Biển Sầm Sơn, Thanh Hóa là sự hòa quyện giữa một vùng biển đẹp, nước trong đến lạ kỳ, vào những ngày đẹp trời bạn có thể nhìn thấy cát trắng mịn dưới làn nước trong xanh, cùng với dãy núi Trường Lệ tạo nên không gian chẳng nơi nào có được.
Với bãi biển chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, đây là nơi tắm biển rất tốt. Biển Sầm Sơn với bãi cát vàng thoai thoải, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.
Sầm Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp như: hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước... Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường. Dân làng khóc thương nàng, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ, có nghĩa là nước mắt dài.
Từ trong bụng người mẹ đó sinh ra cậu bé khôi ngô, chẳng bao lâu sau đã trở thành một chàng trai vạm vỡ, sức khỏe phi thường hàng ngày giúp đỡ dân làng.
< Hòn Trống Mái.
Cũng vào thời điểm này xuất hiện một loài thủy quái thường ăn thịt ngư chài mỗi khi ra biển, lúc lại vào làng sát hại dân lành, khiến nhiều người hoang mang, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống. Để diệt bầy thủy quái giúp dân làng, chàng trai đã dùng thanh kiếm sắc rạch thân mình ra làm hai: một nửa cùng dân làng ra khơi đánh cá, nửa còn lại đứng ở đầu dãy núi Trường Lệ, từ đó bọn thủy quái không còn xuất hiện nữa. Dân làng ngày một đông vui, cá đầy khoang sau mỗi lần ra biển. Nhớ ơn chàng, dân làng xây đền trên núi Trường Lệ, gọi là đền Độc Cước. Từ đền Độc Cước, bạn có thể tận hưởng gió trời lồng lộng mang theo vị mặn của biển. Xa xa, những làng chài nấp sau rặng phi lao hát vi vu trong gió.
Theo con đường lượn trên sườn núi Trường Lệ, chúng ta bắt gặp ba hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn từ bao đời nay, như thách thức với thời gian và sóng gió. Đó là hòn Trống Mái, biểu tượng thủy chung của tình yêu. Chuyện rằng ở vùng Sầm Thôn có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng. Vào một buổi chiều, khi thuyền đã cập bến trời bỗng nổi cơn giông dữ dội, giữa không trung một cánh cò trắng sức cùng lực kiệt lao xuống vũng Tiên. Thấy vậy, chàng Ngư Phủ mang cò về chăm sóc, từ đó cò ở lại cùng chàng.
Như mọi ngày, chàng Ngư Phủ ra biển quăng chài; cò ở nhà một mình trong lòng rất vui sướng bởi hôm nay là hết hạn đội lốt cò và được trở về tiên giới. Cò trở thành một người con gái nhan sắc tuyệt trần nhưng nàng không trở lại thiên đình làm tiên nữ mà nguyện ở lại trần gian. Ngư Phủ trở về, ngạc nhiên khi thấy nhà cửa gọn gàng, cơm canh đã ở trên mâm mà vắng bóng cò như mọi khi. Chàng buồn rầu, bỗng từ trong liếp nàng bước ra e lệ cúi chào..., cuộc thiên duyên giữa chàng Ngư Phủ và một tiên nữ đã trở thành hiện thực. Chốn thiên đình, hết hạn phải làm kiếp cò mà vẫn chưa thấy con gái trở về, hay tin nàng kết hôn với người hạ giới, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình sai người xuống trừng phạt.
Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ nàng trở về trời, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt thì đôi chim non kia biến thành đá đứng trơ trơ. Phiến đá đó người dân gọi là hòn Trống Mái. Đó là biểu tượng của tình thủy chung, là khát khao hạnh phúc, được sống trong tình yêu mà người xưa đã khéo léo gửi gắm vào đất trời nơi đây.
Khoảng năm phút đi bộ, du khách đến một ngôi đền nhỏ, nằm cheo leo trên đỉnh núi, đó là đền Cô Tiên. Ngày xưa, ở làng Kẻ Trường có một chàng trai tên Côi, mồ côi cha mẹ nhưng có tấm lòng thương yêu, giúp đỡ mọi người. Đã ngoài hai mươi nhưng vẫn chưa thành gia thất, chỉ lo chuyện chài lưới. Một hôm, khi anh đi biển về, có người con gái nhà giàu nhìn anh đắm đuối, muốn được kết duyên cùng anh. Vượt qua đẳng cấp, họ đến với nhau mặc cho bố mẹ cô gái cản ngăn. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì chị mắc bệnh hủi, một trong tứ chứng nan y, khiến các ngón tay rụng hết. Thương vợ, anh Côi đã vượt núi tìm thuốc chữa bệnh cho vợ, anh gặp một cụ già, nghe chuyện thương tình cụ giúp vợ chồng anh.
Vợ Côi khỏi bệnh, các ngón tay mất nay mọc trở lại. Từ đó, chị lên rừng lấy lá cây làm thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Một hôm, vợ chồng anh Côi sang bên kia núi chữa bệnh, khi trở về thì trời đã tối, vượt qua núi thì trời đổ mưa, anh chị lấy chiếc nải mà ông cụ cho để che đầu. Chờ mãi cơn mưa chưa tạnh, anh chị thiếp đi lúc nào không hay, khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở trong một ngôi nhà xinh xắn, lộng lẫy khi ánh nắng mặt trời phản chiếu. Từ đó, anh chị ở hẳn đây chữa bệnh cứu người. Hôm ấy, một ngày đẹp trời, vợ chồng anh Côi đi lên đỉnh núi và không thấy trở về. Dân làng đồn rằng chị là tiên giáng trần. Ngôi nhà của anh chị được dân làng Kẻ Trường quét dọn, nhang khói, nay trở thành ngôi đền mà nhân dân vẫn gọi là đền Cô Tiên...
Cùng với đền thờ Tô Hiến Thành trên núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Sầm Sơn đã đẹp lại càng đẹp bởi được điểm tô thêm bằng những câu chuyện huyền thoại lung linh, thắm đẫm tính nhân văn. Đó cũng là khát khao của con người luôn muốn vươn tới cái Chân, Thiện, Mỹ.
Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thuỷ hữu tình, biển cả bao la đầy chất thơ cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách của người dân nơi đây. Biển Sầm Sơn hứa hẹn một kỳ nghỉ hè đầy hấp dẫn và lý thú.
Du Lich Thanh Hoa, Samson.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét