Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Tắm biển cần lưu ý: Dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển > Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên dễ làm cho bạn hiểu lầm đó là nơi an toàn. Bạn sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi bạn bơi vào dòng chảy xa bờ ngay lập tức có thể bị cuốn trôi ra biển.

Trong những ngày hè nóng nực, không có gì vui thú bằng đưa gia đình đi tắm biển. Mọi người vui thú vẫy vùng cùng sóng biển, trẻ con đào cát, xây lâu đài cát chán chê rồi kéo nhau nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn theo từng con sóng vỗ bờ. Đây cũng là dịp để chúng ta tán chuyện, thưởng thức những món hải sản tuyệt vời, rồi trở về nhà trong trạng thái tinh thần phấn chấn cho một tuần làm việc mới.

Tuy nhiên, tắm biển cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe chuyện thương tâm về những người hoặc trẻ em bị cuốn trôi ra biển mà mọi ứng cứu đều trở nên qua muộn. Bài này đề cập đến một vấn đề an toàn mà chúng ta cần quan tâm khi đi tắm biển.

Dòng chảy xa bờ

- Là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current).
- Nơi có dòng chảy xa bờ là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.
Hình ảnh trên cho thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển, chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển.

Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng / cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ra biển mà chạy dọc theo bờ biển.

Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm?

Dòng chảy xa bờ được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển.

Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.

Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.

Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.

Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.
Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.

Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ.

Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm.

Cách nhận dạng dòng chảy xa bờ

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
· Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
· Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
· Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ / bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Cách thoát khỏi dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước, chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ.

Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:

- Bình tĩnh, không hoảng loạn.
- Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.
- Đối với người bơi giỏi. Nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
- Đối với người bơi yếu
+ Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
+ Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Một lần nữa, nếu thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
- Nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn, cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
- Cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.

Tóm lại, trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó, luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh, tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển / bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ.

Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến các cha mẹ trẻ, đến mọi người để giúp các con chúng ta tắm biển một cách an toàn.

Nguyễn Văn Trọng
Theo VnExpress

Phụ nữ dân tộc ở phiên chợ vùng cao Tây Bắc

Đến với chợ Bắc Hà, cảm nhận đầu tiên của bất cứ ai đều thấy rõ nét hoang sơ của văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc vẫn được duy trì, mộc mạc, giản đơn và giàu tính dân tộc.

Nếu bạn đi nghỉ cuối tuần ở Sapa thì đừng bỏ qua cơ hội đến chợ Bắc Hà, bởi vì đến tận thời điểm này chợ vẫn chỉ duy trì một phiên duy nhất vào ngày chủ nhật hàng tuần.

Chợ Bắc Hà nằm tại trung tâm của huyện Bắc Hà (Lào Cai), cách thị trấn Sapa khoảng 100 km, tương đương với 3 tiếng đi bằng ôtô. Vượt qua những cung đường uốn khúc quanh co, hết đi lên rồi lại đi xuống, chiếc xe ô tô đưa chúng tôi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác của núi rừng Tây Bắc xanh bao la mà rộng lớn, hùng vĩ. Trước không gian bao la, đã có lúc chúng tôi tưởng như ở nơi này chỉ có nắng, mây gió và núi rừng, chúng tôi háo hức chờ đợi một cảm giác mới lạ như những gì đã được đọc, được nghe và được giới thiệu.

Tôi không thể dời mắt khỏi bởi những bộ trang phục cầu kỳ và độc đáo của những người phụ nữ dân tộc H’mông. Họ ăn vận trên người những bộ váy áo được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc tươi sáng, trang trí hài hòa và đẹp mắt.

Tôi bất ngờ khi được biết những bộ váy áo đó được chính bàn tay của những người phụ nữ đang mặc trên người may thêu trọn vẹn, bắt đầu từ khi kéo chỉ, dệt vải, cắt miếng, khâu tay, thêu và trang trí… Vì quá trình chuẩn bị công phu và mất thời gian như vậy nên họ chỉ mặc bộ áo váy này khi xuống chợ hoặc những dịp lễ hội quan trọng.

Không giống như các địa danh du lịch ở Sapa, đến chợ Bắc Hà điều đầu tiên bạn nhận thấy là bạn sẽ không còn gặp cảnh bị làm phiền, mời chào chèo kéo, đeo bám của những người bán hàng rong, ăn xin, bắt chẹt khách du lịch nước ngoài.
Ở đây, bạn sẽ thấy ấn tượng những gương mặt háo hức, những nụ cười tươi, khuôn mặt hiện nên vẻ rạng ngời nhưng kín đáo cùng với bộ váy áo truyền thống dân tộc sặc sỡ, công phu, tạo cảm giác dễ nhìn giống như một tác phẩm nghệ thuật với nhiều đường nét sinh động.

Người dân đến chợ ngoài mục đích giao thương, mua bán trao đổi hàng hóa, chợ còn là để vui chơi, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc sau một tuần làm việc vất vả.

Hữu Đoàn
VnExpress

Về với Khe Tân

Hồ chứa nước Khe Tân thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường 14B từ Đà Nẵng đến Đường Hồ Chí Minh. Hồ được kiến tạo ở độ cao 300 mét so với mặt nước biển với lưu vực hồ rộng 840ha, dung tích 46 triệu mét khối nước.

Ngoài chức năng cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu ở 7 xã vùng B Đại Lộc, hồ chứa nước Khe Tân còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách gần xa.

Trong lòng hồ có đến hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên phong cảnh hữu tình. Thuyền du lịch đưa du khách đến suối Róc Rách, suối Dụ... để ngắm ngọn thác đổ trắng xóa nằm giữa khu rừng nguyên sơ. Trong lòng suối có nhiều nhũ đá trông rất đẹp mắt. Rừng nguyên sinh An Bằng, Hữu Niên nằm đan xen với rừng trồng với nhiều loại thực vật như cồng, chò, dẻ, kiền kiền, dầu rái và nhiều chủng loại chim muông, thú vật như nai, mang, nhím, chồn, gà rừng, heo rừng, cu ngói, chim mía, cò trắng... tạo nên sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên hoang sơ đầy hấp dẫn.

Hơn thế nữa, nơi đây trong những năm chiến tranh ác liệt, là “chiếc nôi cách mạng”, có nhiều căn cứ như: Khe Rèn, Khe Rúc, dốc Gió, dốc Ông Thủ… gắn liền với tên đất, tên làng quen thuộc như: Tập Phước, Thọ Lâm, Phúc Hương, Hữu Niên – đã từng là cơ quan, là nhà, là quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng.

Vùng đất Lộc Sơn, Lộc Thành xưa, Đại Thạnh, Đại Chánh ngày nay còn là nơi giàu tiềm năng về thơ ca, hò vè; là nơi nổi tiếng hát hò khoan đối đáp. Gánh hát “Bàu Toa” lừng danh khắp tỉnh. Đây chính là quê hương của nghệ nhân hát tuồng Đội Tảo – Nguyễn Nho Túy – người được mệnh danh là “Con rồng trên sân khấu hát tuồng” Quảng Nam. Nay vẫn còn lưu giữ truyền thống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu; là liều thuốc làm xoa dịu những suy tư, nhọc nhằn sau một ngày lao động.

Bao quanh lòng hồ là những núi non, hồ, suối thơ mộng, những rừng nguyên sinh, keo lá tràm tươi tốt với màu xanh bất tận in bóng lung linh dưới mặt hồ, tương phản trên nền nước xanh, đảo thẳm một màu sương khói, mênh mông. Khí hậu ở đây rất trong lành, mát dịu, thu hút những đàn chim từ mọi miền bay về trú ngụ cùng với thảm thực vật phong phú, tươi tốt. Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, không khí tinh khiết, non nước hữu tình giúp du khách quên đi bao căng thẳng, mệt mỏi và phiền muộn đời thường.

Thấp thoáng trên những hòn đảo rợp bóng cây là những nhà nghỉ đẹp hài hòa cùng cảnh trí thiên nhiên với các loài chim lạ, non xanh nước biếc hữu tình. Những chuyến du thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ tĩnh lặng đưa du khách đi thăm cảnh hồ, các đảo. Một Khe Tân trập trùng đảo, bập bềnh những “đảo cây”, với nguồn nước vô tận tạo nguồn sống dồi dào, bất tận cho con người và muôn loài cỏ cây, chim thú... Nơi đây đã và đang trở thành khu du lịch sinh thái đa dạng, đủ dịch vụ tham quan, câu cá, chèo thuyền, bơi lặn trên hồ, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng, chữa bệnh dành cho những người yêu thiên nhiên, yêu rừng.

Đến với hồ Khe Tân vào những ngày nắng nóng, du khách sẽ thấy lòng dịu lại bởi màu xanh tươi mát của những xóm làng trù phú, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Ngay trong mùa nóng bức nhất, không khí ở khu hồ vẫn thường xuyên mát dịu.

Các hòn Cò, Én, Cóc, Sấu, Sư Tử, Nón, Ôm đều để lại một ấn tượng khó quên. Sau giấc ngủ say khi đã qua một ngày khám phá thiên nhiên, du khách thức dậy và tắm mình trong làn nước hồ trong xanh, để rồi tiếp tục thưởng thức cảnh đẹp rừng núi Khe Tân. Khi hoàng hôn tỏa xuống lòng hồ, các rặng núi miền thượng nguồn xa mờ trong màu lam sương khói.

Câu cá trên hồ Khe Tân rất thú vị. Đủ loài cá như rô phi, mè, trắm cùng với cá hoang dã như tràu, bống, trê... tung tăng dưới nước chờ bạn thả câu. Một mình trên chiếc ghe độc mộc nhỏ nhoi trên mặt hồ tĩnh lặng, thỉnh thoảng bạn nghe rõ thấy “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Khi màn đêm buông xuống, được ngủ đêm trên những đảo nhỏ là lúc bạn được khám phá trăng đêm tuyệt diệu trên hồ và không kém gì “trăng đêm Dương Tử” huyền ảo, lung linh trên sóng nước với bóng trăng như dát vàng lồng trong bóng núi chập chùng.
Trong mơ màng giấc điệp, bạn có thể nghe làn gió hú qua những tán cây rậm rạp, tiếng côn trùng hòa tấu, tiếng đàn cá quẫy ăn đêm…

Tổng hợp từ TTO, Huuthanhdtd - Ảnh internet

Thác Trắng - Quảng Ngãi

Thác Trắng nằm cách TP Quảng Ngãi chừng 23km về hướng tây nam thuộc địa bàn xã Thanh An, huyện Minh Long (Quảng Ngãi).

Nằm giữa vùng núi Trường Sơn trùng điệp, nước từ trên cao chảy xuống trắng xóa như dát bạc trên sườn núi đá dốc đứng. Dưới chân thác có hồ nước sâu tự nhiên rộng hàng trăm mét vuông, xanh biếc và mát lạnh. Từ chân thác này, nước theo con suối rộng khoảng 20 mét, lô nhô đá tảng giữa dòng, quanh có uốn khúc trong thung lũng trước khi chảy ra hợp nước với các khe suối khác. Giữa mùa hè nóng bức mà đến thác Trắng với không khí mát lành thì thật tuyệt. Địa điểm du lịch còn khá hoang sơ này đang là điểm đến của nhiều bạn trẻ trong những ngày nghỉ cuối tuần...

Để đến với địa điểm du lịch hoang sơ này, du khách sẽ vượt qua đèo Eo Gió nằm tiếp giáp giữa huyện Nghĩa Hành và Minh Long. Trên con đường vòng cung, ngang qua những cánh đồng lúa là dòng sông Vệ lững lờ trôi bên những xóm nhà.

Càng đến gần địa bàn huyện lỵ Minh Long, quang cảnh cũng bắt đầu thay đổi dần với những nếp nhà sàn nằm bên sườn núi, những rẫy chè và thửa ruộng bậc thang của đồng bào H're hai bên đường. Làng Ðố xưa chỉ là rừng hoang, chỉ có một ít đồng bào Hrê đến cất chòi giữ trâu. Nay Ðố đã trở thành một làng Hrê định canh định cư, vẫn với nếp nhà cổ truyền, nhưng lợp ngói, khang trang đẹp đẽ.

Phong cảnh đẹp và bình yên đến nao lòng...
Thác Trắng ẩn mình giữa rừng già, dòng nước trắng xóa như treo trên vách đá ở độ cao trên 40m. Từ trên cao, nước buông mình đổ xuống tạo thành dòng suối trong vắt, chạy quanh những tảng đá và bờ cây dương xỉ mọc đầy trên vách núi. Hai bên thác có nhiều cây đoát - một loài cây mà đồng bào dân tộc thiểu số lấy nước lên men làm thành thứ rượu đoát độc nhất vô nhị.

Giữa một không gian còn tinh khiết, khách đường xa cứ thong thả ngồi trên những tảng đá ngắm trời mây mà không vội hòa mình vào dòng nước mát.

Để thưởng thức hết cái thú vị ở thác Trắng, nhiều bạn trẻ cứ đánh trần dang rộng đôi vai bám lấy bờ vách đá để dòng nước tha hồ "nện" xuống thân mình và thích thú gọi đó là... món matxa nước. Thú thật, nếu đã một lần "thưởng thức", bạn sẽ thấy kiểu matxa đầy chất hoang dã này ngay lập tức sẽ làm tiêu tan những mệt nhọc đời thường.

Mặc dù đã xác định là điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Ngãi nhưng thác Trắng vẫn còn  nguyên sơ, hầu như không có sự can thiệp của con người và cũng chẳng có một dịch vụ nào. Do vậy, hầu hết du khách đến đây đều "kinh nghiệm" mang theo thức ăn, đồ uống. Hồ nước dưới chân thác Trắng và lòng suối có nhiều cá niêng được xem như một đặc sản mà bất cứ khách từ đâu cũng ưa thích.

Tiện nhất là mang theo chiếc võng để sau khi dầm mình dưới nước, ăn uống xong thì tìm một gốc cây nào đó để tha hồ đung đưa, nghỉ ngơi thư giãn... Tiếng thác reo và tiếng chim rừng gù gáy sẽ đưa bạn vào giấc ngủ khoan khoái.

Sau giấc ngủ trưa giữa rừng, cái thú nhất là tha thẩn quanh những đoạn suối cạn tìm cua đá. Nước lắp xắp mát rượi dưới chân và trong vắt, phô ra cả một "thế giới riêng" đầy hấp dẫn...

Con đường về thác Trắng đã được san ủi. Sở Thương mại-Du lịch Quảng Ngãi đã có dự định thực hiện dự án du lịch tại đây. Chắc chắn thác Trắng sẽ thu hút nhiều du khách và sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai không xa.

Tổng hợp từ TTO, Binhson.net

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Đền Chử Đồng Tử - Hưng Yên

Truyền thuyết về mối tình giữa nàng công chúa lá ngọc cành vàng với một chàng trai nghèo khó nhưng rất mực hiếu thảo từ lâu đã trở thành thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Chử Đồng Tử - Tiên Dung, những con người không tham danh vọng, không màng phú quý vinh hoa, suốt đời chỉ tìm đến với những cái đẹp trong thiên nhiên, khai phá tạo dựng những bãi bồi phù sa đã đi vào cõi bất tử trong tâm linh của người dân đất Việt.
Từ Hà Nội, du khách có thể xuôi dòng sông Hồng chừng 20km là tới bến Bình Minh hoặc có thể đi đường bộ qua cầu Chương Dương rẽ phải, theo đường đê chừng 25km là tới đền Chử Đồng Tử hay đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên.

Khách thập phương tới đây không chỉ để đứng trên con đê sông Hồng thưởng ngoạn phong cảnh bình yên của một vùng quê "xanh xanh lũy tre, ngô khoai biêng biếc, con đò sang ngang" hay ngắm nhìn những dải phù sa cát trắng, những ánh nắng lung linh trên những hàng cau… mà còn để được đắm mình giữa chốn Bồng Lai tiên cảnh của đền Đa Hòa và dâng nén nhang tưởng nhớ tới đức thánh Chử Đồng Tử (một trong tứ bất tử của thần linh đất Việt) cùng vị phu nhân xinh đẹp Tiên Dung công chúa (con gái vua Hùng Vương thứ 18) và nàng Tây Sa công chúa.

Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được thờ phụng ở nhiều nơi trên địa bàn vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng và sông Đuống. Nhưng, một trong những nơi thờ tự chính, nổi tiếng sầm uất nhất là đền Đa Hòa cạnh bờ sông Hồng trông thẳng sang bãi Tự Nhiên - nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ và nảy sinh mối tình nên thơ, diễm lệ giữa chàng trai đánh cá nghèo không mảnh khố che thân với nàng công chúa Tiên Dung lá ngọc cành vàng vừa độ 18 trăng tròn.

Đền Đa Hòa hay còn được nhân dân trong vùng gọi là đền Chính vì đây là nơi thờ tự chính của nhân dân tổng Mễ (thuộc huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nay thuộc xã Bình Minh, Khoái Châu và xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962. Đây không chỉ là một di tích lưu truyền và lan toả về một thiên tình sử hàng ngàn năm nay mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn.

Đền do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, Hưng Yên, nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên) đứng ra vận động nhân tài, vật lực của nhân dân tám thôn tổng Mễ cùng thập phương công đức để xây dựng, tôn tạo năm 1894 trên nền một ngôi đền cổ.

Hiện vẫn chưa có tài liệu chính xác nào cho biết ngôi đền cổ này được xây dựng từ thời gian nào, bằng vật liệu gì, qui mô to nhỏ ra sao và điều quan trọng hơn là ngôi đền này thờ ai.

Quang cảnh đền như hiện nay là một kiến trúc quy mô lớn, mặt quay hướng chính Tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên mà kế đó, thuộc địa phận huyện Thường Tín (Hà Tây) có ngôi đền Ngự Dội để ghi đấu nơi Tiên Dung dừng thuyền rồng tắm thuở nào.

Tổng thể kiến trúc đền nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, hình chữ nhật có tổng diện tích 18.720m2, bao gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ. Con số này là sự gởi gắm ý tưởng của người xây dựng nhằm nhắc nhở người đời sau nhớ tới thiên tình sử của nàng Tiên Dung công chúa vừa tròn 18 tuổi, diễn ra vào đời Hùng Vương thứ 18.

Thu hút sự chú ý của du khách hành hương là các pho tượng, đặc biệt là các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đặt ở Hậu Cung. Các pho tượng đều được đúc bằng đồng, mặt tượng được sơn màu da, kẻ mắt và có độ cao ngang bằng nhau. Hiện nay trong đền còn có ba pho tượng như thế này nữa đặt ở cung Đệ Tam.

Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, chúng đã lấy ba pho tượng bằng đồng quý giá đem đi. Do đó nhân dân địa phương đã tạc ba pho tượng bằng gỗ để thờ. Nhưng do sự đấu tranh kiên quyết của nhân dân địa phương, về sau chúng đã phải trả tượng lại cho đền. Ba pho tượng bằng gỗ kia cũng được giữ lại do đã có một thời gian sống trong tâm linh của dân, đồng thời để ghi dấu một thuở nơi đây từng bị giặc ngoại xâm tàn phá quê hương, phá bỏ đền chùa.

Ngôi đền càng được tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, rêu phong với sông nước bao la, cổ thụ bốn mùa xanh tốt. Cây cối nơi đây cũng được chọn lọc để tập trung vào chủ điểm khẳng định sự bất tử của đức thánh Chử Đồng Tử cũng như mối tình tuyệt mỹ của ngài. Xen vào đó là những lời hay, ý đẹp và tình yêu bất tử của con người toát lên qua mỗi lời, mỗi chữ của những bức hoành phi, câu đối của những bậc tao nhân, mặc khách mọi thời. Thật là một chốn Bồng Lai tiên cảnh nơi trần thế.

Hiện nay đền Đa Hòa còn được bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó đặc biệt phải kể đến đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.

Tại đây người dân địa phương đã bao đời hương khói trong niềm tin tưởng cầu phúc, cầu lộc, sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho mình và cho cả đất nước. Vì thế mà:

"Hỡi ai đi ngược về xuôi
Nhớ hội Đa Hòa mồng mười tháng hai"


Từ xưa đã thành thông lệ, cứ ba năm một lần, người dân tổng Mễ xưa lại mở hội hàng Tổng từ mồng 10-15 tháng 2 âm lịch gọi là hội Kỳ Yên (hội cầu mát). Vì thế mà ngày nay đền Đa Hòa hay đền Chử Đồng Tử không chỉ là một nơi thờ cúng tâm linh của nhân dân, mà nó còn là một trong những điểm du lịch tham quan không thể thiếu của những tour du lịch vùng đồng bằng sông Hồng, và đặc biệt là các tour du lịch bằng đường sông cùng với làng gốm Bát Tràng, đền Đại Lộ, đền Dầm hay thương cảng Phố Hiến.

Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã bay về trời nhưng tình yêu của họ vẫn còn mãi với thời gian và bất tử trong tâm linh các thế hệ người dân Việt Nam. Đền Chử Đồng Tử - đền Đa Hòa ở xã Bình Minh và nhân dân nơi đây đã, đang và mãi mãi là một trong những điểm tựa cho sức sống bất tử ấy. Thời gian đi qua, nhưng truyền thống văn hoá dân tộc còn mãi không mờ, tâm linh người Việt vẫn luôn hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn và hướng về "đền Chử Đồng Tử - linh thiêng một tình yêu".

Nguồn tin: TTO

Hướng dẫn du lịch Phú Quốc

Thời gian lý tưởng nhất để du lịch đảo Phú Quốc là từ tháng 09 đến tháng 03 âm lịch hàng năm, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 01 âm lịch.

Trong thời gian này thời tiết ít mưa, biển êm, thuận lợi cho những chuyến tàu từ Rạch Giá đi Phú Quốc. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này lượng khách đến Phú Quốc giảm hơn nhiều so với mùa hè vì vậy khách du lịch có thể dễ dàng đặt chỗ các dịch vụ: vé tàu, vé máy bay, phòng nghỉ, điểm ăn uống…

Làm sao đến?

Từ TPHCM:
-Chuyến bay từ TPHCM đến Phú Quốc và ngược lại mất 60 phút. Giá vé nằm ở khoảng 1.040.000 VND /lượt.
- Hoặc có thể đi xe chất lượng cao đến TP. Cần Thơ. Chuyến bay từ Cần Thơ đến Phú Quốc mất khoảng 45 phút. Giá vé hạng K là 783.000 đồng/lượt.

- Ngoài ra còn có chuyến bay Rạch Giá - Phú Quốc mất khoảng 25 phút. Giá vé hạng K là 783.000 đồng/lượt.
- Du khách có thể đi đường biển bằng tàu du lịch. Tàu khởi hành từ cảng Rạch Giá lúc 8h00 và 13h00 mỗi ngày. Tàu SuperDong và Savana chạy khoảng 2h30 phút đến Phú Quốc. Giá vé 270.000 đồng/lượt.

Từ Hà Nội:
Hiện nay hãng hàng không Air Mekong vừa đi vào khai thác chặng bay Hà Nội-Phú Quốc với giá vé 1 chiều là 2.717.000vnd và khứ hồi là 5.975.000vnd.(Transit ở TP. Hồ Chí Minh)Dù mới đi vào hoạt động nhưng chặng bay này được khách du lịch đánh giá khá tốt về dịch vụ(Loại máy bay được sử dụng là Bombardier CRJ-900 90 chỗ của Canada).

Để chuẩn bị cho một chuyến du lịch đến Phú Quốc bằng máy bay tốt nhất với giá hợp lý thì khách du lịch cần sớm có quyết định chính xác ngày đi, ngày về để đăng ký tour hoặc tự mình mua vé. Thời gian mua vé càng sớm, trước ngày đi càng xa thì khách càng có cơ hội mua vé với giá ưu đãi.

< Bản đồ Phú Quốc 1758x3000

Ở đâu?

Các khách sạn 2 sao giao động từ 250.000 VND/đêm đến 500.000 VND/đêm tùy loại phòng và tùy khách sạn. Các khách sạn, khu resort 3 sao thì giá phòng từ 650.000 VND/đêm đến 1.500.000 VND/đêm tùy loại phòng và tùy khách sạn.

Nếu bạn có túi tiền rủng rỉnh thì các khách sạn và khu resort 4 sao sẽ là lựa chọn dành cho bạn, giá phòng giao động từ 90 USD/đêm đến 400 USD/đêm. Các khu resort 4 sao được đánh giá cao về chất lương dịch vụ và phòng ốc tiện nghi có thể nói đến như Khu Nghỉ Dưỡng La Veranda, Khu Nghỉ Dưỡng Sasco Blue Lagoon và Khu Nghỉ Dưỡng Làng Cổ Ven Biển (Long Beach Ancient Village) hay Chen La.

Đi lại như thế nào?

Nếu đến hòn đảo này, cách tốt nhất là thuê xe máy để tự khám phá mọi ngóc ngách và được hít hà cái mùa biển pha lẫn cây rừng rất ấn tượng. Giá thuê xe máy dao động khoảng 80 000vnd đối với xe Trung Quốc và 100000vnd đối với xe Nhật. (nhiều nơi yêu cầu trả khoảng trước 18h, còn nếu thuê từ 2 ngày trở lên thì cứ tiền phí được nhân lên, nhưng được giữ xe qua đêm). Dù đảo còn hoang sơ nhưng bạn hãy yên tâm mà đi xe máy bởi các con đường hầu hết đã được rải nhựa.

Chơi gì?

- Lặn ngắm san hô:
Hệ thống sinh thái biển đa dạng thuộc quần đảo An Thới ở phía Nam hay hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi và hòn Thầy Bói phía Bắc đảo Phú Quốc là những nơi lý tưởng để du khách khám phá thế giới đại dương, đặc biệt hơn cả là các dải san hô nơi dây được xếp vào bậc nhất Việt Nam về mức độ phong phú với 17 loại cứng, mềm và hải qùy khác nhau.

- Câu cá, khám phá đảo hoang:
Chiến lợi phẩm là cá câu đươc sẽ được phụ vụ ngay trên tàu. Đây còn là dịp để trải nghiệm cuộc sống cần mẫn của các ngư phủ nơi hải đảo xa xôi. Quần đảo An Thới với 12 hòn đảo nhỏ to khác nhau ở phía Nam hay hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi, hòn Thầy Bói ở phía Bắc, giáp Campuchia là những hòn đảo còn giữ nguyên nét hoang sơ với bãi cát trắng sẽ là những nơi lý tưởng cho cắm trại, dã ngoại và khám phá...

- Câu mực đêm:
Khi màn đêm buông xuống, toàn đảo Phú Quốc trở nên tĩnh lặng nhưng ở phía xa ngoài khơi cuộc sống của các ngư phủ vẫn hối hả với các ngọn đèn lung linh như một thành phố náo nhiệt.  Đó chính là lúc để trải nghiệm những giây phút vừa thư giãn vừa thú vị cùng thủy thủ đoàn với hoạt động câu mực đêm. Sẽ không gì bằng khi chính tay bạn câu được những con mực đang săn mồi dưới biển hay vớt được những chú cá kiếm, cá xanh xương đang nổi mình trên mặt biển. Chiến lợi phẩm là mực câu hay cá vốt được sẽ được phục vụ ngay trên tàu.

- Khám phá rừng nguyên sinh:
Nếu bạn là người ưa thích mạo hiểm thì đây chính là chọn lựa dành cho bạn. Khu bảo tồn sinh thái suối Đá Ngọn nằm dưới hạ nguồn các con suối bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh, là nơi lý tưởng cho hoạt động dã ngoại, leo núi, khám phá rừng nguyên sinh và tắm suối. Không chỉ được đắm mình trong làn nước trong mát, bạn còn có dịp được tận hưởng cảm giác sảng khoái với hồ Jaccuzzi thiên nhiên độc nhất vô nhị của nơi này.

- Khám phá Bắc đảo hoang sơ:
Bắc đảo Phú Quốc là vùng đất trù phú với dãy rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú cùng vô số những bãi biển đẹp ẩn hiện sau những cánh rừng. Đến với Bắc đảo là đến với thiên nhiên hoang sơ

Hành trình khám phá Bắc đảo bao gồm:

- Vườn tiêu KhuTượng: Tìm hiểu phương pháp trồng tiêu truyền thống để tạo ra một loại tiêu đặc sản của người dân xứ đảo. Khách có thể mua tiêu tại vườn. Tiêu Phú Quốc thì không có tiêu ở đâu sánh bằng.
- Khu bảo tồn sinh thái Gành Dầu: Tản bộ và khám rừng nguyên sinh. Sẽ không gì thú vị hơn khi được thả hồn cùng thiên nhiên hoang dã và bất chợt nín thở để nghe những tiếng rúc rích của côn trùng, và chim chóc, muôn thú vọng từ rừng sâu

- Đền thờ Nguyễn Trung Trực: Tìm hiểu chiến tích chống Pháp của vị anh hùng dân tộc trên đất Phú Quốc. Đây còn là dịp để trải lòng cùng tình yêu đất nước khi được ôn lại những trang sử hào hùng...
- Mũi Gành Dầu: Ngắm hải giới Campuchia và trải ngiệm cuộc sống giản dị của ngư dân địa phương. Một nét duyên thầm của nơi đây chính là những tiếng ca tài tử mà bất chợt bạn nghe đươc từ những ngư dân địa phương khi đang thả hồn cùng biển xanh và những gềnh đá nhấp nhô tạo nên một bức tranh vừa động vừa tĩnh.
- Ra khơi: Đây là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chuyến đi cùng hoạt động câu cá, bơi lặn và khám phá đảo hoang trên vùng biển giáp hải giới Camphuchia. Tại sao không thử một lần trải nghiệm bản năng sinh với họat động lặn lội săn bắt? Nếu không bạn vẵn có thể đặt thức ăn từ các nhà hàng gần đó để thưởng thức ngay trên đảo hoang.

- Nhà thùng sản xuất nước mắm (trên đường trở về từ Bắc đảo): Tìm hiểu phương pháp ủ cá truyền thống để tạo ra hương vị đậm đà của nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Khách có thể mua nước mắm tại xưởng. Nước mắm Phú Quốc "thơm ngon đến giọt cuối cùng"
- Làng chài Hàm Ninh: Ở đây bạn có thể thưởng thức món ghẹ chỉ với giá 80000vnd/kg (+20000vnd tiền công luộc) và nhiều đồ hải sản khác cũng rất hấp dẫn thơm ngon. Ngoài ra, con đường nhỏ dẫn ra bến cảng ở làng chài này rất đẹp và lãng mạn cho những bức ảnh mê hồn.

- Khám phá Nam đảo:Nam đảo Phú Quốc là vùng đất thấp đan xen rừng cấp hai, là nơi tập trung dân cư của đảo. Các bãi biển đẹp thu hút lòng người như bãi Trường, bãi Sao, bãi Khem, Giếng Ngự được nhắc đến như một nét duyên riêng biệt của đảo Phú Quốc


Hành trình khám phá Nam đảo bao gồm:
- Khu Cội Nguồn: Nếu bảo tàng tư nhân này hay những gian hàng trưng bày ở đây không là mối quan tâm thì những chú chó săn Phú Quốc và những ngôi nhà truyền thống của người dân Phú Quốc được gìn giữ lại nơi đây chắc sẽ là một phần trong hành trình khám phá Đảo Ngọc của bạn.
- Khu nuôi cấy ngọc trai Nhật Bản: Tìm hiểu quy trình sản xuất ngọc trai, khách có thể mua những viên ngọc trai được nuôi cấy tại đảo để làm quà lưu niêm cho một chuyến đi. Nếu những viên ngọc trai đắt tiền nằm ngòai kế họach chi tiêu của bạn thì những sản phẩm ngọc trai rẻ tiền hơn (từ 50.000 Đ) chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của bạn bởi sự long lanh của chúng
- Di Tích Lịch Sử Lao Phú Quốc: Tìm hiểu tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ. Di tích này vừa được tôn tạo để du khách khi đến Phú Quốc có thể hình dung được sự tra tấn và giết chóc dã man của Mỹ - Ngụy.

- Bãi Sao: Đắm mình cùng làn nước trong mát của biển xanh và cát trắng. Bãi Sao đựơc xem là bãi biển đẹp nhất đối với người dân Phú Quốc. Những hạt cát trắng mịn đã khiến không ít người phải cất giữ lại cho một lần ghé qua nơi này. Ở đây, có một nhà hàng cho khách để xe và tắm tráng miễn phí nhưng đồ ăn thì khá đắt đỏ.
- Ra khơi tham quan khu làng chài ven biển, mua và thưởng thức món gỏi cá trích đặc sản của ngư dân bãi Khem, câu cá trên tàu tại Mũi Ông Đội và hòn Dăm, tham quan di tích Giếng Ngự (hay còn gọi là Giếng Tiên), tìm hiểu dấu tích vua Gia Long khi trốn chạy quân Tây Sơn và sau đó tự do tắm biển và khám phá nét hoang sơ của bãi cát trắng...
- Suối Tranh: Khám phá sinh thái khu bảo tồn rừng nguyên sinh và tận hưởng làn nước trong mát bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh (vào mùa mưa)
- Bãi Kem: Là bãi tắm đẹp, nổi tiếng có cát trắng và mịn như bột nằm phía nam đảo Phú Quốc. Chen lẫn những bãi cát thỉnh thoảng nhô ra biển là những ghềnh đá nhấp nhô. Bãi Kem cách Dương Đông 25 km (16 miles), cách cảng An Thới 5 km (3 miles). Ven bãi Kem là những bãi cỏ xanh mượt mà và rừng già nguyên sinh. Du khách tới đây có thể tắm biển câu cá, bắt ốc và nổi lửa để thưởng thức đặc sản. Bãi Kem gây ấn tượng với khách du lịch bởi những đặc sản của đảo: món gỏi cá trích (40000 vnd đĩa nhỏ, 50000vnd đĩa to), món cá sòng (trông giống còn cá nục ngoài Bắc) 30000vnd/kg(được 4 con to), đặc biệt là món mực mì với 2 con mực to bự được cho vào bát mỳ tôm cực kỳ thơm ngon và lại còn độc đáo nữa chứ.

Ăn gì?

< Gỏi ốc Giác.

Gỏi cá trích, gỏi ốc Giác, gỏi cá Nhồng, còi biên mai, súp nấm tràm (Chỉ có vào mùa mưa), rượu Sim, Nhum tức con cầu gai...
Ngoài ra, còn vô số các đặc sản hấp dẫn khác như: Cá mú nướng giấy bạc, Cá mang ếch chiên xù, Ghẹ hàm ninh, Tôm tích, Ốc nhảy lớn, Bào Ngư, Còi chôm chôm...

Ăn ở đâu?

Địa chỉ ăn sáng :
- Quán ăn Lê Giang – Nằm ngay vòng xoay chợ đêm , quán ăn lê giang là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của những du khách đi theo đoàn . 25.000đ/phần.
- Quán ăn Quốc Anh – Đồ ăn ở đây được nhiều khách khen ngon , giá 20.000đ/tô . Đường 30/4 Phú quốc , gần khách sạn Thăng Long .
- Quán bánh canh chả cá – Là quán ăn bình dân nằm bên lề đường , ngay sát khách sạn thăng long , nếu bạn thích ngồi nhìn cảnh đường phố và thưởng thức hương vị bản địa hãy đến đây nếm thử . 15.000đ/tô.
- Nhà hàng Zen – Nhà hàng sang trọng nằm trên đường 30/4 , khung cảnh sân vườn mát mẻ , nhân viên phục vụ chuyên nghiệp . 35.000đ/suất.
- Buffet sáng ở Hotel Hương Biển – Bạn có thể gọi đến hotel để đặt xuất ăn sáng Buffet tại nhà hàng này dù bạn ko thuê phòng ở đây . 50000-70000đ/suất.

Bạn có thể ăn trưa, ăn tối tại các bãi biển, hay ghé thăm các nhà hàng như:
- Nhà hàng Vườn Táo : Ở đây nổi tiếng với món gỏi cá trích nhấm nháp cùng rượu sim rừng. Trước khi ăn gỏi cá trích hãy nhớ bảo các anh phục vụ đọc cho nghe câu thần chú về gỏi cá trích nhé ! Nên ở nhà hàng Vườn táo vào ban ngày vì ban đêm ở đây vắng vẻ do nằm xa trung tâm thị trấn.
- Chợ Đêm Dinh Cậu : Món ăn phong phú với nhiều hàng quán nằm sát nhau , cá tôm mực tươi rói nằm kế bên bếp lửa than hồng . Hãy thưởng thức hương vị của biển theo cách của bạn .
- Quán Gia Tường Đây là nơi duy nhất ko bán hải sản ở Phú quốc,  món ăn ở đây là đặc sản của rừng Phú quốc . Bạn có nghe qua tên con Càng tôm , càng cuốc ? Hãy đến đây để biết nhé !

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các nhà hàng như: Zen với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, Sông Xanh có view ra dòng sông Dương Đông xanh biếc hay các nhà hàng có giá cả bình dân như Trùng Dương, Sáng Tươi, Nghêu sò ốc hến, Nghêu sò Phú Quốc...
Hay bạn có thể nghỉ chân tại Sao Beach Club, nhà hàng mới nhất ở Bãi Sao với phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Trong hành trình tham quan Nam đảo, bạn có thể lựa chọn nhà hàng Gió biển, nằm ở Mũi chuồng Vích, có bungalows, nơi có thể ngắm biên giới Campuchia hay Biên Hải Quán – ở mũi Gành dầu , chủ quán chính là tiên sinh Hai Trang người sản xuất Muối tiêu Dưỡng sinh hay còn gọi Hồng tiêu Phú quốc,  bạn có thể mua muối ở đây và thưởng thức hải sản.

Du lịch, GO! - Theo Yeudulich.vn

Du lịch, GO!: Phú Quốc, đảo ngọc phía nam
Du lịch, GO!: Phú Quốc đảo ngọc

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Cháo cá Buôn Trấp

Thị trấn Buôn Trấp (tiếng Ê Đê là Trăăp, thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là một vùng đất nhỏ có dòng sông Krông Ana chảy qua. Ai đã từng đến Buôn Trấp, từng được thưởng thức món cháo cá lóc ở đây sẽ có ấn tượng khó quên với ẩm thực một vùng đất cao nguyên.

Buôn Trấp có nhiều ao hồ và sông suối, cá tôm ở đây cũng nhiều như đặc ân của thiên nhiên ban tặng nhưng cá lóc có lẽ là loài cá ngon nhất vùng sông nước. Cá lóc thịt nhiều, dai, thơm, làm được nhiều món ngon. Ấn tượng nhất ở đây là món cháo cá lóc của người Mường. Lãng khách gần xa đến đây thường được giới thiệu món ăn này như đặc sản của Buôn Trấp. Đặc biệt, nó vừa mang nét riêng của người Mường vừa có vị ngon của món ăn nhiều vùng quê, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa và ẩm thực.

Cá lóc bắt về thường được bỏ vào chum, bể nuôi mấy ngày để cá đói cho sạch ruột. Khi làm cá, đánh vảy, mổ bụng cá chỉ bỏ mật. Bộ lòng cá lóc ăn thơm và có vị béo rất ngon. Dùng dao cắt ngang thịt cá gọi là khứa, ướp gia vị sẽ mau thấm và thấm đều vào thịt cá. Cháo nấu chín cho vào nồi nhỏ rồi mới đặt cá lóc ướp vào đun lên. Vị ngon ngọt của cá lóc theo nước hòa vào cháo.

Đặc trưng đồng ruộng từ cháo đi dần vào thịt cá tạo nên hương vị thơm ngon rất riêng của đồng quê trong từng thớ thịt cá lóc. Nếu ăn ở quán sẽ có nhiều loại mắm cho thực khách lựa chọn theo sở thích như nước mắm, mắm nêm, mắm ruốc…

Thường cháo cá lóc ở Buôn Trấp ăn như ăn lẩu. Khi cháo sôi, cá chín thì đập thêm trứng vịt lộn sống vào. Nồi cháo ngon ngọt sẽ thêm đậm đà hương vị, vị ngon của cháo đặc biệt đến khó tả, ngọt của cá, ngọt của trứng lộn, ngọt thơm của hương lúa gạo đồng quê. Và thơm, hương thơm cũng rất ấn tượng.
Hương thơm sông nước hòa với nắng gió ruộng đồng, hương thơm vườn quê trong tỏi, trong rau thơm húng quế. Vị ngon và hương thơm sẽ tạo ấn tượng khó phai cho bất cứ ai một lần thưởng thức món ăn này.

Cháo cá lóc Buôn Trấp ăn với giá đậu xanh và rau sống. Cho ít giá vào chén rồi múc cháo vào. Người ăn sẽ thưởng thức thêm một vị ngọt của giá đậu xanh mát lành hòa thêm vào mỗi muỗng cháo vốn đã ngon ngọt. Rau sống ăn với cháo được xắt rất mịn như để hợp với bột gạo nấu nhừ mịn màng nơi đầu lưỡi. Người ăn có thể ăn thêm bánh tráng nướng giòn rụm giữa vị ngon mềm của cháo như một điểm nhấn trong khi thưởng thức. Thêm hương thơm lúa gạo vào chén cháo đã thơm ngon khiến người ăn nhớ hoài món cháo cá lóc Buôn Trấp.

Không chỉ trong ký ức của những đứa con xa quê mà bất cứ ai từng ăn cháo cá lóc ở đây đều có ấn tượng khó quên. Đến Đắk Lắk, về Krông Ana nhớ thưởng thức cháo cá lóc Buôn Trấp để cảm nhận vị ngon độc đáo của món ăn này. Để hiểu và yêu thương vùng đất nhỏ cao nguyên bạt ngàn nắng gió mà thơm thảo ân tình của nhiều miền quê hợp lại.

LÊ QUANG THỌ
Dulich.tuoitre

Titan giết một vùng biển.

Nhiều thông tin vừa nhận được khiến tôi băng khoăn trước chuyến đi sắp tới vì một điểm nhấn quan trọng trong chuyến này sẽ là biển Hòa Thắng (Bắc Bình, Bình Thuận).

Hòa Thắng từng là điểm đến hoang sơ của du lịch offroad từ khi con đường trải nhựa phẳng lỳ dài 17km hoàn thành năm 2004 từ Lương Sơn băng ngang qua những cánh rừng ô rô, chập chùng vượt những đồi đất đỏ tới Dốc Hầm, Bàu Ông bàu Bà... và kéo dài tới tận Suối Nước Mũi Né.

Hồi năm 2006:
... Từ trung tâm Lương Sơn, chỉ cần 20 phút ngồi xe gắn máy là đến được Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Con đường trải nhựa dài phẳng lì giúp du khách có thể quan sát được những cánh rừng Ô rô – Những cánh rừng đã đi vào những bài thơ bất hủ và tiểu thuyết của biết bao nhà văn, nhà thơ...
Từ độ cao của Dốc Hầm, ta có thể nhìn ngắm được rừng và biển mờ ảo trong mây trời. Đến km thứ 15, du khách đã được thỏa thích ngắm nhìn Bàu Sen (Bàu Trắng). Bàu Sen là tên chung mà ta thường gọi nhưng thực chất đó là hai bàu cát riêng biệt với tên gọi Bàu Ông và Bàu Bà. Hai bàu nước này cách nhau chừng 500m...

Nếu đến đây vào mùa hè hoặc mùa xuân sẽ không thể nào tả hết vẻ đẹp hoang sơ của bàu Trắng. Dưới tán cây dương liễu quanh năm rủ bóng mát, nhìn những làn nước trong xanh gợn sóng lăn tăn mới thấy hết sự thi vị của thắng cảnh thiên nhiên này.

Phía bên kia bờ bàu là những triền cát trải dài thơ mộng uốn mình như những dải lụa mềm rất thích hợp với việc tổ chức các trò chơi trượt đồi cát. Rời khỏi Bàu Trắng chừng 5km, du khách sẽ đến được Bãi Chùa. Đây quả là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể thỏa thích ngắm cảnh phong thủy hữu tình núi trên cao và biển bên dưới...

Cạnh Bãi Chùa là Hòn Hồng. Nhìn từ phía xa, Hòn Hồng trông kỳ vĩ, hiên ngang, bất khuất giữa đất trời. Thực ra, Hòn Hồng là một ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc thôn Hồng Chính, có độ cao 236m. Hòn Hồng trải dài hơn 10km dọc bờ biển với nhiều bãi đá tuyệt đẹp như: Bãi Ốc, Bãi Gành, Bãi Xếp, Bãi Dơi…
Đứng ở mũi Bãi Xếp ngay dưới chân Hòn Hồng, nơi những ghềnh đá chồng chất lên nhau, sóng biển dội vào vách đá tung bọt trắng xóa tạo nên những khúc nhạc xao động của biển khó mà tả hết được cảm xúc.

Người dân ở đây cho biết sở dĩ có tên gọi như vậy vì vào những buổi xế chiều nhìn lên đỉnh núi dễ nhận thấy ánh hào quang màu hồng tỏa ra từ núi đá. Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Hòn Hồng không thể nào giống với những ngọn núi khác bởi nét đặc trưng riêng của nó. Hòn Hồng có cấu tạo địa chất Granít pha lẫn trầm tích núi lửa. Nhưng có điều kỳ thú là trên núi đá ấy là một cánh rừng xanh tươi, tạo thành 3 gam màu khác nhau: xanh, trắng và đỏ xen kẽ...
(Theo Binhthuantoday)

Nhưng từ năm 2007 cho đến nay, các công trình khai thác Titan đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thiên nhiên tại nơi này:

< Một điểm khai thác titan tại bờ biển Hòa Thắng (Bình Thuận).

Vùng động cát ven biển xã Hoà Thắng  và Hồng Phong huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được xem là nơi có trữ lượng khoáng sản titan lớn nên UBND tỉnh, Sở tài nguyên và môi trường đã có văn bản hướng dẫn, cấp giấy phép cho một số công ty chịu trách nhiệm thăm dò, khai thác nguồn khoáng sản có giá trị kinh tế này từ năm 2007. Tuy nhiên, việc khai thác của các công ty khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn xã Hoà Thắng lại thực hiện không đúng với những gì đã cam kết nên dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, không bảo đảm về môi trường đã làm tác động lớn đến hệ sinh thái, cuộc sống người dân nơi đây…

- Theo kết luận của Viện Địa lý tài nguyên TPHCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau khi thực hiện khảo sát hiện trạng môi trường do quá trình khai thác titan tại đồi cát ven biển Hòa Thắng và Hồng Phong đã khiến nơi đây thay đổi một phần cảnh quan, địa hình đoạn đường dân sinh được làm từ nguồn vốn từ chương trình 135 của Chính phủ bị phá hủy…

- Các phân tích mẫu quan trắc môi trường cho thấy: Hoạt độ phóng xạ alpha, bêta trong các mẫu nước biển ven bờ cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam (hoạt độ phóng xạ alpha cao hơn quy chuẩn từ 2,49 đến 8,88 lần và hoạt độ phóng xạ bêta cao hơn từ 5,43 đến 10,35 lần); phông phóng xạ gamma tại nơi tập kết sa khoáng rất cao so với mức tối thiểu của dị thường phóng xạ, có nơi cao gấp 26-36 lần so với phông phóng xạ tự nhiên.

- Nước sử dụng khai thác và nước thải sau khi khai thác titan đều nhiễm mặn. Đây là hệ quả dễ thấy vì các đơn vị khai thác đã dùng nước biển để tuyển titan thay vì nước ngọt như cam kết. Trong khu vực khảo sát, nước ngầm đã bị nhiễm mặn đến độ sâu khoảng 10m. Người dân thôn Hồng Chính (xã Hòa Thắng) chịu ảnh hưởng trực tiếp vì ở gần khu khai thác, đã có 19 nhà với khoảng 100 khẩu có giếng nước bị nhiễm mặn.
Nguồn 1 - 2 - 3 - 4 - 5 ...v.v...

Và nhận định nhìn thấy trong một lần offroad của nhóm XV Off-road Club cuối năm 2009:
Sau khi vượt qua đầm lầy và một đồi cát chuyến đi bị gián đoạn do đường đi đã bị công ty chuyên khai thác mỏ Titan chặn lại, nhất định không chịu thua hai xe lại tiếp tục chinh phục thêm một đồi cát nữa để tìm đường thoát ra bãi biển với hy vọng từ đó có đường băng qua mõm đá cắm trại.
Qua mỗi đồi cát là một cảnh trí khác nhau, địa hình và hệ thực vật thay đổi, phong cảnh thay đổi, độ khó thay đổi và cảm xúc cũng thay đổi theo từng đoạn đường đi.

Vượt qua vùng đồng cỏ bằng Dmax 2 xe len theo những con đường mòn, thỉnh thoảng không có đường thì băng qua những ngọn đồi nhỏ hướng ra phía bờ biển - tổng chiều dài đoạn đường khoản 5 km tìm đường từ Bàu Ông ra bãi. Lên tới đỉnh của một ngọn đồi cao bắt đầu nhìn thấy một ngọn núi mà địa điểm cắm trại dự tính nằm ngay sau lưng. Ngọn núi phía xa cách chừng 2 km và phải băng qua hai đồi cát rất cao, nhưng cho dù có tới được chân núi thì cũng không có gì bảo đảm là sẽ qua được phía bên kia chân núi.

Dừng xe xuống cuốc bộ dò đường: một sự thật phũ phàng ngỡ ngàng đang chờ phía trước, toàn bộ bờ biển xinh đẹp đã bị chủ mỏ titan băm nát bấy không thể vượt qua được kể cả đi bộ, núi bị khoét tạo thành những vực sâu thăm thẳm, bờ cát thơ mộng hóa bãi lầy, nước biển chuyển màu do bùn từ các máy khai thác titan đổ ra. Tới đây thì không còn cách nào khác là phải quay ra lại Bàu Ông để tìm đường khác.

Trở về Bàu Ông tranh thủ làm tô mì gói cầm hơi, khỏi nói ai cũng biết mì lúc này ngon như thế nào rồi, buffet khách sạn Sheraton cũng thua xa, nước dừa tươi bổ ra bên cạnh là mặt hồ trong xanh nhưng nhiệm vụ chưa được tới đâu, kế hoạch tiền trạm tới giờ phút này vẫn chỉ đạt được 1 mục tiêu duy nhất là xác định được 1 con đường đã bị xóa sổ vì mỏ titan... (Nguồn)

“Hiện nay các doanh nghiệp đang thu lợi lớn, trong đó đa số là doanh nghiệp tư nhân, nhưng trách nhiệm với xã hội thấp. Tài nguyên quốc gia đứng trước nguy cơ cạn kiệt mà thuế nhà nước thu được không đáng là bao”.

Titan tạo nguồn thu nhưng phần lớn chảy vào túi các Cty khai thác khoáng sản, với cách khai thác đơn sơ ít tốn kém tiền đầu tư: Quặng có 10 phần quý thì chỉ lấy được hai phần, còn lại... vứt bỏ.  Đã vậy, khoáng sản VN thường chỉ xuất khầu cho nước ngoài dạng thô hoặc chỉ qua sơ chế, xuất thô được một, nhưng nhập nguyên liệu tinh với giá gấp... 10 lần (Nguồn).

Như vậy đấy! Vì Titan, người ta đã phá nát những thắng cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã mất hàng triệu năm tạo dựng cho đất nước tôi. Không những thế: môi trường núi, bờ và biển bị hủy hoại; ô nhiễm phóng xạ... sẽ mất bao nhiêu năm nữa để thiên nhiên tự khắc phục trong khi du lịch VN vẫn phát triển từng ngày từng giờ?

Buồn rồi tự ngẫm: bao giờ để có một chuyến đi hiện thực trên vùng đất có nhiều sa mạc cát rộng lớn nhất Việt Nam?

Điền Gia Dũng

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Du lịch Thánh Địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.

Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.

Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 4. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Những di vật đầu tiên được tìm thấy ghi dấu thời đại vua Bhadravarman I (Phạm Hồ Đạt) (trị vì từ năm 381 đến 413), vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng linga và Shiva. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc - thể hiện ở các đền tháp đang chìm đắm trong huy hoàng quá khứ, và về văn hóa - thể hiện ở các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các tấm bia.

Dựa trên các tấm bia văn tự khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ 4. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) (trị vì từ năm 577 đến năm 629) đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.

Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ 4. Tổng số công trình kiến trúc là trên 70 chiếc. Thánh địa Mỹ Sơn có thể là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm pa khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu hay Đồng Dương.

Tại thánh địa Mỹ Sơn có một đền xây dựng bằng đá, nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Ngày nay, ngôi đền này đã bị sập (có lẽ do bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vì ngay sát tháp là một hố bom sâu hoắm vẫn dấu tích) nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30 m và đây là ngôi đền cao nhất của thánh địa này. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây là vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ 4.

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Champa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Bằng vật kiệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Đền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất.
Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hoá-kiến trúc Chăm Pa cũng như của Đông Nam Á.

Thánh địa Mỹ Sơn có hai ngọn đồi , chúng nằm đối diện nhau theo hướng đông – tây ngay ngã tư của một con suối , các nhánh của con suối chia vùng này thành 4 khu vực:

Khu A : gồm các tháp và di tích nằm trên ngọn đồi phía đông.
Khu B : gồm các tháp và di tích nằm ngọn đồi về phía tây.
Khu C : gồm các tháp và di tích nằm phía nam , có hai khu C1 và C2.
Khu D : gồm các tháp và di tích nằm phía bắc.

Cách phân chia này phù hợp với địa thế phong thủy , tránh được tình trạng xé lẻ từng mảnh vụn của tổng thể kiến trúc của mỗi tháp mà trước đây nhà khảo cổ học người Pháp ông H.Parmentier đã công bố năm 1904:

Khu A có 5 kiến trúc : 1 tháp chính và 4 tháp phụ

Khu B có 4 kiến trúc : 1 tháp chính và 3 tháp phụ ?

Khu C chia làm C1 và C2 ,  C1 nằm phía đông được bao quanh bằng một con suối gồm có 16 kiến trúc (4 kiến trúc nằm rải rác bên ngoài và 12bên trong): 2 tháp chính với 8 tháp phụ , 1 tháp chính và 2 tháp phụ đi kèm cùng một số tượng điêu khắc bằng đá. C2 nằm phía tây gồm có 26 kiến trúc (6 ngoài và 20 trong) : 3 tháp chính và 12 tháp phụ cùng với một số tượng , phù điêu cùng các tác phẫm điêu khắc , bi kí bằng đá mang tính tôn giáo

Khu C là khu vực có nhiều tháp và các tác phẫm điêu khắc nhất

Khu D có 12 kiến trúc (1 ngoài và 11 trong) :

Tất cả là 46 kiến trúc có thể đếm được trong khoảng ước chừng 70 kiến trúc của Thánh địa này.

Khu A có thể được xem như là khu vực linh thiêng nhất nó mô tả toàn bộ triết lý của vương quốc và dân tộc Champa hay chỉ riêng vùng đất Shimhapura Các biểu tượng sư tử hay về bộ phận sinh dục nam và nữ được các nhà điêu khắc và các nghệ sĩ cổ đại Champa sáng tác theo hình ảnh thật chứ không cách điệu như các tác phẫm ơ nơi khác , hình ảnh bộ phận sinh dục được thờ phượng rất trân trọng ở nơi đây , ngoài ra Khu A là một trong toàn bộ một tổng thể kiến trúc mang tính chất triết lý và thờ phượng đặc sắc nhất của nghệ thuật sử dụng gạch và đất nung để trang trí trên tháp của dân tộc Champa trong thời kỳ vàng son của vương quốc này.

Một số trong các tác phẫm bằng đất nung vẫn còn vẽ đẹp sắc sảo , với các nét đặc thù của nó, mặc dù nó đã trải qua phơi mình giữa nắng mưa suốt gần 1500 năm mà vẫn không hề hấn gì , phần còn lại của toàn cảnh thánh địa Mỹ Sơn điêu tàn , thê lương như nhận xét cách đây hơn một thế kỷ rưỡi của sách Đại Nam Nhất Thống Chí.

- Khu B tương đối là nhỏ nhất trong quần thể kiến trúc ở đây , tháp chính không có các kiến trúc phụ đầy đủ đi theo kèm như Hỏa tháp , Thủy tháp....như các tháp khác của Champa , tuy nhiên ở đây có nét đặt biệt là tượng thần Siva trở thành chủ đề thở phựơng chính của khu này.

- Khu C1 là nền cũ của một ngôi tháp với một kiến trúc đẹp nhất và vĩ đại nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn, chung quanh nó , đôi chỗ vãn còn thấy di tích nền móng của sáu ngôi tháp nhỏ bao bọc tạo thành một quần thể kiến trúc tăng thêm phần uy nghi vĩ đại của ngôi tháp chính , theo những tài liệu để lại thì đây là ngôi tháp cao nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn với chiều cao 24 m , diện tích đáy là hình vuông , mổi cạnh dài 10m , tháp có 2 cửa ra vào hướng đông và tây , hướng tây nhìn xuống khu C1 , trong tháp thờ một bộ Linga – Youni lớn ( nay chỉ còn một bệ đá Youni ) phần trên tháp có 3 tầng , các tầng nhỏ dần lại và trên cùng là đỉnh tháp bằng sa thạch , ở mỗi tầng đều có cửa giả có hình người đứng dưới vòm cuốn , hai cửa giả hai bên hông là hai vòm cuốn chồng lên nhau , trên mỗi vòm cuốn là một hình tháp thu nhỏ , mỗi cửa chính đều có tiền sảnh, cửa hình vòm hoa văn rất tinh xảo , hai trụ vuông ép sát nằm hai bên làm tăng thêm vẽ uy nghi ngôi tháp.

Ngoài của tháp thì các trụ áp tường kéo dài khỏang 4 m với những trang trí hoa văn hình lá cuốn hình chử S nối liền nhau , các vật trang trí là các tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara , hình vũ nữ Apsara , sử tử , voi , chim thần Garuda.

- Khu D có 12 kiến trúc (1 ngoài và 11 trong) :2 tháp chính , và 4 tháp phụ ,trong đó có 1 tháp chính không có tháp phụ đi kèm ? cùng một số tượng điêu khắc bằng đá.

Mỹ Sơn được tổ chức UNESCO thừa nhận nó là một di tích lịch sử của nhân loại vài năm 1999, hãy trả lại cho khu Thánh địa Mỹ Sơn những gì của nó, đó cũng là lòng tự trọng của con người chứ không phải sợ một lời nguyền của vua Bhadravarman đệ nhất là người khởi công xây dựng thánh địa này với những lời nguyền như sau : ".....Nếu có kẻ nào dùng vũ lực để chiếm đoạt hay phá hủy ....thì nhân dân không phải tội, mà tội lỗi sẽ dành cho kẻ đó....
Mỹ Sơn ngày nay tuy vẫn uy nghi trầm mặc nhưng cũng mang trong mình nhiều nỗi đau của quá khứ, ta hãy trân trọng giữ gìn, vì tương lai và cũng vì quá khứ.

Ánh phượng
Chudu24