Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Về Sa Huỳnh ăn nhum

Thời điểm này về Sa Huỳnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi), du khách sẽ có dịp thưởng thức món nhum chả trứng hoặc thịt heo luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nhum - món mắm dân Quảng Ngãi từng đem tiến vua.
Theo những cư dân Sa Huỳnh, nhum có nhiều loài như nhum đen, nhum bắn và nhum sò. Trong các loài này, nhum đen sống khá nhiều ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi và nhiều nhất là vùng ghềnh đá xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, Đức Phổ.

Nhum có hình thù giống quả chôm chôm hình dẹt, nếu không cẩn thận khi bắt gai nhum sẽ đâm vào tay gây đau nhức. Nhum bám vào ghềnh đá ở độ sâu chừng bốn sải nước và ăn rong rêu. Có thể tìm thấy chúng quanh năm, nhưng cư dân địa phương chỉ khai thác nhum vào mùa sinh sản, tức từ tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch, bởi mùa này nhum có nhiều trứng và “cơm” dày hơn. Khi trời lập thu, những cơn mưa chiều trút xuống biển thì dừng lại hẳn.

Nghề săn nhum rất đơn giản với một thúng chai, một kính lặn và một que sắt. Sau khi bơi thúng ra vùng ghềnh sạn, thợ săn nhum hít một hơi dài rồi lặn xuống những ghềnh đá, dùng que sắt khều nhum ra khỏi kẽ rồi nhẹ nhàng bắt chúng cho vào bao. Do cách săn bắt thủ công nên một ngày lặn bắt cật lực, lượng nhum bắt được đem về chế biến cũng chỉ chừng một lít mắm.

Nhum bắt được dùng dao bổ đôi rồi lấy mảnh tre cật cào múi nhum, trứng nhum cho vào tô. Nếu làm món chả trứng nhum thì bỏ thêm quả trứng, ít tiêu đem đánh nhuyễn rồi bắt xoong lên tráng, xong cho vào đĩa phủ thêm ít rau thơm. Nếu nấu cháo chỉ cần lấy trứng nhum, múi nhum đánh nhuyễn bỏ thêm một ít hành, tiêu. Khi cháo chín thì đổ nhum vào chờ sôi lại là dùng.

Du khách đến Sa Huỳnh bơi trong nước biển xanh biếc, đi dạo dọc bãi cát, đến khi đói bụng làm bát cháo nhum để mồ hôi xuất ra là thấy nhẹ người. Món chả trứng nhum hay cháo nhum đều thích hợp với người già và trẻ em bởi dễ tiêu, mát và giàu dinh dưỡng. Tuy vậy món mắm nhum mới là “đệ nhất” mắm, là món khoái khẩu. Dưới triều Nguyễn, mắm nhum là một trong những sản vật tiến vua hằng năm.

Đại Nam nhất thống chí - quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) mục thổ sản, chép: "Mắm nhum - sản vật ở các đảo ngoài biển, khoảng đời Minh Mạng đặt "hộ" mắm nhum 5 người, mỗi năm phải nộp 12 cân mắm..." Nghĩa Sâm (sâm miền núi Quảng Ngãi nay đã tuyệt giống) và mắm nhum là hai thổ sản ở Quảng Ngãi triều đình đặt "hộ" và bắt buộc phải cống bằng vật, không được dùng tiền để thay. Vì lẽ này, mắm nhum còn được gọi là "mắm tiền" hay "mắm tiến".

Nhum đem về bổ đôi, dùng mảnh tre cào ra tô, bỏ muối Sa Huỳnh - loại muối có vị mặn dìu dịu chứ không mặn gắt - vào đem khuấy nhẹ rồi đổ vào hũ sành để chừng năm ngày sau cho mắm “chín” là có thể dùng được.
Mắm nhum màu gạch sền sệt, ngửi có mùi rong rêu. Thực khách lấy bánh tráng cuốn rau và thịt heo ba chỉ rồi chấm mắm nhum để vị rong rêu mằn mặn tan nơi đầu lưỡi và “đưa cay” với món rượu dầm hải sâm, rượu dầm cá ngựa vốn có nhiều ở xứ này thì không còn gì bằng.

Trong mùa nhum sinh sản, quanh những khách sạn, hàng quán ở Sa Huỳnh, món mắm nhum được bày bán khá nhiều với giá 200.000-250.000 đồng/lít. Du khách có thể mua về để trong tủ lạnh dùng mỗi ngày.

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, Quangngai, ảnh internet

Hoàng Sa, ngày ấy không quên...

Quần đảo Hoàng Sa có nghĩa là "cát vàng" (tiếng Anh: Paracel Islands); là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo nằm cách miền trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines; cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 Hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.

Ngày xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đức cho số lượng là 120 đảo; sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo (Wikipedia).

Huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng cách bờ biển 390km về phía đông, song với những ngưòi đã từng sống một thời trai trẻ từ Hoàng Sa như ông Phát, ông Dân, ông Miễn... thì Hoàng Sa thật gần, thật thân thương.
.
Đo gió, nhìn trời Hoàng Sa
.
< Ông Nguyễn Giáo, nhân viên Ty khí tượng Hoàng Sa đang đo nhiệt độ, độ ẩm tại lều máy trạm khí tượng Hoàng Sa.

Tháng 2-1958, ông Ngô Tấn Phát nhận nhiệm vụ đi công tác tại Hoàng Sa theo nhiệm kỳ ba tháng. Các đồng nghiệp của ông trong Nha Khí tượng Sài Gòn lúc đó cũng đã từng mỗi người ra đảo vài lần, cứ đến lượt là đi. Mới ngoài đôi mươi, vừa được nhận vào làm quan trắc viên, lại chưa biết gì về đảo Hoàng Sa nên ông Phát hăng hái đi ngay. Chàng thanh niên Sài Gòn khăn gói ra Đà Nẵng, rồi cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng tình nguyện lên thuyền ra đảo.

< Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa (trước 1974).

Nhóm khí tượng ra công tác tại Ty Khí tượng Hoàng Sa mỗi kỳ có bảy người: bốn quan trắc viên khí tượng, hai truyền tin và một người làm công tác tạp vụ. Lúc quyết định đi ông Phát chỉ nghĩ đơn giản rằng làm nghề đo gió, nhìn trời như ông thì có dịp ra đảo xa cũng hay, không ngờ chuyến đi đó đã gắn bó với ký ức của ông suốt phần đời còn lại.
“Người say sóng nằm liệt sau một đêm dài đi biển, còn tôi may mắn vẫn tỉnh. Chính vì vậy mà tôi có cơ hội nhìn thấy được biển đêm, chứng kiến cảnh tàu cập Hoàng Sa giữa bình minh đầu tiên ở quần đảo, mặt trời đỏ mọc lên từ biển xanh mênh mông đẹp không có bút nào tả nổi”, ông Phát nhớ lại.

Ở nơi đón đầu những cơn bão thường xuyên từ biển Đông ập vào VN như Hoàng Sa, công việc của quan trắc viên túi bụi suốt ngày. Trong khi những người lính giữ đảo thảng hoặc vẫn lấy thuyền cao su chèo sang các đảo nhỏ xung quanh để chơi thì làm quan trắc viên như ông Phát bận bịu suốt ngày với công việc đo gió, nhìn trời.

Ông nói những gì ông và các đồng nghiệp quan sát, truyền vào đất liền để trở thành những bản tin dự báo thời tiết nóng hổi có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào nên ông không thể lơi lỏng một giờ. Ông yêu công việc này, yêu quần đảo mà ông mới sống cùng nó ba tháng, cho nên khi hết nhiệm kỳ ông đăng ký ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.
Về sau, ông quyết định xin về làm thám không ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng để có cơ hội được trở lại Hoàng Sa. Không ngờ chuyến đi công cán đáng nhớ của ông Phát ra Hoàng Sa năm đó đã làm ông gắn bó luôn với mảnh đất Đà Nẵng. Ông chuyển hẳn từ Sài Gòn về lập gia đình với một cô gái Đà Nẵng, sống luôn ở thành phố này cho đến nay đã ngoài 70 tuổi.

< Quân đội Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.

Đặc sản đảo xa

“18 lần ra làm việc tại Hoàng Sa là quãng đời đẹp nhất của tôi”, ông Võ Như Dân nói như vậy. Kỷ vật quí giá trong những ngày sống ở Hoàng Sa từ những  năm 1960 mà ông còn gìn giữ đến bây giờ là cái vỏ ốc tai tượng to bằng quả bóng, ông mang từ Hoàng Sa về phơi khô, đẽo và vẽ thêm vài chi tiết, nối dây điện vào làm thành chiếc đèn trang trí độc đáo. Bao nhiêu năm qua ông đặt chiếc đèn vỏ ốc ấy trang trọng trong tủ kính ở phòng khách để hằng ngày nhớ về những ngày ở đảo.

< Bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1930.

Ông có ý định tặng chiếc đèn ốc thú vị này cho gian trưng bày về Hoàng Sa của Bảo tàng Đà Nẵng, dù chiếc vỏ ốc này là cầu nối giữa ông với ký ức xa xăm bao năm mà ông đảm trách phần việc lao công ở Hoàng Sa để giúp những quan trắc viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
18 lần ra đảo làm lao công, một mình ông lo chuyện ăn uống cho cả bảy người của Ty Khí tượng Hoàng Sa. Ở đảo, ông tận dụng nước sinh hoạt ít ỏi để trồng bí đỏ, đu đủ, rau…. Hằng ngày ông còn tranh thủ đi đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn.

Hoàng Sa vắng vẻ, ngư trường nhiều cá nhưng không ai đánh bắt, thế là ông tha hồ câu cá. Câu cá trở thành thú vui đặc biệt của ông, một thú vui mà đến bây giờ mỗi khi nhớ về những ngày ở quần đảo, ông đều nhớ những lần câu cá giữa biển trời mênh mông.
< Ảnh quần đảo Hoàng Sa với những cơ sở quân sự, khí tượng của Việt Nam năm 1968.

Năm nào ông Dân cũng có mặt tại Hoàng Sa, mà lần nào cũng đúng mùa mưa bão. Có năm ông và cộng sự đón bảy trận bão ở Hoàng Sa, những cơn bão giật khiến những cơ sở được xây dựng kiên cố bằng bêtông ở đảo cũng rung rinh.

Những cơn bão giật dữ dội ở nơi đầu sóng ngọn gió ngày ấy đã giúp ông Dân thêm sức chịu đựng mà đến nay dù tuổi đã 70 ông vẫn không lo lắng gì mỗi lần có tin báo bão.

Ông nhớ có những lần đón tết ở Hoàng Sa, anh em ngồi lại chia nhau ít bánh trái ngày tết. Ai cũng buồn buồn nhìn xa xăm vào hướng đất liền và cảm thấy hạnh phúc vì đang phục vụ đất liền. Hỏi ông ví như bây giờ được tiếp tục ra Hoàng Sa công tác thì ông có đi không, ông không chần chừ: sẵn sàng đi vì ông đã có cả quãng đời tuổi xuân ở đó.
Hằng năm, cứ vào ngày “truyền thống” của những người đã từng đi Hoàng Sa, ông Dân lại có dịp gặp những đồng nghiệp năm xưa, và đó cũng là lúc ông Dân cùng mọi người ôn lại những năm tháng mà họ gọi là đẹp nhất trong đời.

18 năm ở Hoàng Sa

< Cơ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.

Ông Năm Miễn (Phạm Văn Miễn) dù đã 82 tuổi cũng mong mỏi có dịp trở lại Hoàng Sa một chuyến để ông trở lại với những năm tháng làm việc ở đó. Sinh năm 1922, hiện luôn đau yếu vì đủ thứ bệnh tuổi già, nhưng ông luôn nói rằng ước mơ lớn nhất của ông là thật khỏe để có dịp lại ra Hoàng Sa. Bởi ông Miễn là người ra làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 18 năm!
Trong 18 năm (1956-1974) làm việc ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, năm nào ông Miễn cũng có mặt ở Hoàng Sa, có năm ra đôi ba đợt. Hoàng Sa nằm trên vùng biển rộng 15km2, gồm 40 đảo đá, cồn san hô và bãi đá ngầm, đảo lớn nhất dài 900m, rộng 700m, song với ông Miễn thì hầu như thuộc lòng quần đảo ấy.

Ông Miễn có quá nhiều kỷ niệm về quần đảo mà ông đã từng gắn bó, kỷ niệm ấy được ông ghi thành nhật ký trong những ngày phục vụ ở đảo. Làm lao công ở đảo, ông trữ nước mưa, nuôi heo, trồng rau, đánh bắt cá… Chính vì có “nguồn thu” dồi dào này mà cứ mỗi lần thấy lính canh đảo ăn mắm vì thức ăn ở đất liền chưa chuyển ra kịp, ông đều mang thức ăn cho họ.

Hoàng Sa là nơi thường xuyên có tàu đánh cá của Trung Quốc và các nước ghé qua xin nước ngọt. Nước ngọt ở đảo là nước mưa được trữ trong những hồ xây lớn để dùng dần từ mùa này qua mùa khác, song khi thấy dân đánh cá các nước ghé lại xin nước trong ngặt nghèo, những người Việt đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa cũng sẵn lòng, bởi như lời ông Miễn nói, “cũng đều là người với nhau”.

Có lần mọi người ở đảo đào được một ché tiền với toàn là tiền thời Gia Long, ông nghĩ mai này nếu có điều kiện khai quật có lẽ sẽ còn phát hiện thêm nhiều hiện vật quí trên đất đảo. Rồi thấy cảnh tàu của chính quyền ra đảo để lấy phân chim, ông mơ ước mai này Hoàng Sa sẽ là mảnh đất tiềm năng kinh tế chứ không chỉ là quần đảo vắng bóng người. Đến bây giờ mơ ước ấy vẫn nguyên vẹn trong ông...

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre online, Quehuong, Datviet...

Quảng Ngãi - những điều mới biết

Nằm cạnh Quảng Nam - trọng điểm du lịch của miền Trung với 2 di sản văn hóa thế giới; Quảng Ngãi gần như chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam. Lâu nay, khách du lịch chỉ biết Quảng Ngãi có Khu di tích Sơn Mỹ (Sơn Tịnh) và gần đây có thêm Khu di tích bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ). Dân đi xe lửa Bắc - Nam thì biết Quảng Ngãi có cơm gà, đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương…

Rủ khách đi du lịch Quảng Ngãi thì được cười trừ kèm câu trả lời “Có gì đâu mà đi?”. Tôi đã từng đi khắp đất nước và nghiệm ra, chẳng có nơi nào ở Việt Nam mà không thể làm du lịch. Tài nguyên du lịch mỗi tỉnh thành đều có, cả tương đồng và khác biệt nhưng chỉ ở dạng tiềm năng, chưa thể khai thác hiệu quả ngay.

Dù đã đến và đi qua Quảng Ngãi mấy lần. Dù đã đụng cách làm việc máy móc và thiếu lửa của địa phương, tôi vẫn rủ anh em đi Quảng Ngãi khảo sát kỹ hơn và liều lĩnh bảo lãnh: “Nếu không có gì mới thì bỏ nghề”. Từ Sài Gòn chúng tôi bay ra Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam). Sân bay giáp ranh với Quảng Ngãi, máy bay nhỏ mà sân bay thì lớn. Mỗi ngày có 2 chuyến khứ hồi TP.HCM - Chu Lai, còn Hà Nội - Chu Lai thì cách ngày mới có.
.
Tổ hợp Chu Lai resort, Phi Trường resort nằm sát cạnh sân bay; giáp ranh Quảng Ngãi; được nối kết bởi Khu Du Lịch (KDL) Thiên Đàng có chung chủ đầu tư. Tổ hợp có bờ biển dài 12 km, nối biển Chu Lai (Núi Thành - Quảng Nam) với Khe Hai (Bình Sơn - Quảng Ngãi).

Biển chưa có khu dân cư  nên hoang sơ, đẹp và cực kỳ quyến rũ. Cùng lúc có thể tắm biển ở 2 tỉnh. Chu Lai resort ấn tượng  với tường bằng đá ong, phòng biệt lập, nhỏ nhất cũng 32m2.

Bên cạnh là Phi Trường resort với những bàn gỗ tròn và giường ngủ nguyên khối, dày hơn 2 tấc, có đường kính hoặc chiều dài gần 3m! Tiếp đó là KDL Thiên Đàng với rừng dương điệu đàng và từng cụm 4 - 5 phòng chung một khối nhìn ra biển. Đá và gỗ là những chất liệu tạo nên phong cách riêng cho tổ hợp. Ngoài bờ biển dài và đẹp, tổ hợp có khu bảo tàng tư nhân tầm cỡ châu Á với hơn 10.000 hiện vật.

Từ bộ sưu tập súng Thần Công, có cả súng Hỏa Hổ mà Nguyễn Huệ từng sử dụng trong cuộc tổng tấn công thần tốc, quét sạch hơn 200.000 quân Thanh xâm lược vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Từ những hũ tiền cổ đến bộ sưu tập gốm sứ Đồng Nai, gốm nung Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Đại Việt, bộ sưu tập đồng hồ cổ… Có những khối gỗ trầm hơn trăm ký, còn những khối gỗ hóa thạch nặng hàng tấn… Toàn cổ vật gốc, ai đến tham quan cũng sững sờ kinh ngạc.

Cách đó chừng mươi cây số là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, có diện tích 338 ha mặt đất và 471 ha mặt biển, công suất 6 triệu rưỡi tấn mỗi năm, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD. Doanh thu năm 2011 dự kiến 74.000 tỉ, đáp ứng 30% nhu cầu cả nước.

Hiện nay nhà máy đã mở cửa đón khách vào tham quan với những quy định nghiêm ngặt về an ninh và an toàn. Khách vào phòng chờ, xem phim tư liệu, nghe giới thiệu về ngành công nghiệp dầu khí và quá trình xây dựng nhà máy. Rồi được hướng dẫn lên đài Vọng Cảnh, phóng tầm mắt bao quát cả nhà máy hiện đại. Bằng ống nhòm, có thể thấy rõ các tàu dầu thô đang nhả hàng cách đó mấy cây số. Xe đưa khách dạo quanh nhà máy rồi xuống cảng xuất sản phẩm, ngắm nhìn những bồn chứa khổng lồ, những giàn lọc tối tân, những đường ống dẫn chằng chịt và cảng biển sầm uất mà không cần qua tận Brunei hay Ả Rập Xê Út.
Nếu có điều kiện thì dùng ca-nô vòng quanh vịnh, nhìn nhà máy và cảng từ trên biển và chụp hình với đê chắn sóng lớn nhất Asean. Đê dài 1.600m, cao 11m, sâu 18m, mặt đế đê dưới biển rộng 75m, mặt trên đê rộng 10m…

Quảng Ngãi có các bãi biển đẹp như Sa Huỳnh (Đức Phổ), Mỹ Khê (Sơn Tịnh), Minh Tân (Mộ Đức), Lệ Thủy, Khe Hai (Bình Sơn)… Nhưng điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi là đảo Lý Sơn. Từ cảng Sa Kỳ (Sơn Tịnh) ra đảo Lý Sơn chỉ 25 km - mỗi ngày có một chuyến tàu cao tốc, chở được hơn 100 người và một chuyến tàu chợ chở hàng và chủ hàng - chừng 50 người. Lý Sơn là huyện đảo rộng 9,97km2, dân số chừng 21.000 người, có 2 đảo và 3 xã. Đảo Lớn có xã An Vĩnh và An Hải, đảo Bé có xã An Bình. Đảo có nhiều miệng núi lửa, chỗ nào cũng có đá ong. Ven biển là các bãi đá đen, còn gọi là đá cháy vốn, là nham thạch núi lửa.

Đến Lý Sơn, tôi lại nhớ đảo JeJu - Hàn Quốc. Cũng có nhiều miệng núi lửa và toàn đá đen nhưng lớn hơn và cách họ làm du lịch thì tuyệt vời. Lý Sơn chỉ bằng 1/7 Jeju, biển đẹp hơn, nhiều món lạ nhưng du lịch gần như chưa có. Ra đảo phải ngủ lại đêm mà điện lúc không lúc có, toàn nhà nghỉ xập xệ. Đường hẹp, cả huyện chỉ có 4 xe 15 chỗ cà tàng. Tôi không hiểu tại sao cả nước không lo được cho Lý Sơn có điện như đất liền? Tôi chẳng hiểu tại sao các nhà đầu tư không sắm mấy chiếc ca-nô hoặc tàu nhỏ để chở  khách du lịch đi - về Lý Sơn trong ngày. Đi thuyền quanh đảo, bằng mắt thường, tôi cũng đã thấy vô số rạn san hô kỳ ảo, lung linh, hoành tráng...

Lý Sơn là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa, bảo tàng sống về chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở biển Đông với rất nhiều di tích và thắng cảnh. Âm Linh Tự và quần thể Mộ Gió - nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa và các chiến binh từng bỏ mình trên biển. Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch tự) trong hang đá tự nhiên, xây dựng cách đây hơn 300 năm. Chùa Đục, dưới chân miệng núi lửa, có tượng Phật Quan Thế Âm cao 27m nhìn ra đảo Bé. Đỉnh núi là miệng núi lửa, có giếng Tiên; đường lên đỉnh có 3 hang đá là những chùa nhỏ. Lý Sơn có nhiều kiến trúc cổ độc đáo.

Đó là quần thể đình làng An Hải, đền thờ Lăng Chánh, đền thờ Cá Ông, dinh Tam Tòa, dinh Bà Thiên Y Ana, các miếu tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng… Nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có nhiều hiện vật quý, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa. Chiều lên đỉnh Tò Vò ngắm hoàng hôn, còn sáng sớm đi xe ôm (đa phần là xe Honda 67) lên đỉnh núi Thới Lới đợi bình minh và xem Lý Sơn rộn rã ngày mới thì thật tuyệt. Thới Lới là miệng núi lửa khổng lồ, xưa có nguyên rừng cây cổ thụ, giờ chỉ còn bãi cỏ úa vàng, đang xây đập để giữ nước.

Gần đây Quảng Ngãi có thêm di tích quốc gia đặc biệt - Trường Lũy, làm bằng đá và đất, chạy dọc thượng đạo xưa, từ Trà Bồng - Quảng Ngãi đến An Lão - Bình Định. Cả công trình được tính toán công phu, sắp xếp khoa học, có hàng rào và hào chắn; bên trong là các đồn (lô cốt). Thành cao hơn 4m, rộng 2m5, không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn cả giao thông, kinh tế. Còn nhiều việc phải làm để biến Trường Lũy thành điểm hẹn của du khách. Quảng Ngãi còn có các danh thắng như núi và chùa cổ Thiên Ấn, mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, thành cổ Châu Sa, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh…

Ẩm thực Quảng Ngãi có nhiều món ngon nổi tiếng. Ngoài đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương… còn có tỏi Lý Sơn. Loại tỏi trồng trên cát lấy từ biển, nhỏ tép, chắc, có vị rất riêng. Các món cá bống trứng, cá thái bai sông Trà; đồn đột (một loại hải sâm) Lý Sơn tiềm thuốc bắc; gỏi cá cơm; don (cùng họ với hến) trộn xúc bánh đa; dưa hấu An Tiêm; nắm nhum; cơm gà… Loại nào cũng tươi rói và đậm đà hương vị Quảng Ngãi.

Tôi tin là nếu những người làm du lịch ở đây nỗ lực hơn và biết phối hợp với các đối tác thì du lịch Quảng Ngãi sẽ cất cánh. Quảng Ngãi sẽ là điểm hẹn kỳ thú với những ai thích vẻ hoang sơ của biển, cái độc đáo của các danh thắng, sự hấp dẫn của các món ngon và cả những tình cảm chân quê của bà con vùng biển.

Du lịch, GO! - Theo báo Thanhnien, ảnh internet

Du lịch bụi ở VN thật tuyệt!

Tôi thuộc típ người hướng ngoại, đó là một trong những lý do tôi thích đi du lịch bụi, tự mình tìm hiểu và khám phá các vùng đất được đặt chân đến. 

Nhớ lại chuyến du lịch bụi gần đây nhất tới vùng rừng núi phía Bắc VN, tôi và một số người bạn thân quyết định sử dụng xe gắn máy để được thoải mái ngắm nhìn mây trời, dừng lại và trò chuyện với bất kỳ ai mà chúng tôi muốn...
Bên cạnh sự háo hức khi được tắm suối, leo núi thỏa thích, được dịp ghi lại hết những khoảnh khắc khó quên trên các ngọn núi hùng vĩ, chúng tôi cũng vài lần trải qua cảm giác lo lắng vì bị lạc đường giữa chiều tối. Tuy vậy, mọi thứ cuối cùng đều ổn thỏa.
.
Dẫu chi phí để sống trong các khách sạn lớn, dùng những bữa ăn hoành tráng... hoàn toàn nằm trong khả năng, nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn cách sống cùng nhà với những người bạn dân tộc thiểu số, cùng họ dùng những bữa ăn dân dã, uống rượu và ngủ trên sàn nhà... Vốn tiếng Việt hạn chế không khiến câu chuyện giữa chúng tôi bớt rôm rả.

Tôi cũng cảm nhận được rất rõ sự hạnh phúc trong từng cử chỉ, vẻ mặt của những con người chân chất này. Mọi thứ tuy bình dị nhưng rất khó quên trong tôi.

Có người thắc mắc vì sao tôi là sếp của một công ty lớn, lại là người Pháp mà chọn cách sống quá đơn giản như vậy? Họ cho rằng người Pháp thường sống rất lịch lãm, quyền quý... huống hồ với một vị giám đốc thì đòi hỏi chất lượng sống càng cao hơn nhiều. Điều đó không hẳn chính xác.

Ở bất cứ xã hội nào cũng có nhiều típ người khác nhau, và không ít người Pháp chúng tôi tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong những gì giản đơn, dung dị nhất. Xin đừng đem ý kiến chủ quan áp đặt vào những thứ mà chúng ta chưa từng gặp.

Tôi từng tiếp xúc nhiều người Việt có hoàn cảnh gia đình không quá khá giả nhưng lại rất hạnh phúc, có lối sống cao quý và đầy tự trọng. Sự giàu có về vật chất và tinh thần là không phụ thuộc vào nhau.

Những chuyến du lịch bụi này theo quan điểm của tôi không chỉ vui mà rất cần thiết. Chúng khiến con người được sống trong một không khí gần gũi, thân thiết hơn với bạn bè và môi trường, để từ đó hiểu rõ hơn những giá trị sống, được tiếp xúc và bổ sung kiến thức về nhiều nền văn hóa khác nhau, biết cách rèn luyện bản lĩnh để sống sót trong những điều kiện không đầy đủ... Những thứ mà cuộc sống đô thị đã dần lấy mất ở người dân và người Việt dĩ nhiên không là ngoại lệ.

Ba năm sống và làm việc tại VN tuy không dài nhưng đọng lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Giờ đã đến lúc tạm biệt vùng đất này để quay lại quê hương, tôi dĩ nhiên sẽ rất nhớ nơi đây và đặc biệt nhớ những chuyến du lịch bụi của mình...

Pierre Lauzeral
(người Pháp, giám đốc điều hành một tập đoàn lớn tại VN)
CÔNG NHẬT ghi

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre

Du Lịch Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía Tây-Bắc có một địa danh khá nổi tiếng của Việt Nam: Buôn Đôn là cách gọi của người Êđê và Mnông, còn người Lào thì gọi là Bản Đôn (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương.

Lên Ban Mê đi bụi Buôn Đôn
Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.
Các đặc trưng tiêu biểu của Buôn Đôn:
.
Sông Serepok

Serepôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk dài 406 km . Đây là một chi lưu quan trọng của sông Mê kông. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông.

Cuối thế kỷ 19, khi đường bộ còn chưa phát triển, sông Serepôk là một trong những đường giao thương quan trọng trong vùng. Người Lào và Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông để đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với vùng cao nguyên Đắk Lắk của Việt Nam. Bản Đôn ngay từ ngày ấy đã trở thành một thương cảng sầm uất; nơi đây lúc ấy có thể ví như Hội An của Đà Nẵng hay Phố Hiến - Hưng Yên.

Cầu treo

Cầu treo buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn.

Đây là một cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắc trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằn trên cây. Khi đến đây, khách tham quan có thể đi trên cầu để hưởng cái cảm giác lắc lư theo nhịp chân hoặc nghỉ trên các sàn gỗ lơ lửng trên cây giữa dòng sông.

Nhà sàn cổ

Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Nhà đã có đến trên 115 năm tuổi; được làm hoàn toàn bằng các lọai gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm Xe, Cà Chít...

Trong nhà hiện trưng bày nhiều kỉ vật về cuộc đời và dụng cụ săn bắt voi của vua Voi Bản Đôn và những người kế tục

Trong lịch sử Buôn Đôn có những con voi vô cùng quý hiếm. Đó là 3 con Bạch Tượng, một cống nạp cho vua Thái Lan (cuối thế kỷ XVIII), một dành tặng vua Bảo Đại và một được Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng Hoà thu nhận.

Rượu A Ma Công

Được ngâm từ thang thuốc gồm độc nhất lá và thân, rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng già Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất hiệu qủa cho qúy ông và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn.

Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn, đến năm 2007 ông khoảng 90 tuổi vẫn đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Yu Nốb, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi.

Người Bản Đôn nói rằng với bài thuốc của mình năm 75 tuổi A Ma Công vẫn rất cường tráng còn lấy thêm người vợ thứ tư và đã sinh thêm được một người con trai.

Gà nướng Bản Đôn

Gà nướng Bản Đôn là một món đặc sản không thể không thưởng thức khi các bạn đến với Bản Đôn. Là loại “gà đồng bào” nuôi thả trong vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì, khi ăn chấm với muối sả và ớt cùng với cơm Lam.
Thơm nhất là con, ngon nhất là cơm

Nhiều người cho rằng, đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk; như vậy có thể nói Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của vùng Tây Nguyên trù phú này.

Du lịch, GO! - Theo Lenduong

Ráng chiều biển Xuyên Mộc

Nhắc đến Xuyên Mộc - Bình Châu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ít ai nghĩ đến biển mà thường nghĩ đến rừng, đến suối nước nóng. Một buổi chiều tà, có dịp đi dọc bãi Hồng Hà của vùng biển này, tôi có thêm một ấn tượng dễ thương về Xuyên Mộc - Bình Châu!
Bãi Hồng Hà nằm ngay ngã ba đường về thị trấn Long Hải, cách khu du lịch Lộc An hơn 6km. Còn rất hoang sơ, vắng vẻ, bãi Hồng Hà với khu du lịch đầy đủ tiện nghi là một chọn lựa tuyệt vời cho những ngày nghỉ cuối tuần thanh bình của bạn.

Khu du lịch Hồng Hà được xây như một khu nghỉ dưỡng với khách sạn, nhà mát hóng gió biển, hồ bơi, nhà ăn, bãi tắm… Giá phòng ở đây khá mềm, chỉ 250.000đ/ phòng đơn, 350.000đ/ phòng đôi, giá bungalow chỉ 700.000đ/ đêm. Trường hợp bạn muốn ở phòng tập thể 12 người hay muốn căng lều bên bờ biển để ngắm trăng sao, vui lửa trại thì giá còn “vừa túi tiền" hơn nữa.

Nhà bếp của khu du lịch Hồng Hà được du khách chấm điểm cao bởi thực đơn phong phú và nấu khá ngon, giá cũng mềm: ăn trưa, ăn tối chỉ khoảng 50.000đ/ thực khách với đủ ba món chiên, mặn, canh, xào. "Phòng ăn" của Hồng Hà là những căn nhà sàn tròn nằm sát bờ biển. Thật thú vị khi bạn có thể vừa ăn uống, chuyện trò, vừa ngắm những con thuyền lênh đênh trên sóng nước. Ban đêm, những căn nhà tròn này trở thành điểm sinh hoạt vui chơi cho khách du lịch.

Buổi sáng ở Hồng Hà, bạn hãy dậy thật sớm. Vừa được ngắm biển, ngắm trời đang bình minh, bạn vừa có thể đón những chiếc thuyền thúng đầy ắp cá tôm tươi rói trở về từ biển. Nếu thích, bạn có thể mua hải sản với giá rất mềm, nhờ nhà bếp chế biến tùy thích!

Một trong những cái thú đặc biệt của du khách đến với Hồng Hà là đi bắt chang chang (một loài nghêu nhỏ như ngón tay cái). Không hiểu sao chang chang ở vùng biển này lại nhiều thế. Theo hướng dẫn của những người dân địa phương, chúng tôi cũng rủ nhau bắt chang chang, rồi ngâm nước biển cho chúng nhả cát ra. Thịt chang chang xào với chút hành cần là một món “đưa cay” cũng thú vị, ngọt như thịt nghêu nhưng hương vị thì thơm hơn hẳn! Sẽ càng vui hơn nếu bạn “gặp may” mò trúng ổ sò lông, ốc mỡ… Có du khách trong một buổi chiều, bắt được hơn 100 con ốc mỡ, đủ để làm một buổi tiệc “tưng bừng”!

Chiều trên bãi Hồng Hà, bị cuốn vào cuộc vui bắt ốc, tìm chang chang, chợt ngẩng lên thấy ráng chiều ửng đỏ đủng đỉnh hòa vào mặt biển mênh mông, bỗng thấy sao mình thảnh thơi và thong dong lạ. Cái cảm giác được làm một con người tự do giữa trời, giữa biển sao mà sung sướng tuyệt vời!

Du lịch, GO! - Theo PNO

Chuyến phượt TPHCM - Lagi - Phan Thiết - Phan Rang (Phần 14)

Rời đồi cát vẫn còn cháy bỏng trong ánh nắng xế tà, bọn mình  chạy ngang qua chiếc xe chở khách du lịch đậu phía ngoài. Trên đó không còn ai vì nóng, mọi người ngồi túm tụm bên hàng hiên căn nhà bên cạnh đường, tay cầm nón phe phẩy.

Về nhưng dự định trong đầu: có lẽ sẽ trở lại đồi cát vào sáng mai, lúc trời còn mát. Thật ra nếu khách sạn mình ở có wifi thì chắc chắn là sau khi nghiên cứu lại bản đồ vệ tinh thì việc trở lại là hẳn nhiên do chỉ một hai đường vô mà thăm được đến mấy đồi cát, trắng lẫn đỏ. Rất tiếc vì no wifi nên hôm sau buông xuôi do thời gian dành cho các nơi khác...
Dù sao bọn mình cũng đã trái qua và nhờ vậy tường tận rõ hơn đường đi nước bước, có lẽ phần nào giúp ich cho những bạn sau này muốn đến các động cát, đồi cát tại Ninh Thuận. Một điều khác mình xin nhắc lại là những đồi cát nơi đây hoang sơ thật nhưng quy mô thì không thể bằng đồi cát Trinh Nữ hay Mũi Né đâu nhé.
.
< Chạm trán với "sư đoàn bò".
Về thì còn sớm chán nên bọn mình ghé xuống chổ này thưởng thức đặc sản Ninh Thuận: Tới đây mà không ăn thịt dê thì cũng xem như chưa biết Phan Rang đầy đủ.

Đa phần dân sành ăn dê cả nước bỏ phiếu bình chọn cho dê Phan Rang, Ninh Thuận là ngon nhất. Dê vốn ăn tạp, thích ăn rong nên vô tình tích lũy những dược tính quý từ thảo mộc. Dê Phan Rang vẫn còn là dê nhà nghèo, thường ngày được người chăn lùa chúng lên núi hoặc đến những bãi xương rồng tự tìm cái ăn.
< Món dê né.

Dê Phan Rang nổi tiếng là thơm mềm ngọt mà không nơi nào trong cả nước có thể so sánh được. Do dê  được nuôi theo cách truyền thống là chăn thả, đem đến cho người dùng một hương vị rất ngon. Có điều buồn cười là ngay ngày hôm sau: bọn mình tá hỏa khi được chiêm ngưỡng thức ăn của dê bên... bờ đê. À, thôi sẽ kể sau nhé.
< Thẩy xu: giá không mềm như thịt dê, he he...
Hai lon bia khiến người sần sần, bọn mình chạy ra đoạn bờ đê sông Dinh (có người gọi là sông Cái) - Đường bờ đê này có tên là Dã Tượng nhưng hỏi người địa phương thì người ta không biết, chỉ biết đường... bờ đê.
< Kẻ lãng du.
< Chiều tà, hoàng hôn xuống nhanh lắm.
< Và tấm ảnh cuối của một ngày - xem như bọn mình đã tiêu pha hết ngày thứ 4 của chuyến đi, nhanh thật!
< Đây là hình ảnh buổi bình minh sáng hôm sau, pà xã chụp trong buổi sớm đi bộ thể dục.
< Các trẻ em địa phương cũng thích tắm sớm.
< Lấy xe đi ăn sáng, tiện thể Pà xã chụp  Phật Bà trên núi.
< Lúc vòng ngược về, mình thấy bà đã hiển linh.
Đây là đường Trường Chinh.
Lúc này quên bén chuyện đồi cát, chắc do no lòng nên no cả cảnh?
Vậy là tụi này hướng về Khánh Hải, qua cầu Tri Thủy...
Đây chính là con đường theo ven biển dẫn đến Nhơn Hải, Thái An và quanh co đèo dốc tới tận con vịnh nhỏ nổi tiếng đẹp là Vĩnh Hy.
Vĩnh Hy thì bọn mình đã đi trong chuyến "Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên, Bình Lập"...
... Lúc đó thì con đường nối Vĩnh Hy - Bình Tiên vẫn thi công nhưng chưa đi được...
Bây giờ thì đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy có thể chạy bằng xe gắn máy được rồi nhưng hoàn chỉnh phải chờ vài năm nữa.

Một đỗi xa rồi bọn mình quay lại, Vĩnh Hy đường đẹp nhưng mới đi chưa lâu mà...
< Vào cảng cá bên sông, sông này thông vô Đầm Nại, cầu Tri Thủy cũng vắt ngang sông này - Cảng nằm gần cửa biển.
< Chạy luông vào các ngóc ngách gần đó...
... với ý định ra bờ kè cửa biển, nghe nói đẹp lắm.
Bí đường vì các hẻm nhỏ nên phải quay ra. Có lẽ nếu vứt xe ở nhà thì có thể ra tít bờ kè ngoài cửa biển được rồi.

Phượt sồn vậy đó: mấy hôm đầu còn xông xáo nhiều, ít bữa sau thì sức tàn lực kiệt, toàn là "đứt ngang xương"!

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 (cuối)

Điền Gia Dũng - Blog Du lịch, GO!