Vâng, các anh chị đưa cháu lên xe đi.
....Thế là chúng tôi phi xe như điên để đưa cháu bé đi cấp cứu.

Đúng là rừng Trường Sơn, rừng thiêng nước độc. Chị vợ anh bộ đội biên phòng là giáo viên ở vùng quê Hà Tĩnh, lấy nhau được 4 năm những không có con vì anh chồng đi xa suốt năm tháng. Vì muốn gần chồng, chị xung phong lên Trường Sơn cùng các chiến sĩ biên phòng lập lớp học xóa mù cho bà con dân tộc Vân Kiều, Mạ, Giẻ Triêng, Chứt... Hai vợ chồng được đồn biên phòng làm cho một căn nhà ở cổng đồn, hàng ngày chị đi dạy học cho bà con biết cãi chữ ....Năm sau chị có con với anh. Cháu bé mới được 10 tháng, hôm qua bỗng lên cơn sốt co giật. Y sĩ đồn biên phòng chẩn đoán cháu bị sốt vi rút và nhiễm trùng hô hấp....Đôi mắt nó lờ đờ dại hẳn đi nhìn chúng tôi, toàn thân quấn trong một chiếc chăn lính chỉ còn ló khuôn mặt như xám ngoẹt ... Trông thật tội nghiệp cho bé.

Hơn 30 km từ đồn biên phòng về đến xã Trường Sơn nhanh chóng qua đi. Giữa rừng rậm Trường Sơn "bỗng" có một thung lũng bằng phẳng, một dòng sông xanh trong êm đềm chảy lững lờ và một xóm nhỏ với vài chục nóc nhà mái ngói. Cánh đồng bãi ven sông cỏ mượt mà với một đàn bò vàng, nâu, đen cả trăm con đang thủng thẳng gặm cỏ. Khung cảnh thật là trù phú, lạ cái là nó nằm lọt thỏm trong rừng đại ngàn, tách biệt ...

Cháu bé tự nhiên kêu rên, co giật rất mạnh. Người mẹ ôm chặt cháu, miệng mếu máo. Cũng may đứa bé chỉ co giật một chút rồi lại thiêm thiếp ... Hai vợ chồng thay nhau bế và xoa bóp. Tôi bắt đầu lo lắng, có vẻ hơi cuống khi tay lái không còn "chuẩn" nữa ...

Như đoán biết tâm lý, anh chồng kể chuyện như là 1 cách xóa tan không khí căng thẳng trên xe, anh kể: Đây là xã duy nhất có người Kinh định cư lâu đời trên con đường Trường Sơn này. Hồi xưa còn chiến tranh đã có người Kinh ở đây nhưng lèo tèo vài ba nóc nhà, bom Mỹ rải hàng trăm tấn napal đốt cháy rừng nhưng vẫn không "xua đuổi" được dân. Chẳng có đường bộ, chỉ có đường mòn xuyên rừng và đường sông Long Đại lên đây. Chỗ này chính là 1 địa điểm tập kết bộ đội Trường Sơn và tập kết vũ khí, quân nhu cho chiến trường B. Hòa bình lập lại, người ở dưới miền biển ngược sông Long Đại lên đây chặt gỗ, khai thác rừng, thấy vị trí đất bằng phẳng và lại ở ven sông tiện cho giao thông, thế là dần dần họ đưa gia đình lên đây định cư, làm ăn khấm khá do chăn nuôi, khai thác lâm sản... Giờ đã thành 1 xã với mấy trăm hộ gia đình. Tỉnh Quảng Bình mới đầu tư cho làm con đường tỉnh lộ nối nơi đây với Đồng Hới.

Mình chợt nghĩ, chẳng biết chính quyền Quảng Bình cho làm con đường nối xã Trường Sơn với Đồng Hới có phải là sách lược tốt hơn không, chưa thấy gì tốt, chỉ thấy rừng đã bị khai thác tràn lan, gỗ to hàng người ôm nằm xếp "chỏng chơ" ven đường ...

Đến ngã ba, lối rẽ về Đồng Hới, có một chiếc xe khách 16 chỗ đang phi như bay, bụi mù mịt, chạy phía trước, hai vợ chồng đồng chí bộ đội liền bảo: Anh chạy nhanh giúp chúng tôi đuổi theo chiếc xe kia, chiếc xe này chúng tôi quen, chúng tôi sẽ đi chiếc xe đó về Đồng Hới, như thế sẽ tiện cho anh chị...

Vượt lên chiếc Toyota 16 chỗ, anh chồng thò đầu ra ngoắc ngoắc, chiếc xe dừng lại. Hai vợ chồng cuống quýt mở cửa xe. Ông lái xe 16 chỗ kêu ầm lên : Sao thế ... Sao thế? Chừng như đoán biết, ông ta bảo: Cấp cứu hả, lên nhanh đi, lẹ lên ....
Không kịp bắt tay cám ơn, anh bộ đội giơ tay chào chúng tôi và nói vọng sang: Cảm ơn anh chị nhé, hẹn gặp lại. Chiếc xe 16 chỗ rồ ga, phóng thẳng về phía Đồng Hới, bụi cuốn đỏ phía sau xe thành một làn sóng đặc quánh ....

Chia tay vợ chồng anh biên phòng và cháu bé. Chúng tôi bần thần dừng xe nhìn mãi đến khi chiếc 16 chỗ khuất hẳn. Từ chỗ này đến đèo U Bò còn khoảng hơn 20km. Con đèo U Bò nổi tiếng những năm chiến tranh, có cái đỉnh cao ngất, đứng ở đó thì có sóng di động và nếu gặp hôm trời quang mây, còn có thể nhìn rõ thành phố Đồng Hới nằm xa ngái cuối đường chân trời ....

Hoangbquang: Quay trở lại với một con đèo trên con đường Trường Sơn (Đoạn quốc lộ 14) mà tôi quên không nhắc đến ở đoạn trước. Đó là đèo Hàm Rồng, hay còn gọi là dốc (hoặc là đỉnh) Hàm Rồng - Hà Lam Krong Buk.

Hàm Rồng xưa kia chính là một đỉnh ngọn núi lửa đã tắt. Có hai đỉnh Hàm Rồng trên con đường quốc lộ 14A từ Pleiku đến Buôn Ma Thuột. Đỉnh Hàm Rồng Pleiku cũng là đỉnh của một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh Hàm Rồng Hà Lam cũng thế. Nhưng đỉnh Hàm Rồng Hà Lam khác với cái đỉnh kia là đường quốc lộ chạy qua đỉnh. Ở đó có một khu rừng thông ...ôi thôi là đẹp! Cực đẹp với những đêm trăng ...

Có những câu chuyện "nửa hư nửa thực" về cái đỉnh Hàm Rồng này. Câu chuyện đầu tiên là câu chuyền huyền thoại. Dân Ê đê kể ngày xưa trời mưa như trút, từ trên trời có một con Rồng mắc tội với Giàng nên bị Giàng đày xuống trần, nó bay và bay mãi, tức tối phun lửa gầm rú đốt cháy cả cỏ cây, thiêu cả đất nên từ đó đất có màu đỏ. Nó bay và bay mãi, đến khi gặp thảo nguyên Ban Mê mênh mang, nó dừng lại ở đấy và hóa thân thành núi - Cái đầu của nó là đỉnh Hàm Rồng và cái đuôi của nó là con đèo E'Hleo.

Rừng thông ở đỉnh Hàm Rồng là thứ thông Đà Lạt. Mọc rất đều, bãi cỏ xanh mượt như nhung vào mùa khô. Từ đỉnh Hàm Rồng nhìn về các hướng là mênh mang cao nguyên Buôn Ma Thuột với rừng cafe, cao su xanh tít tắp, lô nhô mái ngói đỏ nhà dân và những ngọn tháp chuông nhà thờ ....

Vậy mà ở trên cái đỉnh này, vào những năm 1979 - 1985, lúc đó dân cư thưa thớt và vắng, có thời gian chẳng ai dám đi ban đêm qua đây. Có một nhóm cướp khá táo tợn thường trấn lột và dùng súng AR15 chặn xe tải xe khách cướp hiếp. Chúng gây ra rất nhiều vụ cướp kinh hoàng làm dân Hà Lam, Buôn Hồ và Thị xã Buôn Ma Thuột không dám qua lại khi màn đêm buông. Cho đến khi bộ đội biên phòng phối hợp công an lập mưu truy quét mới hết.

Thế nhưng cứ thi thoảng trên đỉnh con đèo này lại xảy ra một vụ giết người vứt xác trong rừng thông. Lại có cả những đôi trai gái dắt nhau lên đây uống thuốc trừ sâu hoặc thắt cổ tự tử ... Thật sự ghê rợn. Cho đến khi chính quyền Đak Lak cho dân lên ở sát chân đèo, mở một cái nghĩa trang liệt sĩ, cho bộ đội thông tin xây cái tháp Viba và "ông" Viettel cũng xây một trạm phát sóng thì khu vực đỉnh đèo hết hoang lạnh và rùng rợn.

Khu rừng thông này bây giờ không còn nhiều lắm vì bị dân chặt phá. Họ trồng lại bạch đàn nên đỉnh Hàm Rồng cũng bớt đi đến 70% cái phong cảnh thơ mộng lãng mạn của nó. Nhưng nếu ai đã từng ở Buôn Ma Thuột, vào mùa khô, khi rừng cafe bắt đầu nở hoa, vào đêm trăng sáng vằng vặc đứng trên đỉnh Hàm Rồng nhìn phóng tầm mắt ra phía Krong Pach, Buôn Hồ. Trong ánh trăng sáng, bầu trời xanh nao lòng và cái gió lạnh mùa khô lao xao, cả một vùng đất xa tít và mênh mang màu hoa trắng, chấm lẫn là những đốm sáng đèn vàng vọt của những căn nhà mờ ảo trong đêm, bầu không gian tràn ngập mùi thơm ngào ngạt của hương hoa cafe, rì rầm tiếng máy nổ bơm nước tưới cây và tiếng cô gái cười lanh lảnh thoảng bay trong gió đêm ....
Cái quang cảnh đó thật là kỳ ảo và lãng mạn của vùng đất Cao Nguyên Bazal...

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Mùa ngô Đông Bắc

Một lần, người bạn đi một vòng cung căng ngang biên giới Cao Bằng - Trung Quốc về viết thư bảo: “Đó là con đường đẹp nhất Đông Bắc”. 

Thư viết: “Từ Hà Quảng đi Tổng Cọt, Trà Lĩnh có một con đường cắt núi, dân đi xe máy chả ai chạy ngược về thị xã Cao Bằng rồi theo đường Quảng Uyên tới Bản Giốc làm gì cho tốn sức. Chỉ có dân chạy ôtô là không có cơ hội chinh phục con đường vốn dĩ không còn trên bản đồ giao thông đường bộ mới phải bỏ cuộc. Và cũng chính họ sẽ bỏ đi cơ hội khám phá và chinh phục vẻ đẹp cực kỳ Đông Bắc này”.
Tự nhiên nhớ những cơn mưa dữ dội trên đèo Giàng, đèo Gió. Núi rừng sau cơn mưa sũng ướt nhưng xanh mướt và mê đắm đến lạ kỳ. Có chạy xe từ Tổng Cọt - Trà Lĩnh sang Trùng Khánh - Bản Giốc vào mùa ngô xanh mượt các triền núi mới thấy con đường đẹp nhất Đông Bắc đẹp đến nhường nào.

< Nước tràn ra đường chảy thành suối.

Nhóm chúng tôi rời Hà Quảng khi tỉnh lộ 210 vẫn ướt sũng nước sau cơn mưa đêm qua. Con đường lập tức ngước lên rất cao, vắt qua một ngọn núi. Từ trên đỉnh có thể ngắm thị trấn bé xíu và những tầng cây xanh non lóng lánh nước.

Mây từ các khe núi vẫn còn ẩm ướt và trĩu nặng khe khẽ trườn ra ngoài thung lũng, lởn vởn bay trên những ruộng ngô đang trổ bông khắp các triền núi, triền đồi.

< Bình yên Đông Bắc.

Đây Nam Nhung, Làng Rì, kia Cô Mười, Bản Mắc… hơn 60km đường dọc biên hùng vĩ lạ thường với những dãy núi đá vôi trập trùng cao ngất.

Đông Bắc xanh, một màu xanh ngập tràn trên khắp thung lũng, phủ kín những mái nhà nhỏ nằm lấp ló, con đường tựa như dải lụa trắng nằm hững hờ trên màu xanh hư ảo khiến khách lữ hành nào cũng phải bồn chồn.
< Sông Quây Sơn giữa thiên nhiên hiền hòa vùng Đông Bắc - Cao Bằng.

Chúng tôi dừng chân trên một đỉnh đèo, gió lạnh thốc lên từ dưới vực sâu, những con gió vẫn còn đẫm nước, mây mù tràn qua che khuất cả đỉnh núi, tầng cây, che khuất cả bạn đồng hành. Bếp cồn đun thật lâu mới làm ấm được siêu nước. Cốc cà phê chuyền tay nhau thật ấm áp.

Khi chúng tôi rời đi, mặt trời vẫn chưa ló ra từ chân mây. Bầu trời vẫn ầng ậc nước, sông vẫn cuộn lên đục ngầu. Chỉ có ngô là xanh, mướt mải, run rẩy. Con đường không có ôtô, không có xe máy, chỉ có bạn đồng hành và vài người địa phương lên núi, xuống đồng. Yên ả, bình an, nhẹ nhàng, diệu vợi.
< Những mái nhà lấp ló bên ruộng ngô.

Sau cơn mưa lớn nước tràn ra như suối trên đường. Chúng tôi vừa ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, vừa quan sát người Cao Bằng đi bừa với 4-5 con trâu trên ruộng, vừa lo chạy xe sao cho khỏi ngã lộn nhào giữa con đường đã gập ghềnh lại còn ngập nước. Nhọc nhằn là vậy mà những nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi.

Dừng chân ở Trà Lĩnh định rẽ vào tỉnh lộ 211 đi Trùng Khánh. Nhưng mấy thanh niên cho biết con đường đang sửa sau trận mưa hôm qua hôm nay coi như lại tắc. Để sang Trùng Khánh, chúng tôi phải nhờ hai thanh niên địa phương dẫn đường đi vòng qua Thác Chó.
Đến được Trùng Khánh mặt trời đã qua trưa. Thị trấn Trùng Khánh nhỏ, họp chợ ngay trên đường lớn, nổi tiếng với món đặc sản “hạt dẻ Trùng Khánh”.

Chúng tôi dừng ăn trưa ở chợ trước khi tiếp tục con đường băng qua những thảm cỏ xanh, những rừng dẻ lớn đi về phía Bản Giốc.

Đâu cũng thấy một màu ngô xanh mê mải. Màu của sự sống, của trù phú bừng lên trong nắng chiều. Sông Quây Sơn dâng nước đỏ phù sa như cuốn theo trong mình hàng ngàn những câu chuyện kể.

Du lịch, GO! - Theo DulichTuoitre

Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc

Vịnh Xuân Đài (từng có tên vịnh Bà Đài) nằm cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 50km. Năm 1597, theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Lương Văn Chánh đem lưu dân và quân lính vào khai phá Phú Yên cuối thế kỷ 16.

Trong quá trình phát triển vịnh Xuân Đài từng là thương cảng quan trọng của miền Trung, cũng là căn cứ phòng thủ chiến lược, nơi đã diễn ra những trận thủy chiến lớn giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Năm 1887 tòa công sứ Pháp được đặt tại đây. Xuân Đài cũng là nơi đặt nền móng ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: năm 1832, vua Minh Mạng cử ngoại lang Nguyễn Tri Phương và tư vụ Lý Văn Phức làm việc với phái đoàn Hoa Kỳ do tổng thống Andrew Jackson cử đến vũng Lắm.

Dù đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận thắng cảnh quốc gia đầu năm 2011, vịnh Xuân Đài vẫn còn là một sản phẩm du lịch “tươi nguyên” so với các tuyến điểm du lịch biển, đảo khác ít nhiều đã có thương hiệu.

Chúng tôi đến Xuân Đài (Phú Yên) vào giữa tháng 4 khi tiết trời khá lý tưởng: nắng đẹp, gió nhẹ, mặt biển yên bình. Cũng giống chuyến đi đầu tiên đến vịnh Vĩnh Hy cách đây khoảng mười năm, lúc vịnh biển đẹp của tỉnh Ninh Thuận còn hoang sơ chưa được nhiều du khách biết đến, vịnh Xuân Đài trong mắt chúng tôi hôm nay là một nàng tiên còn say giấc ngủ.

Thuê được thuyền đánh cá của dân địa phương, chúng tôi đi vòng quanh vịnh. Hiện ở khu vực này hoàn toàn không có phương tiện vận chuyển du khách trên vịnh, cũng không nhà hàng khách sạn, không dịch vụ vui chơi giải trí. Buổi sáng biển lặng, chiếc thuyền chở khoảng mười khách khởi hành từ cảng cá Dân Phước với tốc độ khoảng 15km/giờ.

Hải trình thật ngẫu hứng, phụ thuộc vào kinh nghiệm của cha con người chủ thuyền bởi thông tin về vịnh Xuân Đài của chúng tôi còn quá ít ỏi. Chủ thuyền vui tính, mến khách đọc cho đoàn nghe hai câu ca dao địa phương ca ngợi vẻ đẹp và sự gần gũi của vịnh Xuân Đài: Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Lắm, vũng nào cũng thương.

< Du khách phải tạm sử dụng tàu cá để khám phá vịnh còn hoang sơ.

Đại Nam nhất thống chí từng viết về vịnh Xuân Đài: “Phá Xuân Đài ở phía bắc huyện Đông Xuân, phía đông giáp biển, phía tây giáp cửa biển Vũng Lắm, phía bắc có vũng La, vũng Sứ và vũng Chào. Lại đầm Xuân Đài có tên nữa là đầm Phòng Câu ở thôn Tiên Châu”.

Vũng hình thành từ các ngọn núi lan ra mặt nước tạo thành hình vòng cung, mỗi vũng gắn với các điển tích và ăn sâu vào đời sống tinh thần của ngư dân trong vùng. Các vũng đều có người dân sinh sống, nhất là khi tỉnh Phú Yên đầu tư xây cầu nối con đường từ thị xã Sông Cầu vào khu vực vũng Mắm, vũng Dông, vũng Chào.

Thuyền chúng tôi đi vào khu vực vũng Chào khá sầm uất với những ngôi nhà khang trang, dưới bến tàu thuyền buôn bán hải sản nhộn nhịp: tôm hùm, ốc cầu may, ốc hương, cá mú... tươi ngon, giá lại rẻ đến bất ngờ!

< Hải sản tươi ngon, giá rẻ bất ngờ.

Với diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, chiều dài bờ khoảng 50km, du khách tha hồ khám phá vịnh Xuân Đài. Nếu đi dọc tuyến Long Hải Nam, Long Hải Bắc, cảng cá Dân Phước, du khách sẽ lần lượt đến với mũi Mù U, Nhất Tự Sơn, mũi Rùng, bãi Than, vũng Lắm, cù lao Ông Xá, gành Đỏ, gành Đèn và đi xa nữa là thắng cảnh gành Đá Đĩa... Còn nếu khởi đầu từ vũng Lắm sẽ đi qua vũng Dông, vũng Chào, mũi Cổ Cò, vũng Sứ, bãi Nhỏ, cửa Chùa, mũi Gành Tướng, vũng Me, vũng La, rồi ra hòn Móm...

Vịnh xanh Xuân Đài

Vịnh còn có những bãi biển đẹp như bãi vũng Lắm, bãi Than, bãi Nhỏ, bãi Trước... Thỏa thích vẫy vùng dưới làn nước trong xanh, du khách có thể câu cá, lặn ngắm san hô hoặc mắc võng trên những cây dừa nằm sát biển tận hưởng làn gió biển trong lành, thả hồn vào giấc ngủ say nồng.
Hãy đến với vịnh Xuân Đài lúc này, khi nàng tiên còn đang say giấc!

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Tục lệ cưới xin của dân tộc La Hủ

Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao. Gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn. Săn bắt, đánh cá, hái lượm có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế. 

Tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai tìm hiểu cô gái, đã tới độ "chín muồi", anh có thể tới nhà cô gái ngủ một vài tối. Tục lệ cho phép anh, chị có thể ngủ chung giường.

Lễ na-nhí, tức lễ dạm hỏi như vùng xuôi, thường vào buổi tối. Ông "mối" cùng bố mẹ và anh em nhà trai sang nhà gái để "có lời". Lễ vật là rượu và một thứ "quà quý" của rừng - ("quà quý" này nhất thiết phải có thịt sóc rừng). Qua trò chuyện, nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.
.
Sau lễ dạm là lễ hỏi, hai lễ này cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Theo tục lệ, lễ hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con.

Nhà trai phải "tuân theo" số lượng con sóc của nhà gái: 6 hoặc 8 con, vì theo lệ từ xưa, số sóc không được ít hơn 4 nhưng cũng không được nhiều hơn 8. Người làm mối trong lễ hỏi còn là người "đầu bếp", tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.
Trong khi ăn uống vui vẻ hai bên trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể. Ngày xưa, tiền cưới khá "nặng túi": những 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.
Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc phải chẵn, thì lễ cưới quy định: đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông "mối" và chàng rể. Khi nhà trai đón dâu đi, ông "mối" trao tiền cưới cho nhà gái. Trên đường đi, dù có nhớ bố mẹ, cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên, vì nếu vấp ngã, e sau này vợ chồng có chuyện cãi cọ không hay.
Rước dâu về đến nhà, bà mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa. Bà lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý "xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc".

Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải "cắt" đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ DulichVN, internet

Hà Tiên ngoạn cảnh Nam Phương

Kiên Giang – Hà Tiên là một vùng đất lạ. Lạ bởi thế núi, đồng bằng, biển đảo hài hòa. Lạ bởi thành phần dân cư gia thoa đa phong tục
Khi xưa, hòn Phụ ngã sụp, để lại hòn Tử trơ trụi, người dân Kiên Giang khắc khoải cho một thắng cảnh đang dần “mai một”. Có lẽ, thiên nhiên đã “lỡ tay”.

Được mệnh danh là một Việt Nam thu nhỏ bởi địa hình “đa phong cách”, Hà Tiên vang danh như chính tên gọi của nó. Có cái gì như hoang sơ, như thần thoại, cũng có cái gì như phồn hoa, cổ kính mà hiện đại. Hà Tiên đẹp, một nét đẹp đã tạc ngay từ cái tên, vừa quen, vừa lạ, vừa thơ, vừa thực.

Từ trên cầu Tô Châu, theo hướng về Hà Tiên, nhìn bên phải là Đông Hồ - một dòng sông thơ mộng. Hình ảnh núi Tô Châu inh hình trên mặt nước xanh biêng biếc đang từ từ đổ ra cửa biển như một lời mời gọi khách phương xa.
.
Và từ đây, nếu đi thêm chừng cây số nữa thì một bức bình phong hiện ra với sự cổ kính của lăng và đền thuộc dòng họ Mạc. Nơi đây chính là nơi an táng của Mạc Cửu – một vị khai quốc công thần có công khai phá và tạo dựng cho vùng đất Hà Tiên vào những năm cuối thế kỉ 17. Có lẽ vì thế mà sao khi mất, ngôi mộ của ông được khoét sâu vào núi có hình bán nguyệt, chổ chôn hài cốt được đúc bằng đá vôi, cát, đường và nhựa ô dước theo thế: tọa ngưu, hữu thanh long, tả bạch hổ.

Từ thị xã Hà Tiên đi khoảng 4km về phía Bắc là Thạch Động – nơi gắn liền với truyền thuyết Thạch Sanh – Lý Thông. Đây là một núi đá vôi nguyên khối nằm trên một đế đá cao gần 100. Thạch nhũ trong lòng hang có nhiều hình thú kỳ thú theo trí tưởng tượng của con người. Cũng từ dây, đi 1km nữa sẽ gặp cửa khẩu biên giới quốc tế Hà Tiên, nếu không rẽ vào cửa khẩu, chúng ta sẽ bắt gặp một con đường quanh co thấp thoáng với các ngôi nhà lá đặc trưng của miền quê phương Nam. Điểm cuối của con đường này là bãi tắm Mũi Nai sóng êm thoai thoải, cát mịn nâu. Từ Mũi Nai ra xa bờ có rất nhiều đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Phía bên kia bờ, đảo Phú Quốc hiện lên mờ ảo và đầy mê hoặc trong cảnh trời chiều…

Nằm trên đường Trần hầu với nhiều thứ hay và lạ, chợ đêm Hà Tiên có cái thú riêng, hoang sơ và “quê mùa”. Dọc hai bên đường là một dãy hàng tạp hóa đủ chủng loại: từ vải vóc màu sắc sặc sỡ, những món hàng mỹ nghệ, mỹ phẩm cho đến trang sức bằng vàng và đá quý. Không những thế, nơi đây còn tụ họp những quán ăn đêm với cá cơm kho khô, hủ tiếu Nam Vang đến các loại hải sản…Văng vẳng, tiếng gọi í ới của các bác tài xe lôi đạp càng làm cho phố đêm Hà Tiên thêm phần nhộn nhịp.

Ngập ngừng trong góc xa xa là những quán rượu nằm lẩn khuất, chập chờn với những món nhậu mộc mạc như khô cá khoai, ốc biển, sò huyết… kèm với cốc, ổi, xoài rất…đặc sản. Hãy thử một lần ngồi nhâm nhi bên ly rượu nếp với miếng khô cá đuối đen, cùng bạn bè thâu đếm với những câu chuyện không đầu không cuối sẽ thấy thú vị thế nào. Trong cái lạnh của phố chợ miền biên giới phía Tây tổ quốc, một ly rượu nhạt cũng dễ ấm lòng.

Dưới chân cầu Tô Châu có một quán mang đậm phong cách dân dã miền Tây với cái tên rất chân tình: Quán Hiền! Vào quán, không có gì khác, người ta sẽ chọn ngay món đặc sản đã từng khiến du khách thập phương ngât ngay: lẩu cá Mang Ếch nấu măng. Măng ở đây là măng tre, xanh gai và vị nhân nhẫn đắng. Dư vị ấy cho đến giờ vẫn lìm lịm ngay đầu lưỡi. Tất cả kết hợp làm nên đặc sản Hà Tiên.

Tản mạn hết đêm, ánh bình minh lại xuất hiện phía cầu Tô Châu. Những tàu đánh cá dập dềnh đậu thành lớp dọc theo hai bên bờ. Một ngày mới đã lên. Hà Tiên giờ đây trông giống như một con rồng phương Nam vẫn còn say ngủ đang chờ du khách đánh thức.

Du lịch, GO! - Theo AmthucVN

Nha Trang hệ thống xe buyt và các thông tin bến xe tại Nha Trang

GIAO THÔNG VẬN TẢi :

1. Cảng Nha Trang; 5 Trần Phú, P. Vĩnh Nguyên-NT - ĐT: 058.590839
2. Ga xe lửa Nha Trang; 17 Thái Nguyên - NT - ĐT: 058.822113
3. Cảng Hàng không Cam Ranh; 86 Trần Phú - NT - ĐT: 058.823798
* Phòng bán vé: 12B Hoàng Hoa Thám - NT - ĐT: 058.823797
* Phòng bán vé: 91 Nguyễn Thiện Thuật - NT - ĐT: 058.826768
4. Bến xe Liên tỉnh; 58 đường 23-10 - NT - ĐT: 058.822192
5. Cty TNHH Thành Thành, 31A Lê Quý Đôn - NT - ĐT: 058.510513
6. EMASCO Taxi; 6 Nguyễn Chánh - NT - ĐT: 515151 - 814444
7. Khánh Hòa Taxi; 46 Lê Thánh Tôn NT - ĐT: 810810
8. Nha Trang Taxi; 46 Nguyễn Thị Minh Khai - NT - ĐT: 058.818181
9. Mai Linh Taxi; ĐT: 058.822266 - 811811
10. V20 Taxi - Cty TânHoàng Minh; ĐT: 058.882020
.
6 TUYẾN XE BUÝT ĐÔ THỊ TP. NHA TRANG:

1. Tuyến Số 01: BÌNH TÂN - LÊ HỒNG PHONG - THÀNH: Cự ly 18km
* Lộ trình: UBND Phường Vĩnh Trường (Bình Tân) - Võ Thị Sáu - Tô Hiệu - Trường Sơn - Phước Long - Lê Hồng Phong - Mả Vòng - Đường 23/10 - Quốc lộ 1A - Tỉnh lộ 2 - Trạm xe Buýt Thành.

2. Tuyến Số 02: BÌNH TÂN - TRẦN PHÚ - THÀNH: Cự ly 18km
* Lộ trình: Trạm xe Buýt Bình Tân - Tô Hiệu - Trần Phú - Trần Quang Khải - Hùng Vương - Lê Thánh Tôn - Đinh Tiên Hoàng - Quang Trung - Trần Quý Cáp - Mả Vòng - Đường 23/10 - Quốc lộ 1A - Tỉnh lộ 2 - Trạm xe Buýt Thành.

3. Tuyến Số 03: CHỢ ĐẦM - SÔNG LÔ: Cự ly 15km
* Lộ trình: Chợ Đầm (số 01 Phan Bội Châu) - Ngô Quyền - Pasteur - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai - Vân Đồn - Lê Hồng Phong - Nguyễn Tất Thành - Sông Lô.

4. Tuyến Số 04: DƯƠNG HIẾN QUYỀN - NGUYỄN THIỆN THUẬT - CẦU ĐÁ: Cự ly 13km
* Lộ trình: Dương Hiến Quyền - Phạm Văn Đồng - Tháp Bà - Đường 2/4 - Quang Trung - Lý Thánh Tôn - Ngã Sáu - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Thiện Thuật - Trần Quang Khải - Trần Phú - Cầu Đá - Cảng Vinpearl.

5. Tuyến Số 05: CẦU TRẦN PHÚ - TÔ HIẾN THÀNH - HÒN RỚ: Cự ly 12km
* Lộ trình: Bắc Cầu Trần Phú - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ngô Quyền - Phan Chu Trinh ( Lượt về: Hoàng Văn Thụ - Lê Lợi ) - Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Chánh - Lê Thánh Tôn (Lượt về: Đinh Tiên Hoàng) - Tô Hiến Thành - Nguyễn Thị Minh Khai - Trần Phú - Dã Tượng - Võ Thị Sáu - Phước Long - Lê Hồng Phong - Nguyễn Tất Thành - Cầu Bình Tân - Hòn Rớ 1.

6. Tuyến Số 06: BẾN XE PHÍA NAM - CHỢ LƯƠNG SƠN: Cự ly 15km
* Lộ trình: Bến xe Phía Nam - Đường 23/10 - Mả Vòng - Trần Quý Cáp - Đường 2/4 - Bến xe phía Bắc - Nguyễn Xiển - Trường Mẫu giáo TW2 - Nhà máy Sợi - Quốc lộ 1A - Chợ Lương Sơn.

CÁC TUYẾN XE CỐ ĐỊNH TẠI CÁC BẾN XE TỈNH KHÁNH HÒA

1. Bến xe Phía Nam Nha Trang:
- Địa chỉ: 58 Đường 23 tháng 10, Tp Nha Trang, Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).822192 - 561649 - 820227
- Các tuyến xe trọng điểm gồm: NHA TRANG - TP HỒ CHÍ MINH; NHA TRANG - QUI NHƠN; NHA TRANG - BUÔN MA THUỘT; NHA TRANG - ĐÀ LẠT; NHA TRANG - TUY HÒA; NHA TRANG - ĐÀ NẴNG; NHA TRANG - GIA LAI; NHA TRANG - HÀ NỘI; NHA TRANG - CẦN THƠ; NHA TRANG - QUẢNG NGÃI; NHA TRANG - KONTUM; NHA TRANG - BUÔN HỒ; NHA TRANG - ĐẮC NÔNG; NHA TRANG - VŨNG TÀU; NHA TRANG - HÀM TÂN; NHA TRANG - LIÊN HƯƠNG; NHA TRANG - BẢO LỘC; NHA TRANG - PHAN THIẾT; NHA TRANG - PHAN RANG; NHA TRANG - CAM RANH.

2. Bến xe Phía Bắc Nha Trang:
- Địa chỉ: Số 01 đường 2/4, Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).838799 - 838788 - 836541
- Các tuyến xe trọng điểm gồm: NHA TRANG - TP HỒ CHÍ MINH; NHA TRANG - QUI NHƠN; NHA TRANG - BUÔN MA THUỘT; NHA TRANG - TUY HÒA; NHA TRANG - GIA LAI; NHA TRANG - QUẢNG NGÃI; NHA TRANG - KONTUM; NHA TRANG - ĐẮC NÔNG; NHA TRANG - BỒNG SƠN; NHA TRANG - QUẢNG NAM; NHA TRANG - SÔNG CẦU; NHA TRANG - CHÍ THẠNH; NHA TRANG - LA HAI; NHA TRANG - PHƯỚC AN; NHA TRANG - NHIỄU GIANG; NHA TRANG - AYUNPA, NHA TRANG - NINH HÒA.

3. Bến xe Cam Ranh:
- Địa chỉ: Đường số 7, phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).952519 - 854119
- Các tuyến xe trọng điểm gồm: CAM RANH - TP HỒ CHÍ MINH; CAM RANH - GIA LAI; CAM RANH - QUI NHƠN; CAM RANH - PHA4. Bến xe Ninh Hòa:
- Địa chỉ: Xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa - tỉnh Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).845981 - 844359
- Các tuyến xe trọng điểm gồm: NINH HÒA - TP HỒ CHÍ MINH; NINH HÒA - BUÔN MA THUỘT; NINH HÒA - NHA TRANG.

4. Bến xe Ninh Hòa:
- Địa chỉ: Xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa - tỉnh Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).845981 - 844359
- Các tuyến xe trọng điểm gồm: NINH HÒA - TP HỒ CHÍ MINH; NINH HÒA - BUÔN MA THUỘT; NINH HÒA - NHA TRANG

5. Bến xe Diên Khánh:
- Địa chỉ: Thị trấn Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa
- Điện thoại: (058).850275

Du lịch, GO! - Theo Nhatrangclub, Dichvuvantaikh

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Kỳ thú trên đảo Yến (Quy Nhơn)

Trên dãy núi sừng sững ở bán đảo Phương Mai, thiên nhiên tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, với những đàn yến bay rợp trời. 

Từ thành phố biển Quy Nhơn, phóng tầm mắt về phía Đông, một dãy núi như một con khủng long sừng sững án ngữ và che chắn sóng to, gió lớn - đó là bán đảo Phương Mai.
Thiên nhiên nơi đây không chỉ tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp mà còn ban tặng cho con người một kho báu ít nơi nào có được, đó là yến sào - một đặc sản vô cùng quý giá được cả thế giới ưa chuộng.

Đảo yến trước đây thuộc hai thôn Xương Lý, Hương Mai; nay thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Theo sử sách, những người sinh cơ lập nghiệp đầu tiên ở Xương Lý thuộc dòng họ Nguyễn, quê gốc ở Nghệ An, đến nay đã trải qua trên 10 đời.
.
Thôn Hương Mai xưa kia bây giờ chính là bốn thôn Hải Cảng, Hải Đông, Hải Nam và Hải Minh đều thuộc xã Nhơn Hải. Xã Nhơn Lý và Nhơn Hải trước thuộc Tổng Trung An (huyện Phù Cát), sau năm 1955 cắt về huyện Tuy Phước, nay là thành phố Quy Nhơn - Bình Định.

Kho báu “trời ban”

Lên thuyền xuất phát từ mũi Tấn, phường Hải Cảng (Quy Nhơn), sau hành trình hơn hai tiếng đồng hồ, được chứng kiến một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động đã có từ hàng vạn năm, những vòm đá cao đến trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo và là nơi thích hợp cho loài chim yến làm tổ.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý và khai thác yến sào Bình Định cho biết, đảo yến có khoảng 30 hang lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở xã Nhơn Hải và hang Nhơn Lý. Ở những hang nhỏ như Rừng Cao, Dơi, Ba Nghé, Cạn và Hầm xe, hàng năm có thể thu được từ 100-300 tổ yến. Còn những hang lớn như hang Cả, Đôi Trong, Đôi Ngoài, Luông, Khô, có cửa quay ra hướng Đông hoặc Đông Nam, thoáng mát, trần hang có nguồn nước nước ngọt rịn nhỏ xuống qua khe đá, bên dưới là sóng biển dập dềnh là nơi ưa thích làm tổ của chim yến, có thể thu hoạch được từ 14.000-15.000 tổ yến/năm.

Đến đảo yến vào mùa Xuân sẽ được tận mắt chứng kiến từng đàn chim yến bay rợp trời và gọi nhau ríu rít. Loài chim này có đặc điểm sống thành bầy đàn nhưng cũng thường sống từng đôi với nhau.

Để lấy được tổ yến trên vách và trần hang đá cheo leo, người ta phải bắc dàn giáo bằng tre liên kết với nhau. Những cột dọc được nối từ 4-5 cây tre mới lên đến đỉnh, có những hang cao phải dùng đến 300 cây tre mới đủ.

Mùa thu hoạch tổ yến bắt đầu từ tháng Tư âm lịch, bởi mùa làm tổ của chim yến bắt đầu vào tháng Giêng và tháng Hai. Và vụ thứ hai phải chờ đến khi chim yến con cứng cáp biết bay, đi kiếm mồi thì mới thu hoạch. Vụ thứ ba khai thác ít hơn, chủ yếu dưỡng cho đàn yến có điều kiện tăng bầy, đàn.

Hướng bảo tồn, phát triển đàn yến phục vụ du lịch

Trải qua nhiều năm khai thác, sản lượng yến sào thu hoạch hàng năm cũng giảm dần từ 600-700kg xuống còn 400-450kg, chất lượng yến sào cũng giảm hơn so với trước.

Giám đốc Nguyễn Hồng Vân cho biết những năm gần đây, ban quản lý đã lập kế hoạch và quy hoạch cụ thể lịch trình khai thác yến sào, chỉ khai thác ở những hang động yến lớn và lâu năm còn những hang nhỏ và số lượng làm tổ chưa nhiều thì bảo vệ, tránh va chạm để yến tiếp tục xây tổ, phát triển bầy đàn.

Ban quản lý yến sào Bình Định đang thực hiện thí điểm nuôi chim yến tại nhà ở một số hộ dân ở khu vực xung quanh đảo yến. Kết quả bước đầu cho thấy chim yến rất thân thiện với con người, đã vào ở và làm tổ. Công tác bảo vệ và tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân cũng được tăng cường.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển đàn yến, tỉnh Bình Định đang xem xét giao cho doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác chính. Nếu làm tốt, đây là nguồn lợi không nhỏ cho việc phát triển tham quan du lịch biển và đảo yến.

Đến với đảo yến, du khách không chỉ được khám phá về một loài chim đem lại nguồn lợi quý giá mà còn được chứng kiến nhiều di tích lịch sử văn hóa thời Chăm Pa, đến triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này như di tích chùa Phật lồi, nơi có pho tượng Chàm huyền bí.

Núi Tam Tòa với những di tích lịch sử triều Lý và chiến binh Tây Sơn thế kỷ 18; pháo đài Hổ Ky với những lỗ đặt súng thần công là công trình phòng thủ bờ biển do các bậc tiền nhân để lại... như một bức tranh nghệ thuật hoàn mỹ với những dáng vẻ thiên nhiên vừa hư vừa thực. Vì vậy đảo yến là nơi du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Quy Nhơn, Bình Định.

Du lịch, GO! - Theo Baomoi

Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 11)

Phongvu: Em xin phép các bác kể về mấy con đèo em gặp trong chuyến Tây Bắc.
Em kinh hãi nhất là đèo Làng Mô trên đường từ Sìn Hồ xuống Mường Lay (chả biết trí nhớ có đúng không), chạy buổi tối sương mù mờ mịt trời lạnh buốt. Tầm nhìn xa không quá 2m, không biết đằng trước mình có cái gì đang chờ, không biết khi nào sẽ hết con đèo quái quỷ đầy sương mù. Em có nói với anh Mì: Nếu ko có anh đi cùng em sẽ ngồi xuống khóc ngay tại đấy.

Hôm đấy tụi em đến Sìn Hồ khi trời vừa tối, chuyến đi với mục tiêu chinh phục A Pa Chải của hai anh em Vespa 1 SG 1 HN vào dịp tết con chuột vừa rồi. 2 anh em quyết định chạy cố về Mường Lay ngủ để hôm sau đi Mường Chà. Không ngờ, đi khỏi Sìn Hồ thì trời sụp tối và lác đác mưa. Hết mưa là sương mù mờ mịt, không thể nhìn thấy gì nhất là anh Mì lại còn đeo kính cận.
.
Em nhận nhiệm vụ đi trước để anh Mì canh theo xe em mà đi theo, không nhìn thấy bất cứ cái gì xa hơn 2m. Mà nhìn vào đêm sương mù thì quả thực là chói và nhức mắt, nhiều lúc em muốn tắt đèn xe đi cho đỡ chói nhưng không thể. Tắt đèn xe thì lập tức rơi vào đêm đen vô tận, mở đèn thì chói mắt nhưng ít nhất còn nhìn thấy mặt đường ngay... dưới chân. Em toàn phải căn các cột mốc bên đường mà đi (cảm ơn các cột mốc ko đc làm bởi pê em u 18), những lúc đường không có cột mốc thì quả thực là chả biết mình đang đi đâu cả.
Rút cuộc cũng hết đoạn đường đèo ma làm ấy, em chạy xe như chưa bao giờ được chạy xe cả (làm bác Mì tụt lại tít đằng xa). Thị xã chết đuối Mường Lay như một sự cứu rỗi...

Nếu đường từ Nậm Chiến sang Nậm Khắt mà gọi là đường đèo thì đây cũng là con đèo đáng nhớ, đường toàn bùn trơn trượt. May nhờ có 2 bạn Mông đồng hành nên cũng đỡ, rất cảm ơn 2 bạn ấy. Cho đến giờ em vẫn ngạc nhiên không hiểu sao 2 chiếc Vespa có thể đi qua được đoạn đường đáng sợ ấy.

Đường đất bé tí và trơn trượt sau mưa, xe dờ rim và guây còn phải quấn dây thừng vào bánh đi còn khó. Hầu hết mọi người ở Nậm Chiến khuyên là không nên đi, vậy mà tụi em vẫn đi qua được.

Em nhớ đèo Khau Phạ vố buổi sáng 2 anh em trượt băng trên đỉnh đèo, những chiếc xe khách văng ngang đập vào thanh chắn. Sáng đấy 2 anh em xuất phát từ Mù Căng Chải, hí hửng vì có đến 80% gặp băng tuyết trên đỉnh đèo Khau Phạ. Gặp thật, nhưng niềm vui cũng chóng qua khi những chiếc xe không tuân theo sự điều khiển nữa trên đỉnh đèo bị đóng băng trơn trượt. Những ngọn cây, mái nhà đẹp như chuyện cổ tích và các bộ phim em đc xem trên TV.

Đây là lần đầu tiên em thấy băng tuyết ko phải trong tủ lạnh, háo hức và tò mò lắm. Gần đỉnh núi, tất cả mọi thứ bị đóng băn kể cả mặt đường. Bùn nhão bên đường cũng bị đóng băng cứng ngắc và mấp mô, những đống cứt trâu cứt bò đóng băng cứng đến mức đứng lên ko nát (em đứng thử).Cả 2 xe tự nhiên trượt đi mà không ai hiểu lý do vì sao, đến lúc đứng xuống thấy mình cũng trượt đi mới biết mặt đường đã đóng băng.

Anh Mì thấy những chiếc xe khách đi qua bị trượt quay ngang văng sang phía ta luy âm sợ đi tiếp sẽ nguy hiểm nên đề nghị chờ băng tan mới đi tiếp (bao giờ cho đến tháng 10?), sau thấy ko chờ đc nên cởi giày ra đi mỗi bít tất dắt xe qua đỉnh đèo đóng băng. Xe em bị đổ giữa đường mà ko thể nào dựng dậy đc (người đứng còn ko vững làm sao mà dựng xe dậy), đành phải đẩy xe theo phương song song mặt đất vào lề đường bùn cứng mấp mô. May mà mặc dù bùn đã đóng băng nhưng nhờ sợ mấp mô của nó mà em dựng được xe dậy và đi dọc xuống, lại bị ngã xe phát nữa may mà anh Mì quay lại giúp.
Em có may mắn qua mấy con đèo nữa nhưng những con đèo trên là ấn tượng nhất...

Hoangbquang: Trên trục đường Trường Sơn, đoạn từ ngã ba Đăk Tô đến cầu Dăk Rông có mấy con đèo rất dài: Đèo Lò Xo - Đèo A Roàng ... Đường Trường Sơn nhánh Tây, có 3 con đèo lớn rất hiểm trở và hay bị sạt lở: Đèo Sa Mù - Đèo Khe Đăng - Đèo U Bò. Chúng ta nói về từng đèo nhé
Đèo Lò Xo thì tôi đã viết ở những post trên, còn đèo A Roàng thì...

Những năm trước đây, theo một nguồn tin "không chính thống", phần đất từ những km gần đèo A Roàng đến hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 không rõ ràng về ranh giới quốc gia. Đại loại thế ... Trục đường này quanh co và uốn lượn rắn bò kinh khủng. Nó chui sâu trong rừng già thâm u. Không có một căn nhà dân nào trên quãng đường dài 70km từ P'rao sang A Lưới. Hoàn toàn vắng lặng. Tôi đã đi qua con đèo này 2 lần.

Lần 1, chạy qua đây lúc chiều tà. Trời mù mịt sương và lạnh như cắt. Rừng âm u không thể tả! Vắng! Vắng kinh hoàng... Bắt đầu từ ngoại vi thị tứ P'rao trở đi thì con đường rừng hoang lạnh này chỉ có mỗi chiếc xe của tôi. Chiều tối nhưng tôi mở đèn pha và bật nhạc ầm ĩ cho đỡ... sợ!
Chui qua căn hầm A Roàng 2, trời bắt đầu tối. Sương bớt mù mịt, đường vẫn hun hút. Gió ào ạt. Tôi chạy xe như "ma đuổi" lòng mong mỏi về A Lưới thật nhanh....

Bất chợt, nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy 2 ngọn đèn mờ mờ ở phía sau xe. Tự dưng tóc gáy dựng cả lên, chợt nhớ câu chuyện dị đoan bà chủ quán ở Huyện Hiên kể rằng đường Trường Sơn này rất nhiều "ma lai", đêm nó "bay tà tà" theo người để hút máu. Mịe khỉ, thế là nhấn ga chạy ...

Giời ạ! Mình chạy nhanh cỡ nào thì 2 cái đèn mờ mờ kia nó cũng chạy nhanh, chạy chậm lại nó cũng chạy chậm lại. Mình cua gấp nó cũng cua gấp. Cứ cách nhau khoảng 10m, đuổi theo như hình với bóng.
Lúc này bắt đầu éo nghĩ đến Ma nữa, mà nghĩ đến cướp. Nhưng mà quái lạ, sao không thấy nó vượt lên nhỉ?! Thôi, có khi đúng là Ma rồi ... Đuổi theo nhau dễ đến hơn 30km rồi còn gì ...

Vậy là bắt đầu "thần hồn nát thần tính". Chạy! Chạy bay tóc. Chạy mà không thèm nghĩ gì đến đèo dốc, vực sâu, cua gắt hoặc tai nạn. Cho đến khi mờ ảo phía trước là những ngọn đèn vàng vọt của 1 cái bản người Vân Kiều, chó chạy lao ra đường sủa ông ổng thì tôi giảm ga ... dừng lại.
Hai ngọn đèn mờ ảo kia sáng dần lên và ...cũng dừng lại. Kettttt! Một bóng người mở cửa xe lao xuống, tay lạnh ngắt cầm chặt tay tôi miệng hào hển run rẩy: Anh ơi ...đường vắng nhỉ, vắng nhiiiiiii...

Hóa ra một "ông" Camry biển 29, chở khách đi Thủy điện A Vương, tiện đường Trường Sơn chạy về. Khi đến P'Rao, thấy vắng quá nên định quay lại. Nghe ông bán xăng nói trước đó 20 phút có 1 chiếc Escape cũng biển ngoài nớ đang chạy ra, hắn quyết định đuổi theo xe tôi. Qua khỏi đèo A Roàng thì "hắn" bắt kịp xe mình, cứ thế chạy theo sau. Nhưng "hắn" bảo: Anh chạy nhanh quá, mà em thì lo bị anh bỏ rơi nên cố chạy bám theo ....Hóa ra, hai thằng đều "thần hồn nát thần tính" rượt nhau chạy tóe khói

Đêm đó, hai anh em "rồng rắn" nhau chạy về Lao Bảo uống rượu. 2h sáng lại tiếp tục chạy về Khe Sanh để hôm sau đi tiếp Tây Trường Sơn với những con đèo Sa Mù - Khe Đăng - U Bò nổi tiếng.

Sáng sớm ở Khe Sanh, trời xanh trong và nắng dịu, gió Lào khô khốc hiu hiu thổi. Con đường 9 phẳng lì gặp Tây Trường Sơn tại ngã ba Khe Sanh, nơi có một tượng đài kỷ niệm chiến thắng Đường 9 Nam Lào...
Tôi đi đổ xăng xe, bụng nghĩ, cung đường Tây Trường Sơn từ Khe Sanh sang Khe Cạc khoảng cách 235 km, chắc đổ đầy bình 60 lít là ổn. Thế rồi 7h sáng tôi rời Khe Sanh để vào cung đường "huyền thoại" nhất: Tây Trường Sơn với những con đèo Sa Mù - Khe Đăng và U Bò ...

Đường Tây Trường Sơn được xây dựng dựa trên nền con đường Trường Sơn của đoàn 559 trước đây. Gần như toàn bộ 235 km từ Khe Sanh sang Khe Cạc là đổ bê tông chứ không rải nhựa đường. Đường hẹp, chỉ 6 m bề ngang. 253 km thì có đến 180 km là cua gấp, ngoằn nghèo, lên xuống, chui rúc sâu tít trong rừng rậm nhiệt đới. Không sóng di động, không trạm xăng, không hàng quán và không ... người!

Lúc này tôi vừa đi qua cái bản người Vân Kiều cuối cùng của huyện Hướng Hóa. Rừng đã âm u và mây đã bắt đầu xầm xì một màu xám.

< Đây là đoạn đường mà imim và anson khó khăn lắm mới đưa được em Daewoo đi qua ...

Khả năng trời đổ mưa ... Nếu mưa thì đúng là bỏ mịe chứ chẳng chơi. Cái khúc cua sạt lở mà tôi nhớ 2 đồng chí imim và anson đã không thể đi qua bằng chiếc xe Daewoo, may nhờ có dân bản giúp đỡ (Hình như bằng cách ...khiêng thì phải  )

Màn dạo đầu của con đèo Sa Mù là một khúc cua và dốc bị sạt lở, thành ta luy dương đổ ập xuống khiến cho con đường đã hẹp lại càng hẹp, vừa đủ cho chiếc xe escape đi...
< Và đây là con dốc đầu tiên để lên đèo Sa Mù...

Con đèo Sa Mù thường là rất nhiều sương mù (không phải luận ra từ cái tên đâu nhé)...

Lần đi qua đó tôi gặp may vì trời cũng không đến nỗi tệ. Nhưng phải nói thật là rất hãi chuyện sạt lở ... Nói dại chứ đang đi mà cả nửa quả đồi sạt xuống, chắc chỉ còn nước đi bộ quay ngược lại 50 km mới có cái ăn, mà thế là may chứ không may mà nó vùi cả xe thì chỉ có nước ....đứt. Chẳng có ma nào cứu kịp.

Tháng 8 hay là 9 năm 2006, lần đi cái chấm ở Anh Sơn, có GPS ở Quata về, CVN, Minh Cận, và anh minh ở Hà Nội nửa đêm mò vào, Hai Lúa, Ducko và một số anh em ở Sì Gềnh ra, có cả Lam chiều và tabalo cùng rất rất nhiều anh em nữa, chuyến đó Lam Chiều bảo: Em vừa đi Tây Trường Sơn, "hắn" tí tởn cho mình xem bộ ảnh "hắn" đi Tây Trường Sơn. Ô Hô... Hai "lão" Lam Chiều và Lý Toét đi cung này đã phải dùng rìu để chặt cây đổ giữa đường mới thoát được, hình như lại còn dùng xẻng đào đất nữa ... Anson và imim thì bày đồ ăn giữa đường trên đỉnh U Bò, vừa ăn vừa ngắm Đồng Hới phía xa xa ...Còn mình, may thế. Chuyến đó không gặp cái vụ sạt lở nào, nhưng gặp một vụ đưa người đi cấp cứu khá hồi hộp giữa rừng không mông quạnh ....

Dừng lại ăn trưa. Cả một quãng đường dài gần 100km chỉ có rừng già và hai đứa chúng tôi. Không dám bày ra giữa đường để "chén" nhưng mà cũng thích chí khi ngồi ăn trưa mà nghe tiếng nước chảy, tiếng vượn hú, tiếng chim hót véo von và tiếng rừng đại ngàn đang ..thở than!

Qua khỏi đèo Sa Mù chừng 40km thì chúng tôi dừng lại ăn trưa. Rừng thâm u kinh khủng. Vắng lặng. Gió xào xạc. Chỉ có thoang thoảng tiếng chim hót và tiếng vượn hú phía xa xa. Rì rầm tiếng nước chảy. Đại ngàn hoang vắng sẽ còn được bao lâu nữa, khi con đường này cứ đông đúc dần, dân cư sẽ lại bám đường sinh sống, chặt rừng để ...ăn !

Gần 13h chúng tôi đi qua đèo Khe Đăng (Khu Đăng). Con đèo này trước đó bị sạt lở mất một khoảng đường dài mấy trăm mét, bộ đội và công nhân làm đường tránh, đi vòng một khúc...

Đèo Khu Đăng dài hơn 10 km. Vùng này là vùng đồi đất, cây cối thưa thớt. Nhìn trên GPS, con đường đèo vẫn gần với biên giới Lào.
Trước đó chừng 60km, có một ngã ba, tôi nhìn thấy một cái biển chỉ đường chỉ rằng: Biên giới Lào 5km. Gần sát sạt .... Giờ nhìn GPS vẫn rất gần Lào.

Con đường tránh đoạn sạt lở đang được làm lại. Chiếc xe của tôi bị một phát sạt gầm. Tự dưng hoảng lên vì nhó đến cái đận đi chấm Na Rì, bị phát sập gầm, may nhờ Lam Chiều (lại là "hắn") đi sau phát hiện ra bấm còi inh ỏi báo hiệu, may dừng lại kịp. Đáy cat đăng bị vỡ một miếng bằng lòng bàn tay, dầu chảy lênh láng. Cả đêm đó nằm chờ xe cứu hộ cùng với eskimo. May là gần sáng hoankiem quay lại cùng với xe cứu hộ ...
Thế là hoảng lên, dừng lại ngó nghiêng mãi. Từ lúc đó, khi vào ổ gà hoặc đi qua chỗ sạt lở, ngồi lái mà tự dưng cứ...kiễng mông lên.

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16