Bên gốc một cây tống quá sủ cổ thụ có chiếc miếu nhỏ lợp cỏ tranh, bên trong có đặt ba chiếc chén và một chai rượu nhỏ, "gạ ma" bảo: "Ðây là nơi thờ thần rừng bản mệnh của bản. Người Hà Nhì mình mở lễ cúng rừng vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng cầu mong thần rừng che chở cho mọi người khỏe mạnh, ngô lúa đầy sân, gà lợn chật chuồng. Rừng cúng này không ai được vào làm điều ô uế, gian tà. Không ai được vào lấy một cái gì, kể cả cây đổ, củi khô. Ai phạm vào điều cấm đó thì bị phạt nặng lắm, có khi bị đuổi ra khỏi bản". Luật tục của người Hà Nhì bao đời nay là thế và rừng cứ xanh thêm, rộng thêm.
Năm 2006, Chi cục Kiểm lâm Lào Cai tiến hành điều tra, lập dự án khu bảo tồn thiên nhiên đối với "rừng treo" Ý Tý. Sau Vườn quốc gia Hoàng Liên thì đây là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của Lào Cai. Bất cứ ai đến "phu" (bản) Dì Thàng, Chỏn Thẻn hay Lao Chải, Sín Chải của người Hà Nhì đều muốn tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, kỳ bí của "rừng treo Ý Tý".
Trên độ cao hơn 2.000m, bốn mùa chìm trong sương mù, rừng nguyên sinh Ý Tý có rất nhiều loài thực vật và động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đang được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, rộng 8.000ha, trải dài trên ba xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực, động vật đặc hữu như bách xanh, thông tre, cây vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng, kỳ đà vân, sóc bay.
Ðứng ngắm khu rừng nguyên sinh tươi tốt giữa trùng điệp đồi cỏ tranh và đá tai mèo, khoan khoái hít căng lồng ngực không khí trong lành, mát rượi, nhìn bốn bề mới thấy làng Lao Chải ở vị trí thật đắc địa, nằm dưới thung lũng, có dòng suối nhỏ chảy qua, bao bọc chung quanh là những khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẻ hoang sơ, mới thấy cách giữ rừng của người Hà Nhì thật hiệu quả.
Ði trong rừng nguyên sinh Ý Tý như lạc vào một không gian khác hẳn, tĩnh lặng, hoang sơ và bí ẩn, chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá rừng xạc xào và những ngọn gió phóng khoáng ru hồn người về miền cổ tích.
Những cây cổ thụ vút lên từ khe sâu, cheo leo trên những vách đá, thân xù xì ẩm mốc. Ðiều kỳ lạ là cây nào cũng có tán lá tròn úp trên đầu như những chiếc mũ bê-rê khổng lồ, trên cành thi nhau lòa xòa, vấn vương đủ loại phong lan rực rỡ sắc mầu.
Bạt ngàn thảo quả xanh mướt dưới tán rừng cổ thụ, không chỉ làm phong phú thảm thực vật rừng nguyên sinh, thảo quả là "vựa tiền" của người Hà Nhì, mỗi năm xuất khẩu thu về hàng chục tỷ đồng.
Nơi đây còn có những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang núi, rồi mất hút trong ngút ngàn màu xanh của cây rừng. Những ngôi nhà chìm khuất trong mây thoắt ẩn, thoắt hiện. Những vách núi sừng sững giữa trời, đâu đó những thác nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống đầy kiêu hãnh. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Ý Tý khiến ai đó nếu từng đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời, sẽ không thể quên được cảm xúc tuyệt vời này.
Con đường đá trải cấp phối khá tốt, có đầy đủ cống rãnh thoát nước bằng bê-tông, được mở cách đây gần chục năm chạy xuyên rừng già Ý Tý, hằng ngày vẫn nhộn nhịp xe ô-tô chở khách, xe máy của khách du lịch bụi, xe ô-tô tải chở hàng hóa từ thành phố Lào Cai lên vùng cao, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện khai thác gỗ, săn bắt thú rừng.
"Gạ ma" kể, năm 1996, khi tỉnh quyết định mở đường ô-tô từ Dền Sáng lên Ý Tý, nhiều phương án đã được đặt ra để tránh đụng vào rừng cấm, nhưng không có cách nào khác, vì bốn bề vách đá dựng đứng, chỉ có đi xuyên giữa. Ðồng chí Ly Giờ Lúy (bấy giờ đang là Bí thư Ðảng ủy xã) thay mặt dân Hà Nhì cam kết rằng sẽ giữ được rừng Ý Tý nguyên vẹn, chỉ đặt một điều kiện là đơn vị thi công làm đúng thiết kế, không được xâm hại cây cối ngoài phạm vi nền đường.
Có lần, một người dân đi thăm nương thảo quả về báo cho "gạ ma pố" (trưởng bản) biết công nhân của đơn vị thi công chặt mất cây sơn tra đang cho quả ở đầu bản Dì Thàng. Lập tức trưởng bản và một số đại diện gia đình đến ngay hiện trường yêu cầu người đã chặt cây phải đi tìm giống, trồng lại đủ 10 cây sơn tra mới vào vị trí cũ, nộp 36 lít rượu, 36 con gà và con lợn nặng đúng 36 kg để bản cúng tạ tội thần rừng xin tha thứ.
Anh công nhân trót chặt cây kia nộp đủ thịt, rượu nhưng xin miễn được trồng cây, vì không biết tìm đâu ra cây giống. Không nói không rằng, "ma pố" liền cử một thanh niên bản dẫn anh thợ đường phạm lỗi kia đi "loanh quanh" đúng nửa ngày đến sưng gối, rộp da bàn chân, rồi cuối cùng cũng tìm được đúng cây sơn tra trồng lại vào chỗ cây đã chặt hạ.
Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Chúng tôi nghĩ đó là một luật tục rất độc đáo và nhân văn, chính những "bài học nghiêm khắc" như thế, đã tạo nên "tấm áo giáp" trong ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì. Vì thế, đường lớn đã thông, kinh tế hàng hóa đã mở ra nhưng 8.000 ha rừng Ý Tý vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ và huyền bí, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất ở vùng núi phía tây Lào Cai, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Nếu lên Ý Tý vào ngày thứ bảy, bạn sẽ được hòa mình vào phiên chợ văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, không lẫn vào nhau mà cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu.
Từ xa, rừng hiện lên như cánh cung khổng lồ treo trên hai đầu núi đá. Con đường hướng về phía khu rừng mỗi lúc một dốc ngược lên, quanh co, len lỏi trong biển sương giăng, đúng như như người Mông và người Hà Nhì thường gọi: “đường lên giời”.
Tổng hợp từ báo Nhandan, NTO...
Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Chúng tôi nghĩ đó là một luật tục rất độc đáo và nhân văn, chính những "bài học nghiêm khắc" như thế, đã tạo nên "tấm áo giáp" trong ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì. Vì thế, đường lớn đã thông, kinh tế hàng hóa đã mở ra nhưng 8.000 ha rừng Ý Tý vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ và huyền bí, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nhất ở vùng núi phía tây Lào Cai, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Nếu lên Ý Tý vào ngày thứ bảy, bạn sẽ được hòa mình vào phiên chợ văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, không lẫn vào nhau mà cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu.
Từ xa, rừng hiện lên như cánh cung khổng lồ treo trên hai đầu núi đá. Con đường hướng về phía khu rừng mỗi lúc một dốc ngược lên, quanh co, len lỏi trong biển sương giăng, đúng như như người Mông và người Hà Nhì thường gọi: “đường lên giời”.
Tổng hợp từ báo Nhandan, NTO...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét