Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Hữu tình làng Nôm

Với những cây đa, bến nước, sân đình, cầu đá chín nhịp… làng Nôm còn có tên là Đại Đồng thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên là ngôi làng cổ hiếm hoi bên cạnh danh thắng phố Hiến còn tồn tại cho đến nay.
Ngôi làng cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về hướng đông, từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi những công trình kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của một làng quê Bắc Bộ.

Không rõ cái tên làng Nôm bắt đầu từ đâu, chỉ biết theo các cụ cao niên, ngày xưa con gái ở làng cứ đến 16 tuổi phải nghỉ học, đi buôn bán nuôi chồng ăn học, đỗ đạt làm quan. Khi lấy chồng, họ phải cung tiến cho làng 20 mâm đồng hoặc làm vài chục mét đường làng bằng gạch đỏ. Bởi vậy, ngày nay trên cổng làng vẫn còn khắc ba chữ “Đồng Cầu Nôm” như một lời nhắn nhủ về lịch sử của làng.

Bao bọc quanh làng Nôm vẫn còn nguyên những rặng tre xanh kẽo kẹt gió đưa. Những con đường gạch đỏ son và những bờ rào duối hiếm hoi còn lại xen lẫn với dẫy bờ tường xây dẫn khách lạ vào các ngõ ngách của làng.

Xét về địa thế, toàn bộ làng Nôm là một thể thống nhất hoàn chỉnh bao gồm cổng làng, ao làng, những ngôi nhà cổ, chợ Nôm, cầu Nôm, và 7 nhà thờ cổ của các dòng họ trong làng. Men theo con đường lát gạch đỏ là một cầu đá chín nhịp đầu rồng bắc qua sông Nguyệt Đức sang chợ Nôm. Cây cầu rộng chừng 2m, được ghép bằng những phiến đá lớn, từ xa xưa đã trở thành phương tiện chính để người dân đi lại giao thương.

Ngay trước ba gian chợ bằng gạch đã xỉn màu thời gian là chùa Nôm và một cây gạo khổng lồ. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên còn có tên hiệu là “Linh Thông cổ tự”. Chùa xây dựng năm 1680, dưới thời Hậu Lê, từng là ngôi đại tự hoành tráng nhất miền Kinh Bắc và hiện còn bảo tồn nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ.

Bên cạnh tiếng thơm của làng quê có truyền thống văn chương, hiếu học thì trước đây dân làng Nôm còn có nghề buôn đồng nát khắp tứ phương. Chính bởi sự tần tảo, chịu khó giao thương, buôn bán nên kinh tế làng Nôm có phần hưng thịnh, dư dả. Làng hiện còn hơn 10 ngôi nhà cổ với niên đại vài trăm năm. Nổi bật nhất là nhà của cụ Tạ Văn Long làm cách đây gần 200 năm, với toàn bộ phần trụ, cột, hoành đều được làm bằng gỗ còn nguyên vẹn các đường nét chạm trổ tinh xảo. Các công trình kiến trúc bằng gỗ đã chứng tỏ sự phát triển hưng thịnh một thời của làng Nôm.
Cùng với những ngôi nhà cổ, khu di tích đình chùa của làng Nôm càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của làng quê. Chùa Nôm, tên tự là "Linh thông cổ tự", chùa trước đây là ngôi đại tự hoành tráng thuộc miền Kinh Bắc, nay là Hưng Yên.

Theo truyền thuyết thì xưa kia Chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nằm trong quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm.
Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Đó là cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến với chùa. Đó là làng nghề đúc đồng truyền thống nên trước cổng chùa từ xưa đã trở thành nơi họp chợ mua bán các nguyên liệu phục vụ làng nghề.

Chùa Nôm được xây dựng từ bao giờ không ai còn nhớ.Theo 2 tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào thời Hậu Lê, năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó, lần trùng tu mới nhất là vào năm 1998.
Nét đẹp của làng Nôm còn thể hiện ở đời sống văn hóa của người trong làng. Ngoài ngày hội làng, những ngày đi lễ chùa, người dân làng, nhất là các cụ già cũng thường hôm sớm đến đình chùa làm công quả để tô điểm cho cảnh quan đình chùa, cảnh làng ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách thập phương khi dừng chân ghé đến...

Du lịch, GO! - Theo báo Thanhnien, Saigontoserco, Flickr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét