Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Mùa nho ở Phan Rang

Trồng nho và chăm nho là việc vô cùng vất vả. Cây nho đỏng đảnh như cô gái khái tính và lại nhiều sâu bệnh.

Cái nắng cháy da cháy thịt theo chân tôi suốt quãng đường từ Phan Rang đến với những vườn nho cách thành phố khoảng 5km. Bây giờ nho mới bắt đầu nhú quả xanh, những trái nho bé xíu xiu lẫn với màu xanh của lá. Giàn nho lúc lỉu quả đẹp mắt. Mấy cô nông dân đang tỉa trái trong vườn bảo tôi: “Một tháng nữa về đây, lúc nho đã chín thì tha hồ chụp ảnh. Đẹp lắm!”

Nhưng cũng chẳng phải kiếm đâu xa vì cách đó vài ruộng, tôi lạc vào ruộng nho chín mọng, bạt ngàn quả và ngọt lịm. Tôi xin phép vào chụp ảnh trong vườn và xin mua vài chùm ăn chơi, nhưng chủ vườn không bán, bảo cứ chụp hay ăn tùy thích và nếu thích cứ ngắt nho về ăn. Lòng hiếu khách khiến tôi không khỏi bất ngờ.

Chẳng biết từ khi nào mà cây nho trở thành cây nông nghiệp chính của toàn vùng Phan Rang. Bạt ngàn những cánh đồng nho trải khắp các cánh đồng. Theo chân người bán rượu nho, tôi vào xưởng làm rượu. Chắc mẩm sẽ được nhìn thấy cách làm rượu như ở miền Nam nước Pháp mê hoặc.

Cách làm rượu nho ở Phan Rang giản đơn đến bất ngờ. Đến mùa nho, người ta lựa những trái nho ngon nhất, không bị sâu và đều quả, đem rửa sạnh, để ráo nước rồi để nguyên cả vỏ và hột, nghiền nát.
Nho được cho vào thạp, cứ 3 kg nho với 1 kg đường, hết lớp nọ đến lớp kia, đầy chừng 2/3 thạp. Bịt kín miệng thạp và ủ chừng vài ba tháng đủ để cho nho phân hủy, quyện với đường tạo ra vị đậm đà của rượu. Rượu nho càng để lâu càng ngon.

Khi mở nắp thạp, mùi thơm của rượu khiến người ta ửng hồng đôi má. Rượu không hề dùng bất kỳ loại men, hoàn toàn dựa vào sự lên men vi sinh tự nhiên khi có sự phối ngẫu giữa nho và đường mía. Người Phan Rang làm rượu đơn giản thế. Những chai rượu đã cất được bày bán nhiều ngoài đường, giá chỉ khoảng vài chục ngàn một chai.
Rượu uống không như thứ rượu bên Pháp. Chỉ có hương biển mặn mòi, hương nắng rát bỏng, hương gió khô rang trong vị của những ly rượu xứ Phan Rang.

Theo aFamily

Chuyến đi khó quên trên đèo Hòn Giao (Phần 4)


Hoàng hôn Nha Trang

Đã hơn 12 giờ trưa, vậy là chúng tôi đã mất hơn hai tiếng để vượt qua chướng ngại vật trên đường. Bỏ lại sau lưng những tảng đá, chúng tôi tiếp tục lên đường, đường dốc và vẫn đẹp tuyệt vời với những khúc quanh cong vòng.

Cảnh vật thiên nhiên vẫn tuyệt đẹp cho đến tận thành cồ Diên Khánh.

Sau khi nhận phòng tại một khách sạn nhỏ trên đường Trần Phú, chúng tôi dạo một vòng quanh thành phố Nha Trang với những địa danh quen thuộc. Hôm nay hòang hôn không đẹp lắm, trời không trong, vậy mà khi mặt trời vừa lặn, Thekids đã bắt được những áng mây thật đẹp.

< Gương cầu lõm trên đèo.
< Cô gái trẻ cũng vừa vượt qua được chướng ngại vật, có vẻ rất hứng thú vì con dốc dài.
< Khung cảnh hai bên đường với những lòai hoa dại vàng rực.
< Những bụi hoa cỏ dịu dàng bên những phiến đá sù sì.
< Cách Nha Trang 10km. Thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích quốc gia.
2
3
< Cuối cùng cũng đến Nha Trang...

Chúng tôi đã trải qua một ngày tương đối dài với điểm nhấn là cú vượt dốc đầy mạo hiểm, tự thưởng cho mình bằng một bữa hải sản hòanh tráng, lúc này mới cảm thấy những va chạm lúc khiêng xe có tác dụng, nhức mỏi tòan thân mà không có thời gian để tắm bùn. Trong lúc lai rai mới biết Thanh Tùng cũng đang ở Đắc Lắc còn Anhxxi thì đang ở Playcu, nhóm của Trungnguyen, Quangbao thì đang ở Bảo Lộc, điện thọai réo nhau liên tục, dịp nghỉ này quả thật thuyệt vời.
Ba anh em ngồi nhậu mà cứ nhớ Mèokhoang với Nguyenxonline cùng các anh em đã từng có chung những kỷ niệm qua những chuyến hành trình đầy cảm xúc.

Đêm Nha Trang thanh bình mát rượi gió biển.

Theo web Quehuongtoi
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6

Đèo Hòn Giao: phiêu du trên con đường nối liền rừng ...
Cung đường tuyệt mỹ: Đèo Hòn Giao.
Những con đèo ấn tượng ở Việt Nam - Du lịch, GO!

Kẻ Báng

Thuở xa xưa, làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nằm trên vùng đất cao bên bờ Tiêu Tương, xung quanh là rừng cây rậm rạp. Trong rừng có nhiều cây búng báng, do đó tên nôm của làng là Kẻ Báng, áp sang tên chữ là Dịch Bảng. Thời Bắc thuộc, làng thuộc bộ Vũ Ninh và có tên là hương (xã) Diên Uẩn, đến đời Đường, đổi là hương Cổ Pháp. Tên Đình Bảng được sử sách chép vào năm 1362, đời vua Trần Dụ Tông.
Đến nay, nhiều địa danh ở rừng Báng còn mang dấu tích thời xa xưa. Ở cổng sông Ngò, trên có ba chữ lớn “Nam phong huân” (gió Nam tốt lành). Hai cột trụ ghi đôi câu đối:

Hãn ngoại Tiêu Tương lai dẫn thủy
Đình tiền Cổ Pháp đắc lâm sơn
nghĩa là:
Ngăn phía ngoài có sông Tiêu Tương dẫn nước
Ngoảnh trước mặt có rừng Cổ Pháp đẹp thay.

Chính nơi cảnh đẹp đã sinh ra Lý Thái Tổ, vị vua khai sáng vương triều Lý.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), là con bà Phạm Thị, thủ hộ chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu Sơn. Một đêm, bà vào rừng gặp người thần rồi có thai. Đến ngày sắp khai hoa, sợ dân làng dị nghị, bà phải lánh về chùa Cổ Pháp rồi sinh Công Uẩn tại tam quan chùa Dận. Khi Công Uẩn mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà sư Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi và cho theo họ Lý. Công Uẩn thông minh, dĩnh ngộ, dáng mạo khôi kỳ, vết chỉ ở hai lòng bàn chân có chữ Vương. Sau được gửi sang chùa Lục Tổ học sư Vạn Hạnh (anh trai của Lý Khánh Văn). Vạn Hạnh thấy Công Uẩn có quý tướng bèn thốt lên: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này có thể giải nguy, gỡ rối, là bậc minh chủ trong thiên hạ”.

Lớn lên, Công Uẩn là một chàng trai có chí khí, thích kinh sử, ham luyện tập võ nghệ. Đến đời Ứng Thiên (1005), ông theo vua Lê Trung Tông. Khi vua Trung Tông bị hại, Công Uẩn ôm xác vua mà khóc, Ngọa Triều (Long Đĩnh) khen là trung nghĩa, cho làm Tứ sương quân (quân bảo vệ kinh đô) Phó chỉ huy sứ rồi thăng lên Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ (người đứng đầu quân đội). Năm thứ 2 niên hiệu Cảnh Thụy (1009), vua Lê Ngọa Triều mất, tự quân còn nhỏ. Lý Công Uẩn lúc ấy 36 tuổi, được Chi hậu Đào Cam Mộc cùng quần thần trong triều đồng thanh hô: “Tôn Thân vệ làm thiên tử”.

Trước đó, cây gạo ở đầu làng Dịch Bảng bị sét đánh, hiện lời sấm ứng với việc nhà Lý làm chủ thiên hạ. Ở Viện Cảm tuyền (chùa Ứng Tâm), có con chó đẻ con lông trắng tuyền, đốm lông đen vệt thành hai chữ Thiên tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm vua. Thân vệ sinh năm Giáp Tuất, lên ngôi hoàng đế quả là ứng nghiệm.

Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn lấy niên hiệu là Thuận Thiên (thuận ý trời), giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt, đại xá cả nước, xóa bỏ tù ngục, kiện tụng, cho phép hễ ai có việc tranh giành, thưa kiện được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ đích thân phân xử.

Về tên húy của vua, lâu nay các sách sử vẫn viết là Lý Công Uẩn. Dựa vào các cứ liệu vừa nêu, có ý kiến giải thích, đó không phải là tên húy, nên hiểu ông là người họ Lý ở hương Diên Uẩn (Lý là họ, Uẩn là tên hương, còn Công là cách gọi kính trọng của người xưa).

Lại nói, sau khi lên ngôi, vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ đã từ Hoa Lư về thăm quê nhà, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Hoàng Thái hậu và đo vài mươi dặm đất làm cấm địa thuộc Sơn lăng, cho đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, đổi sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức.

Lý Thái Tổ ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở điện Long An, táng ở Thọ Lăng. Sử sách xưa nay ca ngợi lòng nhân từ và thương dân của vua. Trước khi qua đời, vua Thái Tổ có dặn không được xây lăng bằng gạch đá để khỏi hao tốn mà chỉ đắp bằng đất. Làm như thế có ba điều lợi: Quân lính thời bình dù chơi cũng phải ăn, nếu có thương nhớ nhà vua thì đi gánh đất đắp cho lăng cao thêm bao nhiêu thì quý bấy nhiêu; khi lăng cao cỏ mọc nhiều thì có thể chăn trâu cắt cỏ, nuôi trâu béo khỏe, cày ruộng tốt; trẻ con trong làng có đến vui chơi thì biết được tên lăng của vua, ôn lại sự tích mà nhớ ơn, noi gương tiền nhân. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, là người khoan từ, nhân thử, có lượng đế vương”.
Năm 1030, chỉ hai năm sau khi Lý Thái Tổ băng hà, Lý Thái Tông cho xây đền thờ Lý Thái Tổ ngay ở rừng Báng.

Trải thời gian, đền được mở rộng và khi triều Lý chuyển sang triều Trần, đền trở thành nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đền xưa có quy mô bề thế, kiến trúc kiểu cung đình nên có tên gọi Cổ Pháp điện, đền Lý Bát Đế, còn dân gian chỉ gọi nôm na là đền Đô. Năm 1602 đền được vua Lê Kính Tông cho xây dựng lại. Năm Hoằng Định thứ năm (1604), Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia Cổ Pháp điện tạo bi, nội dung cho biết, cuối thời Mạc, miếu thờ bị hoang phế, bia đá đổ nát, đất đai bị cường hào chiếm đoạt. Vì vậy, chánh điện Cổ Pháp là Vũ Nghi cùng các ông Nguyễn Sĩ Lộc, Ngô Củng, Nguyễn Hữu Niên, Nguyễn Thạch Lâm cùng dân địa phương tâu lên chúa Trịnh xin được trùng tu bia cũ và khôi phục lại cổ tích, đặt ra quy định ruộng tế điền. Lần này, có 100 người đóng góp, số ruộng tế là 284 mẫu 1 sào.

Cho đến cuối thế kỷ XIX, đây vẫn là khu “đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm”. Vật đổi sao dời, khu Sơn lăng (còn gọi là Thọ lăng Thiên Đức) hiện vẫn giữ được dáng vẻ xưa, trên mảnh đất có 8 đường cao và 8 dộc nước trông tựa như những đầu rồng gọi là “bát long bát thủ” (nơi yên nghỉ của 8 đời vua Lý) cùng chầu vào lăng phát tích là nơi yên nghỉ của Lý thánh mẫu Phạm Thị. Tại đây, còn có mộ của Ỷ Lan nguyên phi. Theo lệ xưa, ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15 tháng ba Âm lịch) trở thành ngày hội của làng. Trong ngày chính hội, vị quan đầu tỉnh thường làm chủ tế. Có năm, Toàn quyền Đông Dương và Công sứ Bắc Ninh cũng tới dự.

Ngày 13-9-1945, mười một ngày sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đền Đô thắp hương tưởng niệm các vị vua Lý. Năm 1952, trong kháng chiến chống Pháp, làng Đình Bảng nằm trong vùng chiến sự ác liệt, đền Đô bị phá hủy hoàn toàn. Tấm bia của Phùng Khắc Khoan bị đạn giặc bắn nham nhở, nằm dưới đống đổ nát nên may mắn còn sót lại đến ngày nay. Ngày 13-9-1989, nhân kỷ niệm 44 năm ngày Hồ Chủ tịch về thăm, đền Đô được khởi công xây dựng lại. Chủ yếu dựa vào sức dân, đền Đô từng bước đã được dựng lại theo kiến trúc xưa. Khuôn viên đền rộng 31.250m2. Các hạng mục kiến trúc gồm tiền tế, hậu cung và tòa thiêu hương đều được xây cất khang trang.

Từ ngày đền Đô được khôi phục, vùng đất thiêng đã xuất nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Vào 8 giờ ngày 26-8-1998, đúng lúc mở đầu lễ giỗ vua Lý Anh Tông, bầu trời phía trên đền Đô xuất hiện 8 vầng mây trắng. Ông Nguyễn Đức Thìn, người trông coi đền Đô, đã chụp được khoảnh khắc kỳ diệu đó và đặt tên cho tấm ảnh là Bát đế vân du. 12 giờ trưa ngày 13 tháng 3 năm Canh Thìn (2000), trước hội hai ngày, hiện tượng trên lại xuất hiện và kéo dài trong nửa giờ. Cũng dịp này, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 32 của hoàng tử Lý Long Tường đã tìm về Đình Bảng dâng gia phả họ Lý 800 năm ở Hàn Quốc. Lý Long Tường (sinh khoảng năm 1175) là con thứ 7 của Lý Anh Tông, khi triều Lý chấm dứt đã cùng một số thân tín vượt biển đến Cao Ly (tên gọi cũ của Triều Tiên).

Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly, Lý Long Tường cùng dân địa phương chiến đấu dũng cảm. Sau 5 tháng, quân Mông Cổ thua to phải xin hàng. Vua Cao Ly phong tước, thưởng công cho người có công đầu đánh tan giặc ngoài là Hoa Sơn Quân, vì ở Đại Việt có núi mang tên ấy. Lại cấp đất rộng 30 dặm làm thái ấp, cho xây Thụ hàng môn để ghi lại công lao to lớn của Lý Long Tường.

Bằng tấm lòng thành kính và biết ơn vua Lý Thái Tổ, người đã chọn Thăng Long “làm kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, năm 2000, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng Ngũ môn long (năm cửa rồng) trong quần thể kiến trúc đền Đô.

Theo HanoiMoi

Một vùng biển đảo Kiên Giang

Kiên Giang, một tỉnh nằm ở vị trí cực Nam của Tổ quốc, có tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích vùng biển rộng tới hơn 63.000 km2 (gấp khoảng 10 lần diện tích tự nhiên trên đất liền), với 145 hòn đảo nổi trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống. Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới. Thị xã Hà Tiên sẽ là thành phố văn hóa du lịch trong tương lai.
Nguồn tài nguyên vô tận

Kiên Giang là một tỉnh nằm ở tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, lại có những đặc thù riêng về con người, tiềm năng và có một đặc trưng văn hóa đậm nét Nam Bộ mà không phải nơi nào trong đồng bằng sông Cửu Long có được.

Kiên Giang sở hữu một vùng biển rộng 63.290 km2 và có đường biên giới trên biển giáp Campuchia, Thái Lan và Malaysia . Vì thế đây là địa điểm lý tưởng để khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch biển quốc tế. Bên cạnh đó, Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200 km, biên giới trên bộ dài 57km giáp với tỉnh Campốt (Campuchia). Chính vì vậy, Kiên Giang có vị trí rất quan trọng về kinh tế và là một trong các ngư trường quan trọng của  cả nước, là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước trong khối ASEAN

Biển Kiên Giang có độ sâu trung bình 25-30m, nơi sâu nhất là 50m. Đây là vùng biển ít sóng lớn, độ cao của ngọn sóng lớn nhất không quá 5m và không có sóng ngầm. Với những điều kiện tự nhiên trên, biển Kiên Giang là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sống và phát triển quanh năm. Ngoài ra, vùng biển Kiên Giang có khoảng 200 ha san hô cùng với 12.000 ha thảm cỏ biển sẽ là nơi cư trú và là nguồn thức ăn của nhiều loài cá biển, loài động vật biển quí hiếm như cá ông sư, cá heo lưng gù, cá heo mõm dài, cá heo sọc, rùa biển… đồng thời tạo ra nguồn sinh vật cảnh biển rất đa dạng và hấp dẫn để khai thác du lịch.

Tháng 10 năm 2006 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang là Khu dự trữ sinh quyển thứ 5 của Việt nam và đây cũng là Khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu ha.

Từ thành phố Rạch Giá, chuyến tàu biển cao tốc đưa chúng tôi đến Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải). Hòn Tre đông đúc và ồn ào hơn chúng tôi tưởng tượng lúc ban đầu. Đảo mang hình dáng giống như một con rùa khổng lồ đang bơi giữa biển, cũng vì vậy, người dân địa phương quen gọi nơi đây là đảo Rùa. Huyện đảo Kiên Hải có diện tích 2.652,39 ha, bao gồm 23 hòn đảo. Là điểm đầu mút nằm ở cực Tây Nam của tỉnh Kiên Giang, bốn mặt được bao bọc bởi biển cả bao la và trù phú.

Ngoài nghề chính là đánh bắt hải sản với gần 1.000 chiếc tàu cá; những năm qua, người dân ở các đảo thuộc huyện đảo Kiên Hải phát triển nghề nuối cá, nuôi tôm lồng bè. Đây là nguồn lợi kinh tế to lớn và dự đoán sẽ là ngành kinh tế chủ lực trong tương lai ở huyện đảo này.

Do cấu tạo chung, Kiên Hải là một quần thể núi đảo, nên hầu hết cảnh quan các nơi đều có những hình ảnh lạ mắt, một số địa danh của đảo như: Bãi Ngự (An Sơn), Đá Chuông, Suối Vàng (Hòn Tre), miều thờ cá Ông (Nam Du) cùng các hang động rất đẹp và kỳ thú, có nhiều chim muông sinh sống nên cũng rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.

Phú Quốc- đảo ngọc

Chuyến tàu cao tốc chất lượng cao mang tên Super Dong II đưa chúng tôi từ thành phố Rạch Giá ra Phú Quốc. Chỉ 2 giờ 30 phút sau chúng tôi đã có mặt ở hòn đảo ngọc du lịch lớn nhất Việt Nam. Đảo có hình tam giác, chiều dài lớn nhất của đảo theo hướng Bắc-Nam là 49 km, nơi rộng nhất trên đảo theo hướng Đông-Tây nằm ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27 km. Chu vi của đảo Phú Quốc tổng cộng khoảng 130 km. Tổng diện tích của Phú Quốc là 56.500 ha.

Đảo Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường rực nắng, với  nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam, có 99 ngọn núi đồi và dãy rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Chúng tôi đã có những cảm giác thú vị khi tận hưởng những không gian yên tĩnh, hoang sơ hay khi tham gia các hoạt động du thuyền câu cá, khám phá đảo hoang và dã ngoại chinh phục, khám phá đỉnh núi Chúa ở độ cao 565m – nơi được coi là nóc nhà của Phú Quốc. Núi Chúa nằm trong khu vực vườn Quốc gia Phú Quốc, là môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn. Đứng trên đỉnh Núi Chúa, chúng tôi có thể ngắm nhìn không gian mênh mông, bao la và rộng lớn; một khung cảnh đầy thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên.

Cái thú của bất cứ khách du lịch đến Phú Quốc là nằm trên bãi biển cát dài mịn ngắm bình minh và hoàng hôn. Du khách sẽ có cảm giác bồng bềnh giữa đại dương mênh mông với biển trời bao la và thanh khiết. Một thú vị nữa là đi thăm những nghề truyền thống lâu đời như nghề sản xuất nước mắm và nghề trồng hồ tiêu. Hai sản phẩm  này của Phú Quốc đã nổi tiếng thế giới lâu nay.

Phó bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, nguyên Bí thư huyện ủy Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Sơn đã phác họa vị trí quan trọng của Phú Quốc bằng hình ảnh: “… nếu vẽ một vòng tròn có bán kính 1.000 km, Phú Quốc sẽ là trung tâm tất cả thủ đô của các nước ASEAN…”. Đúng là vị trí và tiềm năng của Phú Quốc đã được đánh giá rất cao. Trên chuyến tàu trở về Rạch Giá chúng tôi chuyện trò với một đoàn khách đến từ châu Âu, họ hỏi chúng tôi rằng, Phú Quốc tuyệt vời mà tại sao chưa phát triển trở thành như Singapore? Vâng, niềm băn khoăn đó của du khách quốc tế chúng tôi đã chuyển đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và ông Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch: “… Chính phủ hiện nay ưu tiên mọi thứ cho Phú Quốc từ xây dựng sân bay quốc tế, đường giao thông hiện đại quanh đảo, cảng hàng hải quốc tế, ưu đãi về thuế, cho xây dựng casino và bất cứ du khách quốc tế nào bất chợt đến Phú Quốc đều có thể lưu trú trong vòng 15 ngày mà không cần visa…, thế nhưng con đường xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch mang tầm cỡ thế giới quả thật không dễ dàng cho Kiên Giang chút nào…”.

Chúng tôi hiểu khó khăn đó, nhưng có một điều Phú Quốc đang thay đổi từng ngày và chắc chắn không xa Phú Quốc sẽ trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.

Hà Tiên, thành phố văn hóa du lịch tương lai

Từ thành phố Rạch Giá đến thị xã Hà Tiên chừng gần 100km, chúng tôi đi giữa một vùng biển, núi xen lẫn những cánh đồng lúa mênh mông, những rặng cây thốt nốt chạy dọc ven đường.

Hà Tiên nhỏ mà đẹp và được ví như là một Việt Nam thu nhỏ vì có rừng, có biển, có đảo, có hồ, có sông và là nơi được ví như là cái nôi của nền văn hóa Nam Bộ. Nằm bên phía Đông Hà Tiên là một hồ lớn có diện tích trên 10 km2 được gọi là Đông Hồ. Đây là nơi hợp lưu giữa kênh Vĩnh Tế với sông Giang Thành trước khi đổ ra biển.

Từ trung tâm thị xã Hà Tiên, một con đường ven biển khá đẹp chạy quanh co đến Khu du lịch Mũi Nai. Đây là khu du lịch biển đẹp và thơ mộng nhất ở khu vực miền cực Nam này. Bãi tắm Mũi Nai không sâu, cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm. Nơi đây đang hình thành một khu du lịch với đầy đủ các loại hình du lịch biển.

Từ Mũi Nai chúng tôi ra thăm quần đảo mang tên Hải Tặc nay thuộc xã Tiên Hải trực thuộc thị xã Hà Tiên, cách đất liền 18 km, cách đảo Phú Quốc 40 km. Quần đảo Hải Tặc có tới 16 hòn đảo lớn nhỏ, năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt quy hoạch xây dựng nơi đây thành khu nghỉ, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42 ha.

Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có về biển đảo, Kiên Giang chắc chắn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển năng động của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi tin điều đó vì sự thay đổi đang hiển hiện từng ngày trên mảnh đất giàu tiềm năng và tươi đẹp này.

Theo Báo ảnh Việt Nam

Phú Yên biển ngọc


Nếu đã một lần đến vùng biển này, đắm mình trong làn nước trong xanh, hít thở những cơn gió biển hào sảng, rảo bước trên những bờ cát mượt mà, hẳn bạn sẽ có cùng ý nghĩ như tôi: biển Phú Yên quá đẹp!

Xe chỉ vừa qua đèo Cả, ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên, trước mắt bạn là một vùng trời biển ngút ngàn. Ngay dưới chân đèo là bãi Đại Lãnh, nơi biển vòng tay ôm lấy bờ cát làm nên những đường cong uyển chuyển. Rồi làng chài xuất hiện với vô số thuyền chài neo đậu trong bến. Từ trên cao nhìn xuống, Phú Yên đẹp ngay từ cửa ngõ chào mời khách vừa đến thăm. Ngoài khơi xa là những hòn đảo nhỏ nhấp nhô như thể chúng đến từ những cuộc phiêu bạt muôn phương rồi dừng lại mãi mãi ở vùng biển tuyệt vời này.

Bạn tha hồ tưởng tượng hình dáng những hòn đảo nhỏ này: có đảo trông như chú mèo đang chuẩn bị vồ mồi, đảo khác tựa chú cá heo đang bươn bả bơi về phía bắc hoặc như chú rùa đang rúc đầu vào mai trong giấc ngủ...


Xe xuống chân đèo Cả, nếu là người yêu biển bạn sẽ không vội đi theo quốc lộ 1 vào TP Tuy Hòa mà rẽ sang cảng biển Vũng Rô, theo con đường mới ven biển để trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ của mình tại một địa danh lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển. Cảng Vũng Rô có bờ lùi sâu vào đất liền, tạo thành một vòng cung vững chãi, phía trước là những hòn đảo trải dài như một thành trì che chắn để vịnh biển này suốt bốn mùa trời yên biển lặng.

Qua khỏi Vũng Rô, con đường ven biển phẳng lì tít tắp sẽ dẫn bạn đến vùng biển dưới chân mũi Đại Lãnh. Biển xanh thẳm một màu ngọc bích, còn những bãi cát trắng phau dường như chưa từng biết đến dấu chân người.

Những bãi Bàng, bãi Tiên, bãi Nồm, bãi Môn nối tiếp nhau. Những đồi cát êm thi thoảng điểm vài bụi cỏ xanh xanh và những dòng suối nhỏ trong vắt tìm đường ra biển. Không rõ có nơi nào khác trên thế gian mà sơn thủy hữu tình đến thế. Lên đỉnh hải đăng Đại Lãnh nhìn xuống, tin chắc bạn sẽ có cảm giác như bị ngạt thở trước bức tranh đại dương trước mắt và giai điệu ầm ào của gió tứ phương lồng lộng.

Từ vùng biển phía đông nam đi về vùng biển phía bắc Phú Yên, bạn không thể bỏ qua danh thắng ghềnh Đá Đĩa, nơi thiên nhiên đã sắp đặt những khối đá lục giác thành một quần thể đá lạ lùng và độc đáo ngày đêm hứng những đợt sóng đến từ đại dương.

Mùa hè đã đến đồng thời với những lời mời gọi từ biển cả. Hè năm nay, bạn hãy thử đến với Phú Yên để trải lòng mình cùng biển nơi này...

Theo TTO

Chùa Phổ Minh – một di tích lịch sử văn hóa

Chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp, thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Chùa được xây dựng dưới triều Trần, niên hiệu Thiệu Long thứ 5 (1262), ở về phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở.

Chùa có quy mô bề thế, là nơi tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần. Do vậy mà chùa được coi là đại danh lam của nước Đại Việt ta. Đây là nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông (vua thứ 3 triều Trần, 1279-1293) cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang.

Trần Nhân Tông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Đầu Đà, một dòng Phật giáo Việt Nam (thế kỷ 13-14), và ông được xem là “Đệ nhất Tổ”. Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai làm cỗ kiệu bát cống bằng đá, đặt bảy trong hai mươi mốt viên Xá Lợi của vua cha và xây tòa tháp lên trên.

Toàn bộ phong cảnh chùa bao gồm: Tam quan, hai hồ sen, hai nhà bia cân đối cùng các cây cổ thụ có trên 400 năm tuổi, càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa thêm phần cổ kính.
Trong chùa có tòa Tiền Đường (hay còn gọi là Bái Đường), tòa Tam Bảo, tòa Thượng Điền, nhà Tổ, nhà Mẫu Tổ Trần, hai dãy hành lang hòa nhập với cảnh quan xung quanh bề thế. Đây là một trong những công trình kiến trúc quy mô vào loại xưa nhất mà ngày nay còn giữ được nguyên vẹn.

Đặc biệt, tháp Phổ Minh được xây dựng trước cửa Bái Đường vào năm 1305. Đây là loại tháp hình hoa sen có 14 tầng, cao 21m. Hai tầng dưới xây bằng các phiến đá xanh có chạm khắc cánh sen, hoa cúc tinh xảo, 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch để trần, mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2m.

Các tầng tháp đều có mái cong ở bốn phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30m2, lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua.

Xưa kia, ba tầng trên cùng xây bằng đồng, đặt một chum đồng và các di vật cổ, nổi tiếng là vạc Phổ Minh, một trong “An Nam tứ đại khí” của nước Đại Việt thế kỷ 13-14 đặt trước cây tháp cổ, rất tiếc đến nay không còn.
Bên cạnh cây tháp cổ, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian, khí hậu và chiến tranh hủy hoại, nay chỉ còn hơn 50 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao.

Đặc biệt, trên tòa thượng điện có tượng vua tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Pho tượng được đánh giá là một tác phẩm điêu khắc quý giá nhất. Ngoài ra, trong chùa còn nhiều tượng như: tượng Tam Thế, tượng Di Đà, tượng Di Lạc, tượng Quan Âm, Đức Thánh, Đức Chúa...

Dưới hậu cung còn có pho tượng đá trắng của công chúa Mạc Ngọc Lâm, người đã từng tu hành và trùng tu ngôi chùa vào thời Mạc (1527-1592). Khi ngài viên tịch, có lăng mộ xây phía sau hậu cung, đều là những tác phẩm cổ, đẹp, mang tính nghệ thuật lịch sử điển hình cao của thế kỷ 16.
Và tấm bia đá lớn khắc vào năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đặt bên phải. Trước cửa chùa là một pho sử sống ghi lại lịch sử ngôi chùa, đồng thời cũng là một công trình nghệ thuật.

Chùa Phổ Minh từ ngày xây dựng đến nay đã trải qua hơn 700 năm, chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhưng nét đẹp cổ xưa không hề phai mờ. Chùa vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”.

Quá khứ đã lùi xa, lịch sử Việt Nam viết thêm nhiều trang sử huy hoàng, nhưng chiến công hiển hách của quân dân triều Trần chống quân xâm lược Nguyên- Mông vẫn là một trong những chiến công chói lọi âm vang đến muôn đời. Chính nền tảng đó tạo ra sức mạnh, khơi nguồn cho các công trình kiến trúc, một nền mỹ thuật khoáng đạt, tinh tế, đầy sức sống và có tính hiện thực cao.

Chùa tháp Phổ Minh, một di tích lịch sử được tọa lạc trên quê hương nhà Trần, đã, đang và mãi mãi góp phần khơi dậy hào khí Đông A, phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, khơi dậy truyền thống yêu nước thương dân, tinh thần đoàn kết của dân tộc.

Theo Lịch sử Việt Nam

Viện Hải dương học Nha Trang

Viện Hải dương học Nha Trang (thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hòa) được coi là từ điển của hệ sinh thái biển. Đến đây du khách vừa được chiêm ngưỡng hình ảnh sống động, phong phú, vừa được tìm hiểu các loài sinh vật của đại dương và các mô hình sinh thái biển.

Viện được thành lâp năm 1923 do người Pháp trực tiếp quản lý, điều hành cho tới năm 1952. Hiện nay, Viện nằm trong hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia Việt Nam. Quy mô ban đầu của Viện rộng 20ha, nằm ở bờ gần vùng biển sâu, nơi gặp gỡ hai dòng hải lưu nóng-lạnh, có nhiều tầng lớp từ mặt nước đến cực sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật biển định cư, sinh sống.



Viện Hải dương học có 20 phòng ban chức năng và phân chia làm nhiều khu trưng bày. Để hiểu khái quát về biển Việt Nam, du khách có thể xem sa bàn “Địa hình thềm lục địa Việt Nam”. Sa bàn như một cẩm nang cho du khách hình dung về độ sâu của đáy biển, giới thiệu sự đa dạng sinh học, nguồn lợi từ biển và tuyên truyền bảo vệ môi trường biển…

Bảo tàng Hải dương học (nằm trong Viện Hải dương học) là nơi tập trung nhiều phòng trưng bày về các loài sinh vật, hệ sinh thái của biển. Đến với phòng trưng bày các bể nuôi sinh vật biển, du khách như lạc vào một thế giới rực rỡ sắc màu với nhiều loài sinh vật quý hiếm như: hải quỳ, sao biển màu xanh đỏ, hải sâm, rắn biển, rùa biển, các loài tôm, cá...

Gian trưng bày sinh vật trong bể nuôi ngoài trời sẽ cho du khách hình dung tổng thể về sự phong phú, đa chủng loại của các loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm: cá kẽm sọc, cá bò đuôi gai, cá hoàng đế, cá chình, cá thia... Du khách được tận mắt nhìn cá mao tiên và con sam - một số loài cá đặc biệt.

Cá mao tiên với màu sắc nâu đỏ, vàng, hai vây trước xòe rộng như hai cánh chim, vây lưng tua tủa 13 chiếc gai độc, vây đuôi mỏng trong suốt có chấm như chiếc quạt Nhật Bản, đầu xù xì như đầu rồng, thân hình mềm mại như nàng tiên múa vũ khúc rất ấn tượng với du khách. Những con sam sống thành đôi, loài này xuất hiện khoảng 400 triệu năm trước đây. Những loài cá lớn như cá mập, cá đuối, cá khoang cổ cũng được tập hợp thành khu trưng bày riêng.

Khu trưng bày các mẫu vật của Viện Hải dương học trưng bày 20.000 mẫu vật của 4.000 loài sinh vật biển ở vùng Đông Nam Á, thu thập được từ các chuyến khảo sát trong vùng biển Đông và một số vùng biển lân cận được bảo quản kỳ công với mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học của các sinh vật biển.

Các mẫu vật này được phân thành 2 khu: khu dành chocác mẫu vật lớn và khu dành cho các mẫu vật nhỏ. Các mẫu vật lớn nhưbộ xương cá voi lưng gù dài 18 m, nặng 18 tấn (bộ xương được khai quật tại tỉnh Nam Hà năm 1994); bộ xương nàng tiên cá (Dugong ) khai quật tháng 11/1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo), loài này đang bị nguy cơ tuyệt chủng... Các mẫu vật nhỏ nhưnhững con chim yến trong chiếc tổ làm từ nước dãi của nó trên các vách đá cheo leo giữa biển, bạch tuộc đốm xanh lần đầu tiên thu mẫu được ở Việt Nam năm 1999, các mẫu vật hải cẩu, cá tầm Trung Hoa, cua vua ở các vùng biển lân cận Việt Nam...

Đến Viện Hải dương học, du khách như được du lịch trong lòng đại dương với hàng ngàn loại sinh vật đa dạng. Bên cạnh đó, du khách cũng được tận mắt nhìn thấy tàu khảo sát biển với trọng tải 30 tấn, tốc độ 8 hải lý mà các cán bộ khoa học nơi đây thường sử dụng khi thám hiểm đại dương.

Với hơn 7.000 đầu sách và 60.000 tạp chí khoa học được gửi từ 140 tổ chức quốc tế của hơn 30 nước trên thế giới, thư viện Viện Hải dương học có nhiều tư liệu khoa học biển từ thế kỷ 18 - 19 giúp ích cho các nhà khoa học và những người ham học hỏi. Viện Hải Dương học đóng góp một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông, bao gồm 1.100 ấn phẩm đã được công bố, trong đó nghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm 62,6%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%, về hóa học biển và về hóa sinh chiếm 4,4%.

 Đến thăm Viện Hải dương học, nơi lưu giữ sinh thái biển, du khách ra về có thêm những kiến thức quý về tiềm năng của biển, về công tác bảo tồn của ngành hải dương học Việt Nam và ý thức bảo vệ đại dương của mỗi người dân.

BAVN Online

Mùa Xuân thăm Văn miếu Mao Điền

Nằm cách thành phố Hải Dương không xa, khoảng 15km về phía Tây, Văn miếu Mao Điền được biết đến là một công trình kiến trúc cổ kính, có lịch sử mấy trăm năm, thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của trấn Hải Dương xưa. 

Trong số ít các Văn miếu đến nay còn tồn tại ở Việt Nam, khu di tích lịch sử cấp quốc gia này có qui mô lớn thứ hai, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc

Những ngày đầu Xuân, rất nhiều du khách tìm đến Văn miếu Mao Điền, để thăm thú, chiêm ngưỡng một công trình văn hoá tiêu biểu của đất nước và dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, hiền tài của nước Nam.

< Tam quan Văn miếu Mao Điền.

Nhìn từ xa, Văn miếu Mao Điền trông như một toà thành lớn, nổi bật giữa màu xanh của những ruộng lúa Xuân mới cấy. Qua cổng Tam quan đồ sộ là khoảng sân rộng dẫn lên cây cầu đá cong cong duyên dáng. Bên hồ nước xanh, cây gạo cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm vẫn đang trổ lộc non trong tiết Xuân ấm áp. Phần chính của Văn miếu gồm hai toà nhà lớn là Bái đường và Hậu cung có mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng. Lầu chuông đồng, trống đại ở hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái bằng gỗ lim giản dị mà đẹp mắt. Những hàng cây cảnh, cây ăn quả xanh mát bao bọc xung quanh, tạo nên vẻ đẹp yên bình, tôn nghiêm của khu di tích.

Chính điện Hậu cung là nơi đặt tượng đồng, ngai thờ và bài vị thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng xuất sắc thời cổ đại và 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực, thời đại của nước ta, đó là: Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Danh nhân văn hóa thế giới - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thần toán Vũ Hữu và Nghi ái quan - nữ Tiến sĩ đầu tiên trong hệ thống khoa cử nước ta Nguyễn Thị Duệ. Trong không gian thâm nghiêm, hương trầm thơm ngát, du khách thập phương thành tâm tưởng nhớ các bậc danh nhân, lòng càng thêm khâm phục gương sáng các bậc tiên hiền, tự nhủ lòng mình hãy rèn luyện, học hỏi để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.

< Bái đường và Hậu cung, nơi thờ Khổng Tử và 8 vị đại khoa tiêu biểu trong lịch sử Nho học Việt Nam.

Đến với Văn miếu Mao Điền, du khách còn có dịp hiểu thêm về truyền thống hiếu học của nhiều thế hệ xứ Đông qua những hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống nằm trong khuôn viên khu di tích do ngành Giáo dục- Đào tạo Hải Dương kết hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng. Đây là nơi diễn ra các hoạt động Lễ hội truyền thống, tuyên dương học sinh giỏi, gặp mặt các các vị Tiến sĩ Hải Dương hiện tại, hội thảo khoa học, diễn xướng văn nghệ dân gian…

Văn miếu Mao Điền - Lịch sử lừng lẫy

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1945, Mao Điền là một xã thuộc tổng Mao Điền huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Theo văn bia ghi lại, từ xa xưa vùng đất này vốn bằng phẳng, có nhiều cỏ lau mọc tươi tốt, tên gọi Mao Điền cũng xuất phát từ đó, bởi “Mao” có nghĩa là cỏ lau, “Điền” là ruộng cấy. Từ giữa thế kỷ thứ XV, nhà Lê với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại, đã cho xây dựng một loạt trường học trên đất nước, trong đó có Văn miếu Mao Điền.

< Lầu trống đại trước sân điện thờ.

Ngay từ thuở ban đầu, Văn miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Công trình đặt trên một gò đất cao, gồm 5 gian Bái đường và 3 gian Chính tẩm. Đồng thời với Văn miếu là trường thi Hương của trấn Hải Dương, được xây tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Hai công trình cách nhau khoảng 1km theo đường chim bay. Với vị trí địa lý nằm ở phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa, xứ Hải Dương còn được gọi là xứ Đông, là vùng “đất học”, vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá - giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràng phía trước.

Đến thời Tây Sơn (1788-1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi Hương (nay là Văn miếu Mao Điền và cánh đồng Tràng). Qui mô Văn miếu rộng tới 10 mẫu (3,6ha), được xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục: Bái đường, Hậu cung mỗi tòa 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị; hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng đông và tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu, gác Khuê Văn, gác chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên quang tỉnh và Khải thánh thờ Thân phụ và Thân mẫu của Khổng Tử.

Các hạng mục đều được qui hoạch cân đối và đẹp mắt trở thành nơi diễn ra các hoạt động tế lễ và học tập rất đông vui. Hàng năm, vào ngày Đinh, đầu tháng “trọng Xuân” (tháng Hai) và “ trọng Thu” (tháng Tám), trấn Hải Dương đều tổ chức tế lễ Khổng Tử. Các quan đầu trấn, đầu phủ, cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng, nêu cao truyền thống “Hiếu học” và “Tôn sư, trọng đạo”.

Trong thời đại phong kiến, hệ thống cơ sở thờ tự Khổng Tử và tôn vinh các đại khoa nho học được xây dựng ở hầu hết các địa phương. Tại Kinh đô và các trấn (lộ, xứ) có các Văn miếu, còn các làng xã có các Văn chỉ. Tùy theo sự học phát triển mà các địa phương xây dựng Văn miếu, Văn chỉ với qui mô khác nhau. Trải dài suốt mấy trăm năm tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, có một lịch sử lừng lẫy trong đất nước, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho cả giang sơn xã tắc. Nếu chỉ tính số người đỗ đại khoa trong 185 kỳ thi từ năm 1075 đến năm 1919, cả nước có 2898 tiến sĩ thì riêng trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng nguyên, Hải Dương có 12 người. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị đại khoa đều mang hết tài năng của mình để góp phần xây dựng đất nước.

< Toàn cảnh Văn miếu Mao Điền với cây gạo cổ thụ tương truyền được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801).

Văn miếu Mao Điền tồn tại khá nguyên vẹn cho tới năm 1947. Sang đến năm 1948, giặc Pháp tới chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Suốt một thời gian dài chiến tranh, đạn bom phá huỷ, không được chăm sóc, Văn miếu dần hư hại, xuống cấp nghiêm trọng cho tới năm 1991, công trình được cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đóng góp công đức, tu bổ sửa chữa lại. Năm 1992, công trình văn hoá tiêu biểu này được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia. Đến nay, trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và địa phương cùng những đóng góp, công đức của nhân dân, khu di tích đã dần lấy lại vẻ uy nghi, bề thế xưa kia.

Hàng năm, Văn miếu Mao Điền đón tiếp hàng chục vạn du khách thập phương, các nhà giáo, học sinh, sinh viên các cấp học về tham quan chiêm bái… Những ngày đầu Xuân mới, nhiều gia đình đưa con em đến thăm Văn miếu Mao Điền để xin chữ đầu năm lấy may, thắp hương tưởng nhớ các bậc hiền tài được thờ tự tại Văn miếu và cầu mong các vị tiên hiền phù hộ cho mọi người bền gan vững chí phấn đấu, rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Theo Quehuong online

Tản mạn nơi cực Bắc Tổ quốc

Tuy chưa đến được Lũng Cú- Nơi đặt cột cờ đánh dấu điểm cực Bắc của Tổ quốc, song tôi đã có trên 3 ngày rong ruổi cùng với những dốc cao, những khúc ngoặt thót tim, xuôi ngược sông Gâm hùng vĩ, đặc biệt là được "3 cùng" ngay tại bản đồng bào Tày, Mông v.v… Hà Giang đối với tôi có quá nhiều cảm xúc.

Đêm ở bản Khén

Trong đoàn nhà báo theo học lớp đào tạo báo chí nâng cao do dự án SIDA (Thụy Điển) hỗ trợ, tôi và anh Trung Chính- Phó tổng biên tập báo Lao động- xã hội được cử đi thực tế tại bản Khén, Lạc Nông, Bắc Mê, Hà Giang. Chuyện "3 cùng" vốn không xa lạ gì đối với một nhà báo Tây Nguyên. Tuy vậy, tôi vẫn thấy hơi lạnh gáy khi nhận nhiệm vụ này. Phần vì ngại phong tục tập quán, phần vì bị dọa dẫm bởi những con đường cong và dốc như những dấu "vô cùng" được đặt cheo leo trên sườn núi.



Qua một ngày vật lộn với những cung đường như thế, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái bản người Tày có tên là Khén. Mới 5 giờ chiều mà cả bản đã ngập trong khối sương đặc quánh. Bản Khén lại nằm lọt thỏm trong một thung lũng, chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào, trước- sau- phải- trái đâu cũng núi cao, thành ra cảm giác cô độc càng thấm sâu.

Biết tôi là người Tây Nguyên nên anh chủ nhà Lã Minh Nghiệm rất quí. Cũng giống như đồng bào Bahnar hay Jrai, vì mến khách nên tiếp khách theo tiêu chuẩn "2 G", có điều đồng bào Tày Hà Giang không làm rượu ghè nên chỉ có gà và rượu men lá. Lã Minh Nghiệm được xem là "đại gia" của cái thung lũng này nên nhà có cả máy xay xát, xe máy, ti vi…

Cơ ngơi là ngôi nhà sàn gỗ nghiến vững chãi tựa như ngôi nhà dài của đồng bào Jrai Ayun Pa. Câu chuyện làm giàu của Nghiệm cũng dài và trắc trở như đường lên đỉnh núi. Anh lấy vợ và ra riêng với tài sản vẻn vẹn 200m2 đất vườn, 1.000 m2 đất núi đá và 5 cái bát ăn cơm. Phải nhịn ăn, nhịn tiêu, ngược xuôi buôn bán trên 10 năm, Nghiệm mới mua được 2.000m2 ruộng và đất rẫy. Và, phải tiết kiệm, tính toán, làm lụng cật lực hơn mười năm sau nữa anh mới có được tài sản như hôm nay.

Chẳng mấy chốc cái tin "có người Tây Nguyên đến chơi" đã lan ra cả bản. Một vài người trong dòng họ Lã tìm đến nói chuyện. Trong câu chuyện lúc nhặt, lúc vãn, tôi nhận ra cái bản Khén này còn nghèo lắm, chỉ có Lã Minh Nghiệm "biết tính toán nhất bản" nên kinh tế khá giả. Nghèo cũng phải thôi bởi ngoài mấy ha ruộng nước trong thung lũng, nhìn lên dốc núi thấy chỗ nào cũng đá và đá. Nghe tôi kể về đất đỏ ba zan, về những vườn cà phê, cao su… ai cũng theo dõi một cách chăm chú, như thể nghe chuyện cổ tích đời xưa. Ông Lê Bình Dương- Bí thư Chi bộ bản Khén cho biết: "Đã có mấy hộ di dân tự do vào Tây Nguyên. Nghe nói chúng nó làm ăn khá lắm!".

Nếu bản Khén khó một thì bản Phia Vèn của đồng bào Mông khó hai. Vì mới "xuống núi" gần 2 năm nay nên cuộc sống và tư duy của bà con vẫn đang ở lưng chừng núi. Dạo một vòng từ đầu đến cuối bản, tôi nhận ra một thứ âm thanh rất phổ biến đó là tiếng í ào phát ra từ những vòng cối đá xay ngô làm mèn mén. Vì ở lưng chừng núi, không trồng được lúa nên mèn mén (một thứ bánh làm từ bột ngô) là khẩu phần hằng ngày của đồng bào Mông ở Phia Vèn. Mà ngô nào có dễ trồng, phải chọt từng lỗ nơi khe đá để tra hạt. Phia Vèn là một trong những bản đầu tiên ở Bắc Mê chịu "xuống núi", đa phần đồng bào Mông ở đây hiện đang sống rải rác ở lưng chừng những ngọn núi cao. Khó khăn, vất vả vẫn là chuyện thường ngày.

Du thuyền sông Gâm

Bên cạnh việc "gây khó" cho cuộc sống con người cực bắc, thiên nhiên cũng bù đắp cho họ phần nào những thiệt thòi trong cuộc sống. Đó là con sông Gâm hùng vĩ và đẹp đến nao lòng, những thửa ruộng bậc thang tầng bậc.

Có du thuyền trên sông Gâm mới cảm nhận hết sự hùng vĩ của thiên nhiên Hà Giang. Đó là một dòng nước xanh ngăn ngắt uốn lượn qua những dãy núi đá cao ngất ngưởng với đủ loại hình thù. Dọc bờ sông là những cây nghiến, cây sồi cổ thụ, rồi những hang đá xuất hiện như sự sắp đặt của tạo hóa v.v… Rồi những ngôi nhà của đồng bào Mông mọc ra từ cheo leo sườn núi như mời gọi, hấp dẫn du khách đến với sông Gâm.

Không chỉ đẹp, sông Gâm còn chứa đựng trong lòng nó nguồn thủy sản phong phú, đặc biệt là sự xuất hiện của cá Anh vũ. Một ly rượu làm từ thứ men lá của núi rừng kèm theo miếng cá anh vũ ngọt lừ được mời từ bàn tay xinh đẹp của cô thiếu nữ người Mông, du khách bỗng thấy mình như thăng hoa, bay bổng.

Vĩ thanh

Trong bửa cơm tiễn khách, Lã Minh Nghiệm vỗ vai tôi tâm sự: “Năm nay mình 45 tuổi. Trước khi trở thành người già, mình mơ ước được vào Nam bộ và Tây Nguyên một lần. Trước là đi cho biết đất nước mình rộng lớn như thế nào, sau là học hỏi kinh nghiệm làm ăn để về còn giúp cho bản Khén mình”.

Tôi đọc được trong ánh mắt và lời tâm sự của anh một sự khát khao đến cháy bỏng về một cuộc sống dễ chịu hơn. Không ai khác, chính Lã Minh Nghiệm mẫu hình của con người Việt bắc đằm thắm, thủy chung và đầy khát vọng.

Theo bao Gia Lai

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Chuyến đi khó quên trên đèo Hòn Giao (Phần 3)

Vượt qua thử thách

Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều người quay lại và liên tục cảnh báo chúng tôi, ở dưới kia có lở núi tắc đường, cũng lo lắng là kế hoạch bị vỡ, nhưng chúng tôi cũng cứ phải đến xem sự thể ra sao. Mà cảnh đang đẹp như vậy làm sao mà quay về cho được, thế là 3 anh em cứ tiếp tục hành trình của mình.

Chúng tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường tuyệt đẹp với phong cảnh hai bên đường càng ngày càng hoang sơ.

Qua một hẻm núi, bất ngờ con đường bị chặn lại bằng những tảng đá lớn, đá từ trên triền núi đổ ập xuống ngổn ngang, có lẽ do cơn mưa đêm qua làm cho lớp đất đá thêm nặng và rơi xuống.

Lúc này chúng tôi còn cách Nha Trang khoảng 70km.

"Đèo Hòn Giao nhiều lần bị sạt lở nghiêm trọng do mưa bão, thậm chí vào tháng 11.2010: hàng chục xe ô tô cùng khoảng 100 người bị kẹt giữa đèo Hòn Giao (thuộc địa bàn xã Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) phải chịu đói rét đến 3 ngày sau mới được cứu thoát an toàn."
< Mọi người dừng hẳn lại, ngao ngán. Lúc này nhóm bạn người Châu Âu cũng vừa tới.
Quan sát kỹ càng, bên kia là một cây cầu lớn, đi sâu xuống lề đường bằng con đường tòan đá hộc khỏang 100 mét là đến chân cầu, cạnh chân cầu là một rãnh nhỏ để thóat nước mưa, dốc gần như dựng đứng, đã có người dùng dây để kéo xe máy bằng qua thành công.
Sau khi hội ý, cả nhóm cùng nhất trí giúp nhau vượt qua bên kia bằng cách kéo từng chiếc xe máy lên, chúng tôi có 3 xe máy cùng với 5 chiếc xe của các anh chị cùng đi trên đường.

Vậy là tất cả mỗi người mỗi việc, ai không đi xe thì mang hành lý để cùng xuống tập kết tại chân cầu để chuẩn bị kéo từng chiếc xe vượt qua con dốc đứng.
Nhóm bạn Châu Âu cũng quyết định sẽ vác xe đạp theo đường này, một điều thật ngạc nhiên là các bạn nam trong nhóm tự vác xe và hành lý cá nhân vượt qua và lên đường đi thẳng  không giúp các bạn nữ cùng đi (pó tay!), vậy là chúng tôi lại giúp các bạn nữ này vác từng chiếc xe và từng balô hành lý sang bên kia.
Vậy là từng chiếc, từng chiếc xe máy, được đưa lên con dốc đứng.
Chuyện này thật nguy hiểm, chỉ cần sợi dây bị đứt thì chiếc xe và người ngồi xe trôi thẳng vào những người đang đẩy ở sau, tai nạn là không tránh khỏi.
< Xe của các cô gái nước ngoài...
Có lẽ cám cảnh trước sự giúp đỡ của chúng tôi, những bạn nữ sau khi sang được bên kia đã nán lại để cổ vũ chúng tôi, mỗi khi chúng tôi kéo thành công một chiếc xe, họ lại reo hò cổ vũ rất vui, có lẽ đó cũng là một sự động viên tinh thần quý giá.
Nổi bật trong nhóm là một người đàn ông khỏang 50 tuổi, anh ấy rất xông xáo điều khiển mọi người, đã cầm lái 8 chiếc xe để anh em đẩy vượt qua con dốc đứng.
Tôi và anh Maycatang cũng cố gắng cùng với mọi người, chỉ thương bạn Thekids66 của chúng tôi do thân hình ngót 100kg nên không thể giúp gì được, bạn ấy cũng chụp rất ít ảnh của công việc cứu hộ này, nhìn mặt bạn tôi hiểu rằng bạn rất áy náy. Chắc mọi người cũng thông cảm thôi vì ốc còn không mang nổi mình ốc thì biết làm sao?

Khi tất cả xe máy được đưa lên, các bạn nữ người Châu Âu cũng giúp kéo được Thekids qua được con dốc và reo hò vang trời, không khí vui lắm.

< Người hùng được tôn vinh.

Vậy là tất cả đã vuợt qua được trở ngại, mọi người đều rất mừng vì không phải bỏ dở cuộc hành trình.
< Và tất cả cùng chụp một tấm ảnh lưu niệm.

Riêng tôi cảm thấy rất tự hào vì tinh thần đòan kết của những người cùng đi, tuy không biết nhau nhưng đã cùng vượt qua khó khăn, những bạn trẻ nước ngòai có lẽ sẽ có nhiều suy nghĩ tốt đẹp về con người Việt Nam.
Nha Trang đang ở phía trước.

Thông tin bên lề chuyến đi:

Tối qua 5.5, Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho biết: Mưa lớn kết hợp với địa chất không ổn định đã gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường mới mở từ Nha Trang đi Đà Lạt (đoạn Khánh Lê - Lâm Đồng) từ ngày 2.5 đến nay. Ước tính có khoảng 8.000 tấn đất đá sạt lở xuống mặt đường.
Vị trí sạt lở tại Km 56+100 thuộc địa phận H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), cách Nha Trang hơn 70 km. Công nhân ngành giao thông phải dùng máy khoan và mìn để phá đá thông đường. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa đường Khánh Lê - Lâm Đồng mới thông trở lại.
(Theo Thanh Niên)


Theo web Quehuongtoi
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Đèo Hòn Giao: phiêu du trên con đường nối liền rừng ...
Cung đường tuyệt mỹ: Đèo Hòn Giao.
Những con đèo ấn tượng ở Việt Nam